Việt Nam ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Kể từ đó đến nay, các nỗ lực của chính quyền và người dân nhằm kiểm soát dịch bệnh như tạm dừng nhập cảnh, hạn chế xuất nhập khẩu hay cách ly xã hội… đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, dịch bệnh đem tới những ảnh hưởng xấu không thể tránh khỏi đến nền kinh tế và đời sống xã hội của đại đa số người dân. Kết thúc quý I/2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chỉ 3,82%, thấp nhất trong 11 năm vừa qua, theo các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tăng trưởng GDP quý II/2020 nằm trong khoảng từ âm 3,3% đến âm 5,1%, tùy theo diễn biến của dịch bệnh. [1]
Tạm gác lại các số liệu vĩ mô to tát, ảnh hưởng kinh tế-xã hội của dịch bệnh đã và đang xảy ra ngày trước mắt chúng ta. Việc hàng loạt công ty, xí nghiệp và các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu buộc phải đóng cửa đã gây ra tình trạng thất nghiệp tạm thời đến một bộ phận người lao động. Tác động này càng rõ rệt ở những người không có khoản tiết kiệm hay nguồn thu nhập nào khác. Một số bộ phận người dân đang đối mặt với nguy cơ thiếu thốn các nhu cầu cơ bản nhất như thức ăn hay nơi ở.
Chính phủ Việt Nam mới ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 với gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỉ VNĐ [2], tuy nhiên, nghị quyết này vẫn cần thêm thời gian để giải ngân số tiền hỗ trợ đến được tay người dân. Trong hoàn cảnh này, một lần nữa tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam được phát huy mạnh mẽ. Hàng loạt các hoạt động hỗ trợ người gặp khó khăn trong xã hội được thực hiện, như cây ATM gạo hay các chiến dịch phát nhu yếu phẩm… [3]
Bên cạnh những tác động tích cực từ những sự hỗ trợ rất kịp thời này, có nhiều vấn đề đã nảy sinh trong các hoạt động từ thiện nói trên. Cây ATM gạo ở Hà Nội đã từng phải tạm dừng hoạt động do xảy ra tình trạng chen lấn, không đảm bảo quy định giãn cách xã hội [4]. Hay mới đây, một cô gái ở TP.HCM đã chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề do những chỉ trích nhắm vào mình sau đoạn clip trong đó cô bị từ chối cho nhận gạo. [5] Sau sự kiện này, một loạt tranh luận đã nổ ra trên MXH về việc “Ai xứng đáng được nhận đồ từ thiện?”
Chắc chắn những ảnh hưởng kinh tế-xã hội từ dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài trong thời gian tới, và tinh thần “lá lành đùm lá rách” cũng nên tiếp tục được nhân rộng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để khắc phục những vấn đề trong các hoạt động  hiện nay?
Xét đến cùng thì làm thế nào để xác định ai mới đáng được giúp đỡ trong hoàn cảnh hiện tại? Hay chính việc đặt ra câu hỏi trên vốn dĩ đã chẳng cần thiết?
Hãy đề xuất ý kiến của bạn ở phần comment trong số 9totalk này.