HỘI CHỨNG PETER PAN: KHI MỘT ĐỨA TRẺ KHÔNG BAO GIỜ MUỐN LỚN
Mỗi chúng ta chắc hẳn đều đã từng gặp những người mang hình hài của một người trưởng thành nhưng trong suy nghĩ, hành động của họ lại...
Mỗi chúng ta chắc hẳn đều đã từng gặp những người mang hình hài của một người trưởng thành nhưng trong suy nghĩ, hành động của họ lại vô cùng "trẻ con", hoặc chính chúng ta đôi khi trong cuộc sống cảm thấy quá khó để chấp nhận mình phải trưởng thành, phải đối diện với những nỗi lo, những gánh nặng của người lớn, ...? Việc chối bỏ sự trưởng thành đó là một hội chứng tâm lý mang tên "Peter Pan".
Khái niệm hội chứng Peter Pan
Hội chứng Peter Pan là hội chứng chỉ những người không muốn hoặc cảm thấy không thể trưởng thành. Hiện nay, hội chứng Peter Pan có thể được chẩn đoán khi một cá nhân xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng. Tuy nhiên, rối loạn này vẫn chưa được WHO chấp nhận và chưa được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ công nhận là rối loạn tâm thần.
Hội chứng Peter Pan có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, nhưng đàn ông thường mắc hội chứng này nhiều hơn.
Biểu hiện
1. Dễ tự ái
Những người mắc hội chứng Peter Pan dễ tự ái. Họ cần người khác quan tâm đến cảm xúc của họ nhưng bản thân họ lại không màng đến cảm xúc của người khác. Họ dễ nổi giận chỉ vì người khác bày tỏ quan điểm không giống mình và luôn cho rằng những người xung quanh đang công kích họ. Mức độ nhạy cảm và giới hạn cái tôi quá cao khiến họ không cho phép người khác chạm vào lòng tự trọng của họ dù chỉ một chút.
2. Không thể xử lý xung đột trong mọi trường hợp
Những người mắc hội chứng Peter Pan thường phản ứng với xung đột theo 2 cách:
Chạy trốn: Im lặng trước cuộc thảo luận, rời khỏi nhà hoặc khóa mình trong căn phòng và làm bản thân xao lãng bằng những việc khác,… Giống như đứa trẻ khi sợ hãi thường hay bịt mắt và tin rằng thứ làm chúng sợ sẽ biến mất.
Trả đũa: Trước một cuộc tranh luận hoặc cãi vã, nếu không chạy trốn, người mắc Hội chứng Peter Pan sẽ phản ứng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Họ sẽ nói hoặc làm những điều tổn thương bạn giống như cách mà họ đang cảm thấy bị tổn thương.
3. Ghét bị từ chối và sợ hãi sự cô đơn
Như một đứa trẻ, họ luôn sợ bị bỏ rơi bởi những người thân yêu nhất của mình. Mỗi khi bị từ chối, họ sẽ cảm thấy thế giới dường như bị sụp đổ.
4. Thiếu tự tin
Người mắc hội chứng này thích tìm đến thế giới tưởng tượng – một thế giới tốt đẹp và mọi chuyện luôn diễn ra dễ dàng – vì bản thân họ ghét bị ràng buộc bởi những khó khăn của người trưởng thành.
5. Rất khó thể hiện cảm xúc
Để bảo vệ bản thân khỏi những tổn thương, họ có xu hướng thể hiện thái độ “không quan tâm” và có xu hướng né tránh những yếu tố có thể gây đau đến họ.
6. Cảm giác qua loa, hời hợt khi làm việc
Những người mắc hội chứng Peter Pan thường chỉ làm việc khi cảm thấy thích và chỉ có hứng thú trong một thời gian nhất định, sau đó sẽ cảm thấy chán. Hầu hết các Peter Pan thường không có công việc ổn định, họ phụ thuộc kinh tế vào gia đình.
7. Không thích tham gia thiết lập mạng lưới quan hệ, gặp khó khăn với đồng nghiệp
Kết quả là họ cảm thấy cực kỳ đơn độc. Họ có xu hướng thích việc làm ổn định, dễ dàng, không có chí tiến thủ, tránh việc khó, ngại thay đổi,… Thậm chí, một số người còn không có khả năng tự kiếm việc làm.
8. Đeo đuổi những giấc mộng hão huyền
Tuy đã lớn song tâm hồn và biểu hiện bề ngoài vẫn như trẻ con. Họ có những giấc mơ không phù hợp với thực tế. Hơn thế nữa, những người mắc hội chứng Peter Pan có biểu hiện này thường phóng đại những giấc mơ hão huyền lên và không cho phép ai xâm phạm vào giấc mơ của mình. Thực tế thì họ vẫn không phấn đấu và chỉ có thể tưởng tượng mỗi ngày.
9. Thường cho mình là trung tâm của vũ trụ
Họ hi vọng sẽ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt trong tất cả mọi thứ, luôn tự hào vào khả năng của bản thân và bằng mọi cách phải đạt được một thành tựu nào đó. Không quan tâm hay tôn trọng cảm xúc của những người xung quanh, luôn tìm kiếm lời khen ngợi và nghĩ rằng tất cả mọi người đều ghen tị với mình.
10. Hay đổ lỗi cho người khác
Họ không giữ lời hứa và không xem đó là điều quan trọng. Họ không chịu trách nhiệm trước bất kỳ hành động nào của mình và nếu có điều gì sai, họ sẽ nhanh chóng đổ lỗi cho người khác.
11. Quá phụ thuộc vào người khác
Những người mắc hội chứng Peter Pan có biểu hiện này luôn cần ai đó chịu trách nhiệm cho hầu hết những vấn đề quan trọng nhất trong cuộc sống. Họ liên tục gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định trong cuộc sống hàng ngày và cần quá nhiều lời khuyên, sự trấn an từ người khác trước khi thực hiện bất kỳ nhiệm vụ. Họ không thể tự chăm sóc tốt cho bản thân, thay vào đó họ cố gắng sống và dựa dẫm vào sự chăm sóc của gia đình gốc hoặc người bạn đời của họ.
12. Tránh những thứ như hôn nhân hay trẻ con
Trong tình yêu, những người mắc hội chứng Peter Pan thường rất vô dụng trong những tình huống cần xử lý như một người lớn. Họ cũng không muốn gắn kết hôn nhân lâu dài nên sẽ có xu hướng “yêu qua đường” và có thể sẽ từ bỏ nếu đối phương muốn kết hôn hay có ý định chung sống lâu dài với họ.
Nguyên nhân
Không có một nguyên nhân đơn lẻ nào cho hội chứng Peter Pan. Tuy nhiên cũng có một số giả thuyết về con đường hình thành hội chứng Peter Pan được tổng hợp, bao gồm:
1. Cắm chốt giai đoạn Oedipus
Cắm chốt là gắn bó quá mức về tình cảm vào một người hay một đồ vật. Từ đây cũng có thể lý giải vì sao những người đàn ông thường có tỉ lệ mắc chứng Peter Pan cao hơn những người phụ nữ. Những người phụ nữ thường có xu hướng gắn bó với cha, có thể đồng nhất hóa với các tính cách mạnh mẽ, trụ cột trong gia đình. Ngược lại, đối với những người đàn ông thường có xu hướng gắn bó với người mẹ, có thể có những tính cách như yếu đuối, thích nương tựa.
2. Tổn thương thời thơ ấu
Khi còn nhỏ những người mắc hội chứng Peter Pan có thể thường xuyên bị những đứa trẻ khác giễu cợt, bêu rếu, không ai quan tâm đến suy nghĩ hay cảm nhận của họ. Bên cạnh đó, họ cũng từng bị nhiều người khác coi thường, nhất là người lớn. Điều này khiến họ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề, dẫn đến việc họ trở nên thiếu tự tin, thậm chí là tự ti trong quá trình phát triển sau này.
Hơn nữa việc bị gia đình bắt ép phải sống theo quy tắc nhất định, không được làm theo ý mình khiến họ cảm thấy bất lực và luôn phải miễn cưỡng thực hiện mọi thứ theo mong muốn của bố mẹ. Dần dần họ trở nên phụ thuộc vào gia đình, không thể tự mình cáng đáng, xoay xở những chuyện phức tạp. Cũng vì điều này, khả năng tương tác với người khác và kỹ năng xử lý tình huống của họ ở mức kém dẫn đến học gặp khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ sau này.
3. Thiếu sự hướng dẫn các kĩ năng trưởng thành
Cha mẹ bao bọc, trái lại, có thể khiến bạn cảm thấy thế giới của người trưởng thành thật đáng sợ và đầy rẫy khó khăn.
Ngoài ra, cha mẹ bảo vệ con cái quá mức có thể tạo ra sự phụ thuộc, vì họ không cho phép chúng phát triển những khả năng cần thiết để đối mặt với những vấn đề của cuộc sống một mình. Mặt khác, sự cho phép cao từ phía cha mẹ cũng có thể dễ mắc phải hội chứng này.Khi đứa trẻ được phép làm những gì chúng muốn một cách vô tổ chức và khi đạt được điều đó, chúng có nhiều khả năng phát triển niềm tin rằng ở tuổi trưởng thành chúng có thể tiếp tục làm điều tương tự. Những cha mẹ quá dễ dãi thường không thiết lập nhiều (hay bất kì) giới hạn nào cho hành vi của trẻ.
Hơn thế nữa, nếu cha mẹ chăm sóc nhu cầu tài chính của con cái đến tận giai đoạn tiền trưởng thành và không bao giờ kỳ vọng con mình sẽ làm việc để có được những thứ nó muốn, có lẽ bọn trẻ sẽ không thể hiểu được tại sao bây giờ nó cần phải làm việc.
4. Hoài niệm
Họ mong muốn được quay lại để sống trong hoàn cảnh lúc nhỏ ấy thêm 1 lần nữa. Một người khi dành thời gian quá nhiều nhìn lại quá khứ quá nhiều dẫn đến họ có thể không nhìn thấy những gì ở phía trước và họ cảm thấy sợ hãi trước những thay đổi của cuộc sống hiện tại.
Hiện nay, hội chứng Peter Pan chưa được công nhận là một rối loạn tâm lý nên không có phương pháp điều trị cụ thể. Tuy nhiên tâm lý trị liệu có thể được coi là lựa chọn tốt để cải thiện hội chứng này.
Tham khảo:
Theo dõi những bài viết khác tại Instagram: @oof.mh
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất