Đây là một quyển sách rất nổi tiếng và được phóng tác bởi Giáo sư John Vũ (bút danh Nguyên Phong) xuất bản năm 1974. Bản gốc tiếng Anh của sách là Journey to the East - Barid T.Spalding, xuất bản năm 1924 bởi một nhà sách ở Ấn Độ. Quyển sách khi ra đời đã chạm đến nhiều vấn đề thời sự, làm dấy lên nhiều tranh cãi đầu thế kỷ 20 không chỉ ở Anh, mà còn tại Âu Châu, Mỹ.
Ảnh bởi
Mukuko Studio
trên
Unsplash
Quyển tiếng Việt mình cầm trên tay đã đươc tái bản đến lần thứ 26. Để không spoil nội dung quyển sách, mình tóm tắt lại một số điểm chính mình tâm đắc về sách như sau nhé.

VỀ BỐI CẢNH (CONTEXT)

Đúng như tên gọi, cuốn sách là một hành trình đi về phương Đông khám phá những giá trị tâm linh, văn hóa của Ấn Độ (một trong những cái nôi của nền văn minh sông Hằng) của một đoàn học giả đến từ Anh Quốc - cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra vào cuối những năm 1700.
Khác với sự TĨNH LẶNG suy tư thường thấy ở các quyển sách về tôn giáo, tâm linh, đây là quyển sách viết về một hành trình ĐỘNG, một chuyến đi với những chấn động về mặt tâm thức của đoàn học giả đến từ phương Tây. Vì vậy, sách không hề nhàm chán khô khan, mà dẫn dắt người đọc hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

VỀ TÁC GIẢ (AUTHOR)

Thú thực là mình chưa đọc bản gốc tiếng Anh. Theo lời Giáo sư John Vũ kể lại thì năm 24 tuổi, tình cờ tìm thấy quyển sách cũ trong một thư viện, ông đã đọc ngấu nghiến và phóng tác thành một tuyệt tác lôi cuốn có tên gọi "Hành trình về phương Đông". Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, mình xin phép chỉ đề cập Giáo sư John Vũ như là là tác giả của quyển sách tiếng Việt này nhé.
Sự thú vị của cuốn sách đối với mình còn ở chỗ, sách thiên về tôn giáo, tâm linh nhưng lại được viết và dịch thuật dưới góc nhìn của một nhà khoa học thực nghiệm vốn dĩ thiên về duy lý, duy ý chí hơn là duy tâm, duy tình. Ngay từ trang bìa đầu tiên, mình đã không khỏi ngạc nhiên với background xuất sắc của dịch giả:
Tác giả Nguyên Phong du học ở Mỹ từ năm 1986, tốt nghiệp Cao học Sinh vật, Điện toán. Ông từng là Kỹ sư trưởng Tập đoàn Boeing của Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học Đại học Carnegie Mellon. Ông là nhà khoa học uy tín về công nghệ thông tin, CMMI, và từng giảng dạy tại nhiều trường đại học uy tín trên thế giới.
Dịch giả Nguyên Phong tuy là nhà khoa học nhưng cách hành văn, ngôn từ diễn tả thực sự mê hoặc và lôi cuốn. Từng lời giảng của những vị tu sĩ, cao tăng của Ấn Độ được tái hiện một cách sống động, vang rung như lời thánh sống, sấm truyền vậy.
Một số câu nói từ những vị cao nhân minh triết qua lời kể của GS John Vũ thực sự không khỏi khiến mình suy nghĩ về lối sống và nhận thức hiện tại của bản thân:

VỀ SỨC KHỎE (HEALTH)

● Trung bình con người thở 21.600 nhịp một ngày. Hô hấp quá nhanh sẽ làm gia tăng nhịp điệu trên và thu ngắn sự sống. Hô hấp chậm rãi, kéo dài, đều đặn là tiết kiệm sinh lực và kéo dài sự sống. Đây chính là ý nghĩa của bộ môn Khí Công. Tương tự, một người có đời sống êm đềm, bình an sẽ sống lâu hơn người lúc nào cũng vội vã, thích náo nhiệt.
Ngoài ra, người có đời sống ham hưởng thụ vật chất, ăn chơi trác táng, rượu chè thuốc lá sẽ mau già, mau tàn, cơ thể mau suy nhược, mau lão hóa hơn người có nếp sống điều độ, sinh hoạt cẩn thận.
● Để chữa trị & phòng ngừa bệnh tật trong người, cần ăn nhạt, uống ít nước. Ý nghĩa của việc ăn nhạt là khiến gan và dạ dày loại bỏ độc tố. Còn việc uống ít nước sẽ giúp tim và thận được nghỉ ngơi, khi 2 cơ quan này được nghỉ sẽ giúp cơ thể mau chóng lấy lại quân bình.
● Thức ăn được phân thành 3 loại: Tĩnh , Động và Điều hòa. Thức ăn tĩnh (các món lên men, đồ nhắm, rượu các loại) làm cho con người ta trở nên lười biếng. Các món ăn có tính "động" (thịt, cá...) làm cho người ta có thói hung hăng, ham thích kích thích, không hợp việc tu tâm, dưỡng tính. Chỉ có món ăn mang tính tăng trưởng, điều hòa, chứa nhiều sự sống như ngũ cốc, trái cây, rau củ...là có lợi cho cơ thể, kết hợp với việc thở đúng cách sẽ rất tốt cho việc tu luyện thân tâm, phòng trừ bệnh tật.
● Tư thế trồng cây chuối của Yoga mục đích là để đưa máu lên não mà không cần bắt tim phải co bóp làm việc. Nhờ tim được nghỉ ngơi như vậy mà tránh được các cơn đau tim.

VỀ LỊCH SỬ (HISTORY)

Một chu kỳ của văn minh nhân loại là 100 năm. Cứ mỗi 25 năm cuối của thế kỷ sẽ có những biến đổi ảnh hưởng đến 100 năm kế tiếp.
Một số ví dụ tiêu biểu: phong trào Phục hưng văn hóa vào năm 1275; phát minh ra máy in, kỹ thuật ấn loát vào năm 1473 giúp truyền bá và phổ biến các tư tưởng của triết gia/giáo sĩ và nâng cao dân trí Châu Âu ; Anh ngữ được đưa vào sử dụng thay cho chữ La tinh vào năm 1578 giúp phổ biến kiến thức khoa học; cách mạng tại Pháp diễn ra vào năm 1789 đã thay đổi hoàn toàn lịch sử Châu Âu; năm 1875 đánh dấu vơi sự ra đời của khoa học văn minh cơ giới, thuyết tiến hóa của Darwin và phong trào Thiên chúa giáo tự do....

VỀ TÂM THỨC (MINDSET)

Hãy thành thật hỏi bản thân xem mình thực sự muốn gì? Thực sự chỉ muốn bình an hay là thích sự kích động? Chúng ta ngày nào cũng lao vào đọc tin nóng, tin drama, tin về thiên tai, chiến tranh, xáo trộn...Loài người vốn dĩ không thích sống yên ổn. Chúng ta rất thích nghe nói về sự xáo trộn của người khác. Chúng ta dành hàng giờ để chê bai người này, chỉ trích người kia. Nếu ai đó có cuộc sống êm đềm, thì chúng ta nói họ sống nhạt, boring...Khi lòng người vẫn còn nhiều ham cầu, mong muốn thì TÂM khó mà AN được.

DỰ ĐOÁN TƯƠNG LAI

Thế kỷ 20-21 là thế hệ phát triển cực thịnh của nền khoa học "hiện tượng", tức chỉ đi vào cái hiện tượng, chứ không đi sâu vào bản chất, chủ yếu kích thích giác quan và cảm xúc hướng ngoại hơn là giúp con người hướng vào bên trong, vì vậy mà nền khoa học này càng phát triển thì con người càng cảm thấy bất an, hoang mang nhiều hơn.
Còn nhiều nội dung rất hấp dẫn, mang màu sắc huyền bí khác được mô tả, lồng ghép trong quyển sách theo hình thức kể chuyện, ví dụ như lý thuyết vật lý siêu hình (metaphysic), những chuyến du hành sang cõi giới vô hình bằng cách khai mở giác quan, giải thích về sự suy tàn của nền văn minh Ai Cập cổ đại, sự phát triển của 3 thể: vía - trí - tâm, sự xuất hiện của Đức Mẹ ngay tại giường bệnh nhân...
Bản thân mình dù tuổi đời cũng mới vài ba cái xuân xanh, nhưng có khá nhiều nội dung trong sách mà ngẫm nghĩ ra thì thấy quá đúng với thời cuộc hiện tại.
Disclaimer: Sách không phải là không có những hạt sạn. Đặc biệt là việc sách phóng tác của GS John Vũ đi khá xa với bản gốc của Barid T.Spalding, dẫn đến việc bộ sách dịch sau này ra đời đã khiến độc giả một phen ngã ngửa. Tuy nhiên, đối với cá nhân mình, đây vẫn là một hành trình thú vị, xen lẫn hiện thực và hư vô, tĩnh và động, giúp trí tưởng tượng của bạn có dịp bay cao, bay xa...
Nói chung, đây là 1 quyển sách xứng đáng được đưa vào tủ sách gia đình, được đọc tới đọc lui nhiều lần, hoặc có thể vừa đọc vừa gẫm trong một buổi sáng cà phê cuối tuần nào đó.