Khi viết dòng tiêu đề này, mình có thể tưởng tượng các bạn, những người đang duyệt web trong lúc rảnh rỗi, thật dễ dàng vô thưởng vô phạt lướt qua. Nhưng cũng dễ hiểu khi đây là một chủ đề đã được “nhai lại” khá nhiều lần trên các phương tiện truyền thông cũng như tại các trường học, giảng đường. HIV/AIDS cũng luôn gắn liền với những chủ đề khá tế nhị mà khi nhắc đến, không ít những bạn trẻ sẽ bụm miệng cười đùa, còn người lớn thì ra sức né tránh. Kéo theo hiện thực đó là những bài giảng hời hợt, hiếm khi là đủ để mọi người có một cái nhìn toàn diện và nghiêm túc về HIV/AIDS – một căn bệnh tàn bạo đã đe dọa và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Cá nhân mình có một nguồn động lực riêng để thực hiện bài viết này, nhưng để không tốn thời gian của bạn đọc, mình sẽ để lại ghi chú cũng như credit nguồn tham khảo ở cuối bài. Và giờ để bắt đầu, chúng ta hãy điểm lại những kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, mà qua đây, các hiểm họa tiềm tàng của ôn dịch này sẽ phần nào được làm sáng tỏ:
1. HIV là tên một loại virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người. AIDS là giai đoạn cuối sau nhiễm HIV, khi hệ miễn dịch của người bệnh đã hoàn toàn suy sụp. Nói cách khác, HIV không trực tiếp giết người. Thủ phạm là vô vàn các căn bệnh cơ hội sẽ tấn công khi ta không còn được hệ miễn dịch bảo vệ.
2. HIV lây qua đường máu, từ mẹ sang con (qua nhau thai và sữa mẹ), và phổ biến nhất, qua đường tình dục.
3. HIV có thời gian ủ bệnh rất dài:
Người nhiễm virus sau 2-4 tuần sẽ có những triệu chứng cơ bản của bệnh cúm, nhưng chúng sẽ biến mất khá nhanh ngay sau đó;Trong thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 5 năm, người nhiễm hoàn toàn không có biểu hiện bệnh;Khi bệnh chuyển sang giai đoạn AIDS, người bệnh trung bình chỉ có thể sống thêm từ 1-3 năm khi không qua điều trị.

Đọc thêm:

Trong bài viết, mình xin không bàn quá sâu về cơ chế hoạt động của virus hay các bước phát triển của bệnh mà tập trung trả lời câu hỏi đầu đề: Làm thế nào mà HIV/AIDS lại có thể lây lan với một tốc độ chóng mặt và trở thành căn bệnh thế kỉ? Sau đây là các nguyên do mang tính văn hóa, xã hội và kinh tế; những yếu tố tưởng chừng quá vĩ mô nhưng thực chất đã góp một phần trọng yếu cho từng bước chinh phạt nhân loại trên toàn cầu của HIV/AIDS. 
Mọi thứ đều có một điểm khởi đầu. Và khởi đầu của HIV thực chất đã được đặt rất xa so hơn nhiều người vẫn tưởng. HIV bắt nguồn từ SIV, một loại virus gây suy giảm miễn dịch ở loài linh trưởng. Đúng vậy, suốt nhiều thế kỉ trước, SIV đã lặng lẽ nhân lên trong các quần thể linh trưởng hoang dã với cùng một phương thức. Những con vượn, tinh tinh lây truyền virus qua các vết thương sau những cuộc ẩu đả, qua các thế hệ con cháu cũng như qua giao phối. Khi hệ miễn dịch suy giảm, chúng cứ yếu dần và chết. Chẳng có gì đáng để con người quan tâm nếu vòng đời của virus mãi được gói gọn trong bầy khỉ tại một cánh rừng già xa xôi. Tuy nhiên theo ước tính, năm 1908 đã đánh dấu một bước ngoặc tai ương, khi chủng virus này vượt qua ranh giới các loài và lây từ vượn sang người. Đó dường như là một sự tình cờ không tưởng.
Tại một ngôi làng nghèo đói tại Congo, Châu Phi, bấy giờ là thuộc địa của Bỉ. Những người đàn ông nuôi sống bản thân cùng gia đình họ bằng nghề săn bắn. Một người thợ săn đã vào rừng như mọi ngày; con thú anh săn được hôm đó là một con tinh tinh nhỏ. Một con tinh tinh chậm và yếu hơn những con khác. Tình cờ, con tinh tinh đó mang trong mình một loài virus lạ. Thông qua những vết thương hở trên người thợ săn, virus đã xâm nhập vào cơ thể anh. Nhận thấy sự tương đồng giữa hai vật chủ cùng thuộc bộ linh trưởng, nó đã thành công ẩn mình mà không bị đào thải. Mang trong mình mầm mống của tai ương, người thợ săn không nhận thấy chút gì khác biệt. Anh vẫn sẽ mang xác con tinh tinh trở về như một chiến lợi phẩm.
Cuộc đời đơn giản của anh hẳn sẽ tiếp tục, và loài virus nhỏ bé hẳn sẽ không được biết đến. Cũng như vô vàn căn bệnh lạ, vô danh khác vẫn thường xuất hiện và lặng lẽ lấy mạng người tại một châu lục xa xôi như Châu Phi. Sẽ không nếu những sự tình cờ này không được nối tiếp bởi những sự tình cờ khác.

Đọc thêm:

(Bản đồ khu vực xác nhận ca nhiễm HIV đầu tiên)
Trở lại với người thợ săn, anh sẽ không mang con tinh tinh về nhà cho bữa tối. Thay vào đó, anh sẽ mang nó xuôi theo dòng sông Sangha, đến các khu chợ trung tâm nơi hoạt động giao thương diễn ra tấp nập. Tại đó con tinh tinh có thể được đổi lấy ngũ cốc cùng các nhu yếu phẩm khác. Một sự trao đổi cơ bản mà đôi bên cùng có lợi.
Tại khu trung tâm tấp nập ấy, không có gì đáng ngạc nhiên khi một loại hình buôn bán khác cũng có cửa phát triển mạnh mẽ - ngành mại dâm. Những người bán dâm sẵn sàng phục vụ một số lượng lớn các khách hàng mỗi ngày. Những kẻ buôn bán mệt mỏi tìm đến loại hình dịch vụ này, ngẫu nhiên có bao gồm người thợ săn kia. Hiển nhiên, tình dục an toàn không phổ biến tại Congo trong thời gian này, nếu không muốn nói là chưa tồn tại. Và như vậy, HIV đã thuận lợi lây từ người sang người. Để rồi, những người buôn bán sẽ lại ngược xuôi trở về nhà, không hề hay biết đến mầm bệnh họ mới chuốc lấy. Sự phát triển của giao thông đường sắt tại thời điểm này càng giúp họ dễ dàng di chuyển từ khu trung tâm thương mại sầm uất tới các nước lân cận tứ phương.
Nếu đánh giá khả năng lây lan của một bệnh dịch bằng phương thức lây nhiễm, hẳn những bệnh lây qua đường hô hấp mới là nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, HIV với thời gian ủ bệnh dài đến hàng năm trời đã ẩn sâu và phát tán rất hiệu quả.

Đọc thêm:

Những con người đầu tiên trở thành nạn nhân của HIV vẫn sẽ khỏe mạnh, sinh hoạt và lao động bình thường trong suốt nhiều năm tới. Và kể cả khi họ dần yếu đi và qua đời, bản thân họ và thế giới vẫn sẽ không biết đến và ghê sợ HIV. Căn bệnh vẫn gói gọn trong cộng đồng người tại nước Congo thuộc Bỉ và một số nước Châu Phi lân cận. Đáng tiếc thay, những sự tình cờ tai hại không hề ngừng nối tiếp nhau và mang dịch bệnh vượt qua biên giới.
Một nhân tố quyết định cho bước chinh phạt tiếp theo của HIV/AIDS bắt nguồn từ những sự kiện mang chủ ý tốt. Từ năm 1921-1959, tại Congo cũng như nhiều nước châu Phi khác, một chiến dịch y tế đã được triển khai nhằm phòng, chống một số dịch bệnh đang hoành hành nơi đây. Điển hình là bệnh ngủ Châu Phi và sốt rét. Sau này, một nhà vi sinh đã đưa ra số liệu: ước tính khoảng 3,9 triệu mũi tiêm cho bệnh ngủ đã được thực hiện trong khoảng thời gian này. 74% trong số đó được tiêm thằng vào mạch máu của bệnh nhân thay vì qua cơ bắp (như vậy, thuốc sẽ phân tán nhanh hơn). Mặt khác, thời gian đó không phổ biến loại kim tiêm dùng một lần. Các nhân công được cử đến trong chiến dịch phần đông đều là những người trình độ chuyên môn thấp, hầu như không được qua huấn luyện kỹ thuật y tế. Họ đơn giản chỉ đến các làng và tiêm chủng cho hàng trăm người mỗi ngày, bằng cùng một kim tiêm, thứ sẽ không được thay mới hay khử trùng sau mỗi lần sử dụng. Những bất cẩn này đã dẫn đến sự phát tán chóng mặt của các bệnh lây qua đường máu, trong đó có HIV.      
 Với HIV/AIDS, khi số lượng người bị nhiễm bệnh trong quần thể đã nhân lên đến một mức độ nhất định, sự lây lan qua đường tình dục sẽ lo phần còn lại.
(Một thanh niên được tiêm ngừa bệnh phong tại Nigeria trong những năm 50)
Sự kiện tiếp theo mang HIV/AIDS vượt Đại Tây Dương và tới các châu lục khác diễn ra vào năm 1960, khi Congo tuyên bố độc lập khỏi Bỉ. Tại nước Cộng hòa Congo mới ra đời, các cán bộ công nhân viên chức người Bỉ đã nhanh chóng trở về quê nhà. Họ để lại một vấn đề nan giải cho Congo là sự thiếu hụt nhân sự có trình độ cao. Một dự án với chủ ý tốt đã được thực hiện nhằm giúp đỡ quốc gia non trẻ. Nhưng đáng tiếc thay, nó đã góp phần khiến ôn dịch lan rộng ra toàn cầu.
Đầu những năm 60, tổ chức Liên Hiệp Quốc đã gửi rất nhiều cán bộ viên chức người Haiti có trình độ đến làm việc quản lý và đào tạo tại Congo. Họ đều là các nam giới trẻ tuổi và khỏe mạnh, tham gia dự án với hợp đồng làm việc ngắn hạn kéo dài vài năm. Những nhà khoa học nghiên cứu HIV/AIDS sau này đã so sánh các khoảng thời gian và nhận được một kết quả hoàn toàn trùng khớp.
Cuối những năm 60 và đầu 70, các công nhân viên chức người Haiti trở về quê nhà sau khi hợp đồng kết thúc. Khoảng 5 năm sau đó, một số bắt đầu có những biểu hiện của các bệnh cơ hội. Tất nhiên, đây không phải là lý do duy nhất dẫn đến sự bùng phát dịch AIDS tại đất nước này vào năm 1980.
First Haitian contingent in Congo called by Maurice Dartigue, February 1961. Photo courtesy of John Dartigue 31  
(Hình chụp đoàn cán bộ người Haiti đầu tiên được gửi đến Congo năm 1961)
Trong hai năm 1971-1972, một cơ sở chuyên cung cấp các sản phẩm từ máu đã hoạt động tại Haiti. Họ thu hồi máu được hiến tặng, lọc các sản phẩm máu và phân phối chúng tới nhiều nước trên thế giới. Những người tham gia hiến máu được trả từ 3-5$ cho một lít máu, tùy theo chất lượng máu của họ. Để nâng cao lợi nhuận cho công ty, máu, sau khi được lọc lấy những thành phần được yêu cầu, đã được bơm trả lại cho người hiến. Như vậy, người hiến máu sẽ được đảm bảo sức khỏe, đồng thời có thể hiến máu thường xuyên hơn. Chiến thuật tưởng chừng là “một mũi tên trúng hai con chim” đã tiếp tay cho sự lây lan của HIV. Thật vậy, các kim truyền máu, cũng như những mũi tiêm đa dụng ở Congo, không được thay mới hay khử trùng sau mỗi lần sử dụng. Các bệnh lây qua đường máu, bao gồm HIV, thông qua sản phẩm xuất ra cùng lượng máu được bơm lại, đã dễ dàng phát tán qua những người hiến máu lẫn những người nhận trên toàn cầu.
Mặt khác, không ai có thể phủ nhận khả năng lây lan qua đường tình dục như nhân tố trọng yếu trong bước chinh phạt kinh hoàng của HIV/AIDS. Tình dục an toàn với bao cao su khi đó không phổ biến như ngày nay. Một phần, do một số tôn giáo không ủng hộ hành động ngừa thai. Mặt khác, các bệnh lây qua đường tình dục thời đó không quá phổ biến, và bao cao su hầu như chỉ được sử dụng với mục đích ngừa thai. Một nhân tố khác là việc các nạn nhân của HIV/AIDS trong thập kỷ 70-80 có bao gồm những người di chuyển thường xuyên trong nước và ngoài nước, vì công việc hay với tư cách là du khách.
 Năm 1976 ghi nhận mốc thời gian quan trọng trong lịch sử phát triển của ôn dịch HIV/AIDS. Ca bệnh AIDS đầu tiên ngoài nước Mỹ - dù chưa rõ nguyên do tại thời điểm đó – đã được ghi nhận tại gia đình Røed ở Na Uy. Chỉ vài tháng sau khi cô con gái 7 tuổi nhà Røed mất, cha và mẹ của cô bé cũng lần lượt qua đời. Điểm chung giữa họ là những biểu hiện bệnh: những căn bệnh cơ hội người ta dễ mắc phải khi hệ miễn dịch suy sụp. Các nhà nghiên cứu sau này đã tìm ra mối liên hệ giữa bi kịch nhà Røed với HIV/AIDS.
Người cha từng là thủy thủ và đã đi qua nhiều nước trên thế giới, nơi ông đã phơi nhiễm với HIV thông qua hoạt động mua bán dâm. Khi trở về, ông đã lây cho vợ mình, người sau đó sinh ra người con thứ ba dương tính với HIV. Trường hợp của gia đình Røed là một bằng chứng cho khả năng lây từ mẹ sang con của bệnh dịch này. Một điểm đáng chú ý khác là việc người cha sau khi buộc phải bỏ nghề thủy thủ vì sức khỏe suy yếu, đã chuyển sang lái xe tải tại các nước Châu Âu. Trong vài năm đó, ông có hoạt động mua dâm tại các đất nước mình dừng chân. Hiển nhiên, ông đã lây bệnh cho những người bán dâm tại đó, người sẽ tiếp tục lây bệnh cho các khách hàng của họ sau này.
Ngoài ra, năm 1976 cũng là năm của ba sự kiện đã châm ngòi cho sự bùng nổ của dịch AIDS toàn cầu trong những năm 80. Đầu tiên là phong trào du lịch mới nổi trong cộng đồng đồng tính nam với giá cả phải chăng. Nó đã thu hút được rất nhiều sự chú ý từ Bắc Mỹ, và một trong những điểm đến được yêu thích là Haiti. Nếu bạn đọc đã quên, HIV/AIDS vốn đã hoành hành tại Haiti từ những năm 72 dù chưa từng được biết tên, và khả năng cao các khách hàng của dịch vụ này đã phơi nhiễm với virus.
Thứ hai là lễ hội diễu hành bằng thuyền (Operation Sail) kỷ niệm Quốc Khánh Mỹ (4/7) kéo dài trong 5 ngày. Lễ hội đã thu hút sự tham gia của 50 con thuyền lớn nhỏ cùng 25000 thủy thủ từ khắp nơi trên thế giới. Tương tự là sự kiện thứ ba – bữa tiệc đón năm mới đồ sộ tại Mineshaft, Mỹ. Những lễ hội dài ngày tạo điều kiện cho lối sinh hoạt tình dục buông thả và dịch vụ mại dâm - một tụ điểm hoàn hảo cho sự sinh sôi và phát tán của loài virus lạ. Những người đã nhiễm bệnh lây sang cho những người khỏe mạnh và tất cả cùng trở về nhà, ở một thành phố, đất nước hay một châu lục khác. Năm 1977 ghi nhận sự ra đời của rất nhiều bệnh nhi dương tính với HIV, có mẹ mang tiền sử tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, đây cũng là bằng chứng gián tiếp cho thấy mối liên hệ với hai sự kiện kể trên trong một năm trước đó.
Image result for operation sail 1976

Năm 1981 chứng kiến các ca bệnh AIDS đầu tiên tại Hoa Kỳ ở các bệnh nhân nam trẻ tuổi. Điểm tương đồng giữa họ là các triệu chứng như sốt cao, sụt cân bất thường, nổi hạch bạch huyết, nhiễm trùng và các bệnh cơ hội. Một điểm đặc biệt khác là họ đều là người đồng tính. Tại thời điểm đó, các y bác sĩ xác nhận nguyên nhân của tình trạng bệnh là do sự suy giảm hệ miễn dịch, nhưng chưa ai tin rằng họ đang đối mặt với một hội chứng bệnh mới. Mặc cho nỗ lực điều trị các bệnh cơ hội, những ca bệnh sớm đều lần lượt tử vong trong chưa đầy một năm. Khi các ca bệnh AIDS trong cộng đồng người đồng tính nam ngày một gia tăng, chưa có ghi nhận bệnh nào ở phụ nữ và đàn ông dị tính.
Một trong những nạn nhân đáng kể đến nhất của HIV/AIDS trong thời gian này là Gaëtan Dugas – một tiếp viên hàng không đồng tính người Canada – hay được biết đến với cái mác “Patient Zero” (dù anh hiển nhiên không phải là người đầu tiên nhiễm HIV). Trong nỗ lực tìm kiếm mối liên hệ giữa các ca bệnh đầu tiên tại Mỹ, các bác sĩ đã tìm ra một mắt xích chung: phần đông trong số họ đều đã từng có quan hệ với Dugas hoặc với tình một đêm của anh. Bản thân Dugas cũng đã sớm mắc bệnh.
(Gaëtan Dugas)
Từ khi thực hiện được ước mơ trở thành tiếp viên hàng không vào năm 1974, Gaëtan Dugas đã thường xuyên tham gia các chuyến bay và trú tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Halifax, Toronto, Montreal, San Francisco, và New York. Tại một thời điểm nào đó, Dugas, với lối sống buông thả, đã phơi nhiễm với HIV và tiếp tục lây bệnh cho một cơ số lớn các bạn tình của mình mỗi năm. Năm 1980, tuy đã có những biểu hiện bệnh sớm như nổi hạch bạch huyết, ông chỉ cho rằng chúng là một loại ung thư da. Ông thực hiện các biện pháp điều trị nhưng vẫn tiếp tục lối sống buông thả trong nhiều năm trời. Đáng trách hơn cả là việc Dugas vẫn giữ nguyên lối sinh hoạt tình dục của mình kể cả sau khi đã được chuẩn đoán nhiễm HIV/AIDS, và nhận định về phương thức lây lan của dịch đã được làm sáng tỏ. Dugas mất năm 1984 tại quê nhà vì bệnh suy thận.
 Cũng vào đầu những năm 80, thông tin về dịch bệnh sớm được giới báo chí biết đến và công bố trước công chúng dưới cái tít “dịch bệnh của gay”. Căn bệnh lần đầu được biết đến với cái tên GRID – bệnh suy giảm miễn dịch ở người đồng tính. Sự việc này đã làm dấy lên làn sóng kì thị người đồng tính tại Hoa Kỳ và Châu Âu, kéo theo đó là những động thái tiêu cực trong xã hội. Trong sợ hãi, bệnh nhân AIDS và đồng tính nam bị miệt thị và cô lập khỏi cộng đồng, bởi chính bạn bè và gia đình họ. Các nhân viên y tế từ chối chăm sóc bệnh nhân AIDS; các nhà tang lễ không tiếp nhận các ca tử vong vì “bệnh gay”. Đỉnh điểm của thái độ tẩy chay và phân biệt đối xử trong lòng xã hội thể hiện qua tư duy: căn bệnh đã giết đúng người và là sự trừng phạt thích đáng mà Chúa giáng xuống người đồng tính.
Càng đáng lên án hơn là những động thái chính trị dưới thời tổng thống Ronald Reagan trước sự bùng phát của đại dịch, mặc cho sự xuất hiện của các ca bệnh mới từ năm 1982. Chúng đã phủ nhận hoàn toàn suy đoán sai lầm trước đó về mối ràng buộc giữa HIV và người đồng tính, đồng thời chỉ ra các con đường lây lan khác của virus này. Điển hình nhất là trường hợp của 10 bệnh nhân mắc bệnh máu khó đông bẩm sinh, trong đó có một cụ già và một bệnh nhi 7 tuổi; phụ nữ và trẻ sơ sinh có liên hệ với đàn ông có khả năng phơi nhiễm cao với GRID; 32 người đàn ông dị tính nhập cư từ Haiti; cùng rất nhiều trẻ em và người trưởng thành thường xuyên sử dụng sản phẩm từ máu được nhập khẩu.
Sau khi kết luận được đưa ra, máu và huyết tương được nhập khẩu vào Mỹ từ trước năm 1978 đã bị thu hồi và tiêu hủy. Đồng thời, cái tên GRID chính thức được bãi bỏ và khái niệm AIDS – hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải – lần đầu được sử dụng. Tuy nhiên, những định kiến xã hội ban đầu đã sớm lan rộng và vẫn hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tới năm 1983, Chính phủ và Bộ Y tế Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Ronald Reagan vẫn tỏ thái độ thờ ơ với nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho đại dịch AIDS. Các khoản đầu tư vào các dự án nghiên cứu cách chữa trị và phòng chống HIV/AIDS không những không được đưa ra mà còn bị cắt xén bớt trong vài năm. Khi cả thế giới đều hướng về Mỹ như quốc gia tiên phong giải quyết cuộc khủng hoảng toàn cầu, việc họ “án binh bất động” đã kéo dài thời gian nghiên cứu, tiếp tay cho HIV/AIDS lan rộng với tốc độ không tưởng.
(Người biểu tình phản đối động thái thờ ơ trước đại dịch AIDS của tổng thống Ronald Reagan)
Năm 1984, 7699 ca bệnh AIDS được ghi nhận tại Hoa Kỳ, trong đó có 3665 ca tử vong; tại Châu Âu xác nhận 762 ca. Con số này đã gấp đôi trong vỏn vẹn 12 tháng. Năm 1990, Việt Nam ghi nhận người đầu tiên nhiễm HIV – một phụ nữ 30 tuổi.
 Nếu tính tổng từ sau năm 80 đến nay, đã có đến 87,6 triệu ca bệnh AIDS với 40.8 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Nhưng trên thực tế, HIV/AIDS đã tồn tại hàng thập kỉ trước khi nó được phát hiện và gọi tên lần đầu tại Mỹ. Qua đây, con số những người tử vong vì AIDS thực chất có thể dễ dàng lên đến 200 triệu người.
Và đó là cách AIDS được biết đến như căn bệnh thế kỉ.
***
Đến đây, câu hỏi ban đầu đặt ra đã được giải đáp và mình xin cám ơn bạn đọc vì đã dành thời gian. Tuy nhiên khi nhắc đến lịch sử của HIV/AIDS, sẽ là một thiếu sót to lớn nếu ta chỉ nhìn vào những mặt tối và quên đi những thành tựu trong cuộc chiến đã kéo dài hàng thập kỉ với đại dịch này.
Ngày nay, HIV tuy chưa thể được điều trị dứt điểm nhưng đã không còn là một án tử cho những người mắc phải. Thay vào đó, nó trở thành một căn bệnh mãn tính đòi hỏi bệnh nhân cần uống thuốc cả đời. Bằng phương pháp xét nghiệm tiên tiến, hiện nay HIV có thể được phát hiện từ giai đoạn sớm. Số liệu cho thấy, bệnh nhân tuân thủ điều trị từ sớm có tuổi thọ trung bình tương đương với người khỏe mạnh. Đây là một bước tiến dài so với hiện thực tàn khốc của nhiều thập kỷ trước.
Image result for red ribbon
Chiếc ruy băng đỏ - biểu tượng cho lòng tương thân tương ái với người nhiễm HIV/AIDS
Về mặt xã hội, HIV/AIDS đã phơi bày cái xấu xa của sự bàng quan và những định kiến. Nhưng trong thời khắc đen tối ấy, ta đã thấy những nhân cách lớn tỏa sáng, truyền cảm hứng và hy vọng cho mọi người.
Trước nhất là các nạn nhân của AIDS trong những thập kỉ trước. Khi các loại thuốc mới liên tục được điều chế, những ca bệnh đầu tiên là người đồng tính được ghi nhận luôn sẵn sàng lấy bản thân ra làm thử nghiệm. Họ đã tình nguyện sử dụng các loại thuốc có lẽ là “lợi bất cập hại” kia, với hy vọng đẩy nhanh quá trình tìm ra một lối thoát cho những người đi sau mình.
Bên cạnh đó cần kể đến cử chỉ đầy nhân đạo của Công nương Diana xứ Wales, người đã góp phần xóa bỏ hành vi tẩy chay người mắc HIV/AIDS. Hình ảnh cô đi thăm và thân mật bắt tay bệnh nhân AIDS tại bệnh viện đã được ghi lại và gây rung động trong công chúng. Nhận thức về căn bệnh hiểm nghèo này qua đây đã phần nào được thay đổi.

(Công nương Diana tới thăm bệnh nhân AIDS)
Trong thập kỉ 80-90, thế giới cũng đã chứng kiến HIV/AIDS mang đi những con người có sức ảnh hưởng vĩ đại, trong đó bao gồm những gương mặt trong giới nghệ sĩ được nhiều người mến mộ. Nổi tiếng nhất có lẽ là Rock Hudson và Freddie Mercury.
(Ngôi sao điện ảnh Rock Hudson)
 Rock Hudson là một diễn viên tài năng, một ngôi sao sáng giá của Hollywood. Với gương mặt điển trai và nét quyến rũ độc nhất, ông đã gặt hái được nhiều thành công trong suốt sự nghiệp và có được trái tim của đông đảo người yêu điện ảnh. Vậy nhưng, cho đến những năm cuối của cuộc đời, ông đã phải gồng mình che giấu sự thật về xu hướng tính dục của mình. Cùng lúc, là cuộc chiến với căn bệnh AIDS mà ông phải đơn độc đối đầu. Những hình ảnh cuối cùng của ông, khi đã bị AIDS vắt kiệt sức sống như bao nạn nhân khác, là vết dao cứa vào tim người hâm mộ. Sự ra đi của Rock Hudson năm 1985 đã nhắc thế giới nhớ về bản chất nghiệt ngã của căn bệnh này.
 Năm 1991, Freddie Mercury cũng ra đi mãi mãi cùng căn bệnh AIDS. Ông là người được vinh danh là huyền thoại nhạc rock, là ca sĩ hát chính và frontman đệ nhất của ban nhạc lừng danh - Queen. Dường như không lời nào là đủ để diễn tả sức ảnh hưởng to lớn của âm nhạc cũng như con người ông với thế giới, trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Cũng như Rock Hudson, Freddie Mercury đã phải giấu kín tính hướng và căn bệnh quái ác cho tới những ngày cuối cùng, dưới áp lực của giới truyền thông và các định kiến xã hội. Nhưng ông đã làm được việc phi thường khi không ngừng cất tiếng ca và sáng tác nhạc cùng Queen hàng năm trời, kể cả khi bạo bệnh đã bộc phát. Những tác phẩm cuối cùng của ông còn dang dở, đã được những người tri kỉ lưu giữ, hoàn thiện và phát hành cả sau khi ông mất.
(Freddie Mercury tại live AID 1985)
Trong sự tiếc thương vô hạn của bạn bè, người thân cùng vô vàn người hâm mộ, ngày 20/4/1992, một buổi live tưởng nhớ đã được tổ chức bởi các thành viên còn lại của Queen cùng những nghệ sĩ khách mời. Địa điểm không là đâu khác ngoài sân vận động Wembley với sức chứa 90 nghìn người, nơi đã chứng kiến phút khải hoàn của Queen trong buổi live AID huyền thoại năm 1985. Cùng bao ca khúc bất hủ, buổi diễn cũng đã đạt được một mục tiêu khác của nó: nâng cao ý thức cộng đồng về HIV/AIDS. Buổi diễn trực tiếp gây quỹ cho tổ chức từ thiện The Mercury Phoenix Trust vì công tác phòng chống HIV/AIDS trên toàn cầu. Được lập ra và điều hành bởi các thành viên của Queen cùng quản lý, Jim Beach, The Mercury Phoenix Trust vẫn đang hoạt động cho tới tận ngày nay.
Sau khi Freddie Mercury qua đời, tờ The Advocate từng đặt ra câu hỏi, liệu ông, khi đã mất, có thể góp phần trong cuộc chiến chống HIV/AIDS trên thế giới hiệu quả hơn khi còn sống? Đứng từ năm 2019 nhìn lại, ta có thể tự hào trả lời là “có”.
(Logo của tổ chức từ thiện The Mercury Phoenix Trust)
Qua những dòng cuối cùng này, hẳn bạn đọc cũng đã đoán được nguồn động lực mà cá nhân mình sử dụng khi thực hiện bài viết. Là một người hâm mộ của Queen, âm nhạc cùng nhân cách của họ đã truyền cảm hứng cho mình. Người viết chỉ hy vọng bạn đọc sẽ có được những thông tin bổ ích, đồng thời, mong cho lịch sử và di sản của người đi trước sẽ một lần nữa được ghi nhớ.
Nguồn tham khảo chủ yếu của mình là cuốn sách Somebody To Love: The Life, Death and Legacy of Freddie Mercury do Matt Richards và Mark Langthorne đồng tác giả. Đây là một cuốn tiểu sử toàn diện về Freddie Mercury với lối hành văn truyền cảm, được dựa trên những nghiên cứu thực tế tỉ mỉ và chính xác. Một cuốn sách rất đáng đọc nếu bạn yêu mến Queen và Freddie Mercury. Khi soạn ra bài viết này, mình đã tóm lược những gì đã đọc được từ cuốn sách, riêng những số liệu và thời gian của các sự kiện là được trích lại; các hình ảnh được sưu tầm trên mạng.

Nếu bạn thích bài viết đừng ngại chia sẻ nó cho mọi người và để lại bình luận. Mình sẽ cố gắng trả lời các phản hồi và góp ý bổ sung trong khả năng có thể. Cuối cùng, mình xin gửi lời cám ơn một lần nữa và hẹn gặp lại!
*Bổ sung một số đường link tham khảo:
Chi tiết hơn về HIV/AIDS
Ca bệnh AIDS đầu tiên tại Congo 1 2
Chiến dịch y tế tại Congo (1921 - 1959) và nghiên cứu về lịch sử lây nhiễm
Dự án hỗ trợ về nhân lực của Liên hợp Quốc tại Congo
Bi kịch gia đình Røed
"Patient Zero" Gaëtan Dugas
Operation Sail 1976
Động thái thờ ơ của Tổng thống Ronald Reagan trước đại dịch AIDS
Ca nhiễm HIV đầu tiên tại Việt Nam 1 2
The Mercury Phoenix Trust