HÀNH TRÌNH RỜI HANG
Xin trích lại câu chuyện trích trong cuốn sách Đúng Việc của tác giả Giản Tư Trung: ...
Xin trích lại câu chuyện trích trong cuốn sách Đúng Việc của tác giả Giản Tư Trung:
“Ngày xửa ngày xưa, xưa ơi là xưa, có một cái hang và có một cộng đồng lớn sống trong cái hang đó. Vì cái hang ấy vô cùng lớn với các ngóc ngách rất lắt léo và cộng đồng ấy đã sống ở đó qua nhiều thế hệ, nên lâu ngày họ mặc nhiên tin rằng cái hang ấy là cả thế giới và ánh sáng từ đống lửa trong hang là ánh sáng duy nhất mà họ có.
Cho đến một ngày nọ, có một người bỗng vô tình lọt ra được ngoài hang. Ban đầu, anh ta cảm thấy đau đớn vì bị lóa mắt trước ánh mặt trời và cơ thể chưa thích ứng được với khí hậu và thời tiết của thế giới bên ngoài. Nhưng khi đã quen dần và cảm nhận được sự ấm áp của ánh mặt trời, sự sinh động huyền ảo của vạn vật, của cỏ cây hoa lá, anh ta nhận ra rằng đây mới thực sự là thế giới của ‘con người’.
Anh ta quyết định quay trở về hang và ra sức thuyết phục, tìm cách đưa mọi người đồng hang rời hang để về với thế giới. Thế nhưng, sau khi nghe anh ta kể câu chuyện ở thế giới bên ngoài hang, những người trong hang không những không tin, mà còn quyết định giết chết anh ta, vì cho rằng đó là những điều bịa đặt, và vì lo sợ rằng, những nỗ lực và việc làm của anh ta sẽ gây ra sự rối loạn, cũng như đe dọa cuộc sống êm ấm hạnh phúc bao đời của cộng đồng trong hang…”.
Nếu mình đã rời hang và ra với ánh sáng thì thật là tuyệt vời. Nhưng nếu vẫn còn ở trong hang và mình cũng biết rõ điều đó (và đang từng bước tìm cách rời hang) thì cũng không phải là điều tệ hại. Còn nếu mình đang ở trong hang mà lại cứ tưởng rằng đã rời hang rồi và ra với ánh sáng rồi thì thật là bất hạnh.
Nhưng có một điều còn bất hạnh hơn vô vàn lần, đó là, mình đã thực sự rời hang rồi, nhưng không phải là “rời hang” để ra “ánh sáng”, mà là rời cái hang này để rồi lại chui vào một cái hang khác, to hơn, tăm tối hơn, nhưng mình lại không hề nhận ra điều đó và cứ đinh ninh rằng mình đã rời hang.
Đối chiếu vào cuộc sống thực, ta tự hỏi liệu có khi nào chính ta cũng đang tự đặt mình trong những “chiếc hang của suy nghĩ”. Liệu những lối mòn trong tư duy và suy nghĩ trước kia có còn đúng trong một xã hội được cho là đang toàn cầu hóa, công nghệ 4.0 thậm chí là 5.* như hiện tại? Liệu những suy nghĩ, lý luận của ta trước kia có còn đúng? Liệu ta có đang nằm trong chiếc hang nào đấy, và nếu có thì hành trình thoát ra bằng cách nào? Bằng việc liên tục đặt câu hỏi tại sao ở nhiều khía cạnh được cho là “hiển nhiên và không cần suy luận thêm”, chúng ta có thể vỡ lẽ ra nhiều điều mới, thú vị, những điều tưởng chừng như rất đơn giản mà trước nay mà ta không hề hay biết.
Mình trích lại câu nói của bác Phan Văn Trường đã cho mình cơ hội thoát khỏi một chiếc hang nhỏ, và giúp mình để tiết kiệm rất nhiều thời gian: “Xã hội này là một xã hội rất đáng yêu nhưng mà chúng ta không đủ yêu nhau, chúng ta yêu nhau chưa đủ. Xung quanh ta vẫn còn rất nhiều người tưởng rằng, là cái gì cũng phải vật chất và vật chất nào cũng phải tranh giành, và cái sự tranh giành đó nó cần phải gắt gao, thì chúng ta "lầm". Đất nước này vốn không cần phải tranh giành nhau. Nếu chỉ muốn có cá, có rau để ăn thì đất nước này không cần phải tranh giành, lúc nào cũng sẵn có. Hãy cho nhau tình thương mà chúng ta thiếu đi và chúng ta sẽ thấy rằng lúc đó chúng ta cũng sẽ tự có động lực. Đấy nó vốn chỉ đơn giản như thế thôi.”
Tất nhiên, đấy chỉ là một chiếc hang ví dụ, rất có thể ta còn đang sống trong nhiều cái hang khác của thật nhiều suy nghĩ khác nữa. Hãy luôn thử tìm và thoát ra khỏi nó.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất