20 Giờ Đầu Tiên - Cách Học Bất Cứ Điều Gì và cách mình áp dụng vào việc tự học tiếng Nhật.
Đã bao giờ bạn muốn tự học một thứ gì đó mới mẻ nhưng rồi chỉ được vài ba bữa là bỏ cuộc chưa? Đã rất nhiều lần bạn tự hứa với bản thân sẽ tự học một kĩ năng mới để nâng cấp bản thân nhưng tất cả chỉ dừng lại ở ý nghĩ?
Tự học không khó đến vậy đâu. Đơn giản chỉ là quyết định điều cần luyện tập, dành thời gian và kiên nhẫn cho tới khi đạt được mục tiêu của mình.
Quy tắc 20 giờ đầu tiên của Josh Kaufman rất đơn giản và mình nghĩ nó sẽ giúp ích rất nhiều cho những ai đang có ý định tự học bất cứ thứ gì đấy.
Quy tắc số 1: Phân tích kĩ năng
Trước tiên quyết định chính xác điều bạn muốn mình có thể làm khi hoàn thành rồi nhìn lại kĩ năng và phân nhỏ kĩ năng thành các phần nhỏ hơn. Bạn càng phân nhỏ được kĩ năng bạn càng dễ dàng quyết định được phần nào của kĩ năng mà có thể giúp mình đạt được điều mình muốn và bạn sẽ luyện tập những phần đó trước. Nếu bạn luyện tập phần trọng yếu đầu tiên bạn sẽ có khả năng tiến bộ trông thấy trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
Quy tắc số 2: Học đủ để có thể tự sửa sai
Bạn hãy chọn từ ba đến năm nguồn về lĩnh vực mà bạn đang cố gắng học, đó có thể là sách, DVD, có thể là một khóa học hay bất cứ nguồn nào. Hãy học vừa đủ để bạn có thể thực sự luyện tập và tự sửa sai khi luyện tập. Việc học sẽ trở nên tốt hơn bằng việc để ý khi bạn mắc lỗi thì bạn sẽ làm điều đó khác đi một tẹo.
Quy tắc số 3: Vượt qua các chướng ngại vật ngăn cản việc luyện tập
Sự mất tập trung, tivi, mạng Internet. Tất cả những thứ này nằm chình ình giữa đường ngăn bạn thật sự ngồi xuống và làm việc. Bạn càng cố gắng thực hiện tự giác để mất tập trung không thể kéo bạn ra khỏi công việc thì bạn càng dễ ngồi xuống và bắt tay vào công việc.
Quy tắc số 4: Luyện tập ít nhất 20 giờ
Phần lớn các kĩ năng luôn có một thứ tôi gọi là chán nản gây ngăn cản. Bạn biết đấy, cái phần từ không biết tẹo gì đến hơi hơi biết nó thật sự cực kì gây nản. Hãy tự hứa trước với bản thân quyết tâm luyện tập cái mà bạn muốn ít nhất 20 giờ đồng hồ bạn sẽ có động lực vượt qua rào cản chán nản từ bên trong và theo đuổi việc luyện tập đủ lâu để có thể gặt hái thành quả.
Source: The first 20 hours -- how to learn anything | Josh Kaufman | TEDxCSU
Vậy đó, chỉ 4 nguyên tắc ngắn gọn, đơn giản vậy thôi. Đâu phải thứ gì quá cao siêu. Thường thì việc tự học bắt nguồn từ hứng thú bạn muốn tìm hiểu về một lĩnh vực, một kĩ năng nào đó. Vậy nên trước khi bắt tay học một thứ gì đó mới hãy bỏ chút thời gian tìm hiểu về chúng trước nhé.
Và sau đây là một vài chia sẻ của mình về cách mình áp dụng quy tắc 20h vào việc tự học tiếng Nhật nha!
Đầu tiên mình xác định tiếng Nhật là một ngôn ngữ tượng hình khá là khó và vì là mình tự học nên tất nhiên mình không yêu cầu cao ở bản thân. Hãy gạt bỏ những tiêu đề kiểu "Tự học thi đỗ Nx trong vòng y tháng" ra khỏi đầu đi. Đặt một kỳ vọng quá xa vời ngay từ đầu sẽ khiến bạn dễ bỏ cuộc hơn đấy, hãy đặt mục tiêu thực tế với bản thân và chia nhỏ chúng. Như mình chỉ xác định mình sẽ tự học bảng chữ cái, thuộc khoảng 500 từ vựng và những mẫu câu phổ biến thôi. "Dục tốc bất đạt", hãy cứ bước từng bước một nha.
Tiếp theo là mục khiến mọi người có lẽ hoang mang hơn cả ban đầu đó là chọn tài liệu. Mình biết là chỉ cần search trên internet về việc tự học sẽ có hàng trăm hàng ngàn link hấp dẫn khiến bạn click vào muốn học theo nhưng chính vì quá nhiều sẽ khiến bạn bị ngợp và không biết bắt đầu từ đâu. Vậy nên mình...không search internet! Thay vào đó mình tới hiệu sách, tìm sách liên quan đến tự học tiếng Nhật.
Đầu tiên thì không thể không nhắc đến Giáo trình Minna No Nihongo. Tới hiệu sách mình tìm cuốn này đầu tiên luôn, kiểu huyền thoại luôn rồi ai học tiếng Nhật cũng biết. Nhưng mà lúc mình đọc thì mình nhận ra là sách khá là khô khan và nhiều chỗ cũng khó hiểu nếu thiếu người giảng giải. Mình nghĩ cuốn này phù hợp cho những bạn nào đi học trên trường hay ngoài trung tâm chứ để tự học thì khá là khó khăn.
Sau đó thì mình có tìm được Giáo trình Marugoto. Ấn tượng đầu tiên là sách màu siêu đẹp nhưng phần xịn nhất là sách có thiết kế mục tự học.
Lưu ý một chút cho mọi người tránh mua nhầm hay lúc xem sách lại thắc mắc sao giáo trình này nhiều quyển cấp độ giống nhau thế. Đó là mỗi cấp độ của giáo trình Marugoto đều có hai quyển <Katsudoo>: thiên về các hoạt động giao tiếp, luyện nghe nói nhiều hơn và <Rikai> :thiên về hiểu biết ngôn ngữ, là học bài bản cả 4 kĩ năng nghe nói đọc viết.
Cá nhân mình chọn mua quyển Rikai nhập môn A1, rất phù hợp với mục tiêu tự học của mình.
Còn đây là những đặc điểm nổi bật của bộ sách mà mình đọc được:
• Phân chia các cấp do Marugoto theo chuẩn giáo dục tiếng Nhật JF: Nhập môn Al, Sơ cấp 1 và 2 (A2), Sơ trung cấp (A2 / B 1) và Trung cấp 1 và 2 (B 1).
• Xây dựng tình huống gồm những nhân vật gồm nhiều nền văn hóa khác nhau dựa trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt về văn hóa.
• Thiết kế những bài học thực hành giúp người học làm quen với những đoạn hội thoại mang ngữ cảnh tự nhiên nhằm trau dồi ngôn ngữ thông qua nghe hiểu.
• Cung cấp trang học tiếng Nhật trực tuyến, các dữ liệu âm thanh và nhiều tại liệu miễn phí khác.
Nhìn chung thì sách đáp ứng đúng nhu cầu của mình nên mình nhưng có điểm mình hơi lấn cấn là sách ít dịch ra tiếng việt mà thay vào đó dùng rất nhiều hình ảnh. Kiểu học từ "ねこ" /neko/ là con mèo thì bạn sẽ không tìm thấy chữ con mèo nào trong sách đâu :)) Nhưng với nhiều từ khác đôi khi mình sợ nhìn hình mà hiểu sai, do não bộ mỗi người có trí tưởng tượng khác nhau, nên mình vẫn hay tự tra từ điển lại cho chắc. Có lẽ dụng ý của người biên soạn sách là để mình chăm tra từ điển lên chăng?
Sau khi xác định được mình sẽ học theo giáo trình có lộ trình rõ ràng vậy rồi thì mình tự lên kế hoạch cho bản thân dành ít nhất 15 phút mỗi ngày cho việc tự học tiếng Nhật. Bên cạnh đó mình cũng sử dụng app Duolingo để hỗ trợ việc học. Nhiều hôm bận hay lười quá thì mình vẫn duy trì sử dụng Duolingo, vừa chơi vừa học ý, đỡ nản hơn rất nhiều. Ngoài ra thì recommend cho các bạn một vài kênh youtube lấy động lực học là The Hanoi Chamomile của anh Kira, Easy Japanese やさしい日本語,... hoặc đơn giản nhất là đi coi anime hoặc phim Nhật thôi. Một trong những bộ phim thúc đẩy ý chí học tiếng nhật của mình là 30 Tuổi Vẫn Còn Zin Sẽ Biến Thành Phù Thủy đó, phim đáng yêu lắm luôn.
Cuối cùng và quan trọng nhất là dù học bất cứ thứ gì thì hãy luôn cố gắng giữ niềm yêu thích và chăm chỉ, kiên trì với nó nhé. Đừng đặt nặng áp lực với bản thân là mình phải thật giỏi ngay từ đầu, hãy cứ chậm rãi tận hưởng niềm vui khi học thứ gì đó mới mẻ mà mình hứng thú nha. Thực ra 20h cũng chỉ là một con số ước lượng tượng trưng thôi, không có mức thời gian nào cụ thể để tự học tốt một điều gì. Đôi lúc sẽ khó khăn và chán nản nhưng chỉ cần không bỏ cuộc, mọi thứ đều có thể.
Chúc mọi người học tốt ! ^^

Tác giả: Nguyễn Yến Nhi