Với tư cách là một người trẻ có những trải nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực nha khoa, cụ thể là tại thành phố Hồ Chí Minh, mình sẽ điểm qua đôi nét về ngành học thú vị này cũng như cơ hội phát triển bản thân và môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp để các bậc phụ huynh và các em học sinh sắp bước vào mùa thi tuyển, chọn ngành có cái nhìn trọn vẹn hơn về quyết định của con em mình/mình. Xin lưu ý đây là quan sát và nhìn nhận của cá nhân tác giả, bài viết chỉ mang tính tham khảo, không nhằm mục đích tổng hợp toàn cảnh ngành nha cả nước.

1. CÁC NGÀNH ĐÀO TẠO CHÍNH THỨC VỀ NHA KHOA
Để làm việc trong lĩnh vực nha khoa hiện nay (không tính đến các công việc hành chính, kế toán, quản lý nhân sự, v.v... mà bắt buộc cơ quan, tổ chức nào cũng phải có) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, các bạn cần tốt nghiệp một trong các ngành đào tạo sau đây: trợ thủ nha khoa, kỹ thuật viên trung học kỹ thuật phục hình răng (KTPHR), cử nhân KTPHR, điều dưỡng nha khoa, y sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt (RHM) và bác sĩ RHM.
Trợ thủ/phụ tá nha khoa (dental assistant): công việc chính được đào tạo là hỗ trợ bác sĩ thực hiện các can thiệp chuyên môn (chuẩn bị dụng cụ, vật liệu, lau dọn ghế máy, tiệt trùng dụng cụ, v.v...), ngoại trừ việc đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân (BN), trợ thủ không được thực hiện các can thiệp chuyên môn trên BN.
Kỹ thuật viên KTPHR (trung học chuyên nghiệp, đại học) (dental technician): công việc chính được đào tạo là thiết kế, chế tạo các loại phục hình răng-hàm mặt (răng giả, hàm giả) hay khí cụ (niềng răng, chống ngáy). Môi trường làm việc chủ yếu là các la bô phục hình răng, không thực hiện các can thiệp chuyên môn trên BN. Lưu ý, một số trang web quảng cáo nhằm thu hút người ghi danh học, nhất là các trường dân lập, có nhiều thông tin không chính xác và mơ hồ dễ làm người ngoài ngành hiểu nhầm, chẳng hạn "tham gia sơ cứu và chăm sóc BN tại khoa RHM".
Điều dưỡng nha khoa (dental nurse): ngoài các công việc giống trợ thủ nha khoa, có thể thực hiện các can thiệp đơn giản như lấy vôi răng, nhổ răng sữa lung lay, trám bít hố rãnh và các thủ thuật phòng ngừa sâu răng.
Y sĩ chuyên khoa RHM (dental therapist): ngoài các công việc giống điều dưỡng nha khoa, có thể thực hiện các can thiệp đơn giản khác như: sơ cứu chấn thương hàm mặt, chữa tủy răng 1 chân, trám răng đơn giản, kê toa thuốc đơn giản.
Bác sĩ Răng Hàm Mặt (tổng quát) (general dentist): công việc chính được đào tạo là thực hiện các can thiệp chuyên môn đơn giản như lấy vôi răng, nhổ răng, trám răng,  nội nha (lấy tủy răng), răng giả, hàm giả, tẩy trắng răng, phụ mổ, sơ cứu chấn thương, kê toa thuốc v.v... Các can thiệp chuyên sâu và phức tạp hơn phải có sự giám sát và hướng dẫn của BS có chuyên môn và kinh nghiệm cũng như tham dự các khóa học chuyên sâu (xem thêm mục 5).
Bảng 1. Thông tin cơ bản các ngành học trong lĩnh vực nha khoa
2. YÊU CẦU ĐẶC BIỆT ĐỂ CÓ THỂ THEO HỌC VÀ LÀM VIỆC TRONG NGÀNH NHA
Tính kiên nhẫn
Nhìn chung, nha khoa là một chuyên ngành khá đặc biệt trong khối ngành y tế. Người ngoài thường xem nha khoa là một lĩnh vực thiên về cung cấp dịch vụ hơn là chăm sóc y tế nói chung do có liên quan nhiều các loại hình can thiệp thẩm mỹ. Do đó, khách hàng hay BN cũng có đòi hỏi cao hơn về cung cách phục vụ, tương xứng với chi phí đã bỏ ra. Vì vậy, theo học và làm việc trong lĩnh vực này đòi hỏi các bạn rèn luyện tính kiên nhẫn càng nhiều càng tốt.
Kiên nhẫn để không ngừng học tập cũng như rèn luyện các kỹ năng cần thiết. Nha khoa cũng như các ngành y khác đòi hỏi khối lượng kiến thức rất lớn, áp lực học tập cao. Vượt qua vòng tuyển chọn đầu vào là các bạn xem như có đủ năng lực về trí tuệ để tiếp thu kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Tuy nhiên, để đảm bảo kết quả học tập tốt thì đòi hỏi nỗ lực học tập không ngừng, kiên trì đến cùng.
Hơn nữa, nha khoa được xếp vào nhóm ngành ngoại khoa, tức là đòi hỏi nhiều về kỹ năng thao tác tay. Nếu mình không giỏi bắt chước thì việc thường xuyên rèn luyện sẽ giúp mình "quen tay". Cụ thể nhiều bạn học lý thuyết giỏi nhưng việc thao tác thực hành lại gặp khó khăn, cần nhiều thời gian hơn người khác để làm chủ được kỹ năng. Do đó, có tính kiên nhẫn sẽ giúp bạn ít gặp căng thẳng, khó khăn khi theo đuổi chuyên ngành này.
Ngoài ra, bạn cũng phải kiên nhẫn để lắng nghe mong muốn từ khách hàng hay BN để có thể đáp ứng đúng nguyện vọng, nhất là về vấn đề thẩm mỹ. Ngoài ra, nhiều bệnh lý RHM cũng liên quan đến tâm lý nên hiểu rõ suy nghĩ của BN sẽ giúp đạt được hiệu quả giao tiếp và kết quả điều trị tốt hơn.
Sự tỉ mỉ
Đặc biệt quan trọng đối với các bạn theo học về kỹ thuật phục hình răng. Vì đối tượng làm việc chính là răng giả, thường rất nhỏ, nhiều chi tiết. Mặc dù không trực tiếp can thiệp trên BN, nhưng các bạn cần giao tiếp tốt với BS để hiểu rõ mong muốn của BN nhằm mang đến một phục hình đạt độ hài lòng cao. Công việc chính của các bạn sẽ là điêu khắc răng, đắp sứ, nhuộm màu sứ, bẻ kẽm, mài nhựa, v.v... Các đối tượng vô cùng bé nhỏ, tính bằng mi-li-mét, lại chịu áp lực lớn từ BN và BS. Nên bên cạnh sự kiên nhẫn, tính tỉ mỉ là một trong những chìa khóa giúp bạn đạt được thành công trong nghề nghiệp. Thực sự với mình, đội ngũ kỹ thuật viên KTPHR là những nghệ sĩ thực thụ.
Óc thẩm mỹ
Nha khoa thẩm mỹ là lĩnh vực quan trọng trong nha khoa nói chung. Mặc dù khái niệm thẩm mỹ có tính chủ quan, thay đổi ở từng cá nhân. Nhưng nhân sự nha khoa cũng cần có kỹ năng phân tích và nhìn nhận các vấn đề Răng Hàm Mặt một cách toàn diện, đảm bảo tính cân đối, hài hòa về hình dáng, cấu trúc và màu sắc của răng, mô mềm và tổng thể khuôn mặt. Kết hợp óc thẩm mỹ cá nhân và sự kiên nhẫn khi lắng nghe tiếp thu ý kiến của BN sẽ giúp bạn thành công trong công việc.
Lưu ý óc phân tích thẩm mỹ khác với năng khiếu về hội họa hay nghệ thuật nói chung. Mình có nhiều người bạn không biết hoặc không giỏi vẽ nhưng vẫn là các BS RHM giỏi. Bên cạnh khả năng thiên phú, nếu có ý thức và quan tâm, bạn vẫn có thể rèn luyện bằng cách tham dự các lớp huấn luyện có liên quan đến nghệ thuật, mỹ thuật để bổ trợ thêm cho công việc của bản thân.
Thuận tay phải
Bác sĩ RHM, điều dưỡng nha khoa và y sĩ chuyên khoa RHM thực hiện các can thiệp trên BN có sử dụng ghế máy nha khoa phải sử dụng được tay phải. Vì các ghế máy nha khoa trong nước hiện nay đều có thiết kế cho người điều trị ngồi bên phải, đa số là cố định và không điều chỉnh sang bên ngược lại được. Mặc dù trên thế giới, có những dòng máy nha khoa được thiết kế riêng cho người thuận tay trái nhưng tại các cơ sở đào tạo hoặc cơ sở y tế trong nước không phải lúc nào cũng có trang bị đầy đủ, trừ khi là phòng khám riêng của bạn. Vì vậy, nếu không tập sử dụng được dụng cụ bằng tay phải bạn nên cân nhắc khi theo học các ngành này.
3. CƠ HỘI VIỆC LÀM SAU TỐT NGHIỆP
Sau tốt nghiệp, bạn có thể làm việc theo đúng năng lực chuyên môn đã được đào tạo trong các cơ sở dân lập (Việt Nam hoặc quốc tế) và công lập trong nước (*) sau đây:
Cơ sở y tế
- Phòng khám, bệnh viện đa khoa có chuyên khoa RHM hoặc khoa Liên chuyên khoa (Mắt, Tai-Mũi-Họng, Răng-Hàm-Mặt)
- Phòng khám, bệnh viện chuyên khoa Răng Hàm Mặt
- Trạm y tế xã, phường
Cơ sở giáo dục
- Cơ sở đào tạo chuyên nghiệp: trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học
- Phòng nha học đường tại các trường mầm non, mẫu giáo, phổ thông
Cơ quan quản lý các cấp (Bộ y tế, Sở y tế, v.v...)
Cơ sở khác
- Phòng khám chuyên khoa tư nhân, viện thẩm mỹ (**)
- Công ty trang thiết bị nha khoa
- Công ty sản xuất và phân phối sản phẩm chăm sóc răng miệng
- Trung tâm đào tạo, huấn luyện chuyên môn RHM
- Trung tâm nghiên cứu cơ bản và ứng dụng
Còn nữa...
(*): Điều kiện làm việc tại nước ngoài, tùy thuộc vào quy định của nước sở tại, các ký kết hợp tác giữa Việt Nam và nước đó, cần kiểm tra thêm nếu có nhu cầu.
(**): Điều kiện hành nghề, mở phòng khám sau tốt nghiệp đối với Bác sĩ RHM tuân theo quy định của pháp luật hiện hành, không thuộc phạm vi của bài viết này.
4. CƠ HỘI NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Trong nước
Bảng 2 tóm tắt ngắn gọn nhất các cơ hội học tập nâng cao sau khi tốt nghiệp các khối ngành được nêu ở Mục 1. Tùy theo điều kiện của từng trường mà sẽ có các thông tin cụ thể. Bạn có thể tham khảo trên trang web của các trường nha trong nước ở Bảng 3. Ngoài các trường trong danh sách bên dưới (có đào tạo BS RHM và một số ngành khác), còn có nhiều trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đăng tuyển các ngành học không phải là BS RHM, các bạn chỉ cần gõ tên của ngành học trên Google để tìm hiểu thêm, vì các thông tin này thay đổi hàng năm.
Bảng 2. Cơ hội học tập nâng cao sau khi tốt nghiệp ngành nha
Bảng 3. Thống kê một số trường đào tạo Bác sĩ Răng Hàm Mặt trong nước
Ngoài nước
Trong thời gian theo học hoặc sau khi tốt nghiệp chương trình học trong nước, bạn có thể tìm kiếm cơ hội học tập bằng học bổng hoặc tự túc ở nước ngoài ở các trình độ từ trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học tùy theo yêu cầu cụ thể của từng trường và từng quốc gia. Để biết thêm chi tiết nên tham khảo các Trung tâm tư vấn du học. Thông tin liên quan du học ngành nha có thể theo dõi tại page: https://www.facebook.com/dentiststudy/. Theo quan sát của mình, thì trung bình mỗi năm, riêng khoa RHM của Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 3 suất học bổng dài hạn (Thạc sĩ, Tiến sĩ), 5-10 suất học bổng ngắn hạn 1 tuần đến 6 tháng (trao đổi sinh viên, cập nhật kiến thức-kỹ năng cho giảng viên). Lưu ý, số lượng có thể thay đổi hàng năm tùy theo ký kết hợp tác giữa các trường; và số lượng sinh viên mỗi khóa cho tất cả khối ngành là 100-200 sinh viên.
Điểm lưu ý chung là cần xác định mục tiêu học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài. Nha khoa nói riêng và khối ngành y tế nói chung khá đặc thù, bằng cấp hiện tại ở Việt Nam có thể chỉ được chấp nhận ở một số ngành học không có can thiệp trực tiếp trên BN. Để hành nghề ở nước ngoài, bạn phải trải qua các kỳ thi chuyển đổi bằng cấp hoặc phải theo học lại toàn bộ chương trình từ sau cấp độ THPT. Ngược lại, sau khi về nước, bằng cấp của bạn cũng phải được công nhận của cơ quan chủ quản của Việt Nam, xác nhận giá trị tương đương của văn bằng đó ở Việt Nam hay không. Vì vậy, cần kiểm tra trường nước ngoài mà bạn theo học trước khi đăng ký học tại Trung tâm công nhận văn bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, bạn cũng có thể tham gia các Hội nghị, hội thảo chuyên ngành, workshop, khóa huấn luyện kỹ năng của các đơn vị, công ty quốc tế có thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng phục vụ tốt hơn cho công việc của mình.
5. CÁC CHUYÊN KHOA SÂU TRONG LĨNH VỰC NHA KHOA
Như mô tả khái quát về công việc chính của từng ngành đào tạo ở mục 1, không phải đối tượng nào học về nha khoa cũng có thể can thiệp trên BN hay thực hành các điều trị về thẩm mỹ nói riêng và các thủ thuật phức tạp nói chung. Thực tế ngoài xã hội, do thiếu kiến thức và ảnh hưởng của truyền thông, nhiều người có thể ngộ nhận về chức năng công việc của tất cả nhân sự trong nha khoa dẫn đến định hướng nghề nghiệp không đúng.
Để hành nghề theo đúng quy định của pháp luật và y đức của người thầy thuốc, nhân sự trong nha khoa phải theo học và rèn luyện đúng chuyên môn đã được đào tạo. Riêng đối với BS RHM, sau khi tốt nghiệp, có thể định hướng phát triển theo các chuyên khoa sâu thông qua các chương trình đào tạo sau đại học, các chứng chỉ chuyên khoa sâu. Dưới đây là một số chuyên khoa RHM:
Chỉnh nha (Orthodontist): thực hiện các can thiệp về niềng răng, chỉnh hàm không phẫu thuật. Cần có chứng chỉ Chỉnh hình răng mặt hoặc bằng cấp tương đương.

Cấp ghép nha khoa (Oral Implantologist): thực hiện cấy ghép implant nha khoa và các phẫu thuật liên quan như ghép xương, nâng xoang, v.v... Cần có Chứng chỉ Cấy ghép nha khoa hoặc tương đương.

Phẫu thuật hàm-mặt (Maxillofacial Surgeon): thực hiện các phẫu thuật điều trị bệnh lý hoặc thẩm mỹ ở vùng hàm-mặt do chấn thương (tai nạn giao thông), dị tật bẩm sinh (sứt môi), điều chỉnh xương hàm thẩm mỹ kết hợp với BS chỉnh nha, v.v...
Phẫu thuật miệng (Oral Surgeon): thực hiện các phẫu thuật trong miệng như nhổ răng phẫu thuật, nang-bướu trong miệng, v.v...
Phục hình răng (Prosthodontist): thực hiện các phục hình (răng giả, hàm giả) trên BN trưởng thành mất nhiều răng, có tình trạng răng miệng và toàn thân phức tạp.
Nha khoa trẻ em (Pedodontist/ Pediatric Dentist): thực hiện các điều trị nha khoa trên đối tượng trẻ em có các vấn đề đặc biệt về tâm-sinh lý, tình trạng bệnh lý phức tạp.
Nha chu (Periodontist): thực hiện các phẫu thuật thẩm mỹ trên mô nha chu (nướu răng, xương ổ) như cắt nướu, thiết kế nụ cười, điều trị viêm nha chu nặng.
Nội nha (Endodontist): thực hiện chữa tủy đối với các ca phức tạp (gãy dụng cụ, vôi hóa ống tủy, nhiều răng, v.v...).

Nha khoa công cộng (Public Health Dentist): xây dựng kế hoạch và thực hiện các chương trình phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe răng miệng cộng đồng.
Chẩn đoán hình ảnh RHM (Oral and Maxillofacial Radiologist): phân tích hình ảnh phim X-quang, MRI, siêu âm, v.v... hỗ trợ các chuyên khoa khác trong chẩn đoán bệnh, lập kế hoạch điều trị và theo dõi sau can thiệp.
Giải phẫu bệnh RHM (Oral Pathologist): thực hiện chẩn đoán về mô học và phân tử hỗ trợ các chuyên khoa khác trong chẩn đoán bệnh, hướng xử trí và theo dõi bệnh lý.
Còn nữa không thể liệt kê hết :(
Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn và gia đình định hướng tốt hơn cho ngành nghề mà mình sắp lựa chọn.