Mình biết một vài gia đình sẵn sàng chi tiền trăm triệu, thậm chí tiền tỉ để đầu tư cho con học tiếng Anh. Trước hết điều này xuất phát từ hi vọng và tình thương của phụ huynh dành cho con em trong một "thời đại phá vỡ" (*). Hơn nữa tiền là tài sản của họ, và khi đầu tư là họ đã tính toán trước.
img_0
Bài viết này nhằm cung cấp thêm một ví dụ về tiền học tiếng Anh không thật sự quyết định kết quả học. Ngoài ra bài viết này cũng không cho rằng những khóa học tiếng Anh đắt tiền là uổng phí.

Ngọc nhà nghèo học tiếng Anh

Bản thân mình xuất phát điểm là không biết tiếng Anh, lần đầu học tiếng Anh là năm lớp 3, học 3 hôm cô giáo đi lấy chồng, lớp 6 học lại. Gia đình cũng không khá giả nhưng vẫn cố cho mình đi học thêm, học phí lúc đó là 100k/1 tháng. Đó là những lớp học thêm rất bình thường như mọi lớp khác, ở đó tập trung vào giải bài tập, và học qua các bài ở lớp. Cũng chính nhờ sự giảng dạy của các thầy cô ngày xưa mà mình khá cứng ngữ pháp và đọc hiểu.
Tính ra, mình học thêm tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 10, mỗi tháng 100k, 1 năm học 10 tháng thì 5 năm mình tốn cỡ 5 triệu tiền học thêm. Lớp 11 12 mình tự học, tự luyện đề thi Đại học.
Sau này khi đi dạy tiếng Anh, mình tốn chủ yếu là tiền mua sách tiếng Anh, đa số là... từ điển, vì mình có một đam mê kỳ lạ với từ điển 😂. Còn thứ "tốn tiền" nhất của mình khi đầu tư tiếng Anh là quyển từ điển Dictionary of Contemporary English của Longman (giá khoảng 700k) - khá hiếm ở Việt Nam. Mình có khoảng 20-25 cuốn sách tiếng Anh, mỗi cuốn trung bình 200k thì tiền sách tối đa cũng 5 triệu.
Ngoài ra, mình không đăng ký các khóa học tiếng Anh, vì hầu hết các kiến thức tiếng Anh đã có trên mạng, khi không biết gì mình chỉ cần tra cứu, cái gì tra tiếng Việt không ra thì tra tiếng Anh sẽ có!
Vậy nếu tổng cộng 11 năm học tiếng Anh mình tốn đâu đó 10 triệu.
Trái ngược với mình, ngoài kia có rất nhiều gia đình đã chi rất tiền cho con em học tiếng Anh, rất nhiều bạn đã học tốt - mình có một đứa cháu cũng như vậy, nói tiếng Anh rất hay và thuyết trình được cả bằng tiếng Anh nữa.
Nhưng cũng có nhiều bạn học không tốt, bạn bè mình nhiều người đã phải chi rất nhiều tiền học tiếng Anh nhưng kết quả chẳng khá là bao, thậm chí lại là điểm ảo (Đọc bài viết đó ở ĐÂY).
=> Chi tiền nhiều không đồng nghĩa với kết quả tốt, ít nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Như vậy, bí quyết nào để tiền ít mà vẫn... học được tiếng Anh?

Có mục đích học rõ ràng Có mục tiêu học phù hợp Có sự kiên trì Có sự tò mò Có người hướng dẫn

Khoaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaan, nếu nói vậy thì khác nào TỰ HỌC?

Đúng, mình dạy tiếng Anh, nhưng nếu bạn tự học thì mình sẵn sàng hỗ trợ, đúng vậy, miễn phí, không biết cứ nhắn tin hỏi.
Chúng ta đi làm, mưu sinh là để có thu nhập, nhưng không có nghĩa cái gì có tiền là chúng ta làm. Mình cũng vậy, mình đi dạy để có tiền sống nhưng không đồng nghĩa là cái gì không đem lại tiền thì mình làm, vì mình làm vì có sự yêu thích nữa.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta thời gian đầu học cái mới nên có một người hướng dẫn để giúp bạn mở đường, như vậy sẽ đỡ nản, lại có người hỗ trợ và đốc thúc việc học, như vậy sẽ học tốt hơn, nhanh hơn. Các bạn có thể tham khảo English Phuong The Ngoc, mình không dẫn thẳng link vì nếu bạn thật sự muốn học, bạn cũng sẽ tự tìm đến với mình 😃.

Ủa ông Ngọc, ông nói học tốn có 10 triệu vậy chắc ông cũng phải học giỏi thì mới được như vậy.

- Không hề, mình chưa từng và sẽ không bao giờ là một đứa sáng dạ. Những ngày đầu tiên học tiếng Anh, mình hay bị ông anh bắt ngồi viết số đếm 1-10 vì học mãi không thuộc, những tối bị bà chị bắt ngồi học lại vì không biết cấu trúc tiếng Anh. Mình còn kể với mọi người là sao tất cả người trên thế giới không cùng nói tiếng Việt cho đỡ học tiếng Anh.
Nhưng thứ duy nhất mình có là sự tò mò (Có tò mò), sau đó tò mò chuyển thành yêu thích, vì mình nghĩ biết tiếng Anh mình sẽ biết được nhiều thứ khác (Có mục đích học). Rồi từ những cái đó mình bắt đầu ghi chép học tập chăm chỉ (Có kiên trì, mục tiêu), mình đi học thêm được giảng dạy, về nhà cái gì không biết mình tra Google (có người hướng dẫn). Chính vì vậy mà từ một đứa ngu như bò, mình cũng học được món ngoại ngữ này. Hehehe
-------------------
Ghi chú:
Thời đại phá vỡ: nói theo quyển sách Unbranding (Scott Stratten & Alison Stratten), là thời đại mà cái mới thay thế cái cũ với tốc độ nhanh chóng. Ở đây mình ám chỉ chúng ta đang ở một thời đại mà mọi thứ thay đổi rất nhanh, cần liên tục cập nhật cái mới để không bị lạc hậu, mà trong đó việc học ngoại ngữ sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều, vì rất rất và rất nhiều kiến thức mới ngày nay sẽ viết bằng những ngôn ngữ toàn cầu như tiếng Anh.