Bức tranh " Mông Triệu" () của Titian
Bức tranh " Mông Triệu" () của Titian
Venice mĩ lệ, Venice yêu kiều. Đôi chân lãng du như lạc bước giữa những dòng nước trong vắt lấp lánh, những chiếc cầu hình vòm xinh xắn bắc qua những dòng kênh nhỏ hẹp tựa như những ngón tay búp măng đan vào nhau của thành phố này. Đôi chậu cây lá vươn mình trên ban công nhìn xuống những chiếc gondola, vài ba cây lựu thỉnh thoảng trổ hoa đỏ thắm trên bức tường rêu phong như những lời mời gọi ý vị của những khung cảnh cổ xưa...
1.Tuyệt Phẩm Của Venice
Lần theo từng con phố nhỏ, tầm mắt của du khách hốt nhiên bừng mở khi bước vào những quảng trường rộng thênh thang, rồi nhẹ nhàng thu hẹp lại khi đi vào những ngõ nhỏ cô liêu khuất bóng. Dừng chân một chút, du khách bốn phương có thể tìm thấy trong mê cung này nhiều ngôi nhà thờ cổ kính với nội thất lộng lẫy và những bức tường được xếp bằng các bàn thờ phụ cùng những bức tranh sơn dầu tuyệt vời.
Vương cung thánh đường Santa Maria Gloriosa dei Frari
Vương cung thánh đường Santa Maria Gloriosa dei Frari
Nếu bạn đến thăm Vương cung thánh đường Santa Maria Gloriosa dei Frari, bạn sẽ thấy một trong những bức tranh đẹp nhất trong toàn thành phố Venice. Không, chúng tôi nghĩ có lẽ là một trong những bức đẹp nhất trên toàn thế giới. Đó chính là bức họa 'Đức Mẹ hồn xác lên trời' (hay còn gọi là "Mông triệu") của Tiziano Vecellio, họa sĩ danh tiếng thời Phục Hưng, thường được mọi người biết đến nhiều hơn dưới cái tên 'Titian'.
Chân dung tự họa của họa sĩ Tiziano Vecellio (1490-1576), tên thường gọi Titian
Chân dung tự họa của họa sĩ Tiziano Vecellio (1490-1576), tên thường gọi Titian
Tiziano Vecellio (1490 – 1576) là một danh họa Italia, thủ lãnh trường phái Venice thế kỷ 16 của phong trào Phục hưng Italia. Titian được những người đương thời công nhận là "Mặt trời giữa những ngôi sao nhỏ" (gợi nhớ lại những dòng cuối cùng trong tác phẩm Thần Khúc của Dante). Ông là một trong những họa sĩ Italia đa tài nhất, tinh thông cả vẽ chân dung, phong cảnh và các chủ đề thần thoại và tôn giáo. Những phương pháp sáng tác của ông, đặc biệt trong việc sử dụng màu sắc, có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ với những họa sĩ Italia thời Phục Hưng, mà cả với những thế hệ tiếp sau của nghệ thuật phương Tây. Và ông được người ta nhớ tới, không chỉ vì tài năng hội hoạ bậc thầy, mà còn do tính tiên tri trong hoạ phẩm trác tuyệt của ông, bức 'Đức Mẹ hồn xác lên trời'.
2.Một Niềm Tin Lớn Mạnh Qua Dòng Thời Gian
Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời là biến cố sau cùng trong mầu nhiệm đời sống Đồng công Cứu chuộc của Mẹ, đặc biệt liên đới với mầu nhiệm Nhập Thể Cứu thế của Chúa Giêsu, Con Mẹ. Vì Mẹ đã chịu thai và hạ sinh Chúa Giêsu, thì sau khi về trời vinh quang, Chúa Giêsu cũng đưa Mẹ vào Cõi Vĩnh Phúc vinh quang cùng với Người. Mẹ đã cho thân xác Chúa sự sống nhân loại, thì đáp lại, Chúa cũng cho thân xác Mẹ sự sống trường sinh vinh quang. Do đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, thân xác trinh trong của Mẹ được thoát án lệ của tội Nguyên Tổ, mà được sống lại và lên trời cùng với linh hồn trong sáng của Mẹ.
Thế nhưng trong mấy thế kỷ đầu của Giáo hội người ta không thấy có dấu tích gì về lòng tin Đức Maria lên trời cả hồn lẫn xác. Nhưng trong một cái quách thời đầu thế kỷ IV, hiện ở nền nhà thờ Santa Engracia thành Saragossa, người ta tìm ra một bức chạm trổ hình Đức Mẹ lên trời. Và chứng tích của Thánh Epiphanus cho biết niềm tin Mẹ Maria bất tử và thân xác Mẹ vinh quang đã được truyền bá sâu rộng trong một ít giáo đoàn như Antiochia.
Bàn thờ phụ và bức tranh
Bàn thờ phụ và bức tranh
Thế kỉ VIII, thánh Ioannes Damaskenos, vị linh mục tiến sĩ Hội Thánh nổi tiếng về những linh thi, đã nói: "Cần thiết rằng Con Thiên Chúa, khi sinh ra, đã gìn giữ vẹn tuyền đức Trinh của Mẹ, thì phải gìn giữ Mẹ khi chết, khỏi hư hoại. Đấng đã cưu mang Đấng Tạo Hoá cần được ở trong cung điện của Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa cần phải có tất cả mọi điều thuộc về Con của Mẹ và cần được mọi thụ tạo tôn vinh". Vào thế kỉ XII, Đức Giáo Hoàng Alexandrus III nói: "Mẹ Maria thụ thai không bị xấu hổ, sinh con không bị đau đớn, từ trần không bị hư hoại trong mồ, vì theo lời Tổng lãnh Thiên sứ, Mẹ đã được đầy ơn".
Nhưng mãi đến ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Pius XII mới lấy quyền Tông Tòa ban hành Thông điệp "Munificentissimus Deus", long trọng định tín "Mẹ Maria linh hồn và xác lên trời" là một tín điều buộc mọi người tín hữu Công Giáo phải tin.
ĐTC Pius XII (1876-1958)
ĐTC Pius XII (1876-1958)
Điểm qua vài nét lịch sử giáo hội để chúng ta thấy được sự bất định về tín lý nói chung của thời đại và sự khó khăn về mặt thiêng liêng cá nhân của Titian khi ông bắt tay vào vẽ 'Đức mẹ hồn xác lên trời' vào năm 1516, lúc ông mới khoảng 26 tuổi. Bức tranh cao gần bảy thước (22 feet), làm hậu cảnh cho một bàn thờ phụ trong Vương cung thánh đường Frari. Nó được chú ý không chỉ vì mang kích thước khổng lồ mà còn là một họa phẩm mang tính cách mạng. Bởi vì trong khi các bức tranh tôn giáo theo lối icon hay khảm tường trong các nhà thờ trước đó tương đối tĩnh thì các nhân vật của Titian lại được vẽ hết sức sống động và đầy cảm xúc. Chính điều đó đã mang lại cho tác phẩm 'Đức Mẹ hồn xác lên trời' một sức đánh động vô cùng lớn lao.
3.Mẹ Thiên Chúa Khải Hoàn Vào Thiên Cung
Bức tranh của Titian ghi lại mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, theo quan điểm của ông. Ông đã sử dụng quy ước chung về xác định không gian theo chiều thẳng đứng, để bức tranh trở nên linh thiêng hơn khi nó hướng cái nhìn của chúng ta lên trên. Bố cục được chia rõ ràng thành ba phần: cõi trần gian nơi các tông đồ đứng vây quanh, ngay phía trên là Đức Trinh Nữ được phục sinh và nâng lên cao trên những đám mây, và trên cùng là Thiên Chúa hằng hữu toàn năng vinh quang ngàn trùng thánh đang giang rộng vòng tay chào đón Ái Nữ Diễm Phúc của Ngài.
...trên cùng là Thiên Chúa hằng hữu toàn năng vinh quang ngàn trùng thánh đang giang rộng vòng tay chào đón Ái Nữ Diễm Phúc của Ngài.
...trên cùng là Thiên Chúa hằng hữu toàn năng vinh quang ngàn trùng thánh đang giang rộng vòng tay chào đón Ái Nữ Diễm Phúc của Ngài.
Chúa Cha được Titian thể hiện như đang từ một khe hở trong áng mây vàng rực rỡ nhìn xuống Đức Mẹ. Kề bên Ngài là một vị thiên thần đang mang vương miện đến. Bản thân Đức Mẹ Maria - tâm điểm thực sự của tác phẩm - đang đứng trong tư thế đầy sốt mến. Mẹ đứng trên một đám mây trắng mềm mại với các thiên thần xúm xít xung quanh nâng đám mây lên trên. Tà áo tung bay trong gió nhẹ bao quanh người Mẹ như muốn nhắc nhớ về việc Mẹ luôn nhận được sự “phủ bóng” của Thánh Thần Thiên Chúa.
Mẹ luôn nhận được sự “phủ bóng” của Thánh Thần Thiên Chúa.
Mẹ luôn nhận được sự “phủ bóng” của Thánh Thần Thiên Chúa.
Ở phía dưới, Titian đã ít nhiều lược bỏ ngôi mộ đá và thay vào đó là quang cảnh tụ tập của những người đàn ông mặc áo choàng. Trong số họ, ta có thể nhận ra các vị thánh tông đồ: Thánh Phêrô, Thánh Tôma và Thánh Anrê - ngây ngất trước điều kỳ diệu vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện trước mắt mình, nhưng cũng thoáng chút buồn vì phải tạm thời xa cách Đức Maria, người mẹ của Đấng Kitô - Đấng cứu độ của họ. Họ cầu xin Mẹ ở lại, nhưng ánh mắt của Mẹ đã hướng về Thiên đàng. Ở đó, Đức Mẹ được Thiên Chúa chờ đợi.
quang cảnh tụ tập của những người đàn ông mặc áo choàng
quang cảnh tụ tập của những người đàn ông mặc áo choàng
Từ quan điểm sáng tác, sơ đồ ba phần này là minh chứng rõ ràng nhất về sự phức tạp của các kỹ thuật tinh tế mà nghệ sĩ đã sử dụng để mang lại chiều sâu âm ba và hình khối cho bức họa, tất cả đều giúp tôn vinh thêm vinh quang của Mẹ Thiên Chúa. Bên cạnh đó, nhiều người có thể dễ dàng nhận ra sự rực rỡ của bố cục kim tự tháp, được tạo thành từ hai vị tông đồ mặc áo choàng đỏ ở chân bức tranh và đạt đến đỉnh điểm ở xiêm áo đỏ thắm của Đức Trinh Nữ. Ngoài tác dụng dẫn dắt con mắt người thưỡng lãm từ dưới đất lên đến cõi thiên đàng, nó cũng tạo cho bức tranh một sự vững chãi nhất định. Sau đó, hình dạng xoắn ốc tinh tế của chiếc khăn choàng màu Xanh Đức Mẹ lại mang đến cho bức họa một mức độ linh hoạt khác lạ trong bố cục và một lần nữa, hướng đôi mắt những người thưởng lãm về Đức Mẹ. Trong một hình thức trang nhã nhất và đơn giản nhất của hội họa cổ điển, nửa trên của bức tranh được họa hình thành một vòng tròn hoàn hảo từ các viền cong của đám mây và phần đỉnh tròn của khung tranh, hữu ý mà như vô tình, chính tâm của vòng tròn này chính là gương mặt của Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc.
Dẫn dắt con mắt người thưỡng lãm từ dưới đất lên đến cõi thiên đàng
Dẫn dắt con mắt người thưỡng lãm từ dưới đất lên đến cõi thiên đàng
'Đức Mẹ hồn xác lên trời' của Titian là đặc trưng của xu hướng dùng màu sắc sống động với độ sáng cao mà Titian ưa thích trong các họa phẩm của thời gian đầu sự nghiệp nghệ thuật. Tuy nhiên, về sau này, phong cách của ông đã phát triển để thiên về các sắc thái màu sắc và đổ bóng tinh tế hơn. Trong bức họa này Titian đã thể hiện những kĩ năng bậc thầy trong việc xử lý tổng thể ánh sáng và không gian cũng như cách khắc họa các nhân vật đầy sống động và đa dạng. Chỉ cần nhìn vào vô số các tiểu thiên thần tô điểm cho đám mây, cái cách mà mỗi vị được cá nhân hóa - hát hoặc chơi những nhạc cụ khác nhau - ta cảm nhận được niềm hân hoan đang tràn dâng trong toàn thể vũ hoàn trong ngày vinh thắng của Đức Mẹ.
