“HIỂU MÌNH” cụm từ nghe có vẻ đơn giản nhưng thật chất rất ít ai giải mã được hết vì chính mình là của mình rồi tại sao phải tìm hiểu, tức hiếm ai có ý thức về việc này.
“Làm thế nào để hiểu bản thân?” và “Tại sao cần phải hiểu bản thân?” đây ắt hẳn là điều đã được rất nhiều người đã nhắc đến và chia sẻ. Đa phần, khi được hỏi đến điểm mạnh điểm yếu của bản thân là gì, chính bản thân em và cũng như rất nhiều người lấp lửng trong câu trả lời, hay dường như không biết được câu trả lời thật sự là gì.
Từ bé đến lớn, định kiến xã hội buộc mình phải giỏi toàn diện tất cả từ các môn học, đến kỹ năng hay về lối sống, dù rằng em vẫn luôn tự hỏi rằng mình giỏi điều này để làm gì? Không có câu trả lời cho câu hỏi này vì xã hội không cho phép em được đặt câu hỏi kiểu như thế, việc của em chính là hoạt động như một cái máy, và phải là cái máy giỏi nhất thì sẽ được công nhận.
Cho đến khi em trở thành một cỗ máy như kỳ vọng của xã hội, lúc đấy em không cảm thấy hạnh phúc nữa, em thấy lòng mình bắt đầu trở nên lạc lõng hơn rất nhiều, em bắt đầu chán ghét trở thành phiên bản tốt đẹp trong mắt người khác, em muốn được làm người khác ghét mình hơn, khoảnh khắc đấy cảm giác như con người muốn nổi loạn của em bắt đầu trỗi dậy. Em muốn trở thành cô gái hư hỏng và mặc kệ sự đời. Và thế là em cũng bắt đầu sa đà và chiều chuộng bản thân nhiều hơn. Điều đó đem lại cho em được hạnh phúc ngắn hạn với bản thể muốn phá vỡ nguyên tắc nhưng cũng được một thời gian rồi đâu cũng vào đấy, em lại cũng chẳng thích như thế nữa.
Vì luôn trong một trạng thái rối rắm do hiểu quá cạn về mọi thứ xung quanh, nên em bắt đầu đặt câu hỏi nhiều hơn và đây chính là lúc bước ngoặt về việc tìm hiểu bản thân em xuất hiện, trong cuốn sách Tuổi Trẻ Đáng Giá bao nhiêu có câu: “Có ba thứ cực kỳ cứng: thép, kim cương và tự thấu hiểu bản thân” (Benjamin Franklin) Làm thế nào để hiểu chính mình là câu hỏi lớn nhất của người trẻ. Người không trẻ chưa chắc đã hiểu chính mình nhưng họ nhiều khi đã ngừng đặt câu hỏi.
Việc đặt câu hỏi tự vấn cho chính mình, “Tôi là ai?’, “Tôi muốn gì?”, “Giá trị của tôi nằm ở đâu”, “điều gì có ý nghĩa và quan trọng trong cuộc sống của tôi”,… Đây là những câu hỏi không dễ dàng trả lời và những người không có thói quen quay về với bản thể của mình sẽ rất khó tiếp cận. Tuy nhiên đây lại là mấu chốt chính và chìa khóa cốt lõi để đưa ra những quyết định rằng chúng ta “Nên làm gì?”
Và đương nhiên, trong việc đưa ra quyết định về tài chính cần phải có sự hiểu mình rõ ràng như vậy, chúng ta cần đi sâu vào chính mình để hiểu những ĐỘNG CƠ và MONG MUỐn sâu thẳm bên dưới chính mình.
Sau khi rõ chính mình, chẳng những quyết định về cuộc sống trở nên dễ dàng hơn mà quyết định tài chính cũng như thế, lúc đấy ta sẽ hiểu rõ được hiện trạng tài chính của mình, mong muốn tài chính của cuộc sống mình sau này, mình cần bao nhiêu một tháng để tiêu xài tối thiểu, mình cần trích quỹ dự phòng như nào để có thể trở nên an tâm tài chính hơn, 10 - 20 năm mình sẽ sống ở đâu, mục tiêu gia tăng tài sản của mình sẽ như thế nào,… lúc đấy vấn đề tiền bạc và tài chính sẽ chẳng bao giờ trở thành nỗi lo của bạn nữa và suy cho cùng khi biết được bạn nên làm gì rồi, thì có vẻ như newyear revolution chỉ là một khoảnh khắc bạn ngồi để xem lại hành trình của mình chứ ko còn phải là một vấn đề bạn phải đau đáu mỗi năm.
Vậy quyết định đầu tư tài chính có liên quan mật thiết như thế nào với việc hiểu mình?
Có một sự thật thế này, trên thị trường sẽ chẳng có một phương pháp đầu tư nào là đúng và cũng chẳng có phương pháp đầu tư nào là sai cả, chỉ có phương pháp nào hợp với mình mà thôi.
Đã bao lần quyết định đầu tư của bạn bắt nguồn từ xu thế thị trường hay từ một người quen nào đấy mách bảo, đã bao lần bạn gặp rắc rối trong việc tìm kiếm và loay hoay mãi với các kênh và phương pháp đầu tư, đã bao nhiêu khóa học về đầu tư mà bạn đã tham gia, bao nhiêu workshop về câu chuyện đầu tư bạn đã đi đến, bạn đã mua bao nhiêu công cụ đầu tư được quảng bá rầm rộ,… Tất cả những điều ấy sẽ không hẳn sẽ là vô ích nhưng sẽ cực kỳ rắc rối cho mỗi người chúng ta vì sự đa dạng và phức tạp của nó. Vì vậy việc Hiểu mình và đưa ra lựa chọn thật sự phù hợp với mình sẽ cực kỳ cần thiết cho mỗi người trước khi nghĩ đến câu chuyện quyết định đầu tư.
Với bản thân em, một cô em mê số và là một nhà tư vấn tài chính cá nhân, đây là điều em đã nghiệm ra được sau 3 năm liên tục tìm tòi và học hỏi từ chính kinh nghiệm của bản thân mình cũng như từ việc đã chăm sóc gần 200 khách hàng cá nhân hiện hữu. Việc tìm hiểu tính cách của khách hàng và khai thác được sự “Hiểu mình” luôn là tiêu chí đầu tiên và là quan trọng nhất của em khi gặp đối phương để từ đó có thể cung cấp cho khách hàng một góc nhìn tổng quan và có quyết định đầu tư đúng đắn hơn với số tiền của mình.