Có ai đó từng nói, Hà Nội là món quà dành cho những người lãng mạn và thích hoài niệm. Ấy là bởi mặc cho Hà Nội có khoác lên mình bao nhiêu lớp áo của hào nhoáng và hoa lệ qua thời gian thì lúc nào ngắm nhìn Hà Nội người ta cũng cảm thấy cái hơi thở lãng đãng và da diết trầm mặc in dấu vào từng ngóc ngách của thành phố nhỏ bé ấy...

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Từ ngày cất tiếng khóc chào đời tới ngày đặt bước chân đầu tiên xuống nước Úc xa xôi để du học hơn ba năm về trước, thế giới của tôi gần như chỉ gói gọn trong lòng Hà Nội. Hà Nội của tôi có một tuổi thơ tôi tập nói tập đi, tuổi của hồn nhiên và ngây thơ, tuổi của những tháng năm nô đùa và nghịch ngợm; có một tuổi mới lớn tôi ẩm ương và mơ mộng, tuổi của những rung động và cảm nắng, tuổi của suy nghĩ và đắn đo về ngưỡng cửa vào đời thật gần mà thật xa; có một tuổi trẻ tôi nhiệt huyết và sục sôi, tuổi của hoài bão và đam mê, tuổi của trải nghiệm và chinh phục, tuổi của vấp ngã trong giông bão để trưởng thành. 
Hơn ba năm ở xứ người, đôi khi cái cảm giác hoài niệm da diết nhớ nhung Hà Nội lại khiến tôi phải suy ngẫm: “Hà Nội của tôi có gì mà làm tôi hay nhớ hay thương biết bao nhiêu…?” 
MIẾNG NGON HÀ NỘI,
Nhiều người khát khao được tới Hà Nội không phải chỉ để ăn cho no cái bụng thức quà của nơi đây, mà là để thưởng thức cái tinh hoa của đất trời, của văn hóa đất kinh kì ngàn năm văn hiến đã được gói ghém đầy tế nhị ra sao bên trong từng miếng ngon ấy.
Ấy là nói theo cái cách văn hoa diễm lệ và bay bổng như trong văn chương của Nguyễn Tuân, Thạch Lam hay Vũ Bằng. Bao món ăn bình dị dân dã tôi ăn ngày qua ngày đã được các nhà văn, nhà thơ nêm nếm thêm gia vị ngôn từ để khiến chúng trở nên thật hoa mĩ và duyên dáng làm sao, khiến cho người ta phải tò mò, hay phải nhớ nhung, phải ước ao, phải thèm khát được ăn ngay lúc ấy. Sau này khi đi xa rồi, tôi mới bồi hồi nhận ra rằng, thì ra chưa cần chạm tới những trang văn ấy, nỗi nhớ nhung món ăn Hà Nội vẫn luôn biết cách cựa mình thức giấc, nhất là mỗi khi nỗi nhớ Hà Nội âm ỉ ngày qua tháng lại trong tôi bỗng cồn cào bật dậy…
Hà Nội của tôi có quán phở bò nho nhỏ, ngày bé tối tối lại được bà, được mẹ dẫn ra đầu ngõ ăn khuya một bát phở không ớt không hành, kèm quả trứng trần ngầy ngậy và vài ba chiếc quẩy giòn tan. Và thế là, món phở đã lớn lên cùng tuổi thơ tôi như thế.
Cho đến bây giờ, tôi thường trò chuyện với chúng bạn rằng, hơn ba năm bên Úc, cũng là hơn ba năm tôi mang trong mình “khát khao nồng cháy và mãnh liệt” đi tìm một quán hàng có bán phở mà thực là phở Hà Nội, nhưng sao khó quá! Ấy thế là mỗi lần về nước, trong danh sách việc cần làm bắt buộc phải có đi ăn ngay một tô phở bò. Phở Thìn Lò Đúc, Phở Lý Quốc Sư, Phở gia truyền Bát Đàn,…đi đâu cũng được, ăn sáng trưa chiều tối hay đêm khuya gì cũng được, miễn là được thỏa mãn vị giác với cái vị thanh trong của nước phở, vị đậm đà của miếng bò tái chín, cay chua ngọt bùi hòa quyện không thiếu không dư thì đã là mãn nguyện đến tê người…!
(Ảnh sưu tầm: Internet)
Và tất nhiên không thể không kể đến, Hà Nội còn có cả một thiên đường ẩm thực đường phố, một thứ văn hóa “quán xá vỉa hè” phong phú đa dạng không lẫn vào đâu được…Nhất là vào những ngày mùa đông, cái cảm giác tê tái cắt da cắt thịt của mùa đông Hà Nội ấy dễ khiến con người ta thèm thuồng được húp trọn một tô bún: bún riêu Quang Trung, bún thang Cầu Gỗ, bún mọc, bún ốc, bún ngan, bún chả quạt than, vân vân và mây mây thứ bún; hay bỗng xuýt xoa ước ao trên tay có ngay một bát bánh đúc nóng hay bánh giò nóng hổi, một tô cháo sườn Ngõ Huyện hay lai rai vài chiếc bánh gối dưới gốc cây đa Lý Quốc Sư.
(Ảnh sưu tầm: Internet)
Hay đôi khi là có một buổi chiều lười biếng quấn mình trong chăn nhìn ra cửa sổ chợt thấy lấm tấm mưa phùn, bỗng cồn cào xiết bao nỗi nhớ một mùa đông Hà Nội đâu đâu cũng thoang thoảng mùi ngô nướng, khoai lang nướng, hạt dẻ nướng, thịt xiên nướng,…; tự hỏi mình sao màn khói nghi ngút và tiếng tí tách nổ của than hồng ấy lại có sức hút ma mị và quyến rũ đến thế…! 
Rồi thi thoảng giữa những ngày hè oi ả, lại thấy nhớ lắm một Hà Nội vang bóng tiếng rao của xe đạp tào phớ, bánh trôi tàu, cốm làng Vòng, bò bía ngọt,..; tự hỏi mình biết đi đâu để tìm lại những nét bình dị đơn sơ thuở xưa ấy…!
 (Ảnh sưu tầm: Internet)
 (Ảnh sưu tầm: Internet)

HÀ NỘI BỐN MÙA THAY ÁO…,
Xa Hà Nội, tôi nhớ cái cảm giác được hưởng trọn vẹn khung cảnh bốn mùa thay áo của thành phố ấy. Và kì lạ thay, thuở xưa tôi ghét mùa đông biết bao nhiêu, ghét cảm giác phải chui ra khỏi chăn đi học mỗi sáng, cảm giác cả ngày dù có mặc bao nhiêu lớp áo cũng không ngăn được cơn gió lạnh buốt len lỏi vào bên trong thấm từng da thịt, cảm giác mỗi tối trằn trọc một lúc mới đủ sưởi ấm người để chìm vào giấc ngủ; thì giờ đây khi ở một miền đất mới, tôi lại nhớ mùa đông Hà Nội nhất.
Ở bên Úc, những ngày tháng 11, 12 lại là những ngày trời đang vào hạ, đường phố lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt, lại nhớ cái lạnh đặc trưng mà chỉ Hà Nội có. Cái lạnh run rẩy buốt giá mỗi đợt gió mùa đông Bắc tràn về, sương giăng phủ khắp mọi nẻo đường, mưa phùn lất phất càng làm cho cái lạnh vốn tái tê nay càng thêm tê tái. Những lúc ấy, đi trên đường phố tĩnh lặng thanh bình mà mắt bất giác liếc hai bên đường, chợt thấy một quán vỉa hè bán ngô nướng hay khoai lang nướng mà lòng lại như ấm lên, bình yên đến lạ…!
(Ảnh sưu tầm: Internet)
Vẫn còn sót lại chút se lạnh và mưa phùn của những ngày Đông, nhưng tiết trời đã ấm hơn hẳn, trả lại cho Hà Nội vẻ phấn chấn và năng động vốn có của một đô thị đông đúc nhộn nhịp, ấy là khi Xuân đang về.
Nhưng nếu nhìn xuyên qua tất cả sự bồn bề tấp nập ấy, sẽ tìm thấy một Hà Nội vẫn giữ được nét lặng lẽ và duyên dáng thanh lịch nơi làng hoa, chợ hoa, hay nơi phố cổ đang bắt đầu rục rịch trang hoàng sắm sửa cho những ngày Tết sắp gần kề. Ấy mới là cái nét duyên ngầm của lời thì thầm mùa xuân mà đất trời đang gửi riêng cho Hà Nội.
(Ảnh sưu tầm: Internet)
Hà Nội đón những ngày hè khi tiết trời bắt đầu oi ả. Đó cũng là cái đặc trưng của Hà Nội, nắng thì thật nắng, nóng thì thật nóng, chói chang đỏng đảnh không ai bằng!  Có lẽ vì thế nên Hà Nội cũng được ban phát cho thứ đặc sản “mưa rào mùa hạ”, mỗi lần xuất hiện là cuốn sạch những khó chịu cáu kỉnh ấy, trả lại một Hà Nội vẫn rạo rực nhưng mát mẻ hơn, vẫn chói chang nhưng đã dịu dàng hơn. Hà Nội của tôi ngày hè
có những ghế đá ven hồ Gươm liễu rủ tấp nập người;
có những chuyến đạp xe nhởn nhơ quanh hồ Tây lộng gió;
có những chuyến chạy xe vào buổi chiều tà lên cầu Long Biên ngắm một hoàng hôn rực lửa;
và, có cả những giọt nước mắt chia li của ngày xa trường, mà với nhiều người đó là chia tay cả một thời học sinh cắp sách tới trường, chia tay cả một thời đơn thuần mà đẹp đẽ…
(Ảnh sưu tầm: Internet)
Không phải ngẫu nhiên mà trong bốn mùa thì mùa thu Hà Nội luôn được ưu ái làm “nàng thơ” nhiều nhất trong thi ca Việt Nam. Một Hà Nội thơ thẩn lơ đãng dạo quanh phố phường có lẽ lại là một đặc ân nữa ban tặng cho riêng nơi đây. Một sớm tinh mơ khi Hà Nội còn đang say giấc, một mình lặng lẽ đi dọc con đường nhỏ ven bờ hồ Hoàn Kiếm, thu hết vào người cái tĩnh lặng của không gian, cái mát lạnh của gió trời, cái trong veo của mặt nước hồ yên ả mà thấy lòng mình cũng man mác xôn xao một niềm bâng khuâng khó tả…
(Ảnh sưu tầm: Internet)

HÀ NỘI CÓ NHỮNG CON ĐƯỜNG TRẢI DÀI KÍ ỨC…,
Có ai đó từng nói với tôi rằng, Hà Nội là món quà dành cho những người lãng mạn và thích hoài niệm. Ấy là bởi mặc cho Hà Nội có khoác lên mình bao nhiêu lớp áo của hào nhoáng và hoa lệ qua thời gian thì lúc nào ngắm nhìn Hà Nội người ta cũng cảm thấy cái hơi thở lãng đãng và da diết trầm mặc in dấu vào từng ngóc ngách của thành phố nhỏ bé ấy...
Có lẽ thế, nên mỗi người Hà Nội khi đi xa đều bất giác trở nên lãng mạn và thích trầm tư nhung nhớ hơn bao giờ hết.
(Ảnh sưu tầm: Internet)
Hà Nội thích cất giấu kí ức của người ta vào bất cứ nơi đâu, nhưng nơi lãng mạn nhất có lẽ là trải dài trên những con phố nẻo đường. Phố xá Hà Nội nhiều lúc khiến con người ta bóp trán đau đầu, nhưng cứ xa là lại nhớ cái ngoằn nghèo hun hút ấy, nhớ cái cảm giác rẽ vào một con ngõ nhỏ, vòng vèo qua chục con hẻm khác một lúc thì lại thấy đường lớn hiện ra ngay trước mắt!
Hay lâu lâu lại thèm cái cảm giác chạy xe bon bon trên đường đón chút nắng ấm của một ngày đầu xuân dịu dàng; tắm chút không khí trong lành của một sớm mai vào hạ bên hồ Gươm; thưởng chút gió hồ Tây se se lạnh của một chiều thu buồn; nhởn nhơ tản bộ thênh thang mình ta trên con phố Phan Đình Phùng ngắm mùa lá sấu bay, hay hít hà chút nồng nàn mùa hoa sữa về.
(Ảnh sưu tầm: Internet)
Thế nhưng sau tất cả, người ta vẫn thường nói: “Đôi khi ta yêu một thành phố không phải vì ở đó có gì, mà là vì ở đó có ai…”
Hà Nội của tôi,
Có những đứa trẻ từng cùng tôi chạy nhảy rong chơi khắp những con đường ngõ hẻm của tuổi nhỏ; từng í ới gọi nhau đi học mỗi sáng rồi lại ríu rít chạy qua rủ nhau chơi đùa mỗi tối; từng cãi vã nhau vì vài ba ván cá ngựa, cờ tỉ phú, ô ăn quan, rồi lát sau lại cười nói rôm rả cùng nhau tết tóc, nhảy dây, trốn tìm.
Có những người bạn đã cùng tôi dắt tay nhau qua biết bao những nắng, mưa, u ám và rực rỡ của tuổi chập chững lớn lên; cùng thủ thỉ những rung động đầu đời, cùng chia sẻ những tâm sự của tuổi hồng mà ai cũng trăn trở “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”;
Lại có những người bạn đã cùng tôi đặt những viên gạch đầu tiên dựng xây tuổi trẻ; cùng nhau chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất của cuộc sống, của tình yêu mới chớm, của những cánh cửa cuộc đời đầu tiên đang hé mở; cùng nhau vẽ nên một tương lai đầy thơ mộng, để rồi lại cùng nhau vun đắp cho giấc mơ ấy một mai kia sẽ trở thành hiện thực.
Và, có một gia đình đã cho tôi được sinh ra và lớn lên trong lòng Hà Nội, đã luôn mở rộng vòng tay đưa tôi bay thật cao, thật xa, bay xa khỏi bầu trời Hà Nội ấy, và rồi vẫn luôn ở đó, ngay trong lòng Hà Nội giang rộng cánh tay chào đón tôi mỗi lần trở về. Người ta vẫn thường bảo mà, “Chẳng ai có thể bỏ Hà Nội mà đi mãi được.” Cứ đi rồi lại về, đôi khi mỏi mệt nhưng vẫn phải bước tiếp, vì mình cần phải đi để mà lớn, để cho nỗi nhớ Hà Nội thêm mặn nồng, để mà cảm nhận rõ hơn Hà Nội mình có những gì…
Thật tuyệt làm sao, Hà Nội của tôi vẫn luôn có những người giúp tôi lưu giữ và nâng niu những điều tuyệt vời nhất ấy…