Không có gì ngạc nhiên khi bức họa 'Đức Mẹ hồn xác lên trời' đã đưa về được rất nhiều lời khen ngợi có cánh cho Titian và đưa ông tiến rất xa trên con đường trở thành một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Ý. Titian mất năm 1576 và được chôn cất trong chính Vương cung thánh đường Frari, nơi treo kiệt tác này. Nhà điêu khắc tân cổ điển tài hoa người Venice Antonio Canova (1757-1822) đã mô tả tác phẩm 'Đức Mẹ hồn xác lên trời' của Titian là bức tranh đẹp nhất thế giới. Năm 1818, bức họa bị dỡ bỏ khỏi bàn thờ và chuyển đến Học viện Mỹ thuật Venice, nơi nó được triển lãm trong một thế kỷ trước khi được trả lại cho Vương cung thánh đường Frari vào năm 1919. Cho đến tận lúc đó, gần 400 năm sau khi Titian qua đời, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vẫn chưa thành một tín điều của Hội Thánh Công Giáo mà mới chỉ là tâm tình thiêng liêng của các tín hữu, rất rất nhiều tín hữu!
4.Dưới Đất Cũng Như Trên Trời
Ngày 1-5-1946, với Thông điệp "Deiparae Virginis" gửi các Giám mục khắp Giáo Hội, Đức Giáo hoàng Pius XII cho biết từ năm 1840 đến năm 1940, những đơn thỉnh nguyện tâu xin Toà Thánh định tín Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, đã đóng thành hai cuốn sách. Những đơn thỉnh nguyện này do các Đức Hồng Y, các Thượng Phụ Giáo Chủ, các Giám Mục, đặc biệt 200 Nghị Phụ Công đồng Vatican I, các linh mục, tu sĩ nam nữ, các trường Đại học, các đoàn thể và đông đảo giáo dân gửi về cho Tòa Thánh. Đứng trước tấm lòng con thảo của mọi thành phần dân thánh Chúa, Đức Giáo hoàng chính thức xin các Đức Giám Mục cho ngài biết lòng sùng kính Đức Mẹ lên trời của hàng giáo sĩ, giáo dân của giáo phận các ngài và xin các ngài theo sự khôn ngoan, xét đoán thế nào về việc tuyên tín.
Ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo hoàng Pius XII ban hành Thông điệp "Munificentissimus Deus", long trọng định tín "Mẹ Maria, linh hồn và xác lên trời" là một tín điều buộc mọi người tín hữu Công Giáo phải tin: "Do uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn, và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên Đàng cả hồn và xác. Nếu ai cả dám tự tình chối bỏ hay nghi ngờ điều Ta đã định tín, thì họ phải biết rằng họ hoàn toàn phản bội đức tin Công giáo của Thiên Chúa".
ĐTC Pius XII ban hành thông điệp "Munificentissimus Deus" năm 1950
ĐTC Pius XII ban hành thông điệp "Munificentissimus Deus" năm 1950
Tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội do Đức Giáo hoàng Pius IX tuyên tín năm 1854, đã là một viên bích ngọc rực sáng trên triều thiên của Mẹ, và là một luồng sáng rọi chiếu vào tín lý Mẹ lên trời cả hồn xác đã loé sáng lên qua bao thế kỷ, để đến thời đại chúng ta, bừng sáng lên thành một tín điều, thêm một viên hoàng ngọc chói ngời trên triều thiên vinh quang của Đức Mẹ.
5.Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Của Chúng Con
Biến cố Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hoàn thành sự thánh thiện và huân nghiệp của Mẹ, là niềm ủi an và hy vọng tràn trề của chúng ta, và là khởi đầu và là hình ảnh Hội Thánh sẽ được thành toàn trên Nước Trời. Hồn Xác Mẹ lên trời vinh quang, được Thiên Chúa Ba Ngôi tôn phong làm Nữ Vương trời đất và làm Đấng Trung Gian ban phát mọi ơn lành cho chúng ta. Đặc ân Hồn Xác Lên Trời mà Thiên Chúa ban cho Mẹ đã chung qui mọi đặc ân của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, Mẹ Thiên Chúa, và cũng là Mẹ chúng ta.
Lạc Vũ Thái Bình-Trần Gia Hân
Huế-Sài Gòn, 08-2021