Tôi không thể nhớ chính xác con track đầu tiên mà tôi nghe vào những năm đầu tiên là gì. Và khi ngược về với những dòng kí ức, tôi tìm thấy con track mà tôi thuộc đầu tiên, ấn tượng nhất, “Cứ là mình” của Karik. Hẳn nhiên từ trước đó rất lâu, hiphop đã được khai phá, tồn tại và phát triển rất mạnh trong cộng đồng người Việt. Hiphop thời đó là những định kiến, là “real gangster” hết dizz nhau trên nhạc thì hẹn ra đường chém nhau, đánh nhau ngay trong show diễn. Đến bây giờ thật buồn cười khi có ai đó nói rằng hiphop đang phát triển và hiphop sẽ chết đi.

-Rap có thực sự đang phát triển? Vậy bước nhảy xì tin, step up là gì?

            Nếu hỏi bất cứ ai là thế hệ cuối 8x, cho đến hết 9x và thậm chí đầu 10x rằng có biết về những Miss Audition, Tuyết Yêu Thương, hay bộ phim Bước nhảy Xì Tin không? Thì chắc chắn có rất nhiều người vẫn còn nhớ. Và có rất nhiều người từng là fan của chương trình, những bài hát và bộ phim đó. Xa hơn nữa ở bên kia trái đất là loạt phim Step Up mà nếu bất kì bạn nào mê phim ảnh hoặc hiphop cũng đã từng xem qua. Tôi là thế hệ đầu tiên của 10x hay được thế giới gọi là Gen Z và những phẩn nhỏ nhặt của hiphop như thế đã tạo nên tuổi thơ tôi. Và phải thừa nhận rằng tôi đã rất mê mẩn những bộ phim như vậy
            Phải nói rõ luôn tôi biết tới tất cả những chương trình, bài hát đó qua chiếc ti vi tủ đá ở nhà (hẳn nhiên là trừ Step Up). Vào lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu rap là gì, Bboy là gì và tinh thần của hiphop mà các nghệ sĩ muốn truyền đạt là gì. Chưa kể vào thời điểm đó, thông tin còn rất ít và tất cả những gì chúng tôi biết được hầu hết là những định kiến, câu chuyện về những gã hư đốn nói năng mất dạy, lì lợm không những thế còn rất ồn ào với thứ âm nhạc hát không ra hát, thơ không ra thơ.
            Nhưng không thể phủ nhận rằng từ những năm tháng đó, hiphop đã phát triển rất nhiều, rất nhanh và rất mạnh mẽ. Nhiều người tìm hiểu về rap còn biết cả những forum, trang web dành riêng cho giới underground tồn tại thời bấy giờ, nơi họ đăng những con track đầu tiên, mix những bài hát họ thu cho nhóm người có cùng đam mê ở khắp nơi nghe thử và họ tự học hỏi lẫn nhau từ cái ngày mà internet dần phổ biến ở Việt Nam.
rpvn.net- một trong những forum của cộng đồng ngày đó
            Khi tìm hiểu sâu hơn, tôi còn thấy cội nguồn của hiphop ở Việt Nam bắt đầu còn xa hơn thế nữa mà nếu bạn muốn biết, có thể xem ở đây, dẫu nó không phải là tất cả. Văn hóa hiphop vốn dĩ đã chiếm sóng từ rất lâu mà nếu ai từng nghe iTV hay VTV6 thì hẳn đã thấy những Thu cuối hay Cơn mưa ngang qua, Forever Alone hot đến thế nào. Vậy nên nếu có bất kì ai bảo rằng “hip hop đang phát triển” thì hẳn một là họ sinh sau đẻ muộn, hai là họ chẳng biết mẹ gì về hip hop cả. Hắn sẽ bị ném đá hệt như cái cách mà Zero Nine bảo “đem Hiphop là ‘làn gió mới’ đến với âm nhạc Việt Nam” vậy.

-Giao thoa văn hóa hiphop?

            Hiphop là một phạm trù văn hóa khá rộng lớn mà ở Việt Nam có thể kể đến một vài loại hình nổi bật như: Rap, Breakdance, Graffiti, Skateboard, Thời trang….Trong đó thì rap là loại hình tiếp cận được với đại chúng nhiều nhất vì khả năng giao thoa của nó với các hoạt động nghệ thuật khác, đặc biệt là ca hát.
            Với rap, vì được sinh ra trên nền tảng của nhiều thể loại âm nhạc khác nhau mà khả năng phối hợp của nó với các thể loại âm nhạc đó cũng rất dễ dàng. Người ta có thể kết hợp rap với Pop, Ballad đôi khi là Jazz một cách nhẹ nhàng, hoặc thêm một vài đoạn hook hay melody ở giữa một bài rap. Chính những sự phối hợp đa dạng và đầy sắc màu đó đã tạo nên một chỗ đứng rất riêng, rất “chất” của những người yêu thích rap.
            Và cũng vì sự giao thoa đó đẩy dòng rap từ dòng nhạc underground, ít người nghe, ít người biết, ít đầu tư vào hình ảnh, chủ yếu mang tư tưởng thỏa mãn cái tôi bản thân trở thành một trong những dòng nhạc chính thống (mainstream) và có sức ảnh hưởng tới đại chúng. Từ đó dấy lên trong cộng đồng những người chơi hiphop hằng hà sa số các câu hỏi về “tinh thần mà hiphop thực sự mang lại là gì?”, under hay mainstream thì tốt hơn? Đâu mới là “chất”?
Bảng xếp hạng Zing mình lấy ngẫu nhiên

-Chất ‘hiphop’ thực sự là gì?

            Đây là một câu hỏi rất khó tìm được câu trả lời xác đáng, đồng thời cũng đã mất rất nhiều chất xám để mọi con người yêu hiphop đặc biệt là rap tranh cãi. Trong nhiều năm liền và hàng tá các bài diss khác nhau giữa 2 phe đối lập nhau và chưa bao giờ thật sự có hồi kết. Chữ real, fake và chất được dùng ở mọi nơi, được gán cho mọi người.
            Chữ “chất” với những người mê hiphop là một sự khác biệt. Liệu có phải cái “chất” đó được tính như một kiểu “nhìn” rất hiphop, nhìn “chất” đấy. Cái thứ chất được thể hiện bằng quần áo, bằng dây chuyền vàng, quần thụng, áo thun, dáng vẻ khệnh khạng, bố đời để thể hiện cá tính của mình. Hay còn những kiểu cá tính khác, những kiểu hiphop khác?
Và họ không biết rằng, cá tính có cá tính this và cá tính that, hiphop cũng vậy.
            Với tôi cái chất hiphop lại là thứ gì đó rất kì lạ. Tôi không phải là thằng ngổ ngáo, ngược lại tôi lại là một đứa khá nội tâm, điều cực kì quái đản với cái thiên kiến mà người ta nghĩ. Tôi cũng không phải là thằng nhìn vào là biết dân chơi ngay. Nhưng cái tôi muốn tìm đến là sự tự do trong tâm trí, là sống phóng khoáng, yêu cuộc đời và hiểu cuộc đời, một trong những điều đó là bức mình ra khỏi những định kiến của xã hội, những thiên kiến của người khác. Là một lý tưởng soi rọi con người mình. Làm sao để đạt được cái hạnh phúc mà mình muốn. Tôi đã mê cái thứ hiphop như vậy, thứ âm nhạc thể hiện khát khao và phản ánh cuộc sống rất thật như nó vốn phải thế. Cái real đó phải phục vụ cho chính bản thân mình, cho điều mình thích và tin tưởng chứ không phải để người khác nhìn vào phán xét. Hiphop với tôi dần trở thành một lý tưởng ích kỉ như vậy đó.
            Một lần nữa tôi lại cảm thấy rap và rock có phần rất giống nhau.
7Uppercut- Nguồn Internet

- Hiphop và Indie, Underground và Mainstream.

            Có thể nhìn thấy một sự giống nhau của hiphop và indie. Chúng đều đi lên từ những trải nghiệm đơn giản nhất mà ở đó, người sáng tác phát triển và viết nhạc một cách độc lập, tạo ra sản phẩm một cách thô sơ và có phần thiếu bài bản. Chúng không có một sự đầu tư nào đủ lớn và đảm bảo về một chất lượng tiêu chuẩn, thậm chí đôi khi người ta không thể phân loại nó vào bất kì một dòng nhạc nào khác. Thế nhưng chúng vẫn tồn tại và dần nhận được sử ủng hộ của rất nhiều khán thính giả. Và con đường của chúng để đi lên thế giới mainstream cũng chẳng khác nhau mấy.
            Ý tưởng về việc phát triển hiphop lên mainstream, được mọi người công nhận đã có từ rất lâu. Cách đây gần 10 năm những rapper như  Karik, Rhymastic, Da Lab,… đã cố gắng hiện thực hóa nó. Và thành quả là sự viral của thể loại rap như ngày hôm nay cùng với danh tiếng của các rapper, nhóm nổi tiếng: Đen Vâu, Da Lab, Rhymastic, Karik,…...
            Nhưng cũng như rất nhiều thứ khác, càng nổi tiếng thì càng dễ biến chất. Và cái chất nó là gì, thì như phần trên đã nói tôi không thể giải thích nó được, chỉ bằng những cảm nhận của bản thân. Vậy thì cứ thử đánh giá nó theo cái chất mà từng nghệ sĩ vốn có, hay là “lý tưởng làm nhạc” của họ xem?
            Da Lab, dù lên mainstream đã lâu, nhưng âm nhạc của họ vẫn giữ một tâm thế bình thản, có phần bất cần. Màu sắc tuổi trẻ vẫn luôn là ý tưởng chính để Da Lab làm nhạc, những bản Thanh Xuân, Từ ngày em đến dù có phần tình tứ nhưng luôn khiến chúng ta hồi tưởng về tuổi trẻ đã qua. Và họ sẵn sàng collab với nhóm nhạc đậm under hơn như Hazard Clique để nói lên quan điểm của mình mà không sợ rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của họ.
            Rhymastic dù lên mainstream vẫn giữ chất giọng gangz đặc biệt của mình, lý tưởng của Rhym là “làm ra bài nhạc cho đến 10 năm sau chính mình nghe lại vẫn thấy hay, mới, lạ”. Cái màu gangz, life đó vẫn luôn tồn tại trong âm nhạc của Rhym qua những Phán xét hoặc Khi màn hình tắt
            Bất cứ một ai, dù làm nhạc hay nghe nhạc, đều muốn lan tỏa đi cái năng lượng trong từng bài hát mà mình biết. Do đó, việc hiphop được công nhận, bước ra khỏi cái vũng under thực sự là ước mơ của rất nhiều người. Thế nhưng, khi nó quá phát triển, quá nhiều người biết đến thì những lý tưởng, những giá trị cốt lõi nhất của thứ văn hóa này dần trở nên mục ruỗng bị những người nhận mình là rapfan quên đi và tiếc thay, có khi ngày mai người ta sẽ quên đi nếu bỏ đi danh tiếng, thời trang, độ chịu chơi thì rapper thực sự còn lại gì?
            Bằng chứng cho điều đó là chúng ta hãy nhìn vào dòng raplife, vốn dĩ là điều tinh túy và sát với cội nguồn của rap nhất thì bây giờ đang ở đâu? Những lyrical rapper với những tâm huyết, suy nghĩ sâu sắc thì nằm sau ánh hào quang, bị underrated và thậm chí chẳng mấy ai biết tới. Một vài người khác thì bỗng nhiên được gọi là idol chỉ với 1 bài hát với lyric cóp nhặt, thiếu kiến thức thậm chí cả đạo nhạc nhưng bắt tai và được PR tốt. Cuối cùng, những người hâm mộ đó lại đạp đổ, thay đổi tất cả những nền tảng mà rap vốn có. Đã từ lâu lắm rồi, tôi không còn tìm thấy bài nhạc nào khiến tôi phải replay nhiều lần.
Một bài hát cũ của Đen mà tôi rất thích

- Hiphop 2020, ai không nghe rap là đồ nhà quê?

            Âm nhạc sẽ là nơi mà con người được tận hưởng và thư giãn, tìm được sự riêng tư cho tâm hồn mình. Nơi vượt ra ngoài những sân si, lời nói ngoài tai, chỉ cảm nhận thứ âm thanh đang chạy qua 2 bán cầu não của bạn thôi. Bạn có nghe rap hay không, thật sự không quan trọng. Chẳng ai có quyền nói bạn là nhà quê hay không bắt trend, hãy cảm nhận âm nhạc bằng chính con tim mình. Và hãy yêu thứ âm nhạc bạn đang nghe, bằng chính giá trị mà chúng đem đến cho tâm hồn bạn. 
            Hiphop cũng như hằng hà sa số các thể loại âm nhạc hay nghệ thuật khác đều tồn tại để phục vụ cho một nhóm người nhất định yêu thích nó. Trào lưu rồi sẽ lên, sẽ xuống, đôi khi biến chất và bị nhìn nhận sai lệch. Nhưng với những người thật sự yêu thích, hiphop vẫn sẽ mãi giữ những giá trị ban đầu và những giá trị đó sẽ còn được gìn giữ, truyền lửa bởi những người đi trước. Với chúng tôi hiphop tồn tại như một lý tưởng vậy, đôi khi chúng tôi quên mất chúng nhưng chỉ cần một giai điệu xuất hiện, chúng tôi sẽ lại nhún nhảy gật gật tưởng chừng tôi với nó chỉ mới tâm sự đêm qua. Rồi bỗng nhiên khi nghe lại một bài hát cũ, có khi tôi sẽ phải nghe hết lại cả playlist của rapper đó. Như chúng tôi vẫn nói: “Không ai bỏ được hiphop”
Cuối cùng, nếu bạn không thích rap thì Rap Việt hay King of Rap cũng đều là đồ bỏ đi và nên là đồ bỏ đi.
-Vậy hiphop có chết không?
            Câu trả lời rất rõ ràng với tôi, hẳn nhiên là không. Không có thứ gì thật sự chết cả, văn hóa hiphop càng không phải là thứ sẽ chết. Hiphop đã từng xuất phát từ đường phố, hiphop đi lên từ đường phố, kết nối tất cả những con người khốn khổ nhất trên đường phố lại với nhau và kết nối cả những con người đang sống ở một thế giới khác sang chảnh hơn. Hiphop trong bao năm đã chui nhũi từ những góc đường, từ ly trà đá vỉa hè cho đến show diễn MTV, cái sự mãnh liệt đó của hiphop sẽ còn tồn tại mãi và bất diệt, vì chính cái sự mãnh liệt đó là tinh thần của hiphop.
            Hiphop có thể đang trở thành trend, nhưng rồi ngày mai sẽ tàn. Giống như dòng nhạc Bolero cách đây đôi ba năm, giống như rock khi chú Trần Lập vẫn còn giữ lửa. Tất cả mọi thứ cũng giống như chiếc đồng hồ, giống như quả địa cầu, giống như mặt trời đằng tây đằng đông.. Và:
HIPHOP NEVA DIE!!!