Photo by Giấy
Trinh thám vốn là một mảnh đất văn học sôi động với ồ ạt những tác phẩm lớn bé đủ thời. Nhưng hai túi truyện của Karel Capek – Tales from two Pockets (tựa tiếng Việt – Hoa cúc xanh) vẫn ung dung độc chiếm một góc riêng không lẫn đi đâu được.
Karel Capek là nhà văn có ảnh hưởng lớn đến nền văn học Czech nửa đầu thế kỉ 20. Các tác phẩm của ông làm thay đổi cái nhìn đương thời về ngôn ngữ bản địa, đưa văn chương Czech “đến gần hơn với thứ ngôn ngữ mà con người ta thực sử dụng hằng ngày”. Và với Hoa cúc xanh, ông tiếp tục gửi tới độc giả những mẩu chuyện nho nhỏ với những cách tân về nội dung và hình thức. Người đọc sẽ theo chân những nhân vật nhỏ bé khám phá những vụ án bé nhỏ mà kì khôi. Với lối kể lồng ghép “truyện trong truyện”, những vụ án quy mô hoành tráng chỉ thu bé lại trong câu chuyện phiếm hằng ngày của các nhân vật - “các ông bạn ạ”, “tôi đang điều tra một vụ”, “các vị biết không”.. Ngôn từ dung dị, hài hước, không bí hiểm, không dày vò trí não người đọc. Rồi dưới những câu chuyện ấy, từng tầng nghĩa hiện lên, và phần còn lại tùy thuộc xem bạn “bóc” được đến lớp nào.
Các câu chuyện trong Hoa cúc xanh phần nhiều nói về những khía cạnh cuộc sống: sự bất công, định kiến, lương tâm và lòng ngay thẳng,... Một số truyện đề cập đến công lý, pháp luật và hệ thống tư pháp.
Photo from Internet
Dưới đây mình xin “bóc” thí điểm một vài truyện trong cuốn sách theo góc nhìn cá nhân.
Phiên tòa cuối cùng 
Một tên tội phạm khi chết được lên Thiên đàng để tham dự phiên xét xử cuối cùng. Hắn ngạc nhiên khi Hội đồng xét xử cũng chính là những người xử án dưới trần gian chứ không phải Thượng đế. Thượng đế, trong khi đó, chỉ là một ông lão nhân chứng ngồi kể lể về thời thơ ấu của bị cáo. Trả lời cho câu hỏi đầy bức xúc của hắn, Ngài nói:
Nếu các thẩm phán biết hết, họ sẽ không thể xử; nếu họ hiểu hết thì tim họ sẽ đau. Thẩm phán chỉ biết về các tội lỗi của con thôi, còn ta thì biết hết về con. Vì vậy ta không thể xử.
 Một nghịch lý lại hợp lý đến kì lạ. Vì Ngài là Thượng đế, Ngài biết tên tội phạm giết người kia từng là một đứa trẻ rất yêu mẹ, một đứa trẻ đã khóc hết nước mắt khi làm mất mấy viên bi thủy tinh. Ngài biết trong con người ấy còn nhiều phần khác hơn là một kẻ sát nhân, và những phần ấy làm Ngài đau lòng nếu phải kết án hắn. Nhưng những vị thẩm phán – hay nói chung là luật pháp trần gian thì không, đối với họ một kẻ giết người là một kẻ giết người, họ có thể thẳng tay nhân danh công lý, bởi vì 
Con người không xứng đáng với công lý nào khác ngoài công lý của con người.
 
Photo from Internet
Vụ ám sát 
Ông hội đồng mẫn cán bị ám sát hụt gọi điện trình báo sự việc với cảnh sát để tìm ra hung thủ. Người thanh tra hỏi liệu ông có gây thù chuốc oán với ai không. Ban đầu ông này khẳng định chắc nịch mình vốn lương thiện hòa nhã, không gây hấn gì đến ai. Nhưng đến khi ngồi một mình tự vấn lại, ông lại tìm ra hàng tá lí do để ai đó có thể căm thù mình: lỡ miệng nhắc đến người vợ ngoại tình của bạn; không tiếp tục may đồ ở chỗ anh thợ may quen vì anh ta bị lao; la mắng ông giúp việc ở văn phòng... Những “tội lỗi” mà ai cũng mắc như cơm bữa.
Nên là cứ yên tâm, dù bạn có sống hiền lành nhún nhường đến đâu, cũng vẫn sẽ luôn có lí do để bạn trở thành cái gai trong mắt người khác.
Hoa cúc xanh
Photo from Internet
Một trong những câu chuyện xuất sắc nhất, tất nhiên, đâu phải tự dưng mà nó được chọn làm nhan đề của cả tập truyện. Một đám người bao gồm Công tước, thợ vườn, cảnh sát, dân phòng đổ xô đi lùng sục tung tích cây hoa cúc xanh quý giá nhưng đều bất lực. Vậy mà con bé tưng tửng dở người trong làng cứ thỉnh thoảng lại ôm về một bó hoa trong sự ngỡ ngàng xen lẫn bực tức của đám người lớn. Cuối cùng người ta vỡ lẽ ra cây hoa mọc ở lối đi dọc đường tàu, mà đường tàu lại có bảng “cấm đi”. Chỉ có con bé ngờ nghệch không biết đọc là không bị cái biển bé nhỏ tầm thường ấy cản bước.
Đôi khi, chính sự thông thái và hiểu biết lại vẽ nên những lối mòn ngăn trở người ta đến với những khám phá kì diệu.
Bốn mươi truyện ngắn trong túi truyện đều nhẹ nhàng như thế. Người đọc sẽ không “xơi” ngấu nghiến như các tiểu thuyết trinh thám li kì, mà chỉ nhâm nhi mỗi ngày đôi ba truyện, cho thư thả đầu óc, đôi khi khúc khích cười vì những cảnh huống oái oăm, lắm lúc lại gật gù vì mò mẫm ra được một ý nghĩa nào đó.