HÀNH ĐỘNG LÀ THƯỚC ĐO CHÍNH XÁC CHO BẢN CHẤT NGƯỜI – GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC
Trong cuộc sống xã hội, nhu cầu đánh giá giữa người với người không ngừng tăng lên do yêu cầu của công việc, bản năng sinh tồn hoặc...
Trong cuộc sống xã hội, nhu cầu đánh giá giữa người với người không ngừng tăng lên do yêu cầu của công việc, bản năng sinh tồn hoặc cũng có thể là sở thích. Nhìn chung, với khả năng đoán định bản sắc đối phương, chủ thể dễ dàng xoay chuyển càng khôn để tung hứng tâm lý người trên và thấu hiểu, dẫn dắt tâm lý người dưới. Thủ thuật này dần trở thành điều kiện tiên quyết để trở thành lãnh đạo tài ba, thế nhưng, để có thể sở hữu bản năng sát thủ này các độc giả nên cần phải biết ngọn nguồn những phương pháp để nắm bắt được tâm lý của họ. Trong tâm lý học, các nhà khoa học đã chứng minh vai trò to lớn của hành động quyết định nhân cách, tâm lý người và nhờ nó có thể dễ dàng nhìn xuyên tim đen của họ để xem họ là người như thế nào và xu hướng tâm lý tiếp theo của họ sẽ ra sao? Trên cơ sở đó, mình quyết định chia sẻ những kiến thức thú vị, sâu sắc về hành động và nhân cách người dưới giác độ tâm lý học nhằm cung cấp yếu tố quan trọng để đánh giá bản chất con người.

nguồn ảnh: pixabay.com
Hành động và cấu tạo nhân cách người
Về phương diện triết học, tâm lí học, người ta quan niệm hoạt động là phương thức tồn tại của con người trong thế giới. Hoạt động là quá trình con người thực hiện mối quan hệ giữa mình với thế giới bên ngoài. Hoạt động là mối quan hệ tác động qua lại giữa con người và thế giới khách quan (khách thể) để tạo ra sản phẩm cho cả thế giới, cho cả con người (chủ thể). Trong hoạt động con người vừa tạo ra sản phẩm về phía thế giới, vừa tạo ra tâm lí của mình. Hay tâm lý, ý thức, nhân cách được bộc lộ và hình thành trong hoạt động.(1)
Đầu tiên ta cần phải làm rõ về bản chất con người để xem xét sự tương quan giữa con người đối với hoạt động. Cụ thể hơn, hoạt động có vai trò thế nào đối với sự hình thành và phát triển con người.
Quy luật thích nghi được loài vượn tận dụng và phát triển qua thời gian dài đến khi chúng tiến hoá thành con người. Rõ ràng, con người là sản phẩm của tự nhiên, là kết quả của sự tiến hoá từ loài vượn mang tính quy luật của tạo hoá. Do đó, con người tự nhiên là con người chịu sự cấu tạo mang tính sinh học. Tính sinh học trong con người định hình những hiện tượng và quá trình tâm lý bên trong, nó là điều kiện quyết định sự tồn tại của con người. Tuy nhiên, quy luật tự nhiên đang trở thành một giá trị phai mờ trong việc quyết định, chi phối con người như trước. Ngày nay, con người không những chinh phục được các quy luật tự nhiên mà thậm chí còn kiểm soát nó để phục vụ nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, con người không phải là động vật thuần tuý như các động vật khác mà là một động vật có tính chất xã hội, văn hoá lịch sử. Vì vậy, con người là sản phẩm của xã hội và mang bản tính xã hội. Tuy nhiên, các yếu tố văn hoá – xã hội không phải là hoàn toàn khách quan, có trước và áp đặt lên con người. Con người chỉ có thể tồn tại được một khi con người tiến hành hoạt động để sáng tạo ra của cải vật chất thoả mãn những nhu cầu cơ bản của mình. Hoạt động là yếu tố quyết định sự hình thành con người và ý thức. Chính lao động đã quy định bản chất xã hội của con người, quy định sự hình thành và kiểm soát xã hội và xã hội lại quy định sự hình thành cá nhân và nhân cách.
Như vậy, con người với tư cách là phạm trù người không phải là sản phẩm trực tiếp của sự tiến hoá sinh giới, cũng không phải là sản phẩm thụ động của tác động xã hội, mà là sản phẩm và là chủ thể tích cực của chính hoạt động của nó. Hoạt động và tương tác của cá nhân như thế nào thì họ là như thế ấy.(2)
Thông qua hoạt động ta có thể nhìn nhận được nhân cách người một cách chính xác xem họ thể hiện mình là chủ thể thực hiện hoạt động đối với môi trường xung quanh. Thế nhưng, chúng ta cần phải xác định rõ là hoạt động của chủ thể phải có ý thức chứ không phải là hoạt động mang tính vô thức. Rõ ràng, hoạt động có vai trò quyết định trực tiếp sự hình thành, phát triển và bộc lộ nhân cách thông qua hai luận điểm sau:
Thứ nhất, quá trình xuất tâm, đó là quá trình tâm lí của con người được bộc lộ khách quan hóa trong quá trình làm ra sản phẩm. Ví dụ, cuối thế kỉ 19, hàng ngàn người tập trung công việc sáng tạo ra thứ có thể phát ra điện năng, người sáng tạo phải vận dụng tất cả kiến thức, kỹ năng, thái độ, ý thức, tình cảm trong hoạt động của mình để tạo ra sản phẩm. Tuy nhiên, tâm lý của mỗi người sáng tạo là khác nhau, một số người thì chán nản bỏ cuộc, số khác thì lo sợ thất bại, không tin vào bản thân. Song, Thonmas Edison đã là người chiến thắng và thành công sáng tạo ra sản phẩm là
bóng đèn và nó như là cách biểu lộ ý chí mạnh mẽ của ông. Do đó, tùy thuộc vào tâm lý mỗi người sẽ đạt được một thành quả và sản phẩm khác nhau. Một ví dụ nữa cho quá trình này có thể tham khảo bẩy phương pháp nhận biết tính cách con người trong tác phẩm “mặt dầy, tâm đen”. Phương pháp quan trọng nhất trong bảy phương pháp đó là, “giao việc cho người đó, sẽ khám phá được năng lực thật sự của anh ta”.(3) Rõ ràng, trong quá trình chủ thể tác động vào thế giới khách quan bằng hoạt động cụ thể có ý thức của mình sẽ tạo ra dấu ấn tâm lý thông qua sản phẩm. Vì vậy, nhìn hoạt động của con người sẽ nhìn rõ tâm lý của người đó, bởi vì tâm lý của người đó được bộc lộ rõ rệt nhất qua hoạt động có ý thức của họ.
Thứ hai, quá trình nhập tâm, đây là quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người. Chúng ta phải nhìn nhận mọi sự việc một cách biện chứng khoa học, vì vậy quá trình xuất tâm của con người sử dụng tâm lý tác động với thế giới thông qua hoạt động cụ thể và chính hoạt động tạo ra sản phẩm đó lại tác động ngược trở lại với tâm lý. Ví dụ, sau khi sáng chế bóng đèn, Thomas Edison rút ra nhiều ưu điểm và nhược điểm của nó trong việc phát ra điện năng. Ông tiếp tục phát triển nhiều ý tưởng nhiều cải tiến bóng đèn theo hướng đơn giản hóa và ông cam kết sản phẩm của ông phải khắc phục được mặt giá thành nhằm mang nó vào sử dụng phổ hơn. Có thể thấy, quá trình nhập tâm là một mặt tác động trở lại của quá trình xuất tâm trong mối quan hệ biện chứng dựa trên hoạt động của con người. Vì vậy, hoạt động trong quá trình nhập tâm có vai trò trong sự hình thành và phát triển nhân cách người đang dần chuyển hoá trong tương lai, và ta có thể thấy nó như một điều kiện nhận biết xu hướng nhân cách của họ.
Ngoài ra, để tìm hiểu kỹ tâm lý người thông qua hoạt động chúng ta cần phải mổ xẻ cấu trúc của hoạt động để xem xét những khía cạnh tâm lý được cài cắm bên trong. Theo đó, các nhà chủ nghĩa vị lợi nổi bật là I.Kant cho rằng, với tư cách là thực thể có tâm lý, con người không thể hoạt động một cách nào khác như tuân thủ các động cơ và mong muốn của mình.(4) Có thể thấy, con người hoạt động không thể thiếu đi động cơ. Ví dụ, quá trình học tập của con người ắt hẳn phải có một động cơ để thực hiện duy trì việc học nếu không thì họ sẽ cảm thấy chán nản và tự hỏi “tại sao tôi phải học”. Rõ ràng, khi chúng ta thực hiện một hành động thì kèm theo đó là một mục đích xác định. Ở đây, hành động phải gắn với tâm lý ý thức của con người chứ không phải là một hành động vô thức theo bản năng hay thói quen. Qua đó, một chuỗi các hành động sẽ tạo thành hoạt động của chủ thể và thường gắn với động cơ thực hiện rõ ràng. Sau đó, để đạt được mục đích của mình các hành động sẽ sử dụng những thao tác trên những phương tiện tương quan để tạo ra sản phẩm. Cụ thể, cấu trúc hoạt động được chia làm hai hàng như sau:
Hàng thứ nhất là động cơ – mục đích – điều kiện, thể hiện nội dung, tính chất của hoạt động. Giữa các yếu tố trên có mối quan hệ với nhau.Động cơ được cụ thể hóa thành các mục đích.Mục đích lại quy định việc lựa chọn đối tượng tác động mà từ đó ảnh hưởng đến việc xác định điều của hoạt động. Hàng thứ hai là hoạt động – hành động – thao tác, thể hiện phương thức và các đơn vị thực hiện hoạt động.Một hoạt động được thực hiện bởi nhiều hành động.Một hành động lại được tiến hành bằng nhiều thao tác. Hai hàng này có mối quan hệ nhất định. Đó là mối quan hệ nội dung và hình thức của hoạt động. Động cơ, mục đích chi phối việc lựa chọn phương thức tiến hành hoạt động. Ngược lại, trong quá trình tiến hành hoạt động sẽ làm hình thành những động cơ và mục đích mới.(5)
Đó là cấu trúc của hoạt động để tạo ra một sản phẩm dựa trên các cơ sơ như: hoạt động – động cơ, hành động – mục đích, thao tác – phương tiện. Nếu chúng ta nhìn kỹ cấu trúc thì sẽ thấy mỗi một bộ phận trong cấu trúc của hoạt động đều gắn liền, mang màu sắc của tâm lý cá nhân. Động cơ được hình thành bên trong tâm lý được tính toán một cách kỹ lưỡng. Mục đích được tâm lý người vẽ ra trong não rằng nếu đạt được sẽ đem lại một thành quả nhất định nhằm thỏa mãn con người. Cuối cùng, khi hoạt động đi đến sản phẩm cuối thì có thể không giống như mục đích hướng tới. Bởi vì, tâm lý của mỗi người là hoàn toàn khác nhau nên sản phẩm được tạo ra phải phụ thuộc chủ yếu vào tâm lý, nhân cách người. Như đã nêu ví dụ ở trên về Thomas Edison trong quá trình sáng tạo ra bóng đèn, quá trình hoạt động của ông đã thể hiện màu sắc tâm lý, nhân cách và cụ thể hóa thông qua sản phẩm.
Câu chuyện minh hoạ điển hình
Thực nghiệm SPE – Stanford Prison Experiment,(6) các nhà nghiên cứu thuộc đại học Stanford xây dựng quá trình giống hệt ngoài đời bằng cách bắt một người tù và nhốt họ vào ngục, đồng thời xem xét mối quan hệ giữa người tù và quản ngục. Họ xây dựng nhà tù giống y hệt những nhà tù phổ biến ở nước Mỹ và bắt đầu tuyển chọn người ngẫu nhiên bằng phiếu với mục đích phục nghiên cứu tâm lý. Nhóm người tuyển chọn được chia làm hai phe là quản ngục và người tù. Trong ít ngày thực nghiệm, những người quản ngục nắm quyền lực bắt đầu thay đổi nhân cách ban đầu và trở nên xấu xa bằng việc hành hạ đối với phạm nhân. Dự định thực nghiệm chỉ diễn ra trong hai tuần nhưng phải kết thúc trong sáu ngày. Vì những kết quả diễn ra bên trong nhà tù vượt khỏi ngoài tầm kiểm soát của họ.
Qua thực nghiệm này, chúng ta xem xét ở góc nhìn thay đổi nhân cách rõ rệt của những người tham gia thực nghiệm. Cụ thể, thực nghiệm cho thấy góc nhìn sâu sắc hơn về bản chất nhân cách thật của con người được bộc lộ qua hành động. Ban đầu, những người trong vai trò quan ngục, trong đó đa số người trước đó tự nhận xét bản thân mình là người có lối sống và cách cư xử ôn hòa, lại là nhóm người nhanh chóng, dễ dàng nhập vai thành những người mạnh tay thực thi kỷ luật thép và tỏ ra thiếu tôn trọng đối với phạm nhân. Cuối cùng, Tiến sĩ Zimbardo đưa ra kết luận: “Luôn có nhiều tình huống cụ thể có ảnh hưởng mạnh đến độ có thể áp đảo bản chất cố hữu trong chúng ta, yếu tố mấu chốt ở đây chính là hoàn cảnh, là quy tắc chuẩn mực”. Mặc dù, yếu tố hoàn cảnh tác động vô cùng lớn tới sự hình thành và phát triển nhân cách người. Tuy nhiên, nó chỉ là điều kiện để con người bộc lộ bản chất nhân cách của mình mà không thể thay đổi bản chất nhân cách thật của họ. Trên thực tế, có một bộ phận thiểu số trong vai quản ngục không bị thay đổi nhân cách ban đầu dựa trên lời tuyên bố của họ. Như vậy, đa số người nhập vai quản ngục đã nói dối về tâm lý nhân cách thật của họ khi phỏng vấn bắt đầu tham gia thực nghiệm và cho đến khi hoạt động thực tế đã minh chứng nhân cách thật sự của họ.
Rõ ràng, những lời tự nói ban đầu về con người của nhóm tham gia vai trò quản ngục đều trở nên vô nghĩa khi họ hành động khác hẳn với tuyên bố đó. Qua đó, một chuỗi các hoạt động của họ trong quá trình tương tác với phạm nhân lại thể hiện rõ rệt nhân cách của họ. Điều này càng khẳng định vững chắc luận điểm của Lênin về đánh giá con người qua hoạt động chứ không căn cứ qua lời tự nói của họ.
Tựu trung lại, hoạt động là phương thức hình thành và phát triển, thể hiện tâm lý, ý thức, nhân cách, đồng thời tâm lý, ý thức, nhân cách là cái điều hành hoạt động. Do đó, muốn thấu hiểu tâm lý, nhân cách của một con người chúng ta phải nhìn nhận yếu tố hoạt động như là một tiên đề thiết yếu để đánh giá họ là ai, họ có tâm lý như thế nào. Về bên ngoài, mỗi hoạt động của con người được biểu hiện qua hai quá trình xuất tâm và nhập tâm. Trong đó, quá trình xuất tâm là quá trình chúng ta dễ dàng nhận biết được tâm lý người được biểu lộ. Ngược lại, quá trình nhập tâm là quá trình chúng ta có thể đánh giá được quá trình hình thành và phát triển tâm lý, nhân cách tương lai của người đó. Về bên trong, cấu trúc của hoạt động cũng mang đậm màu sắc tâm lý, nhân cách người. Vì vậy, thông qua hoạt động ta có thể đoán định được động cơ và mục đích của con người để từ đó xem xét họ là người như thế nào.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Nguyễn Quang Uẩn, (2015): Tâm lý học đại cương, Nxb ĐHQG, Hà Nội, trg.42.
(2) Chin-ning Chu, (2018): Mặt dày Tâm đen, Nxb Zenbooks, tp. HCM, trg.348
(3) Dương Thị Diệu Hoa, (2007): Giáo trình Tâm lý học phát triển, Nxb Khoa học Công nghệ, Hà Nội, trg.33.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất