Glory At Sea, nỗi buồn rực rỡ
Nỗi đau mất đi người thân yêu nhất dẫn người ta bước vào một chuyến tìm kiếm mà ở đó tình yêu có thể mang vẻ đẹp thực và siêu thực...
Nỗi đau mất đi người thân yêu nhất dẫn người ta bước vào một chuyến tìm kiếm mà ở đó tình yêu có thể mang vẻ đẹp thực và siêu thực đến thế nào. Đó là thế giới trong Glory At Sea, phim ngắn dài 25 phút của đạo diễn trẻ người Mỹ, Benh Zeitlin, ra mắt năm 2008.
Tiếng piano chàng trai đập xuống phím đàn đệm cho tiếng hét của chính anh, “Tỉnh dậy! Tỉnh dậy đi!” Đấy là lúc chiếc thuyền đưa họ đến điểm cuối của hành trình. Một chuyến đi khởi hành bởi những người ở lại, ghép chiếc thuyền từ những mảnh đổ nát, ra đi với cánh buồm trắng đục tả tơi, nghĩ về những người thân đang ở đâu đó trong lòng biển. Chiếc thuyền gẫy làm đôi.
Sự mất mát đột ngột gây ra do một cơn bão người ta không bao giờ lường trước được trong đời mình đã mang đến một nỗi đau, mà ở một điểm nào đó, người ta sẵn sàng trở nên điên rồ một cách say mê, huyên náo khuấy động, đối thoại và trả lời, bằng hành động cụ thể, thay vì yên lặng chấp nhận. Khát khao tìm lại người thân giữa biển khơi có thể là một huyễn tưởng, vô định như con thuyền tròng trành trôi đi giữa giữa dòng nước có thể nuốt chửng lấy nó, nhưng mong ước đó thỏa đáng với nỗi đau của người đi tìm, tự xác quyết rằng nó là một lựa chọn rõ ràng như sự tồn tại của tình yêu vậy.
“Chiếc thuyền cứ trôi đi. Dòng nước đưa họ đến nơi nó muốn.” Họ không biết mình sẽ đi đến đâu, nhưng biết mình xuất phát vì điều gì. Hành động đó giống như tiếng hát muốn vọng vào lòng biển, xé tan không gian tĩnh lặng, đáp lại cơn bão đã qua, bày ra sự đổ nát thực sự tự bên trong chứ không phải ở thị trấn ngổn ngang. Đó là nơi mà chất thơ của Glory At Sea cất lên.
Thế giới phim của Glory At Sea trải từ bãi biển đổ nát ra đến mặt sóng mênh mông. Benh Zeitlin tạo ra một thế giới quyến rũ và đáng tin, cho thấy sự nhạy cảm và trí tưởng tượng được giải phóng của người đạo diễn trẻ khi kể về nỗi đau và tình yêu.
Nhịp điệu và năng lượng của bộ phim được tạo ra trong sự gắn khớp nhịp nhàng giữa hình ảnh và âm thanh. Âm nhạc cùng những khoảng lặng của nó đã diễn tả những sắc thái cảm xúc lúc lúc dữ dội lúc mơ hồ theo diễn tiến mạch phim: xác xơ, hy vọng, hùng tráng, bất an, hạnh phúc vỡ òa.
Benh Zeitlin để âm nhạc vang lên từ chính những nhân vật được kể về: Họ hát ca trong tiếng trống và tiếng kèn đồng rộn rã vào đêm trước chuyến đi, họ mang lên thuyền chiếc đàn piano và một chiếc cát-xét cũ phát That’s All, Good Night từ chiếc băng từ bung rối nhặt trong đống tàn tích. Họ chìm vào tĩnh mịch của biển đêm, pháo sáng dội lên rời rạc tiếng nổ gọn ghẽ không hồi đáp.
Glory At Sea, trong trải nghiệm của mình, là một huyễn tưởng đậm chất thơ về nỗi đau của sự mất mát, cuối cùng đã mang đến cảm giác sững sờ trước vẻ đẹp siêu thực nhưng thỏa đáng, giống như tình yêu: vừa điên rồ vừa hợp lý.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất