HỒI ỨC DU HỌC SINH - PHẦN 9 - TÌM VIỆC LÀM SAU TỐT NGHIỆP
Quá trình tìm việc làm toàn thời gian của mình sau tốt nghiệp ở Hà Lan và một số nước châu Âu (đối với ngành Luật) quả thực không hề...
Quá trình tìm việc làm toàn thời gian của mình sau tốt nghiệp ở Hà Lan và một số nước châu Âu (đối với ngành Luật) quả thực không hề đơn giản.
Mình phải nói rõ là đối với ngành luật thì việc tìm kiếm việc làm sẽ khó hơn một số ngành nghề khác mà mình biết. Lý do là gì mình sẽ đề cập chi tiết ở dưới.
Dự định
Cơ bản thì thời điểm mình bắt đầu đi học, mình đã xác định trước tâm lý là sẽ cố tìm việc ở nước bạn. Một phần là mình muốn trải nghiệm được cảm giác thực sự làm việc ở môi trường hoàn toàn nước ngoài sẽ như thế nào. Một phần khác, là vì mình cũng muốn có cơ hội để ở lại lâu dài. Mình không giấu diếm ý định này, nên ngay từ lúc sang mình cũng cố gắng tìm hiểu trước về thị trường lao động bên Hà Lan đối với ngành luật của mình. Dĩ nhiên, mình không kiểu cố sống cố chết để ở lại, mà có được việc thì mình ở lại, còn không thì sẽ về Việt Nam.
Nhưng thực tế lại không bao giờ như là dự định.
Tìm việc thực tập...
Nói sơ qua một chút, mình không chỉ tìm việc toàn thời gian mà mình cũng dự định tìm cả việc thực tập nữa. Mình bắt đầu quá trình tìm việc từ tháng 1/2020, thời điểm mình bắt đầu viết luận văn và có nhiều thời gian để tìm việc.
Tuy nhiên, tưởng dễ mà không dễ. Đối với việc thực tập, gần như tất cả các công ty đều yêu cầu bạn phải còn là sinh viên thì mới được thực tập. Tức là, mình mà muốn thực tập, mình phải bắt đầu luôn từ tháng 1/2020 chứ không phải đợi đến khi tốt nghiệp (là tháng 7) như mình dự tính. Mà nếu bắt đầu luôn mình cũng chịu chết, vì dù kỳ 2 mình học nhẹ nhàng hơn, thì mình vẫn phải đến lớp, vẫn phải dành thời gian nghiên cứu viết luận văn. Trong khi đó, các chỗ tuyển thực tập đều yêu cầu thực tập 32-40 tiếng/tuần.
...rồi tìm việc chính thức
Ok, vậy mình sẽ tìm kiếm việc chính thức. Nhưng cái này thì cũng không tưởng. Mình biết trình độ và vị trí mình ở đâu, nên khi tìm mình cũng tìm các công việc vừa sức, và mình không thiếu nhiều điều kiện mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Dù vậy luôn có ít nhất 1 điều kiện mà mình không thể đáp ứng: biết tiếng Hà Lan. Nhiều chỗ tuyển dụng họ không nói rõ việc là phải biết tiếng, nhưng gần như đấy là một điều kiện bất thành văn. Không có điều kiện này, gần như rất khó cạnh tranh các ứng viên khác. Mình từng tham gia một workshop cho các sinh viên quốc tế ở trường của mình về thị trường lao động ở Hà Lan, và vấn đề này có được đề cập trong workshop đó.
Mình có từng nói chuyện trao đổi về công việc với một bên tuyển dụng khi họ tiếp cận mình cho một công việc tiềm năng. Sau khi hỏi sơ bộ, họ đề cập việc mình có biết tiếng Hà Lan không. Họ có nói là việc mình không biết tiếng Hà Lan sẽ là bất lợi của mình, nếu mình chỉ hoàn toàn dựa vào tiếng Anh. Cho dù mình bảo là mình sẽ tích cực học và trau dồi tiếng Hà Lan, nhưng họ cũng nói là cơ hội cho mình sẽ không lớn (thẳng thắn thế là tốt!).
Vì sao? Trong ngành luật, bạn biết chút tiếng thì dĩ nhiên giao tiếp sẽ dễ hơn và công việc tư vấn cũng sẽ đơn giản hơn đôi chút. Bạn sẽ cần biết chút tiếng để có thể nghiên cứu cũng như đọc được luật của họ. Vì lý do này mà nhiều công việc mình thấy mình đủ điều kiện ứng tuyển nếu xét trên kinh nghiệm làm việc, nhưng phần lớn các công ty đều trả lời là sẽ không gọi mình cho vòng tiếp theo.
Mình mở rộng phạm vi tìm việc ra một chút, là tìm việc ở Pháp, Đức, Luxembourg hay Bỉ. Nhưng vẫn là vấn đề về ngôn ngữ. Nhiều nơi sẽ thích (prefer) việc ứng viên biết thêm một ngôn ngữ nữa để có thể giao tiếp được với các luật sư hoặc khách hàng ở nước đó. Mình có thể có kinh nghiệm làm việc, có thể có bằng thạc sĩ, nhưng chính ngôn ngữ là rào cản cho mình. Mình liệt kê danh mục gần 30 công ty mình nộp hồ sơ, và rồi kết quả nhận được là tay trắng.
Chấp nhận thực tế
Cuối cùng, mình đành chấp nhận thực tế là mình không thể tìm được việc ở đây. Ước mơ (hay là giấc mộng nhỉ?) được làm việc và có thể định cư ở châu Âu tan thành mây khói.
Ngành của mình hơi đặc thù, vì mình làm về mảng tư vấn luật trong lĩnh vực doanh nghiệp và tài chính ngân hàng. Vì thế, việc cần biết tiếng là điều dễ hiểu. Nhưng ở mảng luật sở hữu trí tuệ, thì mình cũng có một số bạn bè có xin được việc ở châu Âu. Ngoài ra, ở một số ngành nghề khác (ví dụ, ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin hay nghề nhân sự (human resources)), tìm việc ở Hà Lan cũng đỡ vất hơn ngành của mình. Vì thế, tìm kiếm việc làm ở Hà Lan (hay ở các nước châu Âu) là khả thi, chỉ có điều nó không dành cho tất cả mọi người, trong đó có mình.
Đôi khi mình tự hỏi: không biết các bạn du học sinh khác có như mình không? Các bạn có lăn tăn việc tìm kiếm việc làm, và có mong muốn được ở lại lâu dài ở nước bạn không? Không biết liệu các bạn có đắn đó về việc “đi và ở lại” hay “đi để trở về”? Với mình, nếu có cơ hội, chắc chắn mình sẽ không bỏ qua. Nhưng cơ hội đã không đến, và có lẽ, khi mình đã ở Việt Nam rồi, cơ hội sẽ không còn đến nữa.
Nhưng không sao, đôi khi mình cũng nên chấp nhận thực tế, là mình chưa đủ “trình” để đạt được một điều gì đó. Và đó sẽ là động lực cho chính bản thân mình trong tương lai.
OK, ngắn gọn vậy thôi, phần tới mình sẽ nói về một lợi thế lớn khi đi học ở châu Âu, đó là du lịch.
Hẹn gặp lại!
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất