Có cơ may nào mà: một nhà ngữ học, họ biết tiếng mẹ đẻ thôi, đã là đủ rồi, hay không?
Ví như học Việt ngữ học chỉ cần biết tiếng Việt là đủ:
đủ là đủ theo cái mức đo nào?

Câu hỏi này, giờ mình dùng một bài hát để trả lời.
- - - - - - -

Trong bài hát trên có phần điệp này:
<< Draco in fabula
in dracone hora
in dracone spes
in dracone error
in dracone veritas
in dracone somnium
in dracone fatum
in dracone causa
in dracone amor >>
(tiếng Latin có ghi dấu nguyên âm ngắn, nguyên âm dài; ở đây đã lượt)

Dịch:
<< Rồng trong truyện
trong rồng thời gian
trong rồng hy vọng
trong rồng lỗi lầm
trong rồng sự thật
trong rồng mơ mộng
trong rồng mệnh số
trong rồng nguyên do
trong rồng tình yêu >>

Đọc khúc dịch này, có bao nhiêu người thấy nó ... nói thiếu thiếu?
Giống như thấy đáng ra phải là "trong rồng CÓ xyz"? (1)

Còn nếu dịch như vầy:
<< Trong truyện rồng
thời gian trong rồng
hy vọng trong rồng
lỗi lầm trong rồng
sự thật trong rồng
mơ mộng trong rồng
mệnh số trong rồng
nguyên do trong rồng
tình yêu trong rồng >>

Thì có ai thấy nó giống như đang điểm danh xem "thời gian", "hy vọng", v.v đang ở đâu
- thay vì kể ra "trong rồng" có cái gì ? (2)

Hai câu hỏi phụ nêu trên, nó gợi ra cái chuyện về bức tranh thế giới của sở biểu ngôn ngữ, về tình thái và ngôn liệu, về thế giới khách quan và điểm nhìn thông báo;
nhưng ở đây hai đoạn dịch gợi ra vấn đề gì, nó không quan trọng
mà quan trọng là ở chỗ: nó CÓ-THỂ GỢI RA VẤN ĐỀ.
Có vấn đề là người ta mới đi tìm hiểu;
trong lúc tìm hiểu là mò mẫm làm ra nhiều đồ dùng phụ giúp rất hữu ích.
Đối với ngôn ngữ, phải có kiểu vấn đề như (1), (2) người ta mới có cơ hội học lấy một thứ quan trọng: siêu-ngôn-ngữ.

Một người khoa học, họ hơn người bình dân ở cái công cụ khám phá của họ.
Nó: hữu hình cũng có (thiết bị), nó vô hình cũng có (khung tiên đề).
(NHƯNG: cả hai đều hữu quan, họ đều cảm nhận được).
Ở người ngôn ngữ học, đó là công cụ SIÊU-NGÔN-NGỮ - "ngôn ngữ về ngôn ngữ".

Trong sinh hoạt, có thấy người ta dùng tới siêu ngôn ngữ:
"CÁI là để kêu cái bàn cái ghế; CON là để kêu con heo, con gà"
hoặc
"TAO THÍCH MÀY Ấ, nó nói với mày như vẫy hả?"
hoặc
"CUỘN là cuộn, còn QUẬN là quận, là chỗ dân cư họ ở."

Mấy câu trên nghe thấy không lạ; nó được hiểu theo một cách "khác thường", bởi cái cái mà nó bàn tới cũng "khác thường": nó không bàn tới một "con", một "em", một "anh" nào, mà bàn tới một danh từ khung.
Còn như có đứa nhỏ mà nói: "Con là không có động đậy" thì dễ khi nó lại hiểu thành: nó phải ngồi yên. "Con" lúc này trỏ tới một cái đối tượng trong sinh hoạt.

Trong cộng đồng, siêu ngôn ngữ của ai mà trau chuốt, mà nói cho tường tận được nhiều mặt về chính cái tiếng nói giao tiếp của người ta,
người đó đã có siêu ngôn ngữ bài bản của người ngữ học.
Siêu ngôn ngữ bài bản là khởi điểm cho chuyên môn về ngữ học - tức học các khái niệm trừu tượng (nhưng HỮU QUAN).
Học khái niệm trừu tượng không phải để cho có vẻ cao siêu (bên cạnh "danh từ", "vị từ", "câu", "từ", v.v nghe đơn giản thì còn có "ngôn âm", "âm vị", "cú pháp", v.v)
mà để tiện trong việc tìm hiểu lời ăn tiếng nói.
Nó hao hao mấy cái nhãn tên hoá chất; nó mà lỡ rớt đâu mất là học sinh ngồi viết phương trình, tìm lại tên chất thấy mệt luôn :).

Nhưng: không dễ xuất hiện một tình huống siêu ngôn ngữ.
Ba câu ví dụ ở trên chỉ xuất hiện - kéo theo xuất hiện một cách hiểu "khác thường" - đối với những ai ... mê ngôn ngữ.
Chẳng hạn, tính ham mê đó thể hiện trong:
i. Lỗ tai nhạy bén, phát hiện ra có người đang nói nhịu hai tiếng "cuộn" và "quận".
ii. Óc để ý, phát hiện ra có người vô tình buộc miệng "con bàn này lắp bằng gỗ mà".
iii. Nhắc lại được nguyên văn, HOẶC cố tình tái tạo lại câu nói gốc.
Tình huống kiểu này có tính chủ quan; so với nó, tình huống siêu-ngôn-ngữ khách quan có lợi hơn nhiều,
vì nó hiện ra ngẫu nhiên và dồi dào.

Tình huống siêu-ngôn-ngữ khách quan xuất hiện khi có chạm trán của hai hệ thống ngôn ngữ khác biệt với nhau.
Đó có thể là hai loại tiếng dân tộc như tiếng Việt với tiếng Pháp;
lại cũng có thể trong một loại tiếng lại có hai kiểu dị biệt, như tiếng Hà Nội và tiếng Quảng Ngãi;
lại cũng có thể trong một thứ tiếng lại có hai kiểu biệt ngữ, như cách nói năng của thợ điện với của học sinh.

Có khác nhau, tất có so sánh.
Ở đây có một cái "vũ môn": tính hồn nhiên.
Bất kỳ ai có xu hướng "sửa cách nói cho nhau", ngay lập tức từ trung tâm của lòng ham mê ngữ học đã dạt ra tới bờ biên giới giữa nó và lòng quy phạm, bắt buộc.

Có so sánh ngữ học, là có nội-giác-kiến và ngoại-giác-kiến.
Trong tiếng Anh, đó là "the emic" và "the etic"; cách gọi này xuất phát từ cặp khái niệm "phonemic" và "phonetic", hay cặp "phoneme" (âm vị) và "phonic" (ngôn âm).
Thông qua hai khái niệm "kho âm vị" và "kho ngôn âm", có thể hình dung ra hai loại giác-kiến nói trên.

Kho ngôn âm là toàn bộ âm của ngôn, là mọi tiếng động phát ra từ miệng, thuộc ngưỡng nghe của tai người.
Kho âm vị là toàn bộ CÁCH-CẢM-NHẬN ngôn âm của người. Âm-vị KHÔNG PHẢI âm thanh vật lí; nó là "hình ảnh" của âm thanh trong lỗ tai người (âm thanh thính quan).
Mỗi ngôn ngữ cảm nhận âm thanh mỗi khác; theo định nghĩa trên, mỗi kho âm vị luôn là khả năng của riêng một cộng đồng.
Còn kho ngôn âm: cái kho đó vô tận, bởi nó bao chứa mọi sóng cơ học mà lỗ tai người có thể nhận ra.
Ở đây nói về ngôn âm của ngôn ngữ con người, còn nếu nói ngôn âm của một "ngôn ngữ" của loài vật nào đó thính hơn nhiều: thì tất nhiên kho ngôn âm được xét tới phải rộng hơn.

Cùng phát ra một ngôn âm "khờ" [x], người Việt cảm nhận nó là /KH-/ (khô khan), người Bắc Kinh lại cảm nhận thành /h-/ (hàn-rén 漢人).
/KH-/ thuộc kho âm vị của tiếng Việt; /h-/ thuộc kho âm vị của tiếng Bắc Kinh (Mandarin).
(*Thuộc kho âm vị có thể là "một âm vị" mà cũng có thể là một đối tượng khác; ở đây không tiện trình bày nhanh gọn).

Cùng phát ra một ngôn âm [ð] (THe, THat, THere), người Việt lẫn người Bắc Kinh đều cho là ... nói ngọng.
Ngôn âm đó không thuộc kho âm vị của hai thứ tiếng nói trên.
Điều đó nghĩa là:
i. họ KHÔNG CẢM NHẬN ĐƯỢC nó (coi nó y như tiếng động xì xì xkhkisanouqwed... của con Nagini);
ii. hoặc: họ CẢM NHẬN nó chung một cách với ngôn âm khác, [d] chẳng hạn: "the" (Anh) nghe thành "đờ" /Đ-/ (Việt)

Cái việc mà người bản ngữ họ giới hạn trong một số lượng nhất định về cách cảm nhận:
nó nhắc rằng có nhiều thứ khác họ sẽ không nhận thấy, và người khác (về mặt ngữ học) họ lại nhận thấy;
nó lại nhắc rằng có nhiều thứ chỉ có họ mới cảm nhận giống như họ mà thôi (chỉ có người thích cay mới thấy cay là ngon).

Thấy một cái điều mà người bản ngữ coi như "làm gì có điều gì ở đây", đó là ngoại-giác-kiến.
Ví dụ như khi nói nhanh có đôi khi "vãn cảnh" nghe như "vãng cảnh".
Đừng cố hỏi lại người bản ngữ, bởi họ sẽ nói "rõ ràng là tôi nói vãn cảnh mà, có ai nói vãng cảnh đâu". Họ không thấy đâu.

Cái điều mà chỉ người bản ngữ mới nhận thấy một cách sống động, đó là nội-giác-kiến.
Nhờ một người nước ngoài lạ tiếng lạ cái "đem quần áo vô giùm nghen", họ sẽ giúp thiệt,
nhưng sui rủi sao đó, họ không dám trái ý mình: giày - tất - khăn - váy ướt mưa hết rồi mà họ không dám đem vô; họ chỉ đem đúng quần và áo thôi.
Cái lúc đó là lúc thiếu vắng nội-giác-kiến.

Không có chạm trán ngôn ngữ: không thoát được nội-giác-kiến của chính tiếng mẹ đẻ.
Không có chạm trán ngôn ngữ: không có cơ hội biến nội-giác-kiến của mình làm thành ngoại-giác-kiến để giao lưu với ngữ học quốc tế.
Giao lưu với họ để chi?
Để có chạm trán ngôn ngữ.

Chạm trán với tiếng Đức, thấy được:
- cái gì mà họ gọi là âm ngắn, âm dài;
- cái gì mà họ gọi là âm biến điệu (Umlaut);
- âm "ê" của họ khác âm "ê" của tiếng Việt thiệt sự!
- họ nói "Tui đã vô trong cái ô tô cái chìa khoá cất" !

Chạm trán với tiếng Pháp, thấy được:
- cái gì mà họ gọi là âm mũi;
- cái gì mà họ gọi là "mệnh lệnh quá khứ";
- sao mà họ luyến âm "được hết tâm này tới yâm kia" vậy?

Chạm trán với tiếng Trung, thấy được:
- hoá ra có thể phát ra thanh "huyền" từ trên cao tít như vậy luôn hả?
- sao mà họ nói "quỏ quỏ" được kì ghê ...
- xì xì là /z-/, vừa xì xì vừa bật hơi là /c-/
- xì xì kiểu này /s-/ khác xì xì kiểu này /x-/ khác xì xì kiểu này /sh-/ ...
.
.
.
.



Hoặc đôi khi, bạn chỉ cần bỏ 2 năm tới sống ở - chẳng hạn - Huế, ở Quảng Ngãi, ở Phú Yên, ở Hà Tĩnh:
chính cuộc sống ở đó sẽ đào tạo bạn thành nhà Việt ngữ học.
Khuyến cáo sử dụng: Tiếng mẹ đẻ của bạn không nên là tiếng của một trong số mấy vùng đó.

Anpfraum./