Mới đây, ngày 01/04/2022, một em học sinh 15 tuổi đang học lớp 10 chuyên sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam sau khi hoàn thành bức thư tuyệt mệnh đã nhảy lầu tử tử trước sự chứng kiến của phụ huynh khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng. Câu chuyện này tiếp tục hồi chuông cảnh báo cho các bậc làm cha làm mẹ về cách giáo dục con cái “đúng mực”
Hình ảnh em học sinh lớp 10 nhảy lầu tự tử
Hình ảnh em học sinh lớp 10 nhảy lầu tự tử

Chết trong kỳ vọng của cha mẹ

Theo nghiên cứu của UNICEF, có khoảng 8% - 29% trẻ vị thành niên tại Việt Nam mắc các bệnh về sức khoẻ tinh thần. Đáng nói, số lượng học sinh  rơi vào tình trạng trầm cảm hay gặp các vấn đề về tâm lý ngày càng tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực học hành và thiếu sự cảm thông, thấu hiểu từ gia đình và nhà trường. Như vụ việc em học sinh được nêu trên là minh chứng rõ ràng nhất những kỳ vọng ảo từ các bậc phụ huynh. Đa số phụ huynh đều muốn con cái mình đạt hành tích cao trong học tập, sau này các em thành đạt, tự nuôi sống bản thân và rạng danh cha mẹ. Để đạt được điều đó, nhiều người lấy điểm số làm thước đo , định hướng nghề nghiệp và bắt con mình phải thực hiện, đặt các em vào cuộc đua không hồi kết. Rất nhiều phụ huynh đồng hoá mong muốn của mình. Những ước mơ ngày trẻ dang dở của người lớn sẽ áp đặt vào con trẻ và bắt các em thực hiện thay. Họ quên rằng các em có quyền được sống với ước mơ riêng mình. Cha mẹ đã tạo ra áp lực vô cùng lớn đối với trẻ, khiến nhiều em hoang mang và sợ việc học. Các em sợ bị cha mẹ trách phạt khi bị điểm kém, sợ mình thua kém trong mắt bố mẹ . Các em muốn chia sẻ với người thân nhưng bị từ chối. Và chúng ta dễ dàng bắt gặp các em học sinh kêu “cứu” trên các diễn đàn tư vấn tâm lý. Lo sợ, căng thẳng, tự tí kéo dài khiến học sinh trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết. Các em chết trong sự bất lực của chính mình, như một cách phản kháng cuối cùng. Một điều rõ ràng, kỳ vọng ảo không tạo ra tương lai. Nó chỉ đẩy các em vào ngõ cụt. Phải chăng, các bậc cha mẹ nên nhìn nhận lại bản thân trong việc áp đặt con mình? Phải chăng nhiều người bắt con mình học chỉ vì lòng ích kỷ, ganh đua giữa các phụ huynh với nhau. Nhiều bậc sinh thành đã quên rằng con mình đang trong tuổi vị thành niên gặp nhiều vấn đề về tâm lý nên rất cần được sẻ chia, hơn hết cần được động viên những lúc khó khắn. Họ bỏ mặc con mình tự xoay sở với cảm xúc tiêu cực. Để rồi dẫn đến những hậu quả nặng nề. Trong pháp luật đã quy định, quyền vui chơi, giải trí cũng là quyền quan trọng của trẻ em, là bước chuẩn bị tâm lý cho các em phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Học sinh tìm đến diễn đàn tâm lý để tìm cách giải quyết
Học sinh tìm đến diễn đàn tâm lý để tìm cách giải quyết

Cuộc sống hiện đại – một phần của áp lực

Bên cạnh những vấn đề trên, học sinh còn chịu sức nặng của cuộc sống hiện đại. Ngày này, xã hội đang ngày càng phát triển nhanh chóng. Đòi hỏi các em phải trang bị cho mình nhiều kỹ năng để bắt kịp với thời cuộc. Các em cần thông thạo ngoại ngữ, tự chủ và sáng tạo trong việc học, học hỏi công nghệ mới,… Điều này cũng trở thành gánh nặng cho các em. Mặt khác, mạng xã hội ra đời khiến tâm lý các em học sinh nặng nề hơn. Các em nhìn thấy hình ảnh thành công, tài giỏi của bạn mình. Từ đó dẫn đến hành vi tự ti và so sánh mình với mọi người. Bên cạnh đó, cuộc sống hiện đại không ngừng nâng cao nhu cầu xã hội. Điều này khiến học sinh tiếp tục rượt đuổi để có cho mình tương lai tốt đẹp.
Trên thực tế, các doanh nhân, người nổi tiếng trên thế giới thành công đều từ những bài học trong cuộc sống và họ theo đuổi ước mơ của riêng mình. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh không nên đặt áp lực qua lớn cho con trẻ, mà hãy yêu thương, thấu hiểu cho các em và hơn hết phát triển hoàn thiện thể chất và tinh thần. Điều đó mới là những điều các em cần.
Minh Mến