Chơi game để rồi bị “quật” thì chắc chắn chỉ có thể là anh Hùng Vũ, một nhân vật vô cùng thân thiết và quen thuộc đối với cộng đồng Nhà Nhện. Đến với podcast Người Trong Muôn Nghề, khi được host Andy hỏi về 5 món đồ gắn bó với anh Hùng Vũ trên con đường trở thành người làm game, anh Hùng Vũ đã nhắc ngay tới một bộ trò chơi điện tử 4 nút, phần mềm làm game, chiếc laptop, chiếc bàn phím và một cái ví rỗng.
Với 4 món đồ đầu tiên thì có lẽ ai ai cũng có thể liên tưởng tới nghề làm game của anh Hùng Vũ. Nhưng với món đồ thứ 5 là chiếc ví rỗng thì lại là một sự kỳ lạ lớn. Chẳng nhẽ làm game lại là công việc tốn kém đến mức khiến vị khách mời quen thuộc của cộng đồng Spiderum không có một đồng nào trong túi?
Nếu tò mò về ý nghĩa của cả 5 đồ vật được anh Hùng Vũ nhắc tới thì khám ngay trong cuộc trò chuyện dưới đây của Human Of Spiderum nhé!
*      *
*
Hùng Vũ: Sự lựa chọn đầu tiên là bộ trò chơi điện tử 4 nút. Nhắc tới món đồ này, đây như một cái duyên giúp anh tìm đến với game. Trước kia, bố anh làm công việc nghiên cứu nên được cơ quan cấp cho một chiếc máy tính. Cũng vì tò mò sử dụng nên bố anh cũng cài một số game, đặc biệt là “DOOM”, trò chơi anh với bố chơi cùng nhau rất nhiều. Sau đó, mặc dù không hề đòi hỏi nhưng bố mẹ anh đã mua cho anh bộ trò chơi điện tử 4 nút. Việc mua bộ trò chơi này giống như việc bố mẹ thời hiện đại bây giờ cho con chơi điện thoại hay ipad để lũ trẻ không nghịch ngợm, quậy phá trong lúc họ làm việc. Có thể nói bộ trò chơi điện tử là cột mốc dẫn dắt anh tới với con đường game.
Hùng Vũ: Món đồ thứ hai là một phần mềm làm game không chuyên dành cho những người có sở thích về trò chơi điện tử có tên là GameMaker. Khi anh học lớp 7 và được sở hữu một chiếc máy tính mới, chú thợ cài đặt máy tính có tặng anh một cái đĩa phần mềm trong đó có phần mềm GameMaker phiên bản thứ 8.
Nếu nói ngắn gọn đây là cột mốc đáng nhớ của anh khi tại thời điểm đó, mình tìm hiểu một cái phần mềm không hoàn toàn là game nhưng lại rất vui. Ở tuổi còn khá nhỏ nhưng anh đã được trải qua cảm giác sáng tạo, làm những thứ mà nó có thể vận hành khiến anh rất hứng thú với việc làm game.
Sau đấy, thỉnh thoảng khi bố mẹ vắng nhà anh rút dây điện thoại để sử dụng dial up internet nhằm mục đích lên các diễn đàn tìm hiểu. Những người dùng trên các diễn đàn đó thường chia sẻ các bài hướng dẫn sử dụng phần mềm để mình có thể làm theo và thử nghiệm. Mặc dù dung lượng tải về khá lớn và ngốn rất nhiều tiền điện thoại của bố mẹ nhưng thực sự đây là quãng thời gian mà anh có được nhiều trải nghiệm quý báu.
Hùng Vũ: Với món đồ thứ ba của anh là chiếc laptop, đây là món đồ anh được bố mẹ chuẩn bị trước khi anh đi du học. Khi sang nước ngoài và trong thời gian học, anh vẫn tiếp tục làm việc với phần mềm GameMaker. Đây như hiện diện cái tôi riêng của anh, song hành với việc học tập, anh vẫn tìm hiểu và mò mẫm về việc làm game. Mặc dù cấu hình chiếc laptop này khá yếu nhưng hiện tại anh vẫn đang sử dụng cho một số công việc. Chiếc laptop này cũng nhắc nhở anh về cái tôi âm ỉ cháy trong thời gian mà mình đang theo học một cái ngành mà mình không đặt ra.
Andy: Tại sao sau khi theo học ngành Quản Trị Kinh Doanh ở nước ngoài, trở về Việt Nam anh lại làm về game?
Hùng Vũ: Trong giai đoạn đầu tiên khi anh học đại học ở nước ngoài, anh cũng đã từng nghĩ đến chuyện từ bỏ sở thích làm game của mình. Áp lực từ bố mẹ, bạn bè, những người xung quanh… khiến anh cảm thấy làm game cũng chỉ là một trò trẻ con, không có quá nhiều giá trị. Sau khi qua một vài biến cố cá nhân, anh tự hỏi mình là tại sao mình cứ cố theo đuổi những thứ phù phiếm và không phù hợp với bản thân. Giây phút đó, anh lại mở chiếc máy tính lên, tiếp tục làm con game mà mình đang dang dở. Anh nhận ra rằng mình không lừa dối bản thân nữa, anh phải theo đuổi cái thứ đã ám ảnh từ khi anh còn học cấp 2. Đây mặc dù là điểm xoay chuyển lớn nhưng anh không có đủ dũng cảm để nói chuyện với bố mẹ, từ bỏ việc học để chuyển sang tìm hiểu về game và làm game.
Sau khi hoàn thành việc học tập và trở về Việt Nam, anh cũng nói chuyện với bố mẹ về mong muốn theo đuổi công việc làm game. Vậy là anh bắt đầu làm game.
Hùng Vũ: Món đồ thứ 4 chính là chiếc bàn phím. Có thể nói chiếc bàn phím là biểu tượng cho một giai đoạn suy nghĩ của anh về ngành nghề này. Khi mới bước chân vào ngành game một cách nghiêm túc, anh có khá nhiều quan điểm cực đoan. Từ đấy nó dẫn đến việc anh lên mạng trở thành một “Anh hùng bàn phím”, tranh luận rất là nhiều với các đàn anh ở trong ngành. Nhìn chung, ở thời điểm sơ khai của ngành game thì sự mâu thuẫn giữa các thế hệ đi trước và đi sau khá lớn. Nhưng khi đã làm việc trong ngành này một vài năm, mình mới thấy được bức tranh toàn cảnh và mọi thứ đều có lý do của nó.
Khi hiểu ra điều đó, mình cũng bớt “trẻ trâu” hơn. Chiếc bàn phím nhắc nhở cho anh là mình đã từng có những quan điểm trái chiều, có những suy nghĩ đi ngược lại với số đông… nhưng quan trọng nhất là mình đã trưởng thành hơn sau đó. 
Sự trưởng thành của anh cũng giống như sự phát triển của ngành game tại Việt Nam. Thị trường ngành game của Việt Nam đã học hỏi rất nhiều từ các thị trường lớn khác trên thế giới. Ở thời điểm trước, không có nhiều sản phẩm thuần việt và cũng phải chấp nhận thực trạng đó bởi hiện thực thị trường lúc đó rất khó để phát triển. Đến bây giờ, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Thị trường làm game ở Việt Nam đang trên đà để lên đỉnh.
Từ đó, các cơ hội hiện nay rất nhiều và vô cùng. Chỉ đơn giản một vài bước như lên Facebook và tìm kiếm thì những công việc làm game với mức lương ổn định có rất nhiều. Thậm chí trào lưu về game blockchain cũng đang nở rộ góp phần tạo ra nhiều cơ hội mới.
Andy: Trong ngành game có rất nhiều công việc khác nhau dành cho người làm game. Vậy công việc hàng ngày của anh Hùng là gì?
Hùng Vũ: Với mỗi dự án game sẽ có những file tài liệu mô tả tính năng và góc nhìn tổng thể. Công việc của anh là cập nhật liên tục các tài liệu đấy để phản ánh đúng tình trạng sản phẩm đồng thời đưa ra các yêu cầu cho bên kỹ thuật hay họa sĩ để thực hiện các hoạt động cụ thể. Công việc này sẽ không liên quan đến chơi game như nhiều người tưởng tượng.
Andy: Một câu hỏi mà nhiều bạn trẻ sẽ tò mò đó là học gì để trở thành một game designer?
Hùng Vũ: Câu trả lời này tùy thuộc vào mỗi trường phái. Cá nhân anh khuyên các bạn nên theo đuổi và học lập trình. Đây là bước đệm đầu tiên để vào ngành game. Tất nhiên có những bạn theo đuổi họa sĩ vẫn có thể bước chân vào công việc làm game. Tuy nhiên để đạt được một con đường phát triển sự nghiệp toàn diện thì việc lập trình là một điều tuyệt vời để bắt đầu. Lập trình sẽ giúp các bạn ý nhận ra nhiều vấn đề, nhìn nhận ở các góc độ khác nhau.
Andy: Chúng ta đã đi qua 4 đồ vật bao gồm bộ trò chơi điện tử 4 nút, phần mềm làm game, chiếc laptop, chiếc bàn phím. Đến đồ vật thú vị nhất là chiếc ví rỗng, tại sao anh lại lựa chọn một chiếc ví mà không có gì cả.
Thật ra cái ví của anh không rỗng và hiện tại cũng đủ tiền mua sữa cho con. Nhưng như anh đã chia sẻ, con đường theo đuổi ngành game của anh khá là chắc trở và đặc biệt là thu nhập bất ổn. Việc anh học trái ngành hay có quan điểm cực đoan cũng khiến con đường tới với ngành game của anh thêm phần khó khăn. Cái ví rỗng như một sự kết luận anh đặt ra. Bản thân mình có thể tự thay đổi, tự trưởng thành hơn để đi đến những hướng tư duy đúng đắn khiến cái ví của mình hết rỗng. Mình cũng cần phải làm được những thứ mà nó đúng với hiện thực đã rồi sau đấy bản thân mình mới có được những kinh nghiệm cần thiết có những cái hiểu biết. Rồi sau đó mình mới có đủ các điều kiện để mình có thể đạt được những cái lý giường mà mình đưa ra.
Khám phá ngay podcast Người Trong Muôn Nghề chủ đề ngành game TẠI ĐÂY:https://b.link/NTMN-HungVu
Đăng ký theo dõi Kênh Người Trong Muôn Nghề tại:
- Youtube: https://youtube.com/NgườiTrongMuônNghề
- Anchor: https://anchor.fm/nguoi-trong-muon-nghe
- Spotify: https://b.link/spotify-NTMN
Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions