Chia sẻ một bài viết từ Blogger The Present Writer (Chi Nguyễn) - Tiến sĩ Giáo dục tại Mỹ có góc nhìn rất hay về việc học Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ.
ĐẠI HỌC
Trước hết, bước chuyển từ trung học phổ thông lên đại học sẽ khác như thế nào?
Học tập: Ở bậc đại học, bạn sẽ phải tự học nhiều hơn rất nhiều thời phổ thông. Không có thầy cô nào dắt tay bạn qua từng môn, từng bài kiểm tra một; mà bạn sẽ phải cố gắng tự ôn luyện, lập mục tiêu và tìm ra phương pháp học hữu ích cho mình.
Học đại học cũng ít bài kiểm tra hơn thời học phổ thông (không còn nhiều bài kiểm tra 15 phút và một tiết) mà tập trung nhiều hơn vào những bài thi lớn vào giữa kỳ hoặc cuối kỳ có phần trăm tổng điểm cao. Vì vậy, nhiều bạn nghĩ rằng cứ vừa học vừa chơi, tới kỳ thi mới phải ôn bài. Tuy nhiên, cách này rất nguy hiểm vì nhiều môn có thể trùng lịch thi trong một tuần, khiến cho việc học chạy deadline rất mệt mỏi.
Môi trường: Môi trường đại học có thể quy tụ nhiều bạn từ nhiều tỉnh thành, quốc gia khác nhau, với phong cách sống, văn hoá, thói quen, cách ăn mặc, cư xử… khác biệt. Tuy nhiên, chính vì học trong môi trường đa dạng đó, nếu bạn chuẩn bị cho mình một tư duy mở và tôn trọng sự khác biệt, bạn sẽ học được rất nhiều.
Phát triển bản thân: Đại học là thời gian sung sức nhất của tuổi trẻ, là khi mình đã qua tuổi vị thành niên, đủ tuổi phóng xe máy vi vu, được tự quyết định thời gian của mình cho việc làm tình nguyện, thực tập, làm thêm ngoài giờ học… Bởi vậy, hãy tận dụng hết sức thời gian tuổi trẻ này.
Khi ra trường, những người năng động và chịu học hỏi khi còn ở giảng đường sẽ có lợi thế khác hẳn với những người thụ động, không tích cực tìm cơ hội phát triển bản thân. Điều này thể hiện rất rõ trong mắt nhà tuyển dụng khi nhìn vào CV của bạn, khi phỏng vấn bạn và khi kiểm tra các kỹ năng cứng của bạn (như ngoại ngữ, vi tính, chuyên ngành…). Vì thế, đừng đợi đến khi ra trường rồi mới tích lũy kinh nghiệm, hãy tích luỹ kinh nghiệm ngay từ hôm nay!
THẠC SĨ
Học tập: Nếu như học đại học có thể cảm giác mông lung, có nhiều môn học chung chung và chưa đi sâu vào ngành nghề cụ thể thì học thạc sĩ tập trung vào chuyên ngành rõ ràng. Ngay khi bạn nộp học thạc sĩ, bạn đã biết mình sẽ học ngành nào, tập trung vào những môn nào để tăng cường kiến thức, kỹ năng cho sự nghiệp sau này. Vì thế, học thạc sĩ sẽ dễ tập trung hơn, có động lực học hơn và tinh thần học tập cũng cao hơn ở đại học.
Học thạc sĩ sẽ có nhiều yêu cầu bài vở hơn học đại học. Phần đông giảng viên nhìn nhận học viên cao học là người trưởng thành, đã có bằng cử nhân, thậm chí đã có kinh nghiệm đi làm nên chất lượng bài vở và thái độ học tập cần phải tốt hơn thời đại học. Đặc biệt, để tốt nghiệp thạc sĩ, nhiều trường yêu cầu viết luận văn hoặc làm đề án tốt nghiệp có báo cáo đi kèm.
Môi trường: Đối tượng học thạc sĩ là những người đã tốt nghiệp đại học, có thể đã đi làm được một vài năm rồi mới quyết định quay lại trường học để nâng cao trình độ, lấy bằng cấp cao hơn. Bởi vậy, môi trường học thạc sĩ thường trưởng thành, nghiêm túc và tập trung hơn đại học. Học viên cùng một lớp có thể sẽ có lứa tuổi khác nhau, kinh nghiệm sống và làm việc khác nhau, cũng như có mục đích khác nhau khi theo đuổi tấm bằng thạc sĩ. Vì thế, môi trường học thạc sĩ cũng thực tế hơn, các học viên tạo thành network công việc-cộng tác (đặc biệt đối với chương trình MBA) và vì thế, nếu biết tận dụng, đây sẽ là tiền đề phát triển sự nghiệp sau tốt nghiệp.
Phát triển bản thân: Thạc sĩ là thời kỳ thú vị để phát triển bản thân vì trong cùng một khoá học sẽ có những người học từ đại học lên thẳng thạc sĩ vì muốn lấy bằng kép hoặc chưa biết định hướng rõ ràng cho tương lai, nhưng cũng có những người đã biết chắc tương lai nghề nghiệp của mình là gì rồi và quay lại học để tiến gần hơn với mục tiêu đó.
Bản thân tôi cảm thấy mình đã trưởng thành rất nhiều trong giai đoạn học thạc sĩ—mặc dù thời gian học của tôi rất ngắn (chỉ khoảng hơn 1 năm) và học dưới áp lực lớn (vừa học vừa làm, vừa xin tiếp học bổng tiến sĩ). Tuy nhiên, môi trường học thạc sĩ chuyên nghiệp, được học với những người có đam mê học thuật khiến cho tôi cảm thấy mình nghiêm túc hơn với việc học và phát triển bản thân.
TIẾN SĨ
Học tập: Học tiến sĩ là một trải nghiệm học tập khác hẳn tất cả các cấp học khác. Vì tiến sĩ không tập trung vào việc lên lớp hay điểm số mà nặng hơn về nghiên cứu, thành quả của việc học tiến sĩ không phải là GPA cao mà là những xuất bản khoa học, những công trình, dự án nghiên cứu. Trong cả chương trình (thường dài từ 4 đến 10 năm), nghiên cứu sinh làm việc trong phòng thí nghiệm hoặc ở những dự án cộng tác với giáo sư. Vì vậy thay vì nói “học tiến sĩ” người ta thường nói là “làm tiến sĩ” vì đây chính là công việc thực sự, chứ không chỉ dừng lại ở việc lên lớp, trả bài bình thường.
Tiến sĩ có yêu cầu học thuật cao hơn tất cả các bậc học khác. Để hoàn thành được chương trình, nghiên cứu sinh cần có đam mê với học thuật, có khả năng tập trung cao, kiên trì, bền bỉ để tập trung nghiên cứu những đề tài hẹp trong nhiều năm liền. Ngoài luận án tiến sĩ vô cùng quan trọng, nghiên cứu sinh còn cần phải làm tham luận phát biểu hội thảo và xuất bản nghiên cứu khoa học để có thể xây dựng CV cạnh tranh, có tiếng nói nhất định trong giới học thuật trước khi ra trường. Nếu bạn không thực sự đam mê nghiên cứu thì không nên theo đuổi con đường học tiến sĩ vì đây là một con đường hẹp, dài, mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức mới đi được hết.
Môi trường:
Nếu bạn bước vào chương trình tiến sĩ trước tuổi 30 (như tôi), bạn có thể sẽ thấy mình rất non nớt vì bạn học của bạn có thể đã lớn tuổi và đi làm nhiều năm, có rất nhiều kinh nghiệm rồi mới trở lại học—đặc biệt nếu bạn học ngành khoa học xã hội (social sciences). Bởi vậy, môi trường học rất học thuật và nghiêm túc, có phần căng thẳng và áp lực. Tuy nhiên, nếu bạn biết lắng nghe kinh nghiệm của người khác, biết phát huy lợi thế và kiến thức của mình đúng chỗ, bạn sẽ học được rất nhiều từ môi trường tiến sĩ và tìm ra chỗ đứng riêng cho mình.
Ngoài ra, vì quá trình học tiến sĩ kéo dài rất lâu, bạn cần phải xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với giáo sư, bạn bè và cả những cán bộ hành chính trong chương trình. Điều này rất khác với thời kỳ học đại học (khi bạn còn trẻ và dễ được bỏ qua sai lầm) hay thời kỳ thạc sĩ (khi thời gian học quá ngắn để ghi nhớ sai lầm). Kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ lâu dài là tối cần thiết trong quá trình học tiến sĩ.
Phát triển bản thân: Tiến sĩ là “thiên đường” cho những ai thích nghiên cứu học thuật và theo đuổi những giá trị hàn lâm, nghiêm túc. Cá nhân tôi cảm thấy não mình có thêm vài “vết nhăn” sâu trong quá trình học tiến sĩ, kèm theo nhiều kỹ năng cứng và kỹ năng mềm khác mà ít người có được. Quá trình học tiến sĩ thực sự giúp nghiên cứu sinh phát triển về chiều sâu hơn, nhận ra mình là ai và giá trị của mình thực chất là gì.
Vì giai đoạn học tiến sĩ rất dài, nghiên cứu sinh phải xác định rằng sẽ có rất nhiều biến chuyển trong cuộc đời của họ. Bản thân tôi từ lúc bắt đầu chương trình đến khi tốt nghiệp đã qua không biết bao thay đổi lớn: lập gia đình, sinh con, nhà có người ốm, sa sút về tinh thần, thể chất, tài chính… Rất nhiều người phải bỏ học tiến sĩ giữa chừng vì những vấn đề trong đời sống cá nhân ngoài dự kiến. Bởi vậy, quá trình học tiến sĩ cũng rèn luyện cho nghiên cứu sinh ý chí mạnh mẽ, vượt lên nghịch cảnh và lòng kiên trì, bền bỉ hiếm có ở bất cứ chương trình học nào.
Nguồn: The Present Writer (Nếu bạn muốn đọc toàn bộ bài viết, có thể xem tại: https://thepresentwriter.com/hoc-dai-hoc-thac-si-va-tien-si/)