Nhắc đến chuyện học, câu cửa miệng của người nhà mình sẽ là: học để làm gì?, ''làm gì'' ở đây theo nghĩa là làm việc gì, làm nghề gì hay là kiếm chác được gì từ việc học ấy chứ không phải theo ý đi tìm một triết lý giáo dục đâu. Với họ thì việc học mấy chục năm, học Đông học Tây cũng chỉ phục vụ cho mục tiêu duy nhất và tối thượng là kiếm việc, kiếm chức, kiếm tiền. Và đó cũng là biểu hiện rõ nhất cho cái lối học thực dụng, thiển cận và ngắn hạn của nhà mình (lưu ý là cái thực dụng này không phải là ''thực dụng luận'' của John Dewey nhé). Cái lối học đó đã thấm đượm trong hồn cốt từng người từ thuở ban sơ đến tận ngày nay nhưng chưa bao giờ được đưa ra tra xét và suy nghĩ lại một cách thấu đáo, và đó là một trong những lý do khiến sự học, việc làm rồi tương lai cứ luẩn quẩn, loanh quanh cái ''vòng kim cô'' đó chứ không thoát ra được. Và một khi người ta đẩy sự học thành phương tiện/ công cụ chỉ để kiếm cơm, kiếm tiền, kiếm chức thì sẽ có những phương tiện tốt hơn, phát huy tác dụng cao hơn chứ không phải việc học (bạn hiểu những phương tiện gì chứ?). Và đó cũng là biểu hiện rất rõ của một xã hội mà người ở đó học hay không học thì cũng giống nhau.
Phương Tây thì khác, ngay từ thời đầu thành lập nên định chế giáo dục tại đó thì các nhà giáo dục đã tranh cãi, đã kích rất nhiều về cái lối học thiển cận, ngắn hạn trên. Họ chủ trương giáo dục nhân văn nhằm để biến đối con người trở thành một con người nhân văn, có tình yêu với cái đẹp, theo đuổi lý tính, chân lý và biết học tập suốt đời để hoàn thiện bản thân, đó là mục đích lớn nhất của việc học chứ việc kiếm tiền, kiếm cơm chỉ là phụ. Đại học Anh Cambridge, Oxford chủ trương việc học là để tạo ra những gentlemen - ''người quân tử'', theo nghĩa là các quý ông- bà lịch thiệp, hào phóng, bao dung và trung thực (cái ý hiểu này sẽ khác với quân tử theo góc nhìn của Khổng Tử). Ngay từ đầu, Phương Tây đã chủ trương việc học để ''làm người'' theo đúng nghĩa của nó chứ không phải biến con người thành công cụ của nền kinh tế hay chính trị. Đến thế kỷ 20-21, do ảnh hưởng của chuyên môn hóa và kinh tế thị trường, người Phương Tây cũng đang bị trật bánh dần khỏi sự học này nhưng dù sao họ cũng có cái nền sẵn nên điều chỉnh cũng dễ hơn. (tham khảo cuốn Đại học - Nguyễn Xuân Xanh)
Có thể thấy rõ sự khác nhau trong mục đích học tập của xứ mình và xứ họ đó là tính ưu tiên. Họ chủ trương mục đích quan trọng và tối thượng nhất của sự học là tạo hình và hoàn thiện con người, và đó là một hành trình không bao giờ rứt nên phải tự học suốt đời. Khi đó cái mục tiêu phụ là kiếm việc, kiếm tiền cũng chỉ là chất liệu, không gian để thúc đẩy và bổ trợ cho mục đích lớn nhất kia. Nhưng xứ mình thì ngược lại, ta theo đuổi một cái triết lý nông cạn và cực kỳ hời hợt của việc học là: thành người hay thành ngợm thì không biết, quan trọng là phải kiếm được tiền, càng nhiều tiền càng tốt. Không khó để nhận ra cái mục tiêu đó của toàn xã hội và trong từng cá nhân trong xã hội này.
Hệ quả thấy rõ của cái lối học đó ở xứ ta là hàng loạt những vấn đề và tụt hậu từ cấp độ cá nhân đến xã hội. Khi con người ta chỉ chạy theo công việc, tiền bạc nhưng lại không có nền tảng ''người'' ở dưới thì sẽ khiến cho họ ích kỷ và vô cảm hơn, họ đố kỵ, ganh ghét nhiều hơn và tìm mọi cách để kiếm lời về mình bất chấp lẽ phải. Họ đắm chìm trong vật chất nhưng nghèo đói về đời sống tinh thần, họ so kè và ứng xử với nhau bằng tiền bạc và sự mỉa mai chứ không phải là yêu thương hay cao thượng gì.
Không phải tự nhiên mà học giả Phan Khôi đã từng châm biếm cả dân tộc và lối học thực dụng này qua câu nói nổi tiếng: ''Người nhà mình coi sự học như cục gạch để gõ cửa, cửa mở rồi thì gạch cũng ném đi thôi''. Những con người tiến bộ đã nhận ra sai lầm của chúng ta từ gần trăm năm trước rồi, nhưng dường như cái sai đó lớn quá nên chưa ai đủ sức để cản nó lại được, chúng ta đều là nạn nhân của cái guồng quay sai lầm đó nên hãy tìm cách mà tự sửa mình đi thôi.
---
Link bài trên facebook:
Link bài trên Blog: