“Trẻ không nên đọc Thuỷ Hử, già không nên xem Tam Quốc”
Câu này cũng như bao ý kiến trên đời, không tuyệt đối đúng, và sẽ có cái không phù hợp, chỉ đúng, tạm áp dụng cho một bộ phận người, thời điểm nào đó thôi. Hồi trước mình không hiểu hết ý câu này, bây giờ cũng không dám khẳng định là đã hiểu hết, hay áp dụng hết. Nhưng đúng, là cái ý trẻ không nên quậy phá, “anh hùng” như Thủy Hử thì đã tạm hiểu từ lâu:
Trẻ không nên đọc Thủy Hử, vì Thủy Hử là một bộ tiểu thuyết ca ngợi 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, tự bôn ba đào tẩu, rồi quy tụ thành một tập đoàn chống đối lại nhà nước phong kiến thời đó (tác phẩm viết trong thời Minh, nhưng nói về thời Tống, thời Minh thì văn chương thơ cú bị triều đình soi xét lắm, nên viết cũng phải ý tứ cẩn thận lắm), nhưng tư tưởng giang hồ, anh hùng, đâm chém, nổi loạn…thì nếu không đọc kỹ, thiếu trải nghiệm, thì “Trẻ” dễ thành “anh hùng” xăm trổ, nổi loạn và dễ … đi tù lắm.
Thủy Hử nói về số phận bị áp bức của Báo Tử Đầu Lâm Xung, Hành Giả Võ Tòng, Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm …và nhiều anh hùng khác, cũng có câu chuyện rất thú vị, trúc trắc (nhưng cũng nhiều ông “lôm côm” ở đâu thêm vô cho đủ 108 vị Thiên tinh, Địa sát hay sao ấy, có nhiều nhân vật rất nhạt nhòa, cho có), câu chuyện khiến người đọc nghe phải ức chế , đồng tình với cái khổ đau của họ, và, nổi loạn. Nhưng suy cho cùng, họ chả khác phường đầu trộm đuôi cướp là mấy, trong chuyện, họ cũng chặn đường, cướp đường, chặt đầu người, mang lên núi làm lễ vật gia nhập sơn trại. Giả sử  Lỗ Trí Thâm, bảo vệ cô gái nhà lành, không làm chuyện cướp phá như mấy anh kia, thì lúc làm chủ trại trên núi, cùng Võ Tòng, Dương Chí (ấy), có phản đối người mang “lễ vật” nhập bọn không?
Lễ vật nhập bọn là đầu người, là tiền cướp mãi lộ, của ai ?
Lâm Xung muốn thể hiện bản lĩnh, chặt đầu để mang “lễ vật” gia nhập, thì đụng ngay Dương Chí, Thanh Diện Thú cũng không vừa. Vậy thì các anh mà muốn chặt đầu làm lễ vật ấy, muốn thành công, thì cũng kiếm ai đó xui xẻo, võ công kém cỏi, không ai bảo vệ (gặp phú hộ, cường hào thời đó, cũng có gia nhân quanh người, thuê “anh hùng” khác bảo kê, thì cũng không dễ), vâng, đó là dân thường xui xẻo, tay chân yếu mềm, vô tình rơi vào cuộc săn của các anh hùng.
Đó là sự thực đấy, trong chuyện cũng có nói, nhưng các “anh hùng trẻ” chắc chả đọc, hoặc đọc lướt thướt, chắc chỉ say mê đoạn cung kiếm, đao thương thôi. Xem phim thì cũng cắt lược (có khi cấm tiệt mấy đoạn này) để anh hùng hóa các nhân vật, không lẽ các anh hùng ngời ngời trong Thủy Hử lại chặn đường, giết người, hoặc nhẹ hơn là đồng tình, phớt lờ chuyện ấy?
Nhưng đây là sự thật, dù chỉ là xét trong hệ quy chiếu của Thủy Hử thôi!
Vâng, các bạn trẻ đọc Thủy Hử bị kích động bởi phong thái hào hùng, đao thương bất khuất, uống rượu bằng tô, anh em bốn biển là nhà, quy tụ, sum vầy… nghe lý tưởng hiệp sỹ lắm, nhưng trẻ người non dạ, dễ bị kích động, dụ dỗ lắm. Cầm đao chém người cứ ngỡ hào hiệp lắm, ra tay bảo vệ bạn bè, tưởng dám chết vì nhau, nhưng sai lệch thì đi tù, người chết, mình không chết, không bị thương, cũng dễ tù.
Mà họ thật sự không nhận ra, Lý Quỳ với cặp búa của Thiên Sát tinh, “chỉ thích chém giết cho sướng”, chả phân biệt là lính triều đình, hay dân thường chỉ qua đường đến xem, chém tuốt! Võ Tòng cũng nóng máu đồ sát sạch trơn cả nhà người ta, kẻ thù thì không nói, gia nhân, nô tì trong nhà thì có tội gì?
Còn chuyện chém giết tiêu khiển, đi xuống núi “kiếm cơm” thì là “công việc chuyên môn” làm theo giờ, ca trực hàng ngày rồi!
Nguy là chỗ đó, đó cũng là mặt tối của câu chuyện nổi loạn, trấn sơn lập bang hội thôi, vẫn có những ý tứ tinh hoa hơn, khởi nghĩa, giải phóng, thoát ly phong kiến, tư tưởng tự do, nhưng thật sự các bạn trẻ đã biết chưa, hay “nổi loạn, tung hoành” cho sướng đã? Vậy mới cần “định lực”, có trải nghiệm, tầm nhìn (tóm lại là “đủ tuổi”, không cần phải già, mà là đủ trưởng thành) thì mới nên “đọc Thủy Hử” mới hiểu cái tinh hoa, và ít nhất là phản đối với cái chuyện hở ra là uống rượu, lôi nắm đấm, thể hiện anh hùng, thậm chí là đao búa, các bạn ơi!
“Già không nên xem Tam Quốc”. Câu này rõ ràng là của người Trung Hoa rồi, tứ đại danh tác là của họ, họ cũng nghiễn ngẫm mòn sách rồi, mà tại sao nói. Đến gần đây mình mới hiểu câu này.
Mình đọc tứ đại kỳ thư của Trung Quốc (Thủy Hử, Tây Du, Tam Quốc, Hồng Lâu Mộng), thì chỉ còn Hồng Lâu là chưa xem, nhưng cũng hay đọc trích, và nghiên cứu, ở Trung, có cả Hồng học chuyên nghiên cứu mổ xẻ tác phẩm này, nhưng vì chưa đọc, nên không nói, mà chỉ riêng Tam Quốc Diễn Nghĩa thì đã đọc không ít hơn 3 lần, cũng do một Người, rất thân quý, đã hướng dẫn mình đọc. Có điều đúng là giờ mới hiểu, già không nên đọc Tam Quốc, quá nhiều giả định, quá nhiều tiếc nuối, quá nhiều nếu…
Lần đầu đọc, có khoảng 14, 15 tuổi, thời đó đọc để…khoe. “Tao cũng đã đọc Tam Quốc”, tớ biết diễn biến thế nào, chứ không phải có đoạn trích ngắn tý teo trong SGK đâu. Vì đọc để khoe, mà tuổi lại bé, nên lại thích đọc chiến trận, và tích kỳ ảo trong đó, ví dụ “Tả Từ trêu Tào Tháo”, “Quản Lộ xem bói”, “Khổng Minh lập đàn cầu mưa”…để chém với bọn bạn, dù bọn này có khi còn chả đọc SGK. Được cái hồi đó có phim chiếu song song, nên tụi nó cũng tròn mắt nể. Lần hai đọc, thời sinh viên rồi, khôn hơn tý (mà cũng ngu, nhiều cái sân si hơn 3>), đọc có nghiên cứu hơn, theo mạch truyện, theo chiến sự, theo thời điểm, theo tuyến nhân vật, và đương nhiên mê tít Gia Cát Khổng Minh. Cứ mong mình điều binh khiển tướng, phát minh trâu gỗ ngựa máy (hồi đó học trường kỹ thuật mà), bày mưu tính kế “làm trùm” thiên hạ.
Nhưng lần thứ ba đọc, còn kèm thêm phân tích, giả định từ nhiều hướng, lôi cả Tam Quốc Chí của Trần Thọ (Tam Quốc Diễn Nghĩa thì của nhà văn La Quán Trung) để so sánh đối chiếu. Đương nhiên, Trần Thọ là sử gia, xưa làm dưới thời Thục Hán của Lưu Bị, nhưng nhà Thục bị sụp đổ, sáp nhập thành Trung Quốc thống nhất sau loạn 3 nước Ngụy, Thục, Ngô, thì Trần Thọ làm quan dưới triều đối địch nhà Thục. Ông này viết công tâm, dẫn chứng lịch sử, đã làm quan của 2 triều đại, nên góc nhìn nhiều hơn, trung thực hơn.
Vậy mới thấy Tam Quốc, phần lớn là “diễn nghĩa”. Mô tả 7 thực, 3 hư, lôi truyền miệng, dã sử, pha thêm tý lịch sử thành truyện, ước lệ nhân vật lên quá cao, cộng với tư tưởng Nho gia một phía, tạo nên những nhân vật, Tuyệt trung Quan Vũ, Tuyệt gian Tào Tháo, Tuyệt trí Khổng Minh, đưa những sự kiện kiểu nhỏ mọn như Chu Công Cẩn – Trời sinh Du sao còn sinh Lượng, ném con mua chuộc lòng người Lưu Bị - Triệu Vân…phóng tác theo ý nhà văn La Quán Trung (tác phẩm của ổng thì ổng có quyền viết), nhưng gây sai sót, thần thánh quá.
Điều này đúng về phần nào, khuyến khích con người trung dũng, cần kiệm, như Gia Cát Lượng, cúc cung tận tụy đến chết, hay xông vào mũi tên hòn đạn chả lý gì đến tính mạng như Triệu Tử Long…Là phần diễn nghĩa rất hay, đặc biệt được yêu thích, là các bài gia ngôn lưu truyền. Người mà mình tôn quý đã dạy mình vậy.
Nhưng cuối cùng cái phe “chính nghĩa” ấy thất bại, lần lượt các chiến tướng, mưu thần tử nạn, chết bệnh, bỏ lỡ giấc mơ thống nhất Trung Nguyên. Phe thống nhất lại là “ngụy” của Ngụy, khiến bao “quân tử ấm ức”. Cuối cùng thì mình cũng hiểu vì sao Người đọc thì than thở, thở dài, uống rượu…chán chường.
Ông cụ quá si mê nó, những chuẩn mực diễn nghĩa dạy con người kiên trung, nhưng kết cục thì đau đớn. Và Người đưa ra những giả định, nếu Gia Cát không chết sớm, nếu Quan Vũ không mất Kinh Châu, nếu Lưu Bị đừng phục thù quá sớm, nếu Tư Mã Ý bị chết cháy trong hang Thượng Phương…
Quá nhiều giả định, quá nhiều tiếc nuối, tuổi già, khi những dự định ngày xưa, dang dở... giờ chỉ còn là hình ảnh của quá khứ, cùng nỗi buồn. Bên ly rượu, bên cuốn sách gối đầu giường từ lâu. Là những trăn trở.
Mình cũng đã nói, “nếu Khổng Minh không ở Tây Thục, mà ở Đông Ngô, thì cái chuyện cháu Lục Tốn (Lục Dận ấy) không đồ sát bà Triệu Thị Trinh của mình đâu, mà chính cái ông Gia Cát Lượng ấy, sẽ 7 lần bắt thả, vờn Giao Chỉ - Việt Nam mình như mèo vờn chuột, có khi thiêu trụi tuyệt diệt cả giống nòi, như vụ đốt trụi bộ tộc đã chống Gia Cát Lượng trong đợt bình Nam Man ấy”. Nhưng Người không màng, ông cụ đã quá trung thành với cái thế giới của ông.
Nhưng mà cái mình nói ấy, đó cũng chỉ là một cái nếu thôi.