Gửi các em học sinh cuối cấp
"Chị ơi em lo quá năm nay Bộ bẻ lái chỉ giữ lại khối D1 trong khi em thi D14, bây giờ em phải học thêm cả Địa, Công Dân nữa. Mấy bạn...
"Chị ơi em lo quá năm nay Bộ bẻ lái chỉ giữ lại khối D1 trong khi em thi D14, bây giờ em phải học thêm cả Địa, Công Dân nữa. Mấy bạn thi D14 khóc quá trời luôn ai cũng hối hận phải chi thi D1 từ đầu. Lại có mấy bạn lúc đầu thi A1 nhưng bây giờ chuyển sang D1 hết rồi em sợ đấu không lại,..."
Đó chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện của các em học sinh khi kỳ thi đại học đang cận kề. Năm mình thi, chính là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPTQG này: Rối ren và may rủi, có điểm rồi mới đăng kí, người điểm cao vẫn không vào được ngôi trường mong muốn chỉ vì có người khác điểm cao hơn nộp đơn vào phút chót. Bốn năm trôi qua, nhìn bạn bè cùng lứa xung quanh, những người tân sinh viên ngày nào giờ đây đã ra trường, hoặc có người vẫn đang học vì quyết định ôn thi lại 1 năm, hoặc 2 năm, có người đã đăng ký vào một trường không như ý muốn - một ngôi trường mà trong mắt mọi người đó là trường không tốt, trường tư, nhưng họ đã cố gắng hết mình và gặt hái quả ngọt. Mình không chắc nếu họ học ở một nơi họ từng mơ ước, thì họ có thành công như hôm nay không. Cũng có người đã chọn một ngôi trường, một ngành không yêu thích lắm vì dù sao cũng đủ điểm đậu, nhưng một khi nhận thấy không hài lòng với quyết định này thì họ sẵn sàng từ bỏ để tự mình tìm đến cơ hội khác tốt hơn gấp bội. Có cả những người bỏ ngang đại học.
Mọi điều xảy ra trong cuộc sống đều có nguyên nhân của nó. Đối với mình, không có quyết định nào là sai lầm. Cuối cùng mình cũng hiểu, học ở một ngôi trường nổi tiếng không phải là điều quyết định tương lai sau này. Một mùa tuyển sinh lại về, mình hy vọng những điều mình chia sẻ sau đây sẽ giúp các em học sinh phần nào hiểu được: Trường đại học không làm nên con người bạn, mà bạn làm nên con người bạn.
-- -- -- -- --
– Bạn: “Con sẽ thi Báo chí”
– Bố mẹ: “Bạn bố bảo báo chí liên quan đến chính trị lắm, người giỏi ở Việt Nam cũng khó làm lên cao được”.
*** ***
– Bạn: “Có nên học Ngôn ngữ Anh không?”
– Một vài thành viên trong các group FB: “Theo tôi thì bạn không nên học ngành Ngôn ngữ Anh vì bây giờ tiếng Anh bão hòa rồi. Sinh viên học Ngôn ngữ Anh xong ra trường không có chuyên môn gì hết ngoài tiếng Anh. Bạn nên học mấy ngành như Kinh tế hay Marketing, có chuyên môn gì đấy rồi sau này học lấy bằng IELTS thì cơ hội nghề nghiệp nhiều hơn”.
*** ***
– Bạn: “Con sẽ thi Sư phạm Văn”
– Bố mẹ: “Môn Văn bây giờ ít ai học lắm. Thi sư phạm Anh sau này dạy thêm kiếm nhiều tiền hơn”.
– Người nào đó comment ở một group trên FB hoặc người nào đó comment ở 1 bài báo online: “Đầu tiên cho hỏi nhà bạn có ai làm trong ngành giáo dục không? Nếu có thì bạn có thể thi sư phạm vì bây giờ làm giáo viên phải chạy chọt quen biết nhiều lắm. Học xong chưa chắc có việc làm. Làm giáo viên rất cực mà bây giờ phụ huynh còn dữ hơn giáo viên nữa bạn chịu nổi không?”
— — — — — — — — —
Đó chỉ là 4 trong số rất nhiều câu chuyện chọn ngành trước khi bước vào đại học. Với nỗi băn khoăn, lo lắng, mình đã từng hỏi thăm người này người kia nhưng rồi kết quả cũng chẳng đi đến đâu. “Nếu chưa biết chọn ngành nào thì cứ chọn cái nào mà em thấy thinh thích hoặc gần với sở thích của em”. Mình đã từng nghĩ đến lời khuyên ấy và nhắm mắt chọn đại. Dù sao khi ấy mình khá thích ngành học trên đại học của mình.
Làm sao để chọn ngành học trên đại học khi vẫn chưa biết mình thích gì và trong lòng đầy hoang mang? Làm sao để biết mình có thực sự thích ngành học đó không? Mình sẽ bỏ qua câu hỏi “Làm sao chọn được ngành học khi không biết mình thích gì?” vì câu hỏi này chỉ một mình bạn mới trả lời được, làm sao người khác hiểu được bạn yêu thích điều gì và mong muốn của bạn. Mình chỉ đưa ra một số lưu ý trong việc chọn ngành học, để bạn có thể vững tin vào quyết định của bản thân:
1. Người quan tâm bạn có thể không hiểu bạn
Bố mẹ chúng ta không mong gì hơn ngoài việc thấy con mình hạnh phúc. Bố mẹ khuyên bạn học ngành này, trường này, chỉ vì muốn bạn có sự lựa chọn tốt nhất. Nếu như bạn không nghe lời bố mẹ mà đi chọn một ngành học khác? Bạn sẽ bị đuổi ra khỏi nhà? Bạn sẽ bị bố mẹ từ bỏ? Bạn sẽ bị cắt viện trợ mãi mãi về sau, chọn học ngành đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ sống tự lập, tự thuê nhà một mình và tự lo tiền học phí? Về việc từ con hoặc đuổi ra khỏi nhà, mình nghĩ rằng hiếm có trường hợp như thế. Còn việc bố mẹ “dọa” bạn phải sống tự lập nếu như không nghe lời mà đi chọn một trường khác, một ngành khác, đó là biểu hiện của việc bố mẹ cần bạn suy nghĩ nghiêm túc, trưởng thành và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm cho những hành động của mình.
Thấy bố mẹ phản đối dữ quá đâm ra bạn sợ, thế thôi chọn đại ngành nào đó vừa ý bố mẹ, để rồi sau này có ra sao thì kiếm cớ đổ thừa: “Tại bố mẹ bắt con chọn ngành này đó”. Đây chính là biểu hiện của việc sợ hãi: sợ sai lầm, sợ đưa ra quyết định và sợ chịu trách nhiệm. Có quyển sách “Cứ đi để lối thành đường” mình thấy rất thiết thực trong việc hướng nghiệp cho các học sinh trước ngưỡng cửa vào đời. Mình hy vọng rằng đọc quyển sách bạn sẽ có câu trả lời cho mình nếu bạn đang lo lắng phải nghe theo bố mẹ hay là nghe theo những gì bạn muốn.
Cách đây vài năm, mình lướt qua một hình ảnh kèm theo câu nói đại ý như sau: Nếu như bạn đang chán ghét cuộc đời, chán ghét bản thân, chán ghét ngành học vì bạn đã nghe theo bố mẹ, nghe theo một người nào đó, nghe theo một chương trình TV nào đó, thì đáng đời bạn lắm. Câu nói muốn gửi đến thông điệp: Vì bạn để người khác quyết định giùm bạn, cho nên bạn có làm sao thì hãy trách chính bạn đi. Chọn một ngành học nào đó vì gia đình có người quen làm trong ngành ấy, “Sau này bố mẹ bảo anh/chị/cô/dì/chú/bác XYZ xin việc cho. Người ta tốt lắm”. Thế nhưng, có gì đảm bảo người quen ấy có thể xin việc giùm bạn được? Lấy gì đảm bảo bạn chắc chắn có công việc ấy sau khi ra trường? Và nếu bạn đã không yêu thích ngành nghề này, thì làm sao bạn có thể làm nghề trong suốt quãng đời còn lại? Bạn không thích ngành y, không có khả năng học tốt, làm sao bạn trở thành bác sĩ? Bạn không thích làm giáo viên, làm sao bạn dạy tụi trẻ? Lại xuất hiện một nhà giáo hay mạt sát, cáu gắt và nói những lời trách phạt ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý học sinh nữa sao?
Gia đình nào có con đang học lớp 12 sắp thi đại học, thì năm ấy họ hàng luôn hỏi thăm và đưa ra nhiều lời khuyên. Có lời khuyên tốt, có lời khuyên không tốt. Những lời khuyên đánh mạnh vào mặt trái của một ngành học, một ngành nghề như phần mở đầu kể trên thực chất không xấu, vì người ta lo lắng cho bạn, người ta đã trải qua và nhìn thấy được điều đó, nếu bạn hiểu được khó khăn của ngành nghề mà vẫn quyết định chọn, thì xin chúc mừng ngành học ấy đã có một sinh viên nhiệt huyết như bạn.
Dù bạn yêu thích một công việc, một lĩnh vực nào đó đến đâu, vẫn có lúc bạn cảm thấy thật khổ sở khi theo đuổi nó. Thế nhưng, chẳng có điều gì là hoàn hảo cả. Lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh nhưng phải biết suy nghĩ và chọn lọc dựa trên quyết định của bản thân. Nếu như quay trở lại khoảnh khắc bạn chưa nghe một ai nói gì về ngành nghề tương lai, về trường đại học, về ngành học trong 4 năm sắp tới, bạn sẽ chọn ngành gì, trường gì?
2. Trường “công” hay trường “tư”?
Đậu vào một trường đại học công lập danh tiếng ở Hà Nội hoặc Sài Gòn thật là có ý nghĩa đối với các bạn học sinh ở cả thành phố và tỉnh thành khác (hay là có ý nghĩa với bố mẹ, nở mày nở mặt với dòng họ?). Thế nhưng bạn chọn nơi đây là do bạn thích trường này hay là bạn thích ngành này? Nếu như ai đang có suy nghĩ: “Mình thích ngành này nhưng nhiều trường dạy quá, trường công thì chắc chắn tốt hơn trường tư, phải học ở trường công cho bằng được” hoặc giả sử có một bạn học sinh đang thích ngành Quan hệ quốc tế cho nên sống chết thế nào cũng phải vào được trường Nhân văn, vì trường khác cũng dạy ngành này nhưng lấy điểm thấp hơn và còn là trường tư, cho nên nghĩ rằng chất lượng giảng dạy ở trường tư rất tệ, thì mình e rằng suy nghĩ này không còn phù hợp nữa. Bạn thích một ngành học và bạn cố gắng để thi vào một trường đại học công lập đúng với nguyện vọng, ngôi trường có học phí vừa phải và với sức học tốt bạn tự tin đặt nguyện vọng 1 ở trường công lập top đầu, mình hoàn toàn đồng ý và ủng hộ điều này. Mình chỉ không đồng ý nếu bạn không đủ điểm vào một trường công, nhưng nhất quyết không chịu học ngành yêu thích ở một ngôi trường khác lấy điểm thấp hơn và nghĩ rằng trường tư thì chất lượng thua xa trường công, sau này ra đời không làm nên trò trống gì. Thay vào đó bạn đã quyết định vẫn học trường công như mơ ước nhưng phải học một ngành bạn không yêu thích vì nó lấy điểm thấp hơn, dù sao bạn vẫn được học ở trường công. Nếu thực sự yêu thích một ngành học ở một ngôi trường, bạn hoàn toàn có thể dành 1-2 năm để thi lại đúng không?
Mình học trường công và chưa bao giờ có trải nghiệm học tập ở những ngôi trường “tư” hay tự chủ tài chính, nhưng mình đã thấy những sinh viên ở cả 2 nơi. Trường nào cũng vậy cả. Giáo dục đại học đã trở thành phổ biến và dường như ai cũng có thể học đại học. Cuối cùng mình cũng hiểu được: Thầy dạy tốt chưa chắc trò đã học tốt; trò có học tốt trên đại học hay không và tương lai của trò đi về đâu không được quyết định bởi trường đại học của trò mà được cấu thành bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó quan trọng nhất vẫn là ý chí và khả năng của trò.
3. Đi tìm thông tin
Muốn tìm hiểu thông tin ngành học, trước hết cần gõ Google “Ngành + tên ngành” và đọc hết tất cả các bài viết từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng, đừng chỉ đọc vài bài xuất hiện ở trang đầu tiên. Hơn nữa Google luôn gợi ý những từ khóa có liên quan, cần xem hết những thông tin ấy. Đáng chú ý, không nên cả tin vào tất cả các bài viết và bình luận trên mạng, không được để ý kiến của người khác làm lung lay tinh thần.
Một số địa chỉ bạn có thể ghé thăm:
a) Website các trường đại học thường sẽ hiển thị chi tiết các bài viết giới thiệu về ngành học
b) Tin tức trên báo chí cũng là nguồn đáng để tham khảo
c) Mạng xã hội:
- Có thể vào các fanpage confession của các trường đại học để đặt câu hỏi. Đây là nguồn review khá tin cậy nhưng tỉ lệ nhận được câu trả lời không cao. Nếu như thấy anh chị nào trả lời, bạn có thể nhắn tin Messenger riêng để có thể hỏi thêm nhiều thông tin hơn.
- Sử dụng thanh tìm kiếm trên FB để tìm những bài viết hoặc page liên quan đến ngành học, ví dụ như page Đoàn hội, các CLB của trường, của khoa, từ đó ghé qua FB của các anh chị sinh viên đang theo học ngành đó tại trường đó để xem thêm.
- Ghé qua fanpage chính thức của trường đại học
- Ghé qua các fanpage nổi tiếng cho giới trẻ hay có chuyên mục review ngành học và trường học. Tuy nhiên, không nên chỉ tin vào 1, 2 lời comment mà nghĩ ngành này không tốt, ngành này tốt. Mình đã từng thấy rất nhiều lời đồn thổi tiêu cực và không chính xác về ngành Quan hệ quốc tế ở trên 1 fanpage kia. Chỉ những ai là sinh viên học ngành đó thì mới hiểu rõ, chỉ là họ không muốn gõ phím comment thật dài.
- Ghé qua một số group FB, ví dụ như tìm kiếm câu hỏi về ngành Ngôn ngữ Anh ở group về Biên phiên dịch. Tuy nhiên, chín người mười ý và mình chỉ đọc những comment ở trong group trên tinh thần tham khảo. Những comment thể hiện ý kiến chủ quan của người viết và không thực sự phản ánh bức tranh khái quát của một ngành học.
- Tìm kiếm một số review, blog về ngành học. Đọc càng nhiều càng tốt và đừng chọn ngành học chỉ vì đọc 1 blog nào đó thấy thích quá.
d) Người thật việc thật: Nếu bạn biết được một người nào đó đã và đang học ngành bạn quan tâm, còn sợ gì nữa lao vào mà hỏi thôi. Một số trường đại học (như là trường Nhân văn cơ sở quận 1, TP.HCM) không kiểm tra gắt gao ai là sinh viên thì mới được vào trường, nên bạn có thể sắp xếp 1 buổi vào trường đại học để tham quan.
4. Chọn ngành học chỉ vì cơ hội nghề nghiệp
Trong các bài viết giới thiệu ngành học trên website nhà trường hoặc trên báo đài, chắc chắn không thể bỏ qua mục “Cơ hội nghề nghiệp”. Đây cũng là mục thu hút các bạn học sinh nhất. Tuy nhiên, đúng như cái tên “cơ hội nghề nghiệp”, đó chỉ là cơ hội, nghĩa là học ngành này các bạn có thể làm ở những lĩnh vực nào, người ta đưa ra những gợi ý cơ bản nhất để tham khảo chứ đây không phải là kim chỉ nam của tương lai. Đừng thất vọng vì đã vin vào những nghề nghiệp được nêu ra trong mục này để rồi nhận ra kiến thức 4 năm qua không đủ để làm những ngành nghề ấy. Cũng đừng trói buộc bản thân trong suy nghĩ: “Tôi học ngành [XYZ] thì ra trường phải làm công việc [X’Y’Z’] này mới đúng chuyên môn, mới bõ 4 năm học tập”.
Mình nhận ra tất cả ngành nghề được liệt kê ở “Cơ hội nghề nghiệp” chỉ có tính xây dựng và tham khảo. Học xong 4 năm chưa chắc bạn đủ tiêu chuẩn để làm một ngành nghề nào đó. Trong quá trình đi làm, bạn phải học thêm rất nhiều. Thay vì chú tâm vào cái tên của nghề nghiệp, của vị trí, thì bạn hãy chú tâm vào lĩnh vực bạn yêu thích. Đối với những công việc đặc thù như bác sĩ, giáo viên, công an, kiến trúc sư, kĩ sư chuyên ngành kĩ thuật,… buộc phải học 4 năm đúng chuyên ngành thì mới có thể tìm việc, thì các những lĩnh vực còn lại đều mở rộng cánh cửa cho những kẻ ngoại đạo, nghĩa là bạn không cần học chuyên sâu về ngành nghề ấy ở bậc đại học thì mới có thể làm được việc. Cái cần nhất là bạn muốn làm gì.
5. Chọn ngành học chỉ vì được truyền cảm hứng bởi một người nào đó
Những năm cấp 3, chẳng biết từ khi nào mình trở nên khép kín. Có thể nói mình là người trầm lặng và ít nói nhất lớp. Lúc ấy mình chỉ có ước muốn duy nhất là trở nên năng động hơn. Mình ước rằng khi lên đại học, mình sẽ thay đổi: Trở nên hoạt bát, năng nổ, thay đổi bản thân 100% đến nỗi ai cũng bất ngờ. Một ngày nọ, trong tiết tin học năm lớp 11 cả lớp được lướt mạng tự do, mình vô tình tìm thấy FB của một chị cựu học sinh trường và thời điểm ấy đang là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế. Trên FB chị viết như thế này:
“Từ khi bước chân vào trường ĐH, mỗi khi có ai hỏi tớ học ngành gì, hay khi trả lời phỏng vấn, tớ luôn tự hào mỗi khi nói lên 2 tiếng IR-International Relations.
Nhắc đến IR, người ta nói về SV như những người giỏi giang, năng động và tiên phong nhất.
Nhắc đến IR, người ta trầm trồ vì khả năng ngoại ngữ cực siêu, đồng thời cũng là những tài lẻ chẳng thua kém ai.
Nhắc đến IR, người ta cũng hay nhắc đến những cái tên mà gương mặt và hình ảnh của họ, đại diện cho cả IR.
Vậy đấy, điều chúng tớ tự hào nhất về IR không phải là những bài học hay sách vở, điều chúng tớ tự hào nhất chính là SINH VIÊN – những người anh, người chị, những người bạn và thậm chí là cả đàn em của mình”.
Đọc những dòng ấy, mình như được truyền cảm hứng thực sự và mình nghĩ đây chính là nơi sẽ giúp mình tự tin hơn, cởi mở hơn, thoát khỏi cái vẻ nhút nhát rụt rè hiện có. Thế là mình chẳng tìm hiểu gì về ngành này cả, cố gắng thi đậu vào khi chỉ vừa mới đọc những dòng chia sẻ trên. Mình chỉ muốn được thay đổi bản thân. Vả lại đây cũng là một ngành lấy điểm cao của trường Nhân văn, trong lớp cũng có 1-2 bạn định học chung ngành này với mình, học sinh trường chuyên thi đậu vào trường đại học danh tiếng thì nghe oai lắm chứ. Cái tên “Quan hệ quốc tế” nghe thật hay, cơ hội nghề nghiệp cũng rộng mở và toàn là ngành nghề hot.
Mình không trách những lời chia sẻ chân thành của chị sinh viên trên. Mình không trách chương trình giáo dục đại học. Trách là trách bản thân đã không tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng trước khi gửi gắm 4 năm tuổi trẻ. Trách là trách sự cả tin vào bề ngoài hào nhoáng, trách sự suy nghĩ không thấu đáo khi chọn trường. Trách bản thân khi chạy theo xu hướng và chọn những gì được cho là hay, là hot mà chưa chắc nó có phù hợp với bản thân không. Thế nhưng, trong cái (có vẻ) rủi lại có cái may. Ngành Quan hệ quốc tế có tính chất tổng quát và rộng lớn, đó là cơ hội cũng là thách thức của người học. Vì bao hàm nhiều lĩnh vực khác nhau, nên mình có kiến thức nền tảng cũng như cơ hội để thử sức ở mọi thứ. Tư duy mở và cái nhìn không còn trong khuôn khổ chật hẹp với những định kiến, mình không chắc nếu không tiếp xúc với ngành này mình sẽ tiếp thu được những điều tốt đẹp trên.
-- -- -- -- --
Lên kế hoạch cho 4 năm sắp tới với những tính toán kỹ lưỡng, một ngày nào đó bạn chợt nhận ra mọi thứ có vẻ trái ngang và không đi đúng quỹ đạo đã vạch sẵn. Dù đã chuẩn bị chu đáo nhưng bạn lại thấy bơ vơ giữa ngành học. Bạn lo lắng vì đã lựa chọn sai lầm? Chẳng có lựa chọn nào sai trái. Tất cả những gì xảy ra đều có nguyên nhân của nó. Trường đại học và ngành học trong 4 năm thực ra không quá quan trọng như bạn nghĩ. Quan trọng là bạn lựa chọn làm điều gì và sẵn sàng chịu trách nhiệm với quyết định đó.
Một mùa tuyển sinh lại về. Thân chúc các sĩ tử sẽ hoàn thành bài thi với hơn 100% sức lực và đừng lo lắng nếu có chuyện không đúng như dự định xảy ra, vì đó chỉ là thành công bị trì hoãn.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất