Vậy là hành trình trả thù của Dong Eun đã khép lại với cái kết "đã cái nư" dành cho hội phản diện qua 8 tập phim của The Glory 2. Sau khi cày một lèo hết cả bộ mình háo hức mò lên các page review, đánh giá, chế meme về phim để hóng thêm các bài phân tích và đọc bình luận. Có một điều mình vô cùng lấn cấn là những lời cay nghiệt dành cho nhân vật Gyeong Ran như "bỏ rơi bạn, phản bội, hèn nhát, đáng xấu hổ,..." làm tim mình hẫng mất một nhịp.
Có lẽ "vinh quang trong thù hận" chỉ dành cho Dong Eun - người có khả năng vùng lên tiễn kẻ thù vào tù hoặc chầu trời, còn đối với Gyeong Ran - một nạn nhân khác - chỉ là thêm một lần nữa bị vùi dập bởi cuộc đời.

Dong Eun - So Hee - Gyeong Ran - 3 nạn nhân của bạo lực học đường

So Hee là nạn nhân đầu tiên của nhóm BLHĐ mà Dong Eun biết tới. Sau khi bị hành hạ cô đã chuyển trường và cố gắng biến khỏi tầm mắt của những kẻ bắt nạt mình hết mức có thể. Thế nhưng, cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, nhóm Yeon Jin không dễ gì tha cho con mồi béo bở như vậy. Vì gia cảnh không khá giả, So Hee không thể chuyển tới hẳn vùng khác nên thỉnh thoảng vẫn chạm trán những kẻ bắt nạt cũ. Địa ngục tưởng chừng như đã chấm dứt khi chuyển trường lại tiếp tục. So Hee đã rất cố gắng nhận mọi tội lỗi vô lý về mình, cố cười với nhóm Yeon Jin và cầu xin tha thứ rất nhiều lần nhưng đều vô dụng. Những trò bắt nạt ngày càng gia tăng về độ tàn bạo, cuối cùng dẫn tới cái chết do bị ngộ sát của cô bé.
Nạn nhân tiếp theo thế chỗ So Hee là nhân vật chính của bộ phim - Dong Eun. Khác với cách phản ứng ôn hoà của So Hee, Dong Eun đã tìm nhiều cách phản kháng như tố cáo với thầy cô, cãi lý với những kẻ bắt nạt hay cố gắng trốn khỏi tầm mắt của chúng và cuối cùng là nghỉ học. Số phận của Dong Eun cũng chẳng khá hơn So Hee bao nhiêu khi mọi hành động đều dẫn tới ngõ cụt và cô phải trả giá kinh hoàng cho sự phản kháng đó. Cuối cùng Dong Eun phải chọn cách biến mất hoàn toàn khỏi thế giới học đường thì mới tạm thoát khỏi tra tấn.
Nạn nhân tiếp theo thế chỗ Dong Eun chính là bạn thân cũ của cô - Gyeong Ran. Có lẽ do bản tính nhút nhát hoặc do đã rút kinh nghiệm từ 2 nạn nhân tiền nhiệm, Gyeong Ran chọn cách cam chịu như một chiếc bao cát câm lặng để nhóm Yeon Jin hành hạ. Nếu như Dong Eun dành 18 năm để lên kế hoạch trả thù thì Gyeong Ran lại chìm sâu trong địa ngục bị bắt nạt suốt hơn 18 năm trời. Dong Eun bị hành hạ kinh khủng bao nhiêu thì Gyeong Ran cũng bị dày vò và lạm dụng chỉ có hơn chứ không kém. Thậm chí sự hành hạ đó còn kéo dài suốt hơn 18 năm, lâu tới nỗi Gyeong Ran đã chịu khuất phục và có lẽ đã đầu hàng số phận.

Vì sao Dong Eun làm được mà Gyeong Ran thì không?

Nếu đặt Dong Eun và Gyeong Ran lên bàn cân so sánh ta dễ dàng nhận ra ánh hào quang của Dong Eun lấn át hoàn toàn cuộc đời cam chịu, nhún nhường của Gyeong Ran. Dong Eun vượt qua trăm ngàn đắng cay để trả thù những kẻ từng bắt nạt mình, đòi lại thứ công lý mà cha mẹ, thầy cô hay thậm chí là cảnh sát cũng không thể đem lại. Đối lập với đó là một Gyeong Ran phục tùng vô điều kiện vĩnh viễn không thể ngẩng đầu. Dong Eun là ánh sáng chói loà của hy vọng và niềm tin vào công lý được thực thi bởi chính nạn nhân. Còn Gyeong Ran? Trong mắt nhiều người, có lẽ Gyeong Ran chỉ là một kiếp sống hèn mọn chịu khuất nhục để tồn tại dưới móng vuốt của bạo chúa.
Thế nhưng Dong Eun chỉ tồn tại trong phim, còn Gyeong Ran lại là số phận của hàng triệu nạn nhân khác trong đời thực.

1. Hoàn cảnh gia đình khó khăn

Điểm chung đầu tiên của các nạn nhân bị nhóm Yeon Jin chọn chính là hoàn cảnh gia đình thấp cổ bé họng và không có bè phái che chở. Đó là những con cừu non bơ vơ mà cho dù bị đánh đập, hành hạ tới đâu thì cũng không ai đứng ra bảo vệ. Những người hiếm hoi như cô y tá trường sẽ ngay lập tức bị xử lý. Yeon Jin, Jae Joon và Sa Ra có thể nhận ra chính xác đối tượng nào là con mồi tiềm năng và thú vị. Bởi vậy, Dong Eun, So Hee và Gyeong Ran đã lọt vào tầm ngắm của chúng. Và đúng như dự đoán, 3 nữ sinh này đã không thể làm gì để thoát khỏi tình trạng bạo lực học đường.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn kéo theo rất nhiều vấn đề khiến nạn nhân không thể phản kháng.
- Thứ nhất, không ai lắng nghe tiếng kêu cứu của họ. Những người có thể giải quyết vấn đề như giáo viên và cảnh sát đều lờ đi và bao che cho nhóm BLHĐ có gia cảnh giàu có.
- Thứ hai, nạn nhân khó có thể phản kháng đến cùng vì nhóm BLHĐ có thể dùng quyền và tiền gây ảnh hưởng tới công việc của cha mẹ nạn nhân.
- Thứ ba, nạn nhân không đủ điều kiện để chuyển tới vùng khác thật xa để thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nhóm bắt nạt.
- Thứ tư, sự chênh lệch gia cảnh một trời một vực giữa hung thủ và nạn nhân tạo ra sự mặc cảm, áp đảo về mặt tâm lý. Nạn nhân càng ngày càng tự ti, bối rối và hoảng loạn. Hung thủ thì càng bắt nạt càng say máu.

2. Năng lực của con người là có hạn

Mặc dù có gia cảnh hoàn hảo để bị nhắm thành đối tượng bắt nạt nhưng Dong Eun lại là một biến số mà nhóm Yeon Jin không bao giờ có thể ngờ được. Trong xã hội phân biệt giàu nghèo kiểu con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa, việc Dong Eun có thể vùng lên thoát khỏi nghịch cảnh và đối đầu với kẻ thù là biến số hàng triệu người mới có một.
- Dong Eun là một thiên tài hiếm có. Áp lực học tập của học sinh Hàn Quốc vô cùng căng thẳng. Một học sinh bình thường dành toàn bộ thời gian để học trên lớp, học thêm, gia sư,... cố gắng hết sức cũng phải tranh suất học đại học đến sứt đầu mẻ trán. Vậy mà Dong Eun có thể vừa làm trong nhà máy nhuộm độc hại để kiếm tiền sinh tồn, vừa tự học hết chương trình cấp 3, thi đỗ đại học. Không chỉ vậy, học lực của Dong Eun còn bá đạo tới mức lọt vào vòng tròn quan hệ của những sinh viên tiêu biểu nhất và làm gia sư cho giới nhà giàu. Cô thi đỗ công chức, đủ năng lực để làm giáo viên chủ nhiệm trong một trường tư nổi tiếng. Đặc biệt hơn, Dong Eun có thể vừa đi làm kiếm tiền, vừa dành thời gian để nghiên cứu báo thù. Ngoài ra Dong Eun còn trở thành cao thủ cờ vây chỉ sau khoá học ngắn hạn hay trở thành sinh viên kiến trúc xuất sắc. Để so sánh năng lực trời phú của Dong Eun với một người bình thường ta có thể nhìn lại chính bản thân mình xem đã nỗ lực học tập ra sao, dành bao nhiêu thời gian và sức lực cho việc kiếm tiền. Dong Eun không chỉ làm được mọi thứ xuất sắc hơn người bình thường rất nhiều mà còn thành công trong hoàn cảnh phải làm công nhân trong nhà máy nhuộm để kiếm tiền sinh tồn, đồng thời dành rất nhiều nguồn lực để nghiên cứu và trả thù.
- Dong Eun cực kì kiên trì và nhẫn nại. Điều này được khẳng định đi khẳng định lại qua nhận xét của các nhân vật khác. Sự nhẫn nại của Dong Eun cực kì bất thường so với mặt bằng chung trong tâm lý con người. Cô ấy có thể dành hàng tháng, hàng năm để làm những việc tẻ nhạt như bới thùng rác tìm thông tin. Sự kiên nhẫn đến điên cuồng đó đã dẫn tới màn chuẩn bị trả thù kéo dài 18 năm - điều mà cực kì hiếm người có thể làm được.
Trong thực tế, có lẽ Dong Eun vừa xuất hiện đe doạ trả thù thì hôm sau đã bặt vô âm tín.
- Dong Eun vô cùng may mắn. Mình nhớ lúc bị bà giúp việc phát hiện bới thùng rác, Dong Eun đã tự nhủ rằng thần may mắn chẳng bao giờ đứng về phía cô cả. Nếu so với người bình thường thì cuộc đời Dong Eun đúng là kém may mắn vì trở thành nạn nhân của BLHĐ tàn bạo và có người mẹ táng tận lương tâm. Thế nhưng so với những nạn nhân khác được đề cập tới trong phim thì Dong Eun được tổ độ hơn rất nhiều từ tài năng trời phú và những đồng minh mạnh mẽ. Ngay cả team phản diện cũng may sao đều là những kẻ não ít nếp nhăn, sống bê tha tự tạo ra một đống nghiệp và điểm yếu.
Bởi vậy, nếu như không có tài năng thiên bẩm, sự kiên nhẫn đến điên rồ và may mắn thì Dong Eun có lẽ đã gục ngã vì phải tự mưu sinh khi không có bằng cấp, không thể hoàn thành chương trình học cấp 3, càng không nói tới chuyện học đại học hay thi công chức. Cô ấy sẽ đơn giản là biến mất như một hòn đá chìm dưới đáy hồ, bị nghiền nát bởi vòng xoáy cơm áo gạo tiền và nỗi ám ảnh tinh thần do bị hành hạ dã man.
Mình viết thật dài như thế để bạn có thể hiểu rằng nhân vật Dong Eun là một biến số mà hàng triệu triệu nạn nhân mới có một. Lấy một người như thế để so bì với Gyeong Ran là vô cùng bất công với cô ấy. Gyeong Ran chỉ là một người bình thường đến không thể bình thường hơn. Thậm chí, với năng lực trung bình và tính cách nhút nhát, ngay cả khi không bị BLHĐ thì cuộc đời cô ấy khả năng cao cũng sẽ rất gian nan. Chỉ việc sinh tồn thôi cũng là một thử thách rồi, vậy sao ta có thể đòi hỏi một người bình thường như thế dũng cảm hay phản kháng? Hơn nữa quá trình bị bắt nạt kéo dài quá lâu dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính cách và tâm lý của GR.
Gyeong Ran có đáng trách không? Cô ấy có đáng bị trở thành tội đồ chỉ vì không làm được những điều mà chỉ có anh hùng trong phim The Glory mới làm được?

Tiêu chuẩn kép vì hào quang nhân vật chính

Là một nhân vật chính được xây dựng quá khứ và hành trình một cách tường tận, Dong Eun dễ dàng chiếm trọn sự thương cảm của người xem. Bởi vậy khán giả đồng cảm với cô ấy, yêu thương và chúc phúc cho hành trình trả thù của cô thành công rực rỡ. Gyeong Ran cũng ở trong hoàn cảnh tương tự nhưng không được hào quang nhân vật chính chiếu tới nên bị phán xét nặng nề và có phần tiêu chuẩn kép. Thí dụ:
- Dong Eun thờ ơ khi thấy So Hee bị bắt nạt. Khi Dong Eun bị bắt nạt, Gyeong Ran cũng hành động tương tự. Mối quan hệ giữa DE và GR khăng khít hơn vì họ là bạn bè nhưng tất cả chỉ có thế. Tình bạn học sinh cấp 3 có khi còn chẳng duy trì được tới những năm đại học. Ngay thầy cô, phụ huynh và cảnh sát - những người có trách nhiệm bảo vệ nạn nhân còn chẳng đưa tay giúp Dong Eun thì tại sao lại chỉ trích Gyeong Ran thậm tệ như vậy? GR không phải là người dũng cảm bảo vệ bạn bè nhưng hành động của cô ấy có thể thông cảm được vì nếu không cắt đứt với DE thì GR sẽ ngay lập tức trở thành nạn nhân. Bị trở thành nạn nhân của BLHĐ không phải chuyện đơn giản như đứng về phía bạn trong một cuộc tranh cãi. BLHĐ ở Hàn Quốc rất khủng khiếp và nạn nhân thường kết thúc bằng tự sát hoặc chạy trốn.
- Dong Eun lập mưu giết kẻ thù thì được tung hô còn Gyeong Ran trong lúc hoảng hốt giết Myeong Oh thì bị chê trách? Chà, DE cũng đâu ra đầu thú việc mình là chủ mưu của hàng loạt vụ án đâu, vậy tại sao khi chiếu tới GR lại trở thành tội đồ vì giết người rồi không tự thú?
Bộ phim được làm ra để phản ánh tình trạng bạo lực học đường, mang lại hy vọng và niềm tin cho nạn nhân rằng những kẻ thủ ác rồi sẽ phải trả giá. Thế nhưng những nạn nhân phổ biến như Gyeong Ran lại bị ném đá vì đã không dũng cảm vùng lên trả thù như Dong Eun. Vậy thì có khác nào chúng ta tiếp tục vùi dập nạn nhân thêm một lần nữa?