Nhiều người cho rằng, chỉ những người rảnh rỗi, thích nói chuyện với người lạ mới sử dụng Tinder, nhưng với trải nghiệm và góc nhìn của mình, Tinder lại cho mình bài học cơ bản về xây dựng thương hiệu cá nhân.
(Bài viết của mình sẽ không cung cấp những kiến thức chuyên sâu về xây dựng thương hiệu cá nhân, mà sẽ dựa trên quan điểm cá nhân của mình thôi).
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet
Mục đích ban đầu mình chơi Tinder là để kiếm người yêu, mình cũng từng đặt kì vọng khá nhiều cho những cuộc trò chuyện với người lạ trên Tinder. Trong quá trình sử dụng Tinder, bỏ qua trường hợp “match” nhưng không nhắn tin, mình từng có những trải nghiệm như:
+ Cả hai không tương đồng về mục đích sử dụng Tinder nên không muốn nhắn tin tiếp.
+ Quẹt bừa (có thể vì người kia có vẻ ưa nhìn trong mắt mình) nên cả hai nói chuyện không “ăn nhập” gì với nhau.
+ Đang nói chuyện thì một trong hai người không còn hứng thú nữa nên tự “rút lui” (không nhắn tin nữa).
... 
Sau nhiều lần gặp những tình huống như thế và gặp một vài người đúng một lần duy nhất, đây là những bài học mình nhận ra khi sử dụng Tinder:

1. “Bạn sẽ thu hút những người bạn đã gửi tín hiệu đến vũ trụ”.

Ngoài những tiêu chí của người bạn mong muốn gặp được điều chỉnh trên Tinder như khoảng cách, tuổi, giới tính,..., theo mình đọc trên trang Vox.com, những người Tinder đề xuất cho bạn quẹt được dựa trên đặc điểm của những người bạn từng quẹt phải hoặc những người được người có cùng cách xây dựng profile giống như bạn quẹt phải. 
Mặt khác, mỗi người sẽ có mục đích và gu người mình muốn gặp riêng, vì vậy, cách bạn thể hiện mọi thứ trên Tinder sẽ thu hút một số đối tượng nhất định và ngược lại. Theo kinh nghiệm của mình thì những người có cùng mục đích, sở thích, đặc điểm,...được thể hiện trên bio hoặc hình profile của bạn.
Vậy nên, cũng như việc xây dựng thương hiệu, hãy thể hiện một cách nhất quán (consistency) mong muốn của bạn khi chơi Tinder, đây là một số gợi ý của mình dành cho bạn:
Hình profile:
Chọn hình profile không quá đẹp, nhưng cũng không được quá sơ sài: Để gặp người bạn mong muốn thì từ lúc quẹt, hình ảnh trên profile là “điểm chạm” đầu tiên giữa bạn và người mình quẹt trên Tinder. Hãy nhớ “mây tầng nào gặp mây tầng đó”. Ngoài ra, không nhất thiết phải chọn hình có mặt của mình, bạn cũng có thể chọn hình thể hiện sở thích của mình để thu hút những người có cùng sở thích hoặc người bạn kia cũng biết bạn là người có xu hướng thế nào.
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet
Mục đích sử dụng Tinder của bạn là gì?
Thể hiện mục đích sử dụng Tinder giúp bạn tìm được những người bạn cùng chí hướng với mình, từ đó giúp bạn dễ dàng tìm những người bạn “hợp cạ” hơn.
Bạn muốn có trải nghiệm gì với những người bạn mà bạn mong muốn gặp trên Tinder? (ví dụ: đi ăn uống, hẹn hò, tìm người tâm sự, chia sẻ cuộc sống, “tình một đêm”,...)
Hãy nói chuyện dựa trên mục đích, bio nhé, vì khi đó bạn thể hiện được sự nhất quán của mình. Nếu người bạn kia không có cùng ý định với bạn thì “okay fine”, cùng lắm người ta tự động ngưng nói chuyện với mình hoặc tự mình im lặng với người ta thôi, rồi mình tìm người khác để nói chuyện. Còn nếu họ có cùng ý định với bạn, thì về cơ bản mình đã tìm được người có cùng chí hướng với mình rồi.
Bạn là người thế nào?
Một trong những thứ giúp con người tạo dựng được những mối quan hệ đó là cơ sở điểm chung mà hai người hay nhiều người có với nhau. Bởi đơn giản là những điểm tương đồng giúp những người xa lạ có thể dễ dàng kết nối với nhau hơn.

2. Hãy đưa ra các tiêu chí “quẹt phải” để tăng khả năng gặp “đúng người”

Ban đầu mình chơi Tinder mình cũng không suy nghĩ gì nhiều, sau đó mình gặp những trường hợp “lãng xẹt” vì cả hai không “ăn nhập” vào đâu và đôi lúc mình còn bị dẫn dắt bởi những người không cùng ý định ban đầu của mình nữa. Sau một thời gian trải nghiệm và suy ngẫm lại, mình nhận ra đó là vì khi quẹt mình không đưa ra được những tiêu chí cụ thể, bởi bên cạnh mục đích sử dụng Tinder thì còn những thứ cụ thể khác mình cần chú ý đến để tìm những người có cùng suy nghĩ với mình và từ đó khả năng mình gặp người có những đặc điểm của người mình muốn gặp nhiều hơn. 
Đây là những quan điểm và tiêu chí của mình khi “quẹt phải” một người trên Tinder, mọi người có thể tham khảo và tự đưa ra các tiêu chí “quẹt phải” phù hợp cho mình nhé:
Hình profile: Rất quan trọng, vì hình profile là thứ mình nhìn đầu tiên rồi mới đến bio. Vì mình thích dạng con trai chỉnh chu, trông có thiện cảm, không cần ăn diện và không thể hiện vật chất (mình cũng không giàu, cũng không hay ăn diện quá nổi bật) nên chỉ cần hình profile người ta ăn mặc đơn giản, gọn gàng, không khoe khoang và nhìn vẻ ngoài tạm được. Bên cạnh đó, mình không phải dạng yêu động vật, ý ở đây là mình không hứng thú với chúng và cũng không có ý định ăn những động vật không được nuôi theo kiểu công nghiệp như chó, mèo,...vì vậy bạn/anh nào tỏ ý thích chó, mèo thì đa phần mình cũng quẹt trái.
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet
Ảnh minh hoạ: Nguồn Internet
Bio (phần giới thiệu bản thân): Cũng quan trọng không kém hình profile, vì ngoài hình ra, thứ gây ấn tượng đầu tiên với mình là bio. Đây là những tiêu chí bio của người bạn kia khiến mình quyết định có quẹt bạn hay không:
- Bio để trống thì mình chắc chắn quẹt trái: cơ bản vì mình khá chú trọng nội dung của người bạn đó. Mặt khác, mình thuộc dạng sẽ bắt chuyện từ bio, vì vậy nếu bio để trống thì mình chẳng biết phải bắt chuyện từ đâu cả. Cá nhân mình khi làm bạn với ai đó, mình luôn muốn chia sẻ về tư duy và suy nghĩ của bạn mình trong những cuộc trò chuyện. Vậy nên, chắc chắn nếu bạn ấy không ghi gì trên bio thì mình sẽ “quẹt trái” thẳng luôn.
- Bio để Instagram, Facebook, số điện thoại,...nói chung là bất kì một cách thức nào khác để liên lạc khi không thể match với nhau: Cơ bản là nếu bạn ấy thật sự hứng thú với mình thì bạn sẽ quẹt phải mình thôi, mình không cần phải cố gắng nhắn với bạn qua một kênh nào khác. Mặt khác, với mình, bạn nam nào để những thông tin này lên chỉ thuộc hàng “đại trà” hoặc hàng “để ngắm” chứ không chạm đến được. Vậy nên mình cũng “say goodbye”.
- Bio ghi mục đích tìm “friends with benefits” hoặc “one night stand” trên Tinder: Thật ra không phải 100% bio thế này thì mình sẽ quẹt phải, nhưng cũng tầm 98% là mình quẹt trái rồi, vì mình gần như không có mục đích này, ngoại trừ đôi lúc mình muốn “đổi gió”...
- Nội dung bio: Sau khi loại trừ những điểm trên, mình mới quan tâm đến nội dung. Như mình nói đó, khi tìm hiểu một người mình sẽ hứng thú với tìm hiểu cách suy nghĩ, quan điểm của họ. Vậy nên những bio có nội dung trống rỗng hoặc “giỡn không vui” thì mình cũng quẹt trái luôn. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp các bạn/anh trai để bio mình nhận ra đây là người vui một cách thông minh thì mình sẽ cân nhắc quẹt phải. Ở điểm này thì hẳn là phụ thuộc vào quan điểm, tâm trạng của mình lúc quẹt khá nhiều.
Ngoài ra còn có giới tính, khoảng cách và độ tuổi của người bạn kia, tuy nhiên mình không bàn tới vì mỗi người sẽ có ý định rất khác nhau ở những tiêu chí này.
Việc liệt kê tiêu chí thế này giống như việc chúng ta xây dựng “chân dung khách hàng” để tụi mình tăng khả năng thu hút “đúng người” và gặp “đúng người”. Trong Marketing, việc xác định đối tượng khách hàng mục tiêu hay chân dung khách hàng (còn gọi là “Buyer Persona”) bao gồm các yếu tố Demographics, Psychographics, Behavior (hành vi) và Needs (nhu cầu):
+ Demographics: Những yếu tố về giới tính, khoảng cách, độ tuổi,...có thể được liệt kê trong Demographics.
+ Psychographics: Bao gồm quan điểm, niềm tin, giá trị, thái độ, sở thích,... Những thứ này mình có thể xem trên Bio hoặc khi nói chuyện sau khi đã “match”.
+ Behavior: Về hành vi, theo mình biết trong Marketing hành vi có thể là những nơi họ thường đi đến (về mặt online và offline). Nếu áp dụng qua Tinder mình nghĩ bạn cũng có thể tìm hiểu khi nói chuyện hoặc xem qua những bức hình trên profile Tinder của người bạn kia.
+ Needs (nhu cầu): Như mình có chia sẻ ấy ở trên. Nếu nhu cầu của bạn mà người kia không đáp ứng được hoặc ngược lại, thì hai người khó có thể duy trì được mối quan hệ lâu dài.
Khi liệt kê ra những tiêu chí “quẹt phải”, bạn sẽ tỉnh táo và không gặp tâm trạng mông lung khi quyết định có nên quẹt phải một ai đó không và đó sẽ giúp bạn tìm đúng người hơn. Ở trên là những tiêu chí khi “quẹt Tinder” của mình. Bạn còn tiêu chí nào muốn đóng góp thêm thì sẽ cho mình biết nhé ^^

3. Học cách xây dựng “trải nghiệm khách hàng” nhờ việc chơi Tinder

Vì sao mình lại nói như thế?
Việc chơi Tinder cũng có những giai đoạn cơ bản như những giai đoạn của “hành trình khách hàng” (hay còn gọi là “customer journey”) với thương hiệu của doanh nghiệp/tổ chức đó vậy. Những giai đoạn đó cũng bao gồm: 
+ Marketing: Đó là khi bạn phải thu hút người bạn kia qua những tấm hình của mình và bio trên profile, bạn cũng phải xác định người mình muốn gặp có những đặc điểm gì để điều chỉnh bio và lựa chọn nữa bức hình phù hợp. 
+ Consideration: Thay cho từ “Sales” sẽ chưa rõ nghĩa lắm, mình chọn từ “consideration”, vì đó là khi 2 người đã “match” với nhau, trò chuyện với nhau cũng giống như bạn phải tìm hiểu về sản phẩm dựa trên nhu cầu và mong muốn của mình để xem sản phẩm có phù hợp với mình hay không trước khi mua hàng vậy. Và khi cả hai quyết định bước vào một mối quan hệ nào đó, đó cũng là lúc bạn đã “chốt đơn”. Ở đây sẽ tùy suy nghĩ của mỗi người, việc “chốt đơn” này có thể là hai người “chốt” để gặp nhau (trở thành bạn ở ngoài đời), “chốt” để thành người yêu (tình yêu) hoặc biết đâu đó là “chốt” để trở thành mối quan hệ “friends with benefits” hoặc “one night stand”,... Đây là trường hợp viên mãn, thuận lợi, vì nếu đơn không chốt được, thì bạn nuôi dưỡng (còn gọi là “nurture”) sau khi “chốt đơn” không thành hoặc tiếp cận những người bạn mới.
+ Experience: Đó là khoảng thời gian sau khi “chốt được đơn” thì tới giai đoạn trải nghiệm “sản phẩm/dịch vụ”, cả hai sẽ có khoảng thời gian trong một mối quan hệ với nhau. 
+ Brand Advocacy: Dù buổi gặp có như ý muốn hay không, sau mối quan hệ đó, cả bạn và người kia đều có trải nghiệm và người này sẽ là câu chuyện của người còn lại.
Để tăng được "conversion rate" giữa những giai đoạn này, hãy không ngừng phản tư (reflect) về từng trường hợp mình đã bỏ lỡ hoặc vượt qua một cách “trót lọt” nhé. Khi đó chúng mình vừa tăng khả năng gặp những người bạn mong muốn vừa sử dụng Tinder một cách có mục đích hơn.
Nếu như đi làm Marketing bên ngoài, bạn học được cách xây dựng thương hiệu cho một công ty hay tổ chức, thì đối với mình việc chơi Tinder là một cách để học xây dựng “thương hiệu cá nhân” và “sản phẩm” là chính bản thân chúng ta. Mỗi khi mình cảm thấy bio của mình đang bị “lỗi thời”, cần được đổi mới hoặc cảm giác Tinder đang không đề xuất những người mình cần gặp,...thì mình sẽ thay đổi hình profile hoặc bio. Đôi lúc ở một thời điểm nào đó mình cũng xem xét lại mục đích sử dụng Tinder hoặc chân dung người mình muốn gặp để dựa vào đó lựa chọn hình profile và viết một chiếc bio thật phù hợp. Mình chúc bạn sẽ tìm được người mình mong muốn gặp trên Tinder nhé ;)