Đọc quyển “Ếch” của Mạc Ngôn, ta có một góc nhìn khác về những người thi hành công vụ, về sự khác biệt giữa một góc nhìn cá nhân, và góc nhìn của Tổ chức.
Truyện nói về một nhân vật chính: Vạn Tâm, một hộ sinh người Trung Quốc, có lý tưởng cách mạng nhiệt thành, xem Đảng Cộng Sản như một ánh sáng dẫn lối. Cô có biệt tài hộ sinh, và có một tình yêu sâu đậm với một anh chàng phi công, trước khi anh này bay sang Đài Loan theo Tưởng Giới Thạch.
Thế rồi “Đại nhảy vọt” và “Cách mạng văn hóa” ập đến. Sau thời đại đó là chính sách kiểm soát sinh sản của Trung Quốc, khi phụ nữ bị bắt đặt vòng tránh thai, phá thai khi sinh đủ con, quân nhân không được phép có con thứ hai,…
Đối với những người Cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông hiện lên như một lãnh tụ với tầm nhìn vượt thời đại, khi ông kiên quyết thực hành chính sách Kiểm soát sinh sản, mà một trong những người nhiệt thành nhất là Vạn Tâm, từ một hộ sinh lành nghề giờ biến thành một kỹ thuật viên thắt ống dẫn tinh nam giới, người tuyên truyền chính sách của Mao, và là bác sĩ nạo thai, thật ngang trái. Dân làng từ chỗ xem Vạn Tâm như anh hùng cứu thoát họ khỏi một nền y học lạc hậu, với những bà mụ đỡ đẻ mê tín, giờ biến thành một “Con quỷ”: Vận động chính sách thắt ống dẫn tinh nam giới và lùng bắt những sản phụ lỡ mang thai vượt quá số lượng cho phép theo chính sách của Mao: Dân thường sinh tối đa hai con và cách nhau tám năm, Đảng viên không được sinh con thứ hai, với hàng loạt những chế tài như tịch thu của cải, bắt buộc phá thai. Như lời Mao: “Mỗi người phải tự khống chế chính mình để thực hiện cho được sự tăng trưởng dân số theo kế hoạch”. Vạn Tâm là hiện thân của những Đảng viên gương mẫu và quyết tâm thi hành chính sách đến mức cực đoan. Phải kể đến truyền thống “Trọng nam khinh nữ” trong văn hóa Trung Quốc thời đó vẫn còn rất nặng nề, thế nên viên thi hành chính sách kiểm soát dân số, kết hợp với mong muốn sinh con trai của các hộ gia đình nông thôn thực sự là bi kịch, mà ta có thể tìm thấy trong truyện.
Vấn đề kiểm soát sinh sản do lo ngại bùng nổ dân số là một vấn đề được quan tâm đông đảo, thế nên quyển “Hỏa ngục” của Dan Brown mới bán chạy vậy. Nó vẽ ra một nỗi lo con người sinh sản quá mức, trong khi công nghệ và tài nguyên Trái Đất không thể đáp ứng kịp. Mao Trạch Đông hẳn cũng đã có suy nghĩ này, và ông có những Đảng viên nhiệt thành, sẵn sàng thi hành đến cùng tư tưởng và triết lý đó.
Nói như vậy có phải tất cả họ đều là những “Con quỷ”, một “Chúng nó” khác hẳn “Chúng ta”? Không hẳn. Ta có thể thấy tâm lý đó trong chính Vạn Tâm: “Khi đứa trẻ đã chui ra, thì nó là một công dân của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa”, khi cô nhiệt tình đuổi theo để đỡ đẻ cho Vương Đảm. Một sự mâu thuẫn tâm lý trong cùng một người. Một bên là một Đảng viên nhiệt thành lùng bắt sản phụ (Thậm chí là cháu dâu của mình), một bên là một hộ sinh nhiệt tình và chu đáo, cả hai đều có mặt cùng một lúc.
Ta cũng có thể tìm đọc hiện tượng tâm lý này trong quyển “Eichmann ở Jerusalem. Ký sự pháp đình: một phóng sự về sự tầm thường của cái ác” (Hannah Arendt). Quyển sách mô tả tâm lý của những người Đức, bị quy tôi “Diệt chủng”: Họ thật sự không nghĩ như vậy. Nếu việc giết một người là một quy trình gồm nhiều bước trong một hệ thống, thì họ cảm thấy việc “Nhấn một nút, bật một công tắc, làm tài xế một chuyến chở phạm nhân” không thật sự là một hành động Diệt chủng, nó chỉ là một bánh răng nhỏ trong một hệ thống lớn, tên là “Đức Quốc Xã”.
Điều này rõ ràng là sự khác nhau giữa góc nhìn của một cá nhân, và một Hệ thống. Vấn đề nhập cư là một vấn đề phức tạp như vậy. Một người Afghanistan nhập cư vào Pháp và sống 40 năm tại đó, sinh con. Đối với góc nhìn cộng đồng, thì họ vẫn là người Afghanistan khác chủng tộc, trong khi với gia đình nhỏ đó, họ đích thực thuộc về cộng đồng đó. 40 năm đối với cá nhân thật quá dài, trong khi đối với cộng đồng, nó còn chưa qua một thế hệ.
Góc nhìn của Vạn Tâm cũng như vậy. Đối với cá nhân cô, Đảng là cả cuộc sống, và cô chỉ đang làm điều đúng đắn theo chủ nghĩa Vị lợi: đau khổ của những sản phụ lỡ mang thai và gia đình họ, so với Trung Quốc và toàn Xã hội. Thế nhưng đối với dân làng, cô là một Con quỷ máu lạnh thật sự, khi không kể đến nỗi đau quá lớn của chính họ, mà không một nhà nước hay một tổ chức Đảng nào có thể xoa dịu nổi.
Sự khác biệt về góc nhìn nhỏ với góc nhìn lớn này, ta cũng có thể gặp nhiều trong xã hội hiện tại. Vụ “Quân nhân Trần Đức Đô”, một nỗi đau với gia đình và thôn làng, nhưng trong quân đội anh chỉ đơn thuần là một bánh răng nho nhỏ không quá quan trọng. Không một cá nhân nào được phép quan trọng hơn “Hệ thống”. Đó chính xác là tư tưởng Vị lợi của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà Mạc Ngôn miêu tả. Nó có thể giải thích thực tế vẫn có một số lượng lớn những Đảng Viên luôn trung thành, vì họ thật sự cảm nhận được họ đang làm điều đúng vì “Tổ chức”.
(Còn tiếp).