Tôi hiện tại dù ở độ tuổi 27 vẫn thi thoảng tự vấn mình muốn làm gì và muốn trở thành ai. Tôi nghĩ tôi vẫn ở độ tuổi rất trẻ để có thể nói những câu chắc nịch là mình đúng về hầu hết mọi thứ trên đời, nhất là câu chuyện về hạnh phúc.
Mở bài vậy thôi vì tôi muốn nói về chi phí cơ hội, về những điều mình chọn là ưu tiên trong đời khi đến một độ tuổi nào đó, hay đúng hơn là từ góc nhìn của một cô gái 27 tuổi dựa trên những điều cô ấy đã chứng kiến trong những năm tháng tuổi 20.
Nếu cần đưa một một định nghĩa ngắn gọn về chi phí cơ hội thì với tôi, ở đâu có lựa chọn, ở đó sẽ có chi phí cơ hội. Ví dụ khi bạn chọn đi học một ngôn ngữ mới như tiếng Trung chẳng hạn, chi phí cơ hội là việc cùng tận hưởng khoảng thời gian thân mật với người bạn thân hay người yêu của mình, tâm sự những câu chuyện trên trời dưới bể. Khi bạn chọn đi cùng người đó, chi phí cơ hội là với việc học bạn có thể nói được thêm một ngôn ngữ nữa. Tóm lại, khi bạn chọn một điều gì đó, chi phí cơ hội là những gì bạn chọn bỏ qua. Giờ ngẫm lại, có lẽ chẳng bao giờ chúng ta có tất cả mọi thứ trong cuộc đời này.
Cuộc đời là những sự lựa chọn, chọn lấy thứ này và buông bỏ thứ khác. Với tôi, hay đúng hơn là với những thứ tôi nhìn thấy và cảm nhận, dường như việc ta chọn lấy thứ gì không có giá trị sâu sắc bằng việc ta chọn buông bỏ điều gì, bởi vì bạn sẽ phải học cách buông bỏ rất rất nhiều điều trong cuộc đời mình. Nếu bạn chọn uống cà phê, điều đó không có nghĩa bạn là một người ghiền cà phê. Nhưng nếu bạn chọn uống cà phê thay vì trà thì tôi khá chắc bạn thích cà phê hơn trà, ít nhất là ở ngay thời điểm bạn đưa ra quyết định đó. Thật ra thì Albert Einstein cũng là một người đã đưa ra lựa chọn điều mình ưu tiên trong cuộc đời ông, ông chọn cuộc đời của một người làm khoa học cống hiến cả cuộc đời mình cho sự phát triển của nhân loại và chọn bỏ mặc gia đình mình. Cuối cùng thì ông được biết tới là một nhân vật vĩ đại của nhân loại, có lẽ là cho tới cả ngàn năm nữa (nếu con người vẫn còn tồn tại) nhưng lại là một người chồng người cha bạc đãi, vô trách nhiệm với gia đình (thật khó để nói ông ấy là một người tốt hay xấu. Ông ấy đã cống hiến cả đời mình cho khoa học và đưa ra được thuyết tương đối mà mãi sau này đã được chứng minh thực tế là đúng). Khi đứng ở ngưỡng cửa những năm cuối tuổi 20, nhìn thấy tuổi trẻ ham vui sống hết mình vì cuộc đời dần khép lại sau lưng, mở ra trước mặt là thế giới của rất nhiều sự lựa chọn; tôi hiểu rằng đây là thời điểm sẽ định nghĩa gần như cả phần đời còn lại của mình. Vậy tôi sẽ chọn định nghĩa nó như thế nào đây?
Hình ảnh nơi tôi coi là ngôi nhà thứ 2 của mình ở Tây Ban Nha
Hình ảnh nơi tôi coi là ngôi nhà thứ 2 của mình ở Tây Ban Nha
Khi viết tới những dòng này tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng của cụ Dumbledore dành cho Harry ở vào thời điểm Harry đang tự vấn và lo sợ mình sau này sẽ trở thành một người xấu xa như Voldemort khi sở hữu khả năng nói chuyện được với rắn trong tập Chambers of Secrets: “It Is Our Choices, Harry, That Show What We Truly Are, Far More Than Our Abilities”. (Lược dịch: Harry, những quyết định của ta, mới là điều định nghĩa chúng ta là ai, hơn là chúng ta có khả năng làm điều gì.) Nghe có vẻ hiển nhiên nhưng đây chính là thời điểm tôi nhận ra hoàn cảnh riêng chính là nhân tố quan trọng nhất trong cuộc đời ta và chính tôi mới là nhân vật chính của câu chuyện cuộc đời mình.
Chỉ có bạn mới tìm được câu trả lời cho lựa chọn của bản thân, cho những điều bạn ưu tiên và những điều bạn quyết định buông bỏ sẽ định hình nên con người bạn. Câu trả lời đó không hề dễ tìm, không hề nằm trong một cuốn sách hay một video dạy đời nào. Nó có thể sẽ tốn của bạn hàng đêm không ngủ, hàng ngàn suy nghĩ trăn trở để biết mình thật sự muốn trở thành ai. Và điều đáng buồn mà hầu hết chúng ta sẽ đều phải chấp nhận ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời là, sau tất cả những ngày đêm trằn trọc để đưa ra một quyết định, rất có thể bạn vẫn lựa chọn sai. Bạn vẫn có thể chọn lấy một quyết định mà sau này sẽ khiến bạn hối tiếc. Và lúc này đây, có lẽ chính là thời điểm quan trọng để học cách buông bỏ - buông bỏ chính những sự hối tiếc để học cách trở nên hạnh phúc.
Dạo gần đây khi sống ở Hà Nội được gần nửa năm, thi thoảng tôi đã nghĩ, nếu ngày ấy tôi không chọn đi du học thì hẳn cuộc đời lúc ấy có khi đã rất an nhàn. Ở nhà gần gũi với gia đình, Tết được sum vầy ăn đồ ngon, cuối tuần rảnh rỗi đi mua sắm với em gái hoặc ra Tranquil ngồi nhâm nhi tách cà phê nóng, được chứng kiến hành trình trưởng thành cho tới khi lập gia đình của cô em gái đáng yêu nhất quả đất, tìm được một công việc vừa phải và ổn định, tiếp tục gắn bó với Hà Nội khói bụi và có khi đã có vài chuyến đi khám phá các miền đất Việt Nam. Cuộc sống ấy với tôi nghe đâu hề nhàm chán. Đó có thể là điều tôi đã luôn âm thầm mong mỏi. Đó cũng chính là chi phí cơ hội của những trải nghiệm và những tình bạn trân quý mà tôi có trong những năm tháng tuổi 20 của tôi ở trời Âu.
Thế nên có vài lần khi tâm sự với Anh, tôi đã thật lòng chia sẻ “4 năm ở Châu Âu là nơi đã cho tôi biết mình là ai và nhận ra tôi thật sự muốn gì”, điều này không phải là một sự đề cao Châu Âu hay việc may mắn được đi du học. Nó đơn giản là một lời ghi nhận cho những điều tôi đã chọn buông bỏ. Tôi chỉ là một cô gái đã dành những năm đầu tuổi 20 chọn rời khỏi Việt Nam.
Đó cũng là một trong những định nghĩa chắc chắn nhất về tôi, dù buồn hay vui. Tôi, dù sau này đi đến đâu, tiếp tục ở Việt Nam hay chọn sống ở một hay nhiều vùng đất khác, định nghĩa đó cũng sẽ không thay đổi, như những điều tôi chứng kiến và cảm nhận trong những năm tháng tuổi 20 của mình cũng sẽ không thay đổi. Và lúc này đây, khi viết những dòng này, tôi biết mình đang hạnh phúc với những điều mình chọn buông bỏ.