Mình hay đùa với bạn bè rằng, đọc sách của tác giả được giải Nobel Văn chương giống như liều mình xem một bộ phim đoạt giải Oscar vậy, phải thật tập trung, và suy nghĩ theo nhiều hướng, nhiều cách khác nhau. Đặc biệt với lối viết của Patrick Modiano, bạn sẽ phải để mình chịu hack não “một xíu”.

Cũng giống như những tác phẩm khác của mình, Patrick Modiano xây dựng “Để em khỏi lạc trong khu phố” theo cùng motip tìm kiếm những mảnh ghép của quá khứ, những điều lãng quên, và cuộc hành trình trong quyển sách này, thuộc về nhân vật chính Jean Daragane – một nhà văn già với nỗi cô đơn và trốn tránh những điều xưa cũ.
Nhưng định mệnh đã đưa ông vào cuộc hành trình góp nhặt lại những kí ức của đời mình, những kí ức tưởng chừng đã rơi vào thăm thẳm lãng quên giờ được chính ông đào bới lại chỉ vì một cái tên trong quyển sổ liên lạc cũ của mình. Từ cái tên xa lạ ấy, ông bắt đầu hồi tưởng và nhớ lại những cuộc gặp gỡ, những cái tên khác và những câu chuyện mà bấy lâu nay tựa hồ đã bị ông đưa sang một phía khác của cuộc đời. Ở đó, có tuổi trẻ của ông và có cả tình yêu của ông.
“Tại sao những người ta không ngờ có tồn tại, những người ta chỉ gặp một lần rồi thôi, lại âm thầm đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời ta?”

“Thường khi quá muộn, người ta mới biết một giai đoạn đời mình bị người thân giấu nhẹm. Có thực sự người thân của ta giấu nhẹm nó đi không? Người ấy đã quên, hoăc đúng hơn là theo năm tháng, người ấy đã chẳng còn nghĩ đến nó nữa. Hay đơn giải là người ấy không biết phải nói thế nào”

Những câu hỏi như trên đã dày vò Jean trong suốt khoảng thời gian ông tìm về với những kí ức cũ, với người phụ nữ tên Annie Astrand, người đã ở cạnh ông suốt thời thơ ấu và thấp thoáng trong những cuộc gặp gỡ của mười mấy năm sau đó. Jean bị ám ảnh bởi hồi ức của chính mình, và đó cũng là lí do khiến ông né tránh quá khứ, bởi sợ “Nỗi u sầu sẽ lan truyền qua tháng năm tựa như lần theo một dây cháy chậm”. Nhưng trên tất cả, với Jean, và cả với chúng ta, quá khứ vẫn tồn tại và vẫn là mảnh ghép vô cùng lớn trong cuộc đời của mỗi người. Những người mà ta gặp, dù ít nhiều thời gian, cũng đã từng đóng một vai trò nào đó trong cuộc đời của mỗi chúng ta.

“Một người xa lạ cứ mãi xa lạ đến tận cùng thời gian. Một kỷ niệm khác, rõ ràng hơn, trở lại trong anh mà anh không cần cố nhớ, như kiểu lời các bài hát ta học được từ thuở nhỏ và có thể nhắc lại suốt cuộc đời mà chẳng hiểu gì.”
Một quyển sách nhẹ nhàng, mang màu sắc u ám, cốt truyện không rõ ràng, giọng văn, lối viết khiến người đọc vô cùng rối khi tiếp nhận, các dòng thời gian đan xen, trộn lẫn với nhau, xuất hiện một cách đường đột theo diễn biến tâm lý nhân vật sẽ làm chúng ta dễ xao nhãng, và rơi vào một thực tại khác lúc nào không hay. Đó chính là cái tài của Patrick Modiano và là cái tầm của một nhà văn đoạt giải Nobel Văn chương.
Hãy đọc, và thử ghép nối những phần thời gian đứt quãng ấy, và biết đâu, chính bạn sẽ tìm ra điều đặc biệt của tác phẩm này đấy. Với mình, mình học được cách trân trọng quá khứ và những người đã từng xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, và sẽ có ai đó, như Annie, luôn sẵn sàng trao cho chúng ta mẩu giấy, với lời nhắn: “ĐỂ EM KHỎI LẠC TRONG KHU PHỐ”, để chúng ta không bao giờ lạc bước giữa cuộc đời này.
Bài viết+ Hình ảnh: Me