Được thành lập năm 2007, học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal - JMG là một trong những học viện bóng đá theo mô hình hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Đây là mô hình đào tạo trẻ chuyên nghiệp được đầu tư bài bản nhất Việt Nam. Lứa cầu thủ của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... đã làm ra những kì tích không ai mà không biết. Nhưng những gì ta được nghe từ học viện bóng đá lừng lẫy một thời chỉ được đến thế. Học viện bóng đá HAGL đã dần thất sủng trong lòng người hâm mộ và lặn dần khỏi truyền thông. Điều gì đã khiến cho một tượng đài lừng lẫy này không còn là sự quan tâm của những người yêu bóng đá nước nhà nữa? Và việc cả Arsenal và JMG lần lượt rời bỏ học viện, liệu HAGL sẽ đi về đâu?

Sự thành lập

Vào giai đoạn mà những câu lạc bộ bóng đá hàng đầu châu Âu đổ xô vào Đông Nam Á với mục đích tìm kiếm thị phần tại vùng đất màu mỡ này. Thái Lan đã tiên phong trở thành đối tác đáng tin cậy của họ và từ đó những học viện bóng đá đảm nhiệm công tác đào tạo trẻ bắt đầu mọc lên trên Xứ Sở Chùa Vàng này.
Được Kiatisuk mời đến tham quan CLB Muangthong United và lò đào tạo trẻ Arsenal JMG tại đây, bầu Đức đã bị mê hoặc bởi những khả năng xử lý, kiểm soát bóng của lứa học viên khi ấy mới 14 tuổi. Quay về Việt Nam, ông quyết tâm bằng mọi giá phải xây dựng cho được một học viện như thế. Và thế là năm 2007, học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal-JMG ra đời.
"Bóng đá Việt Nam luôn thất bại trước Thái Lan. Trong việc đào tạo tài năng trẻ, họ cũng hơn chúng ta. Ngay cả việc bắt tay vào xây dựng học viện, họ cũng đi trước Việt Nam hai năm. Vậy thì biết đến bao giờ giấc mơ quật ngã Thái Lan trên sân cỏ mới thành hiện thực? Chính vì vậy, tôi quyết định: đã đến lúc phải thể hiện khát vọng vươn lên, xây dựng hình ảnh một Việt Nam quật cường với bè bạn thế giới, chứ không thể chấp nhận những gì đang có."
Với việc chặt 5 hecta rừng cao su đang ở tuổi thu hoạch (cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm) để xây dựng học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG, ta có thể thấy bầu Đức đã tâm huyết đến thế nào.

Đối tác

Arsenal là một trong những đội bóng lâu đời của nước Anh, với danh tiếng chắc không ai không biết. Hơn thế, trong lĩnh vực đào tạo trẻ, Arsenal cũng đã có những bước đi đột phá khi Học viện Arsenal F.C. đã và đang cho ra những tài năng cho nước Anh nói riêng và thế giới nói chung.
JMG là một hệ thống học viện toàn cầu với hơn 10 trung tâm trên khắp thế giới. Trong suốt thời gian hoạt động, các học viện JMG đã cho ra lò hơn 200 cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp cho các câu lạc bộ trên khắp thế giới.
Mô hình hợp tác Arsenal - JMG, hai hệ thống đào tạo trẻ dày dặn kinh nghiệm, đã có mặt một số nơi trên thế giới trước khi được bầu Đức mang về Gia Lai. Khá là dễ hiểu cho sự tin tưởng của bầu Đức khi ông sẵn sàng bỏ tiền ra đáp ứng bất cứ nhu cầu nào cần thiết trong việc xây dựng học viện. Và dĩ nhiên người hâm mộ cũng có quyền tin tưởng như thế, vì nó mới mẻ và đột phá mà.

Cơ sở vật chất và chương trình đào tạo

Trung tâm bóng đá HAGL - Arsenal - JMG được xây nhựng hiện đại với đầy đủ tiện nghi cho các học viên. Học viện gồm 5 sân tập ngoài trời và 1 sân tập có mái che, 6 khu nhà cho các cầu thủ sinh hoạt, ngoài ra còn có hồ bơi, sân tennis, phòng xông hơi, phòng gym... Ở mỗi dãy nhà đều có các bảo mẫu chăm sóc và quản lý. Thức ăn được kê đơn bởi các chuyên gia dinh dưỡng. Hơn nữa, học viện còn trang bị phòng internet cho học viên truy cập thông tin, và một phòng với màn hình lớn để xem những trận đấu hay và các học viên sẽ bình luận, phân tích.
Về đào tạo, học viên tham gia đào tạo sẽ không mất một khoảng phí nào. Bầu Đức sẽ tài trợ toàn bộ trung bình 400 triệu đồng/học viên/năm. Học viên sẽ sống theo một khuôn giờ nghiêm ngặt, đi ngủ lúc 9h30 tối và thức dậy vào 5h45 sáng. Sau đó tất cả sẽ lên xe đưa đón của học viện, vào trung tâm thành phố học tập. Việc đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Pháp) được bầu Đức chú trọng. Chương trình đào tạo của học viện chú trọng phát triển về kĩ thuật trong môi trường đào tạo hoàn hảo, tuy nhiên mặt thể lực lại không được chú ý nhiều.

Những quả ngọt

Năm 2012, học viện bóng đá HAGL đã có dịp thể hiện mình trước U18 Arsenal và giành chiến thắng 1-0. Sự kiện này đã bắt đầu gieo rắc lòng tin của người hâm mộ bóng đá về một sự chuyển mình của nền bóng đá nước nhà.
Giai đoạn 2013-2014, cả nước được chứng kiến những quả ngọt đầu tiên đến từ lò đào tạo phố núi. Lần đầu trình làng lứa cầu thủ đầu tiên của mình tại U19 quốc gia, U19 HAGL đã áp đảo hết các đối thủ của mình một cách không mấy khó khăn.
Vươn xa hơn, các đội trẻ của HAGL đã góp mặt trong các giải đấu cấp câu lạc bộ tại khu vực và mang lại những thành tích có thể kể đến như xếp thứ 6 chung cuộc ở Giải Bóng đá U17 quốc tế Sanix Cup. Và hơn thế, họ còn áp đảo ở cấp đội tuyển U19 quốc gia khi phần lớn các cầu thủ được triệu tập đến từ HAGL. Tại cấp độ U19, những viên ngọc thô như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy... tiếp tục trình diễn tài năng và gieo rắc vào lòng người hâm mộ tình yêu và sự kì vọng.
Lứa I và II của học viện bóng đá HAGL-Arsenal-JMG tiếp tục mang đến những thành công vang dội ở những giải U21 cấp CLB và đội tuyển, và tiếp đến là U23, AFF cup, Asian Cup và gần đây nhất là vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. Nhưng mà... có ai để ý là những lứa khác đang ở đâu rồi không?

Sự trỗi dậy của những học viện bóng đá khác

Trong giai đoạn đầu, học viện bóng đá HAGL nhận được hàng nghìn hồ sơ mỗi khi mở đợt tuyển sinh. Điều này khá dễ hiểu khi họ đang vượt trội về đào tạo trẻ và thể hiện được chất lượng của mình khiến cho các bậc phụ huynh tin tưởng. Nhưng dần dần, những học viện bóng đá trẻ bắt đầu mọc lên, và phụ huynh sẽ chọn gởi gắm con mình cho những học viện gần nhà. Và những trung tâm đào tạo bóng đá trẻ như VPF, Viettel hay CLB Hà Nội... và gần đây nhất là Học viện bóng đá Juventus Việt Nam đang chứng tỏ rằng mình vẫn có thể tạo ra những cầu thủ chất lượng không kém gì học viện phố núi. Những trung tâm đào tạo trẻ này được đầu tư bài bản không kém gì học viện HAGL, thậm chí còn nhỉnh hơn. Những mô hình đào tạo được thay đổi không ngừng, cơ sở vật chất hiện đại và thậm chí còn được tài trợ bởi các công ty lớn.

Các đối tác lần lượt rút lui

Suốt 10 năm đầu tư vào HAGL, những thành quả mà Arsenal nhận được gần như là bằng không. Không một cầu thủ nào của học viện phố núi đủ trình độ để khoác áo bất kì đội nào của Arsenal. Hơn nữa, vào giai đoạn khó khăn của tập đoàn HAGL, cả học viện bóng đá cũng bị đem ra thế chấp. Đội bóng London cho rằng việc tiếp tục hợp tác với bầu Đức là nguy hiểm, ảnh hưởng danh tiếng của "pháo thủ". Nên năm 2017, họ đã "kéo pháo" rời khỏi Tây Nguyên.
Sau nhiều năm hợp tác với JMG, chất lượng đào tạo của học viện ngày càng đi xuống. Như đã nói ở trên, mảng thể lực của học viên không thực sự được chăm chút, cộng với một số vấn đề khác về chương trình đào tạo. Thế nên, bầu Đức đã quyết định dừng hợp tác với JMG và đưa 15 cầu thủ trẻ cho Nutifood hoàn thành chương trình đào tạo theo chuẩn JMG (hiện nay Nutifood đang là đối tác duy nhất của JMG ở Việt Nam).
Nhưng ngưng hợp tác với cả Arsenal và JMG không có nghĩa là HAGL sẽ ngưng đào tạo trẻ. Với những gì mà bầu Đức đã thể hiện vào năm 2007, chắc chắn ông bầu phố núi sẽ không từ bỏ việc cống hiến cho nền bóng đá Việt Nam một cách dễ dàng như vậy.
"Ngưng hợp tác với JMG không có nghĩa là HAGL sẽ không còn chú trọng đào tạo trẻ nữa. Ngược lại, chúng tôi sẽ thay đổi mô hình, cách tuyển chọn và đào tạo trẻ theo một hướng khác. Chúng tôi sẽ có cách hợp tác mới nhưng chưa thể công bố" Một thành viên của HAGL cho biết.
Với chương trình đào tạo không còn phù hợp dẫn đến tiếng tăm của học viện ngày càng đi xuống, thành tích ở các giải trẻ cũng không đáng kể, việc chấm dứt hợp tác với những đối tác cũ sẽ là một bước ngoặc cho sự vực dậy của bầu Đức. Với tầm nhìn của ông bầu phố núi, chúng ta có thể tin tưởng rằng một ngày không xa học viện sẽ lại vươn lên đứng ngang hàng với những học viện khác ở Việt Nam.