HÃY ĐỂ CHO CON ĐƯỢC SỐNG CUỘC ĐỜI CỦA CHÍNH MÌNH!
“Vì sao chúng ta phải hi sinh thân xác vì cha mẹ mình? ”...
“Vì sao chúng ta phải hi sinh thân xác vì cha mẹ mình? ”
Mình tình cờ nghe được câu nói này trong lúc đang lướt vài video trên youtube, nó khiến mình mất một vài phút lắng tâm nghe đi nghe lại và mất thêm vài phút nhìn lại chính mình!
Bởi mình từng tổn thương khi không được chọn lựa điều mình muốn, từng oán trách, hờn giận cha mẹ vì quyết định thay cuộc đời mình, và từng xa rời cha mẹ vì những tổn thương đó…
Những trăn trở đó đến từ đâu?
===========
Có ba mẹ nào không mong con mình thành công, có ba mẹ nào không mong con mình đạt được một thành tựu nào đó. Sự kỳ vọng xuất phát từ những ước mơ bị bỏ dở tuổi trẻ, từ những yêu thương, những khát khao mong muốn mà tuổi trẻ cha mẹ chưa từng có.
Có rất nhiều cha mẹ đang sắp xếp cuộc đời của con theo cách của mình và luôn cho là đúng, đó có phải là tình yêu thương chân thực không? Hay đến từ những bất an quá khứ, muốn bù đắp cho con những giá trị mà mình không có? Hay đến từ sự quan tâm, lo lắng con mình rồi sẽ thua kém những đứa trẻ cùng trang lứa?
Có ai đã từng nghe cụm từ “con nhà người ta” không? Chúng ta từng là những đứa trẻ rất khó chịu khi bị so sánh “ Con dì Bảy học Toán y như con mà 10 điểm, tại sao con có 8 điểm thế này?” , “ con bác Sáu điểm Tiếng Anh cao thế, tại sao con không bằng một nửa?”... bao nhiêu câu hỏi tại sao và tại sao, thậm chí khiến chúng ta từng ghét lây những đứa trẻ hình mẫu… Vậy mà chúng ta lại áp đặt những kì vọng đó lên người con trẻ, khi bản thân chúng ta biết rõ cảm giác đó nào có dễ chịu gì!
“Nếu bạn bắt một con cá leo cây thì suốt đời nó sẽ tự nghĩ rằng mình kém cỏi”
Rất nhiều người lớn đang xem kết quả của con là món trang sức, là thước đo thành công, là câu chuyện để kể khi gặp gỡ nhau mà quên rằng mỗi đứa trẻ có những sở thích và đam mê riêng, có sự phát triển khác nhau về trí não và thể chất.
Mình có hai cậu con trai, cả hai đều thuận tay trái. Một anh từ bé đã được tập cho thói quen cầm nắm mọi thứ bằng tay phải vì sợ con sau này đi học sẽ không giống bạn bè, sẽ bị chúng bạn cười chê. Và hậu quả của việc đó là con không còn thích thú với đam mê vẽ vời nữa, mỗi lần cầm bút là lại nghe nhắc nhở phải cầm bằng tay phải, thậm chí không ít lần đòn roi. Con ít nói hẳn lại, không còn vui vẻ như trước. Điều đó khiến mình trăn trở rất nhiều, nhận ra sai lầm và bắt đầu tìm hiểu những thói quen giúp con phát triển trí não khoa học.
Trái lại anh con trai bé thì thoải mái cầm nắm mọi thứ bằng tay trái, có sở thích ngoại ngữ từ nhỏ và tự hào hứng tìm tòi khám phá. Con rất vui vẻ hoạt bát. Đôi khi làm mình chạnh lòng vì đã bắt anh lớn phải theo khuôn khổ của mọi người, khiến cho con áp lực, thu mình vào không gian riêng.
Bởi lẽ thế sau này, khi đã tìm hiểu rất nhiều, mình biết rằng mỗi một đứa trẻ có một sự phát triển khác nhau về trí não kể cả khi cùng lứa tuổi. Chính lối mòn giáo dục rập khuôn cộng với sự kỳ vọng từ những bậc cha mẹ đã bóp chết sự sáng tạo của các con.
Con cái ngoài việc nhận tình yêu thương, còn nhận cả sự kiểm soát và kỳ vọng, nhận lấy những tổn thương và đau khổ trong khi các con không cần phải đón nhận tất cả những việc đó.
Đừng để các con sau khi lớn sẽ trở thành “ những chàng trai, cô gái của cha mẹ”, thiếu nghị lực, thiếu sự trưởng thành mạnh mẽ, thiếu sự quan tâm người khác, không có trách nhiệm với bất kì ai.
Đâu là giải pháp ?
Một là: Hãy xây dựng hệ sinh thái gia đình, dạy con 3 gốc từ chính đời sống hàng ngày của cha mẹ : lễ phép, yêu thương, gia đình đầm ấm…..
Hai là: Chúng ta buộc phải chọn lựa 1 trong 2 cách:
Tiếp tục là các bậc cha mẹ mạnh mẽ, tài giỏi, quá yêu con, quá bao bọc, kiểm soát con từng chút một, khiến con mãi là đứa con bé bỏng, mãi không trưởng thành?
Hoặc là chấp nhận sự tổn hại, chấp nhận một vài lần nhìn con thất bại, nhưng rèn được nghị lực vượt khó và đạo đức, trí tuệ.
Hãy giao cuộc đời cho con, nếu muốn con thật sự trưởng thành !
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất