Hạnh phúc như một con đường trải dài. Và mỗi người trong chúng ta đều có những con đường riêng để kiếm tìm hạnh phúc. Có người sẽ đi bằng con đường ngập tràn tình yêu thương và hạnh phúc, cũng có người sẽ luôn gặp nhiều sự đau khổ, vấp ngã trên con đường mà mình đi. Và dù như thế nào, đó cũng là kết quả mà ta đã tích lũy được trong những năm tháng cuộc đời 
Đầu năm 2020, cả thế giới đón nhận cơn đại dịch Covid lan rộng trên khắp các nước, từ Châu Âu đến Châu Úc, Mỹ, Châu Á và Việt Nam. Trận đại dịch này đến, cướp đi mạng sống của những người mình thương yêu rất nhiều, rất nhiều người trong số đó ra đi không kịp nói lời từ giã, thậm chí khi mất đi cũng không được nhìn mặt nhau lần cuối. Những buổi tang lễ tại nhà, trong nhà thờ, chùa chiền cũng không được tổ chức lần cuối cho người đã khuất. Họ được xếp hàng dài để chờ chuyển từ bệnh viện xuống nhà xác, để tạm trong những container lạnh, để chờ tới lượt vào lò hỏa thiêu một mình không người thân tiễn đưa. Những lò hỏa thiêu chật kín xác người, hoạt động hết công suất, khói nghi ngút vẫn không kịp xử lý hết lượng xác còn chờ xếp hàng dài mỗi ngày. Những gia đình có người thân mất vì Covid thì chờ đợi mỏi mòn khoảng hai,ba tuần sau mới nhận được tro cốt người thân. Mà có những gia đình đâu chỉ mất đi một người thân, có gia đình mất đi ba, bốn người thân cùng một lúc, nỗi đau chồng chất nỗi đau, những nỗi đau cứ chất chồng lên nhau, như những vết cắt cứa sâu vào trong tim của những người ở lại... Vợ mất chồng, những đứa trẻ mất đi ba mẹ, những gia đình mất đi trụ cột chính nuôi sống gia đình..  những nỗi đau nối tiếp nỗi đau khiến người ta chưa kịp hoàn hồn đã phải hứng chịu thêm nhiều đau đớn khác... 

Những tháng ngày đó, Sài Gòn như một thành phố chết, lạnh tanh và vắng đến lạnh run người. Tiếng xe cứu thương cứ inh ỏi chạy khắp những con phố bất kể ngày đêm... Những giấc ngủ chập chờn đầy lo lắng và căng thẳng khi lỡ một sớm mai thức dậy, mình có thể mất đi người thân hay cả khu xóm bị giăng dây vì có người trong xóm bị nhiễm Covid.

Những tháng ngày đó, chỉ cần nghe ai đó mất sát bên nhà, là bán tín bán nghi sợ người ta mất vì Covid, vì nếu mất vì bệnh này, thì cả nhà của người đó cũng có nguy cơ mắc bệnh hết, và khả năng lây lan cho những nhà xung quanh là chuyện một sớm một chiều sẽ xảy ra do không khí đã bị ô nhiễm, nên tình làng nghĩa xóm lại càng xa cách nhau thêm... Mạnh nhà nào ở yên ở nhà đó, không ai dám tụ tập ngồi tám cùng nhau như ngày trước nữa... 

Covid làm cho mọi người lắng đọng lại, sống chậm hơn và suy nghĩ về những hạnh phúc, những được mất và cả những buông bỏ trong cuộc sống này... Chúng ta bắt đầu lắng nghe những hơi thở của cuộc sống, sống chậm lại và bắt đầu suy nghĩ điều gì là thật sự quan trọng đối với chúng ta lúc này, điều gì là làm chúng ta hạnh phúc thật sự? 

Tiền ư? Nó có thể đúng trong thời điểm trước khi có dịch bệnh. Tiền có thể giúp ta một cuộc sống sung sướng, tự do, đủ đầy, muốn gì được đó... Nhưng đối với thời đại dịch là lúc nhận ra những điều được mất ở cuộc đời này không do đồng tiền nắm giữ... Những người giàu có vẫn bị dịch bệnh tấn công và cướp đi mạng sống cực kỳ nhanh chóng. Khi quá nhiều ca bệnh xuất hiện, bệnh viện quá tải, trang thiết bị y tế thiếu thốn, không có thuốc đặc trị... thì người giàu hay nghèo cũng chỉ có một mạng sống, được đối xử như nhau và khả năng sống sót là như nhau. Ở cái thời này, đồng tiền đành bất lực nhìn dịch bệnh tấn công mà không thể nào can thiệp được... Người giàu không thể dùng tiền để mua sức khỏe cho mình... 

Và bạn sẽ thấy ở thời này, niềm mơ ước lớn nhất mà ai cũng mong muốn là sức khỏe cho cả gia đình, để không bị dịch bệnh tàn ác tấn công... Chỉ cần mỗi ngày còn được nhìn thấy nhau, còn được nghe tiếng cười, giọng nói của nhau là hạnh phúc... Người ta có thể hy sinh không đi làm kiếm tiền, nghèo khổ một tí cũng được, rau cháo qua ngày cũng được miễn là gia đình vẫn khỏe mạnh và bình yên.. Và lúc này người ta thêm trân quý những bữa cơm gia đình cùng nhau. Có thức ăn, có cơm ăn mỗi ngày là hơn rất nhiều mảnh đời đói khổ bất hạnh ngoài kia...

Ở cái thời này, bạn có tiền nhưng chưa chắc mua được những cái mình muốn, vì đại dịch làm ngăn sông cấm chợ, số lượng lao động cũng giảm đi, nên việc mua lương thực thực phẩm hay nhu yếu phẩm mình muốn là cực kỳ khó, lúc này nhu cầu con người ta chỉ là được ăn no chứ không cần ăn ngon mặc đẹp. Tôi vẫn còn nhớ lúc đó thèm đủ thứ trên trời đất, có tiền nhưng chẳng thể mua được gì, vì có ai bán mà mua, với lại sợ cả người bán nhiễm bệnh thì ăn vào cũng nguy nữa. Thế là hì hục kiếm tìm nguyên liệu để nấu ăn cho đã cơn thèm, mà nguyên liệu thì mua đến bốn, năm chỗ mới có đủ... Vậy đó nên giờ mỗi khi ăn một tô bún bò hay một tô phở ngoài tiệm, tôi lại thấy mình hạnh phúc vì được ăn món mình thích.

Và ở cái thời này, du lịch lại càng là một điều xa xỉ không thể nào thực hiện được dù cho bạn có thật nhiều tiền, có nhiều thế lực quen biết..  Mọi thứ án binh bất động, ai ở đâu ở yên một chỗ, việc di chuyển từ nhà này sang nhà kia trong cùng một xóm cũng đã là khó khăn huống chi là đi du lịch trong nước hay ngoài nước..

Lúc này, bạn sẽ phải luôn nghe rất nhiều câu chuyện chết chóc tang thương bao trùm, nên  muốn thật bình tĩnh thì bạn phải luôn giữ cho tinh thần mình được lạc quan và giữ gìn sức khỏe thật tốt, hạn chế ra đường nhiều nhất có thể.

Thời điểm đó, hạnh phúc chỉ đơn giản là được bình yên trong căn nhà của mình, được no ấm, được sức khỏe tốt để không phải bệnh, phải chết đi...

Giờ thì dịch bệnh đã được giảm dần qua hai năm, nhưng những hệ lụy mà nó để lại vẫn là những vết thương lòng rất lớn, để chúng ta học cách chấp nhận cuộc đời này là vô thường, được mất là do kết quả của hành trình mình đã tích lũy, để biết cách trân trọng những người thân yêu của mình, trân trọng những bữa ăn có được và trân trọng những đồng tiền kiếm được, và quan trọng hơn là trân trong sức khỏe của mình... Đó chính là hạnh phúc, với những điều thật giản đơn mà không phải ai cũng làm được..

Vậy đó, hạnh phúc như một con đường trải dài, càng trải qua nhiều giông bão ta mới biết ơn và trân trọng những hạnh phúc mà mình đang có...