1. Hồi bé, lâu lâu mẹ lại luộc gà vào bữa cơm tối.
Nhà có hai anh em, luộc xong mẹ cắt cho mỗi thằng một cái đùi đưa cho ăn trước để đợi đến lúc cơm chín. Cầm cái đùi gà luộc nóng hổi trên tay, chạy ra phòng khách vừa gặm, vừa xem Những bông hoa nhỏ, vừa hỏi ông anh đủ thứ trên trời dưới biển. Rồi mỗi khi mẹ làm gà, lại rình rình ra xin, mẹ lần nào cũng chửi nhưng chưa bao giờ không lúi húi cắt ra miếng thật to cho hai anh em mình.
Mấy chục năm sau, lang thang, ăn biết bao sơn hào hải vị, những bữa cơm tiếp khách vài chục triệu cũng có, nhưng chưa bao giờ cảm thấy có thứ gì ngon như cái đùi gà luộc mẹ làm, cứ thắc mắc vởi bản thân mình mãi.
Lớn lên, chợt nhận ra cái đùi gà đó vốn dĩ chẳng khác gì những cái đùi gà khác trên đời, nhưng có điều, nó được làm bằng sự chăm sóc của mẹ; được nêm bởi gia vị là sự vô tư, háo hức khi được ăn mà chẳng nghĩ ngợi gì và được ăn cùng tiếng cười của ông anh...
Chợt nhận ra rằng, món ăn tuyệt vời nhất trong đời con người, vốn dĩ không phải vì nó là ngon nhất, mà là ký ức về nó là sâu đậm nhất. Với mình, đó là những cái đùi gà luộc, những miếng sườn rán vớt sớm mà mẹ cho hai anh em trước mỗi bữa cơm tối ngày xưa, mỗi khi hai thằng đi chơi về, có lẽ chẳng bao giờ có lại được sự vô tư ngày đó nữa...
---------------------------------------------
2. Hồi bé, cứ khi hè về, lại ngong ngóng bố cho cả nhà đi du lịch cùng cơ quan bố.
Bố mẹ mình là quân nhân, vì vậy các mùa hè tuổi thơ mình đều gắn liền với các khu lưu trú của quân đội, và hầu như năm nào nhà mình cũng đi Sầm Sơn, và ở đúng một khu duy nhất.
Khi còn nhỏ, mình bị say xe dạng chết đi sống lại, say đến mức đi ngang qua cái ô tô là say, say lên bờ xuống ruộng, cứ lên xe là gối đầu lên đùi mẹ nằm như một thằng chết rồi, để đến khi mẹ vỗ dậy bảo "Biển kìa" là bật dậy ngó ra ngoài, vui sướng reo lên "Bố ơi, cái nhà khách kìa!"
Cái nhà khách
Nó là những dãy nhà với những căn phòng cũ kỹ, giường quân đội trải chiếu đặt song song thẳng hàng nhau, với những thanh gỗ móc đầu giường để mắc màn;
Nó là dãy hành lang dài hun hút, phía sau là bể nước bỏ hoang toàn tiếng ve kêu;
Nó là cái tầng thượng mà chỉ trèo lên là nhìn thấy biển từ xa;
Nó là cái sân cỏ mọc um tùm, rộng thênh thang mà bọn trẻ con mình chạy đuổi nhau đến mệt lử;
Nó là cái nhà ăn tập thể với những món ăn hầu như không bao giờ thay đổi trong cả chục năm;
Nó là những tiếng cười nói, những khuôn mặt thân thuộc của những người trong đoàn mình ngày đó;
và Nó là nơi năm lên 9 tuổi, lần đầu tiên, và có lẽ là lần duy nhất trong đời mình được nghe bố mẹ hát karaoke cùng nhau, "Lời của gió"...
Lớn lên, đi đây đi đó, nước nọ nước kia, khách sạn resort đủ cả, thế nhưng chẳng thể bao giờ tìm được nơi nào bình yên như vậy cả... Vẫn chỉ là hai từ "Ký ức" mà thôi.
---------------------------------------------
3. Hồi bé, bố hay dạy mình đủ thứ "chả có ích lợi gì cả".
Bố mình là một người xuất chúng, một trong những số ít hiếm hoi của thế hệ được cử sang học tập ở nước ngoài. Có lẽ vì thế mà bố mình biết khá nhiều ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh.
Khi cô giáo ở trường còn đang dạy mình phải đọc là Thanh kiu, Gút bai, thì bố bắt mình phải đọc là Thánh Kìu với cả Gụt bai với chữ i kéo dài. Bố bảo nói tiếng Anh phải có ngữ điệu, phải có luyến láy và quan trọng là phải tự tin. Trong suy nghĩ mình lúc đó, nó "chả có ích lợi gì cả" vì cô giáo bảo thế kia là được rồi. Cứ thế, cứ thế, cả tuổi thơ mình chống lại sự "tào lao" đó với bố, ròng rã mười mấy năm, bố cứ cần mẫn, kiên nhẫn dạy mình, bằng lời và cả bằng roi vọt nữa. Chẳng ăn thua với con bò trong mình.
Tuổi thơ, gia đình mình sống trong kỷ luật thép của quân đội, bởi bố mẹ đều là sĩ quan và bố thì nghiêm khắc kinh khủng khiếp.
Bố bắt mình khi nhai phải ngậm miệng, không phát ra tiếng;
Bố bắt mình khi ăn phải đặt hai tay lên bàn, tuyệt đối cấm chan canh ăn cơm, lưng thẳng, mắt nhìn vào người đối diện khi được hỏi trong bữa ăn.
Bố bắt mình phải tập kiểm soát âm lượng khi phát biểu, bố bắt mình phải tập cười, tập nhìn và cảm nhận cảm xúc của người mình đang nói chuyện.
Bố bắt mình bắt tay phải chặt, bàn tay phải khô khi bắt tay...
... Tất cả những điều "chả có ích lợi gì cả" bố dạy mình từ năm 10 tuổi... Mình cam chịu làm theo bởi lệch với bố là tự động ăn đòn gần chết, nhưng bất mãn vô cùng cực...
Năm 27 tuổi, cuộc đời bắt đầu xô đẩy mình vào sự nghiệp ngoại giao, giao thiệp với đủ loại thành phần. Những cuộc gặp với cấp lãnh đạo Tỉnh, Sở, Ngành triền miên, những cuộc thương thảo thương vụ hàng trăm tỉ, những deal xanh, deal đỏ, deal cổ cồ hay deal đen cứ thế cuốn lấy mình. Thành công hay thất bại nếm không thiếu cái gì, thế nhưng mình luôn được đánh giá cao bởi đối tác qua tư thế ngoại giao và sự tự tin. Họ khen mình bắt tay đúng thông điệp, họ bảo mình lắng nghe và tôn trọng họ ngay cả từ những cử chỉ trong bữa ăn, họ bảo mình truyền được cảm xúc trong ngữ điệu khi đàm phán...
Hóa ra, những thứ "chả có ích lợi gì cả" mà bố dạy ngày đó đã được thấm vào máu mình từ khi còn là thằng nhóc 10 tuổi, hơn 20 năm sau lại trở thành những kỹ năng sống còn tối quan trọng trong cuộc sống hiện tại và cả sự nghiệp tương lai của mình...
Khi bàng hoàng nhận ra những điều đó, khi biết đó là những hành trang mà người đàn ông nào cũng mong chờ được bố mình trang bị cho trước khi vào đời, cũng là lúc nhận ra người sĩ quan năm xưa đó đã gần 70 tuổi, và chưa một lần được mình nói lời cảm ơn...
Con cảm ơn bố, giờ con hiểu rồi...
---------------------------------------------
Có những điều mà Hồi bé thấy thật tào lao, thật bình thường, mà Hồi lớn thấy vô giá vô cùng, mà không có cách nào lấy lại được cả...
Điều đau lòng nhất, là khi thời gian để trưởng thành của những người con không nhanh bằng thời gian già đi của bố mẹ...
---------------------------------------------
Kính tặng Đại Tá,
Kính tặng Trung Tá,
Những người đã nuôi dạy con thành người...