Gửi lại Tây Ninh... chút nhớ... chút thương... chút vương
Credit: Le Di Viet Nam
Mỗi chuyến đi là mỗi câu chuyện sẽ được kể, những kỉ niệm sẽ được gom, cũng là mỗi lần thấy mình bé lại, lòng mình rộng ra để góp nhặt từng trải nghiệm, từng kỉ niệm.




Nguồn: NTCSG - Công Tác Xã Hội
Sẽ nhớ lắm miền cao su mà quanh năm đầy nắng, mảnh đời của người dân nơi đây gắn chặt với những cây cao su, xanh ngàn,mà sức sống mãnh liệt, từng giọt nhựa “nuôi sống” những cuộc đời.




Lớp Học thương - Nguồn: NTCSG- Công Tác Xã Hội
Sẽ nhớ lắm những giờ học ngắn ngủi, mà thầy thì mong dài thêm một chút, trò thì ngóng nhanh thêm một phút để được ào ra vui chơi, ăn quà vặt. Từng gói quà vặt nhỏ nhỏ trao tay mà niềm vui lớn đến lạ, thế mới biết những đứa trẻ ở đây thiếu thốn thế nào, về vật chất lẫn tinh thần. Với tâm thế là người cho đi, mà sao chính chúng tôi là người được nhận lại quá nhiều, là những kỉ niệm về một mùa hè rực nắng năm nào , mà chắc có lẽ lâu lắm mới có thể phai.

Sẽ nhớ lắm những ngày học tiếp theo, cùng học cùng chơi, cùng ca cùng hát. Tự nhiên thấy mình lại hồn nhiên như những đứa trẻ năm nào. Những câu nói ngô nghê, những nụ cười trong veo làm sao quên được.

Sẽ nhớ lắm những buổi chiều cùng các em về nhà, cái sóc nhỏ nơi những ngôi nhà san sát nhau, con đường này nối cái hẻm kia, chen những hàng cao su nơi mà ngày ngày thầy trò cùng dắt tay nhau về, tiếng nói tiếng cười rộn vang con đường đất đỏ nhỏ, mà nắng thì bụi, mưa thì nhão nhẹt dính mỗi bước chân đi. Vậy mà thầy trò vẫn hồn nhiên đi cùng nhau, đón những cơn mưa hè bất chợt cùng nhau.




Cô giáo kiêm bảo mẫu - Nguồn: NTCSG - Công Tác Xã Hội
Sẽ nhớ lắm bàn tay trẻ thơ lần đầu tự mình làm ra những món đồ thủ công nhỏ xinh mà đẹp đẽ đến vậy, bàn tay ấy trân quý, nâng niu đến vậy.

Sẽ nhớ lắm con chữ cố gắng mãi mà vẫn nguệch ngoạc, sẽ nhớ lắm giọng đọc ê a, sẽ nhớ lắm những trang vở tô màu ,đầy sắc màu tươi sáng , tươi sáng như ước mơ trẻ thơ đáng phải có.
Tây Ninh mùa hè ấy, chúng tôi đã gửi lại, chút nhớ lẫn chút thương...
Thương các em, từ nhỏ đã phải tự lập, như người cha, người mẹ nhí cho các em thơ của mình “Con phải ở nhà coi em, nên không đi học được. Mai mẹ con về, con ra học”




Căn nhà tạm Tà Dơ Đồng Kèn- Nguồn: NTCSG - Công Tác Xã Hội
Thương những phận đời suốt đời chỉ biết làm thuê, chẳng có nổi tấc đất trong tay. Lo cái ăn cái mặc mỗi ngày đã khó...
Càng thương, càng nghĩ, càng vương…
2 tuần... sao mà ngắn...
Lúc cánh cổng “điểm nhóm” mà chúng tôi gọi là trường, mở toang ra cho các em về vào chiều hôm ấy, là lúc chúng tôi chợt nhớ hành trình của mình đã sắp kết thúc.
Nụ cười của các em còn vang vọng, mà lòng tôi chợt trăn trở...
Ước mơ nào cho em?




Nguồn: NTCSG - Công Tác Xã Hội
Uớc mơ làm người tử tế… rồi mai này giữa những nghẹt ngòi, khô cằn, liệu có đủ sức sống để lớn lên không?
Những mảnh đời ven hồ trên căn nhà xiêu tó rồi sẽ ra sao?
Nhiều điều trăn trở hiện diện trong lòng mà đến khi xe lăn bánh, chẳng nhẹ nhàng đi được…

Đây những hàng cao su xanh mướt , ngày qua ngày lại lớn lên, vươn mình đón nắng. Đây những giọt nhựa vẫn căng tràn sức sống.Đây bờ hồ bao la, đầy tràn nước, vẫn cố nuôi sống bao kiếp người




Hồ Dầu Tiếng - Nguồn: Le Di Viet Nam
Tôi chợt hiểu: Những ước mơ trẻ dại, những giấc mơ đẹp như màu nắng, rồi sẽ tưới mát, rồi sẽ được lớn lên như chính cách mà Đấng Tạo Hóa đã ban tặng cho cao su.
Phải, chính các em cũng sẽ kiên cường, sẽ sống như loài cây nơi mảnh đất này, luôn vương mình về phía mặt trời, luôn tràn trề nhựa sống, dù nắng dù gió…

Tôi...
Mơ...
Về miền cao su...
Đầy gió hát...
Xiao Ying, tháng 7/2019.