Tiết trời miền Bắc đã bắt đầu se se lạnh phần nào, và không có cảm giác nào tuyệt vời hơn đối với một con mọt phim là được nghỉ học/nghỉ làm để chùm trong chăn ấm áp thưởng thức một tác phẩm điện ảnh tuyệt vời - dù là bộ phim đó đã được xem đi xem lại đến cả ngàn lần - như là Groundhog Day chẳng hạn.

Groundhog Day là một trong những tác phẩm concept hài-bi nổi bật nhất của đạo diễn Harold Ramis (RIP bác :(. Bác nổi tiếng với nhiều phim như Ghostbusters, Stripes với Animal House) phối hợp với Bill Murray ra mắt năm 1993 cùng với một số các diễn viên gạo cội khác như cô Andie Macdowell, Michael Shannon, Chris Elliott...

Plot của Groundhog Day rất đơn giản: Một phóng viên khí tượng trong một chuyến đi thực tế tại vùng ngoại ô Pennsylvania tỉnh dậy và nhận ra mình đã bị kẹt trong một vòng lặp, một ngày duy nhất: Ngày chuột chũi.
Groundhog Day hài hước mà không hề nhảm nhí, tinh túy trong từng góc máy và cũng triết lý đến bất ngờ nhưng vẫn giữ được cái chất châm biếm còn lắng đọng lại phần nào khi Murray và Ramis vẫn còn trong team Saturday Night Live. Diễn xuất của Bill Murray vẫn rất nhộn kiểu...Bill, với những biểu cảm dù không hề mang tính cảm xúc nào mà vẫn cảm xúc. Tone của phim từ hài hước lúc ban đầu, càng dần về sau khi phim tiến triển lại dần có phần u tối hơn.

Bắt đầu một ngày mới, đồng hồ điểm 6 giờ sáng và lại là tiếng radio vang lên báo thức. Phil chợt nhận ra “ngày mới” thực chất vẫn là ngày cũ - ngày 2 tháng 2. Vẫn là ngày chuột chũi, vẫn với những hành động lặp đi lặp như thể trêu ngươi anh. Qua từng con đường và cùng những con người ấy. Với một người ích kỷ và hay cáu gắt như Phil, việc một ngày bị lặp lại với anh chẳng khác gì cõi địa ngục.
Triết lý hiện sinh được cài cắm một cách vô cùng khôn khéo mà không hề làm mất đi tính giải trí trong phim. Ban đầu, Phil làm bất cứ điều gì mà mình mong muốn: Anh lợi dụng vòng lặp để ăn chơi trác táng, tán gái, thỏa mãn hết mọi ham muốn sân si trên thế gian, đắm chìm mình trong dục vọng và những thứ làm giàu cho cái tôi, bản ngã. Sau không biết bao nhiêu ngày (cũng chỉ có một ngày mà thôi!), Phil rơi vào tầng đáy của sự tuyệt vọng và nỗi chán chường. Bao nhiêu ngày nữa cho đủ? Bao nhiêu lần lặp lại nữa cho đến khi Phil mới thực sự thoát khỏi sự vô minh trong một vố chơi khăm khốn kiếp của Thượng Đế? Khi mà cứ mỗi ngày kia tỉnh dậy là vẫn là ngày 2 tháng 2, vẫn là giai điệu I Got You Babe sến sẩm của Sonny and Cher đó vang lên để đánh thức anh dậy, vào một ngày nữa như bao ngày. Vẫn đến gặp những người đồng nghiệp của mình, gặp cô gái trong mộng Rita để rồi bị cô ta từ chối hết lần này đến lần khác.

Chính Harold Ramis cũng đã thừa nhận tầm ảnh hưởng của triết học Phương Đông lên nội dung của Groundhog Day, một bộ phim vốn dĩ mang phong thái giải trí hài hước thế nhưng sau nhiều lần cải biên, trở thành một tác phẩm dramedy như hiện nay. Thuật ngữ “ngày chuột chũi” đã hàn sâu vào tâm trí của nhiều người khi nhắc đến một việc gì đó được lặp đi lăp lại.
Quả thật, chu trình lặp đi lặp lại ngày chuột chũi mà Phil ích kỷ phải chịu đựng suốt không biết bao nhiêu năm tháng (hay rốt cuộc cũng chỉ là một ngày duy nhất) để rồi mới chịu học hỏi, thay đổi, trở thành một con người mới hoàn thiện hơn, bớt nóng giận và cáu gắt, và biết trân trọng tình yêu thương hơn nếu như người xem tinh ý một chút, phần nào phản ánh vòng lặp samsara luân hồi mà Phật giáo có nhắc đến.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người


Chu trình cuộc đời mỗi con người là một vòng tròn: Ta sinh ra, lớn lên, tạo dựng cơ nghiệp sự nghiệp, trải nghiệm hết mọi sự sân si buồn vui sướng khổ, chu du đến khắp năm châu bốn bể, rồi cũng lại tiếp tục một kiếp sống khác…Cho đến một lúc nào đó, ta bừng tỉnh. Ta hiểu được cách trao gửi và đón nhận lòng từ bi vô điều kiện, rằng mọi thứ xảy ra là do chính ta, chỉ ta mà thôi. Như trong (SPOILER) ngày cuối cùng của vòng lặp chuột chũi, khi Phil đã nhận thấy được việc anh cần làm nhất là phụng sự và trao gửi những giá trị của bản thân cho người khác - thông qua việc học chơi piano, điêu khắc hay đơn giản là giúp đỡ mọi người bằng tình cảm chân thành.
Một chi tiết nữa ít khi được để ý bởi khán giả, mà mình rất chú ý (vì nó đẹp và đau lòng quá) khi xem Ngày chuột chũi là người đàn ông vô gia cư. Phil dùng hết khả năng của bản thân để cứu vớt ông già tội nghiệp suốt ngày này qua ngày khác khỏi cái chết, song rốt cuộc mọi cố gắng đều là con số không tròn trĩnh. Người đàn ông vẫn phải ra đi, và câu nói như xé lòng của y tá lại càng như thúc đẩy Phil đi đến việc chuộc tội cho những lỗi lầm mình đã từng gây ra.
“Đôi lúc con người ta phải ra đi” (“Sometimes people just die”)
Có những thứ biến chuyển thuộc về quy luật muôn đời mà ta phải chấp nhận, bao gồm trong đó là chết chóc và mất mát. Có những thứ dù ta cố gắng đến mấy để có thể loại bỏ thì nó vẫn cứ đeo bám ta như sam; có những thứ ta muốn mà mãi mãi không thể nào đến được. Bởi vì những lựa chọn của chúng ta, dù muốn hay không, cũng vốn chỉ như một giọt nước li ti trong ao bể lớn của bí ẩn mang tên cuộc đời.

Bài học ở cuối phim gần gũi và đi thẳng vào mỗi người trong ta: Thay đổi bản thân, góc nhìn và tâm trí của bản thân thì ắt mọi thứ sẽ thay đổi. Mỗi ngày sẽ lại là một ngày mới, mỗi khoảnh khắc sẽ tràn ngập và đong đầy sự viên mãn khi ta thấu hiểu, đón nhận và yêu thương mỗi điều đến với ta với phong thái ung dung và đĩnh đạc. Phil Connor đã tìm được hạnh phúc của riêng mình và thấu hiểu được những chân lý sống quý báu, nhờ vào một “lỗi lập trình” trong ma trận cuộc sống.
Nếu như không có ngày mai thì sao?
Minh Tu Le
Fun fact: theo như những tính toán kỹ lưỡng của fan, Phil Connor đã bị kẹt trong Ngày Chuột Chũi khoảng hơn 34 năm (!). Xem thêm ở đây: https://imgur.com/gallery/NOVZ0