1. “Có một người bước qua biết bao cuộc tình. Ngỡ rằng mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Bỗng một ngày, bước chân mỏi mệt, ngó nhìn lại, đếch còn ai đứng bên ta” (Ưng Hoàng Phúc, 2003). Có nhiều bạn sưu tầm tài liệu tiếng Anh quý về chất đầy nhà, nhét sách nói và sách PDF kín ổ cứng mà không hề xài.


Hãy thay đổi chiến thuật đi các bạn ơi. Sao không theo đuổi tối đa là 3 kênh học tiếng Anh, làm 3 nội dung tiếng Anh một ngày? Theo đuổi, trung thành, kiên trì làm nó nhiều lần đến kì thuộc rồi mới chuyển nội dung khác. Nếu cả ngày (hay cả đời) cứ loi choi nhảy từ cái này sang cái khác thì cuối cùng cũng chẳng có cái gì ở lại với ta cả.


2. Người bạn gái (hoặc trai) lý tưởng của ta là người cùng tầm với ta, chênh lệch chỉ chút xíu về đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh. Sách học tiếng Anh hợp là sách có 70% kiến thức, từ vựng ta đã biết và 30% là mới. Bạn nào chọn sách ngược lại (kiến thức mới nhiều hơn cũ) cũng như một ông giáo làng hoặc một anh công an xã lại đi chòi vòi yêu Ivanka, con gái của Donald Trump vậy. Muốn tán được Ivanka, giáo làng và công an xã phải chuẩn bị kỹ, ít nhất là thêm 10 năm hoặc 20 năm tu luyện bền bỉ. Nhưng lúc ấy, con gái Trump đã già, giáo làng và công an xã cũng không còn trẻ.


Lúc ấy thật đúng là:


Giáo làng như bóng ma hờn tủi
Khánh kiệt đời trong cuộc bể dâu
Mười năm, công an nhàu trông thấy
Cuống bấc đèn khuya đã cạn dầu. 


3. Bạn không thể yêu một người mà bạn không hề dành thời gian và sự quan tâm đến người đó. Một thanh niên muốn tán gái, chàng ta phải trăn trở, nghĩ mưu, tính kế. Tặng quà sinh nhật, đưa đi chơi Giáng sinh, dẫn đi xem phim, mời ăn KFC…Săn đón đến khổ mà cũng chưa chắc gì tán được. Ấy vậy mà có người học tiếng Anh rất bậy bạ, không kỉ luật, không cam kết, không quyết tâm, không bền bỉ. Học thế, tiếng Anh không thể về với bạn. Tán gái mà thờ ơ thì gái khó có thể theo bạn lâu dài, nói gì đến việc kết hôn.
CHỐI TỪ CƠ HỘI – NGHỆ THUẬT SỐNG ĐỈNH CAO
Ở kỷ nguyên chúng ta, mỗi cá nhân, thay vì tìm kiếm cơ hội, vồ lấy cơ hội, nắm bắt cơ hội, tạo ra cơ hội…, chúng ta cần phải học cách NÓI KHÔNG với các cơ hội.
Bạn nghe qua có vẻ kì cục phải không? Thực tế đây là một lời khuyên khôn ngoan nhất cho tuổi trẻ ngày nay.
Nhớ lại thời xưa, khi công nghệ thông tin và internet còn chưa xuất hiện. Để gặp được cơ hội thi triển tài năng, cơ hội tiếp cận giáo dục, tiếp cận tư liệu sách vở là một điều hiếm hoi và quý giá. Hiếm đến nỗi, để gặp nhà vua, mong dâng hiến tài sức vì sự hưng quốc an dân mà cũng phải chạy xuôi chạy ngược, vô cùng khó nhọc. Trước hết, anh ta phải gặp được tay quản gia của một quan tể tướng. Sau đó nhờ hắn cho gặp tể tướng để trình bày tài năng và nguyện vọng. Rồi lại nhờ tên tể tướng cho gặp vua. Tất thảy những bước đi đó, anh ta đều phải chi ra rất nhiều tiền bạc. Do đó, kẻ nghèo khó thì coi như bó tay luôn. Bởi thế mới có chuyện chàng tuấn kiệt nghèo khổ Phạm Ngũ Lão phải giả vờ đan sọt giữa đường, nhằm tiếp cận Hưng Đạo đại vương. Đó là chiến thuật PR bản thân cực khôn và khéo léo của Phạm Ngũ Lão.
Xa hơn thì có Khương Tử Nha (Lã Vọng) giả vờ câu cá bằng cây kim thẳng đứng để thu hút sự chú ý của vua Văn Vương ở đời nhà Chu bên Trung Quốc. Phùng Hoan thì gõ gươm hát nghêu ngao để đánh tiếng với Mạnh Thường Quân ở thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Các bạn nên tra google mấy điển tích này, đọc để mở mang tri thức.
Hẳn dân đọc sách còn nhớ chuyện nàng Chiêu Quân, một trong 4 đại mỹ nhân của Trung Hoa, chỉ vì không chịu đưa tiền đút lót cho tên thái giám hậu cung và bọn họa sỹ mà chịu số phận đau khổ nhiều năm trời. Số là ngày xưa, vua có nhiều cung tần mỹ nữ đến nỗi không thể đến gặp mặt tất cả. Người ta phải vẽ tranh, đóng thành catalogue, và đưa lên cho vua chọn. Cô nào đưa tiền cho họa sỹ thì được vẽ đẹp, đưa ít tiền hoặc không tiền thì bị vẽ xấu xí đi. Chiêu Quân bị dính đòn như thế. Đúng là một chuyện thật như bịa thời 0.4.
Chả bù cho thời 4.0 bây giờ, gái đẹp chỉ cần quăng dăm ba cái ảnh lên phây là có ngay hàng ngàn LIKE, tiếng đồn khắp thiên hạ. Bọn thái giám hết cửa làm ăn. Cũng như thế đó, tài năng như Phạm Ngũ Lão cũng chẳng cần đan sọt đợi ai. Chỉ cần lên FB đăng bài, hoặc tạo một vài cái profile quăng lên mạng là các công ty, tập đoàn lũ lượt gọi mời về. Lúc ấy, nói không với các cơ hội lại là bản lĩnh hơn đời của kẻ trí nhân.
Cũng như thế, trong giáo dục, ngày xưa, người ta phải lặn lội khổ sở mới đến được nhà thầy giỏi. Muốn thầy nhận cho vào học còn phải đủ đạo đức và tư cách. Khi dạy, thầy rút cuốn sách ở cạp quần ra, thi thoảng nhả cho vài chữ. Học trò đớp lấy đớp để, nghiền ngẫm cả tuần.
Bây giờ thì sao? Mở youtube ra thì cơ man nào là sách, video, bài giảng, phim, bản tin…đủ mọi thể loại. Giảng dạy từ việc gấp con hạc giấy cho đến sửa xe máy, học tiếng Anh, học excel, tin học văn phòng. Người học như muốn chết ngập trong bể thông tin. Chẳng những vậy, ngoài youtube còn có hàng tỷ trang giáo dục, sách bản mềm, vài tỷ kênh chia sẻ kiến thức của thập cẩm các loại diễn giả và nhà đạo tạo.
Vậy thì tại sao phải đi tìm kiếm cơ hội?
Hãy để cơ hội tìm kiếm bạn. Rồi từ hàng ngàn cơ hội ấy, bạn chọn ra một cái đúng với tiêu chí của mình rồi đi theo một cách kiên trì.
Thời này, thanh niên phải học cách buông và học cách nắm. Nắm lấy một thứ và buông bỏ những thứ vớ vẩn và ít quan trọng.
Cũng giống như đọc sách vậy, đọc cuốn nào cũng tốt cả, nhưng bạn phải đọc thứ mình cần trước để tinh thông, thành thạo cái nghề mình làm trước. Đọc sách cũng lại giống như chọn bạn, phải chơi và dành thời gian cho những kẻ xứng đáng làm bạn trước. Mà theo tôi, tuổi trẻ nên hạn chế tào lao với bạn bè. Chỉ nên gặp chúng nó để chơi thể thao xong rồi về. Nếu phải gặp ai đó vì công việc thì xong việc cũng về luôn.
Steve Jobs nói: “Học nói không với các ý tưởng luôn quan trọng hơn việc tập trung vào một ý tưởng. Phải biết buông bỏ những cơ hội nhỏ và lẻ tẻ mới có tinh lực để theo đuổi cái cốt yếu.”
Jack Ma cũng nói: “Tập trung nghĩa là nói không với các cơ hội. Vì mỗi ngày, tôi nhận được hàng ngàn ý tưởng trình lên từ nhân viên. Cứ chạy theo mấy ngàn dự án ấy thì tôi phá sản trong nháy mắt. Mặc dù những đề án đó đều rất tuyệt vời.”