COP LÀ GÌ?
Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu là một hội nghị thường niên tổ chức trong khuôn khổ Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC). Các hội nghị này là nơi họp mặt chính thức của các Bên tham gia UNFCCC (Hội nghị các bên, COP) để đánh giá quá trình đương đầu với biến đổi khí hậu, và bắt đầu vào giữa thập niên 90, đàm phán Nghị định thư Kyōto để xây dựng những nghĩa vụ ràng buộc về pháp lý để các nước đã phát triển giảm lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia mình.
Kể từ năm 2005, Hội nghị cũng đồng thời là "Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto" (CMP); đồng thời thành viên của Công ước khung mà không phải thành viên của Nghị định thư cũng có thể tham gia vào các cuộc họp liên quan tới Nghị định thư trong vai trò là quan sát viên.
Kể từ năm 2011, các cuộc họp đã được sử dụng để đàm phán Thỏa thuận chung Paris như là một phần của hoạt động Durban platform cho đến khi hoàn thành vào năm 2015, và sau đó một con đường chung hướng tới các hành động chống lại biến đổi khí hậu đã được tạo ra.
NHỮNG TƯ LIỆU CẦN BIẾT
Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change, UNFCCC hoặc FCCC) là một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED), thường được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất diễn ra tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14 tháng 6 năm 1992. Mục tiêu của hội nghị là "ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu".
Nghị định thư Kyōto là một nghị định liên quan đến Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu tầm quốc tế của Liên Hợp Quốc với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bản dự thảo được ký kết vào ngày 11 tháng 12 năm 1997 tại “Hội nghị các bên tham gia lần thứ ba” khi các bên tham gia họp nhóm tại Kyōto, và chính thức có hiệu lực vào ngày 16 tháng 2 năm 2005.
Kể từ tháng 9 năm 2011 đã có khoảng 191 nước ký kết tham gia chương trình này. Trong đó có khoảng 36 nước phát triển (với liên minh châu Âu được tính là một) được yêu cầu phải có hành động giảm thiểu khí thải nhà kính mà họ đã cam kết cụ thể trong nghị trình (lượng khí này chiếm hơn 61,6% của lượng khí của nhóm nước Phụ lục I cần cắt giảm). Nghị định thư cũng được khoảng 137 nước đang phát triển tham gia ký kết trong đó gồm Brasil, Trung Quốc và Ấn Độ nhưng không chịu ràng buộc xa hơn các vấn đề theo dõi diễn biến và báo cáo thường niên về vấn đề khí thải.
Thỏa thuận chung Paris là một thỏa thuận tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc 2015 trong khuôn khổ của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) chi phối các biện pháp giảm carbon dioxide từ năm 2020. Thỏa thuận này đã được đàm phán trong Hội nghị lần thứ 21 của các Bên của Công ước Khí hậu ở Paris và được thông qua ngày 12 tháng 12 năm 2015. Người đứng đầu Hội nghị Laurent Fabius, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, nói kế hoạch "đầy tham vọng và cân bằng" này là một "bước ngoặt lịch sử" trong mục tiêu giảm sự nóng lên toàn cầu. Một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi không sẵn sàng ký thỏa thuận, bao gồm điều kiện mà họ cho là sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế của mình.
NHỮNG HỘI NGHỊ COP TIÊU BIỂU
COP 3 diễn ra vào 12/1997 tại Kyoto, Nhật Bản. Sau các cuộc thương thảo quyết liệt, các nước tham gia đã thông qua Nghị định thư Kyoto, thứ vạch ra các nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính cho các quốc gia thuộc phụ lục A, cùng với thứ được gọi là các cơ chế Kyoto như mua bán phát thải, cơ chế phát triển sạch và việc thực thi cùng nhau. Các quốc gia công nghiệp hóa nhất và một số nền kinh tế trung Âu đang trong thời kì quá độ (tất cả được liệt kê là các quốc gia Phụ lục B) chấp thuận việc giảm ràng buộc về mặt pháp lý lượng phát thải khí nhà kính với mức giảm trung bình 6 tới 8% dưới mức năm 1990 từ trong khoảng thời gian 2008–2012, được gọi là giai đoạn ngân sách phát thải đầu tiên.
COP 11 (hay COP 11/CMP 1) diễn ra từ 28/11 tới 9/12 năm 2005, tại Montréal, Québec, Canada. Nó là cuộc Họp các Bên (CMP 1) đầu tiên đối với Nghị định thư Kyoto kể từ cuộc gặp ban đầu tại Kyoto năm 1997. Nó là một trong những hội nghị liên chính phủ lớn nhất về biến đổi khí hậu từng diễn ra. Sự kiện này đánh dấu việc Nghị định thư Kyoto bắt đầu có hiệu lực. Đăng cai với hơn 10.000 đại biểu, nó là một trong những sự kiện quốc tế lớn nhất của Canada và là sự kiện lớn nhất quy tụ tại Montreal kể từ Expo 67. Kế hoạch Hành động Montreal là một thỏa thuận trong việc "gia hạn hiệu lực của Nghị định thư Kyoto qua năm 2012 (năm Nghị định thư hết hiệu lưc) và đàm phán về những cắt giảm sâu hơn trong việc phát thải khí nhà kính".
COP 21 được tổ chức tại Paris từ 30/11 tới 12/12 năm 2015.  Các cuộc đàm phán đã đem lại kết quả là việc thông qua Thỏa thuận chung Paris vào ngày 12 tháng 12, quản lý các phương thức giảm biến đổi khí hẩu từ năm 2020. Việc thông qua thỏa thuận này đã kết thúc công việc của Durban platform, thứ được xây dựng tại COP17.

NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VĂN KIỆN NÀY

Tuy Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu là cốt lõi của hội nghị COP nhưng bản thân công ước này không ràng buộc giới hạn phát thải khí nhà kính cho các quốc gia đơn lẻ và không bao gồm cơ chế thực thi. Do đó công ước này là không bắt buộc về mặt pháp lý. Thay vào đó công ước cung cấp một bộ khung cho việc đàm phán các hiệp ước quốc tế cụ thể (gọi là "nghị định thư") có khả năng đặt ra những giới hạn ràng buộc về khí nhà kính.
Vì vậy, nghị định thư Kyoto ra đời. Nghị định thư Kyōto là một cam kết được tiến hành dựa trên các nguyên tắc của Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Nghị định thư Kyōto được đệ trình trong phiên họp thứ ba của Hội nghị các bên tham gia nằm trong Chương trình khung về vấn đề biến đổi khí hậu được tổ chức vào năm 1997 tại Kyōto, Nhật Bản.
Hầu hết những điều khoản trong Nghị định thư là yêu cầu dành cho các nước công nghiệp phát triển - được liệt vào nhóm Phụ lục I trong UNFCCC, và không có hiệu lực đối với các nguồn khí thải đến từ lãnh vực hàng không và hàng hải thuộc phạm vi quốc tế.
Những nguyên tắc chính trong Nghị định thư Kyoto
Nghị định được ký kết bởi chính phủ các quốc gia tham gia Liên hiệp quốc và được điều hành dưới các nguyên tắc do tổ chức này qui ước. Các quốc gia được chia làm hai nhóm:
1. nhóm các nước phát triển - còn gọi là nhóm Phụ lục I (vốn sẽ phải tuân theo các cam kết nhằm cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính) và buộc phải có bản đệ trình thường niên về các hành động cắt giảm khí thải
2. nhóm các nước đang phát triển - hay nhóm các nước nằm ngoài Phụ lục I (không chịu ràng buộc các nguyên tắc ứng xử như Phụ lục I nhưng có thể tham gia vào Chương trình cơ cấu phát triển sạch).
Các quốc gia thuộc Phụ lục I không đáp ứng được yêu cầu đặt ra như trong bản ký kết sẽ phải cắt giảm thêm một phần ba lượng khí vượt mức cho phép trong thời hạn hiệu lực tiếp theo của nghị định thư.
Kể từ tháng 1 năm 2008 đến hết năm 2012, nhóm nước Phụ lục I phải cắt giảm lượng khí thải để lượng khí thải ra thấp hơn 5% lượng khí vào năm 1999.  Quy ước này sẽ hết hạn vào năm 2013.
Nghị định thư Kyōto cũng cho phép một vài cách tiếp cận linh hoạt cho các nước Phụ lục I nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải bằng cách cho phép các nước này mua lượng khí cắt giảm được từ những quốc gia khác. Điều này có thể đạt được dưới hình thức tài chính hay từ những chương trình hỗ trợ công nghệ cho các nước nằm ngoài Phụ lục I (vốn có tham gia vào Chương trình cơ cấu phát triển sạch - CDM) để các nước này hoàn thành mục tiêu đã ký kết trong Nghị định thư, trong đó chỉ có những thành viên được chứng nhận CER trong Chương trình cơ cấu phát triển sạch mới được phép tham gia.
Trong thực tế, điều này có nghĩa là các nền kinh tế nhóm nước đang phát triển tham gia Kyōto Protocol không bị bắt buộc phải giới hạn lượng khí thải gây ra, nhưng một khi chương trình cắt giảm khí thải được xúc tiến ở các quốc gia này nó sẽ nhận được một lượng hạn ngạch carbon cho phép (Carbon Credit), vốn có thể bán cho các nước Phụ lục I. Quy định này xuất hiện trong Nghị định thư do:
1. Có dấu hiệu lo ngại rằng chi phí bỏ ra cho mục tiêu được ký kết trong Nghị định thư là quá đắt đối với các nước Phụ lục I, đặc biệt là các nước đã đầu tư rất hiệu quả cho việc bảo vệ môi trường trên đất nước họ và đã đạt tiêu chuẩn môi trường sạch. Vì lý do đó Nghị định thư cho phép những nước này mua lượng hạn ngạch carbon cho phép (Carbon Credit) từ các nước nhóm nước đang phát triển tham gia Kyōto Protocol trên thế giới thay vì tiến hành nâng cấp tiêu chuẩn môi trường trong nước.
2. Điều này được xem như một công cụ hiệu quả nhằm khuyến khích các nước nhóm nước đang phát triển tham gia Kyōto Protocol giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính (phát triển bền vững), hơn nữa điều này là rất kinh tế vì lượng đầu tư vào các quốc gia nhóm nước đang phát triển tham gia Kyōto Protocolsẽ tăng lên thông qua việc mua bán hạn ngạch carbon cho phép (với điều kiện các nước này phải tham gia vào chương trình cắt giảm khí thải qua chương trình CDM).
Mục tiêu chính của Nghị định thư Kyoto: Mục tiêu được đặt ra nhằm "Cân bằng lại lượng khí thải trong môi trường ở mức độ có thể ngăn chặn những tác động nguy hiểm cho sự tồn tại và phát triển của con người vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của môi trường".
Các bên ủng hộ cho cũng nhấn mạnh rằng Nghị định thư Kyōto phải là bước đầu tiên vì các điều kiện để thỏa mãn Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu sẽ được liên tục cân nhắc sửa đổi cho phù hợp nhất để hoàn thành mục tiêu cân bằng khí thải ở mức độ thích hợp cho sự phát triển của con người.