Hồi học đại học, thấy mấy bạn cùng trang lứa vẫn đang đi học mà đã có việc làm và suốt ngày bận rộn, tôi ngưỡng mộ lắm. Ngày ấy, trong mắt tôi, những người bận rộn thật là “VIP”. Tôi cũng muốn được như họ. Hầu hết thời gian những năm đại học tôi dành cho việc học ở trường, tự học ở nhà, rồi lê la học ở các thư viện công cộng, đi làm thêm và giúp mẹ bán hàng. Nói chung là liên tục hoạt động. Nếu không có CLB Frisbee (môn ném đĩa) thì tôi chẳng nhớ mình đã dành thời gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn như thế nào.  Có đôi lần khi đi chơi, tôi còn cảm thấy bứt rứt vì mình không có việc để làm.  
Đến khi bắt đầu đi làm chính thức, tôi được nhận vào một tổ chức quốc tế lớn nơi xung quanh đa số là các chuyên gia đáng ngưỡng mộ. Tôi nỗ lực bằng cách làm việc chăm chỉ hơn cả mức được yêu cầu để không bị đánh giá là “non”. Cứ thế tôi dần quen với guồng quay công việc và sự bận rộn. Có thời điểm tôi triền miên đi làm về muộn, hôm nào sớm là 19giờ30 còn muộn hơn là 22giờ. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hôm ấy. Khi tôi đẩy cánh cửa cao và dày bằng kính của tòa nhà văn phòng để bước ra, tôi bất chợt nhìn lên bầu trời. Tôi nhìn thấy những ngôi sao lấp lánh trên nền trời đã tối sẫm.  Trời đã tối đến thế ư. Bỗng dưng, tôi bật khóc. Có thể một phần vì cảm giác mệt mỏi. Nhưng phần lớn hơn là cảm giác nuối tiếc vì hình như mình đã bỏ lỡ rất nhiều điều quan trọng và thú vị khác ngoài công việc trong một thời gian dài.
Sau hôm đó, tôi tự nhắc mình phải bớt tham việc để dành thêm thời gian cho những cuộc hẹn buổi tối với bạn bè. Nhưng để thay đổi thói quen làm việc là điều không dễ dàng. Một cách trung thực, tôi thừa nhận mình là người ham làm việc, dễ say “yes” với các đề nghị công việc để rồi nhiều lúc “bò ra” để làm cho xong, xoắn cả lên vì deadline (thời hạn). Vì thế, tôi luôn có cảm giác thèm những giây phút thảnh thơi (nằm dài trên ghế sofa chỉ để nghe nhạc và đọc một cuốn sách hay).
Cách đây gần 5 năm, sau một tháng đỉnh điểm của sự bận rộn để lo chạy một chương trình từ A đến Z, tôi bị mắc chứng máy mắt không kiểm soát được. Cái chứng đấy kỳ cục ở chỗ cứ gặp mọi người là mắt hấp ha hấp háy liên tục làm cho mình ngại và mất tự tin. Tôi phải xin nghỉ việc một tháng để hoàn toàn nghỉ ngơi. Đúng vào thời điểm đó, tôi được đề cử vào vị trí quản lý dự án (thay thế cho chuyên gia nước ngoài) với mức lương cao hơn hẳn vị trí đương nhiệm. Tôi đã từ chối. Trong một tháng không làm việc, tôi có cơ hội nhìn lại cả một hành trình nghề nghiệp mình đã đi qua và suy nghĩ về những điều quan trọng trong cuộc đời. Tôi không muốn tiếp tục bận rộn nữa. Tôi chọn một cuộc sống ý nghĩa hơn cho chính mình.
Với tôi, giờ đây, chẳng có gì là “VIP” hay sang khi nói rằng mình rất bận.  Bận tức là mình chưa quản lý công việc và thời gian một cách hiệu quả.
“Chúng ta càng giữ cho mình bận rộn thì chúng ta càng né tránh đối mặt với những câu hỏi về cuộc đời và cái chết. Khi chúng ta liên tục để cho mình bận rộn với các nhiệm vụ, quan trọng hoặc không quan trọng, chúng ta đang né tránh đối mặt với cuộc sống. Chúng ta giữ một khoảng cách an toàn và thoải mái với những vẫn đề đôi khi khó đối diện. Chúng ta có đang chọn đúng nghề? Chúng ta có đang đủ hiện diện với con cái? Chúng ta có đang sống có mục đích?”, theo tác giả Rasmus Hougaard của bài viết “Why Busyness is Actually a Modern Laziness” (https://bit.ly/2EisW4I).
---------------------------------
Lê Hằng
Chuyên viên phát triển cá nhân & tham vấn nghề nghiệp
T&C Việt Nam