Series: CẨM NANG ĐỂ Ở MỘT MÌNH
CHƯƠNG 2: HÃY ĐỂ NỖI BUỒN ĐƯỢC YÊN TĨNH
Ai theo dõi tôi nhiều cũng biết tôi là người hay nghĩ ngợi. Tôi suy nghĩ rất nhiều, có lúc chỉ là những suy nghĩ bâng quơ, có lúc lại phức tạp hóa vấn đề, vào những ngày tâm trạng tôi không tốt thì một cái liếc nhìn của bạn cũng khiến tôi suy nghĩ vài tiếng đồng hồ chỉ để tự hỏi bạn có đang ghét tôi hay không. Tôi chú ý tới mọi thứ và có đôi lúc tôi phát mệt với chính mình.
Sao lại nghĩ nhiều như vậy, sao lại phải để tâm đến chuyện đó, sao phải buồn phiền mãi, sao cứ phải để ý đến người khác.
Tôi tự hỏi rất nhiều, nhưng mà tự hỏi chứ cũng chẳng tự thoát ra được cho đến khi tôi gặp được một người bạn. Cậu ấy nghĩ rất nhiều, nhưng lại nghĩ rất đơn giản và đương nhiên là muộn phiền của người đó vẫn có, chỉ là việc sống như thế khiến mọi thứ nhẹ nhàng hơn mà thôi. Có lần tôi hỏi cậu ấy, khi tuột mood quá thì làm gì bây giờ.
“Thì ngồi xíu, không làm gì cả, không nghĩ gì hết, tí rồi hết thôi.”
Câu nói này đột nhiên khiến tôi nhớ đến một video tôi từng xem phân tích về sự khác nhau giữa nam và nữ. Trong tâm trí của những cô gái là những chiếc hộp chứa đầy thông tin khác nhau, nên khi họ buồn họ sẽ tìm đến những chiếc hộp khác để tâm sự, để trò chuyện, để than vãn, còn những chàng trai lại chỉ có một chiếc hộp duy nhất đặt vừa vặn vấn đề của họ. Nên khi có chuyện, họ sẽ chui vào chiếc hộp đó và yên tĩnh không nghĩ ngợi gì cả, đó cũng là lý do họ thường hay ngồi thơ thẩn một mình. Và tôi thấy câu chuyện này nhảm nhí vô cùng. Thật lòng mà nói thì mỗi người mỗi khác chứ không thể đánh đồng nam giới thế này, phụ nữ thế nọ, có những cô gái vẫn trầm lặng, có những chàng trai vẫn thích tâm sự. Nhưng nếu đổi giới tính lại thành kiểu người hay nghĩ ngợi thì tôi lại thấy nó hợp lý.
Khi tôi buồn, suy nghĩ của tôi có rất nhiều, từ việc tôi làm vậy có đúng không có đến căn nguyên của mọi vấn đề. Đến giờ tôi vẫn thấy cách nghĩ này của tôi không có gì sai, bởi vì tôi có thể có được những thông tin mà tôi muốn, phân tích mọi chuyện cặn kẽ và nghĩ sâu về vấn đề. Nhưng nó chỉ tốt khi tôi bình tĩnh và tỉnh táo không có quá nhiều cảm xúc đặt vào đó. Còn khi tâm trạng của tôi có hơi tuột dốc, thì điểm bất lợi của việc này nhân lên gấp bội. Tôi sẽ chết chìm trong nỗi buồn và nghĩ ngợi nhiều đến mức không ngủ nổi và thậm chí là có khi tôi phức tạp hóa mọi vấn đề lên ở mức không cần thiết. Và bạn biết không, trong những chiếc hộp nằm trong tâm trí của kẻ hay nghĩ ngợi chứa những người khác nhau, việc tìm đến họ để giải bày là tốt, nhưng nếu tất cả họ đều bận hoặc cũng đang mệt và không muốn nghe thì sao?
Đó là một trong những khó khăn nhất mà tôi đã từng trải qua, chết chìm trong nỗi cô đơn và nỗi buồn khi không có một ai để tâm sự, và giải bày. Hãy thử tưởng tượng tâm trí mình chứa đầy những chiếc hộp, nhưng bạn lại lọt thỏm giữa những chiếc hộp đó mà không vào được một chiếc hộp nào cả, để rồi những suy nghĩ như người qua đường vào giờ cao điểm. Càng lúc càng nhiều, càng lúc càng ngột ngạt, và bạn chết chìm với những hỗn tạp trong đầu của chính mình.
Điều này khiến tôi chợt nhận ra:” Sao mình cứ làm phiền nỗi buồn của mình thế nhỉ?”
Tôi nhận ra mỗi khi buồn tôi luôn cố thoát khỏi nó, nhưng lại luôn suy nghĩ về nó. Dù có làm cái gì thì tôi cũng nghĩ về nó. Cố gắng phân tích, tìm cách giải tỏa hoặc là tìm người than vãn. Dù tôi có làm cái gì cũng chưa bao giờ thật sự để nỗi buồn được yên. Mà cũng khó, ai đời lại có thể bất động rồi không nghĩ ngợi gì nữa. Nhưng mà đâu phải không có cách, tôi bắt đầu nghĩ đến cái cách mà bạn tôi nói, mỗi khi buồn tôi ngồi lại, xem phim cũng được, đọc sách cũng tốt, với tôi thì là tôi ngồi với bộ xếp hình của mình và mở đại mấy video podcast hoặc phân tích phim để cho có không khí và không nghĩ tới nó nữa.
Khoảng thời gian đầu sẽ khá khó khăn, nhưng chỉ cần bạn đóng được một cái cộc thật chắc cho chiếc hộp chỉ có chính nỗi buồn của mình lên, thì những việc tiếp theo sẽ dần trở nên dễ dàng. Tôi tập từng chút một từ việc để bản thân thoát khỏi những suy nghĩ lung tung, tôi không ngừng lặp đi lặp lại cái suy nghĩ :”Hãy để nỗi buồn được yên, rồi nó sẽ đi.”
Tôi tập trung vào những thứ trước mắt và tôi buồn, buồn thê thảm và vấn đề thì còn đó y nguyên. Trước đây thì tôi muốn giải quyết nó thật nhanh, thật gọn gàng, nhưng đời ai lại cho chúng ta được theo ý mình. Càng gấp thì càng loạn, đặc biệt là khi tâm trạng không ra gì của một kẻ nghĩ nhiều. Hãy cho bản thân thời gian, hãy để nỗi buồn được một mình một chút rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Tôi luôn tự nói với mình như thế, và tập để cho nỗi buồn và vấn đề ở nguyên đó trong một khoảng thời gian nhất định. Tâm trạng sẽ có chút bức bối khi chưa giải quyết xong, nhưng ít nhất là khi cảm xúc lắng lại, hướng giải quyết sẽ rõ ràng hơn. Cơn tức giận có thể khiến bạn lỡ lời, vấn đề sẽ càng rối khi tâm trạng đang tiêu cực, mọi thứ càng dính cảm xúc sẽ càng phức tạp. Hãy để cảm xúc được yên trong một lát, chỉ một lát, hãy tự nhủ như thế và làm những chuyện khác để bản thân có thể cho những cảm xúc đó được lắng đọng lại.
Và tất nhiên bạn sẽ lo lắng chuyện sắp xảy ra đến phát hoảng, nhưng bạn biết gì không, nếu lo lắng chuyện ngày mai sẽ ra sao, việc tốt nhất mà bạn có thể làm là đi ngủ và đợi ngày mai tới. Chuyện gì tới cũng sẽ tới vào một ngày không xa, chuẩn bị là tất yếu, nhưng nghĩ ngợi và lo lắng không đâu lại là dư thừa. Mỗi lúc bạn buồn hoặc chết chìm trong những suy nghĩ, hay để nỗi buồn được yên, hãy tự làm một chiếc hộp cho chính mình có thể chui vào và ngắm nhìn nỗi buồn của mình. Bất kể nỗi buồn đó xuất phát từ vấn đề gì nó cũng không quan trọng, lý do tại sao nó đến cũng không quan trọng. Quan trọng là bạn hãy để tâm trí của bạn có thể làm bạn với nỗi buồn, nó bình tĩnh rồi thì cốt lõi vấn đề mới để tâm một cách trọn vẹn được.
-Lâm Duệ Nghi-
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất