HAI VẤN ĐỀ ĐỂ NGỎ CHO NHÂN LOẠI
(Bài chiêm nghiệm sâu, cẩn thận trước khi đọc)....
(Bài chiêm nghiệm sâu, cẩn thận trước khi đọc).
---
Sau một thời gian có duyên nói chuyện và đàm luận cùng với một số trí thức có cách nhìn nhạy bén về Tôn giáo. Về chủ đề siêu hình học & tâm linh, đạo giáo & huyền học, tôn giáo & chủ nghĩa vô thần. Mình tạm thời có một vài nhận định sau đây.
*Vì sao bạn nghĩ rằng Thiên Chúa có tồn tại?
- Trả lời theo giáo lý Hội thánh thì sẽ rất thiên vị ở đây, nên mình viết đôi dòng ngắn theo cách nhìn khoa học.
Dù Thiên Chúa có tồn tại hay không, khoa học dù khách quan đến mấy cũng không thể bác bỏ được việc trái đất đang được bảo vệ bởi Từ trường khỏi bão mặt trời. Hệ mặt trời đang được bảo vệ bởi Nhật quyển khỏi bức xạ vũ trụ. Và điều này đến từ đâu? Vì sao mà có? Vì sao chúng đang bảo vệ chúng ta? Hay vẫn còn vô số các hiện tượng khác mà Khoa học cũng chưa thể trả lời. Như việc khoa học được đặt nền tảng dựa trên các con số và thuật toán học. Nhưng chúng ta lại không thể biết được con số cuối cùng của dãy số Pi, chúng cứ kéo dài ra đến vô tận dù ta có tìm hiểu và đặt câu hỏi đến đâu đi nữa. Vì vậy tốt nhất ta nên có một thái độ khiêm nhường với những điều ta chưa thật sự hiểu biết tường tận, không nên có một thái độ ngạo nghễ dù ta có tài giỏi thật. Vì cho dù có gọi tên được hiện tượng, truy sát được nguyên nhân. Ta cũng không thể biết được lý do vì sao điều ấy lại diễn ra, vì sao con người lại có mặt ở đây. Chúng ta đang sống vì điều gì, vì lý tưởng gì và cho ai? Lúc này Khoa học cũng rơi vào huyền học và đành phải nhờ siêu hình học và Tôn giáo để biện giải thay. Vì vậy, Khoa học giúp cho sự phát triển của con người, nhưng chưa bao giờ là chân lý tuyệt đối đủ khả năng bác bỏ các vấn đề tâm linh.
*Chúa Giêsu có thật sự là Ngôi Hai Thiên Chúa hay không?
- Điều này mình phải nghiêm túc thành thật, hiện nay các giáo thuyết và ghi chép trong Kinh Thánh có nhiều điểm bất lợi cho niềm tin Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa. Chúng ta(mình là người Công giáo) thường không thuyết phục được những người mang ý hướng đả kích các quan điểm, và thường thua thiệt trong các cuộc tranh biện dù cho người đại diện của ta có là hàng Giáo sĩ phẩm cao đi nữa(đó là sự thật và mình được biết qua những người uy tín).
Vì vậy, hàng thế kỷ qua Giáo hội và các chủ chăn đã liên tục củng cố Đức tin của mỗi tín hữu qua các bài kinh, các giờ chầu, Thánh lễ, Thánh ca phụng vụ để gia tăng sự hiệp thông vai trò của Chúa Ba Ngôi. Không phải tự nhiên mà Chúa Giêsu lại trở thành trọng tâm của giáo lý Hội Thánh Công giáo mà không phải là Thiên Chúa. Đó chính là điểm đặc trưng bậc nhất của đạo Công giáo từ thuở ngàn xưa cho đến ngày nay.
- Vẫn còn rất nhiều các cuộc tranh cãi lớn cả mấy trăm năm nay vẫn chưa dứt mà mình không tiện nêu trên đây, tránh gây ra một sự nhiễu nhương không cần thiết vì thành thật mà nói, mình cũng chưa đủ khả năng để diễn giải tất thảy mà không làm bạn lung lay Đức tin. Nhưng ta hãy tạm gác vấn đề ấy qua một bên, giờ quay trở lại Ngài Giêsu. Chúa Giêsu có thật sự là Ngôi Hai Thiên Chúa hay không? Điều này mình sẽ để ngỏ cho mỗi người tự nhìn nhận, sức bơi của bạn tới đâu thì bạn sẽ tìm được câu trả lời đến ấy.
Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý rằng. Dù Ngài có thật sự là Ngôi Hai Thiên Chúa hay không, thì Ngài vẫn từng là một sự sống "siêu việt và đáng được Kính trọng để tưởng nhớ. Các việc Ngài làm trên sự sống trần gian vẫn đi đúng con đường mà Thiên Chúa đã mở ra cho chúng ta, các giáo lý và bài tập Ngài soạn ban đầu nó được nhận định là phù hợp hơn cho khu vực Châu âu, bởi thế mà nó được thịnh hành ở các nước Phương Tây trước, dù Chúa Giêsu có gốc gác từ Trung Đông và gần cạnh Á Đông. Và bạn cũng cần lưu ý rằng, bên cạnh ngoài việc Chúa Giêsu được sự soi sáng trí khôn từ Chúa Cha qua Chúa Thánh Thần. Ngài cũng cần phải đi học, tìm những người thầy trần gian để hướng dẫn thêm.
Và Ngài đã học gì? Học từ ai? Học ở đâu? Học trong bao lâu? Mình chỉ nêu trên đây rằng Ngài đi học từ năm 14 tuổi cho đến năm 28 tuổi, sau đó Ngài trở về NAZARETH để bắt đầu thực hiện công cuộc cứu độ. Những câu hỏi còn lại mình sẽ để bạn tự tìm hiểu thêm. Mình chỉ muốn viết thêm đôi dòng quan trọng rằng, những câu chuyện dụ ngôn của Ngài, những tín lý mà Ngài rao giảng, các thuật dấu lạ mà Ngài triển khai. Những điều ấy, Ngài như đang muốn giáo dục và nhắc nhở nhân loại rằng muốn hướng đến và quay trở về Thiên Chúa. Con người cốt yếu phải có đầy đủ ba khía cạnh:
Bi (lòng nhân ái) - Trí (Thông minh) - Dũng (sự can đảm).
Những điều này còn có một cách gọi khác mà ngày nay Giáo hội vẫn đang thường xuyên sử dụng khi muốn miêu tả hay nhắc đến Thiên Chúa, đó là:
Chân (chân lý sự thật) - Thiện (điều thiện lành) - Mỹ (vẻ đẹp nổi bật).
Ba từ này để diễn giải về một Thiên Chúa tối cao không điều gì vượt qua, con đường để con người sống xứng đáng quay trở về nhà Chúa Cha thì bắt buộc phải có đầy đủ ba khía cạnh trên là Bi - Trí - Dũng. Điều này cũng đã lý giải vì sao cho dù có những người vô thần, không có đạo, thì vẫn có khả năng được "xem xét" lên Thiên đàng nếu như người đó đã sống một cuộc đời đạo đức, hoặc có lỗi nhưng đã sữa lỗi và cuối đời không phải hổ thẹn gì với lương tâm.
Vì vậy, điều cần ưu tiên nhất không phải là chứng minh tôi đúng anh sai, không phải là điểm ra các mâu thuẫn trong vấn đề Tôn giáo để bác bỏ cả một hệ thống. Mà là nên có tinh thần tôn trọng đối thoại liên Tôn, vì ta đều là con người, cần có một thái độ sống và cách sống phù hợp với văn minh nhân loại dù cho có sự khác biệt về quan điểm Tôn giáo đến đâu đi nữa.
Và một lần nữa, Bi - Trí - Dũng là điều kiện cần có để ta hướng về và xứng đáng với Thiên Chúa. Về một Đấng vẹn toàn cả ba khía cạnh Chân - Thiện - Mỹ.
Mai Văn Liêm
---
Sài Gòn hôm vọng Giáng Sinh.
Biên tại vùng ngoại Ô của Thành Phố.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất