Hà Nội trong tôi được góp nhặt từ những mảnh ghép nhỏ bé, đa màu và nhiều cảm xúc. Bao nhiêu thương nhớ dành cho Hà Nội là những ngày đông lạnh giá, khoác chiếc áo lông giày to sụ, bịt kín mít từ đầu đến chân nhưng trong lòng vẫn ấm nóng khi ngước lên nhìn thấy con đường Phan Đình Phùng trải đầy lá vàng. Những nhớ thương dành cho Hà Nội là những sáng dậy sớm cùng cô bạn thân hẹn hò gặp mặt, cùng nhau tập thể dục rồi cùng nhau đi ăn sáng, trò chuyện những câu chuyện phiếm, dông dài, không hồi kết.
Bữa sáng thân thuộc của những người con Hà Nội
Xôi xéo là thức quà sáng quen thuộc của hai đứa, cũng như thứ quà mà người con Tràng An nào đi xa cũng nhớ để trở về thưởng thức. Không chỉ là nỗi nhớ về cái hương vị cầu kỳ, tinh tế của xôi xéo mà người ta còn nhớ cái cảm giác cùng những thực khách khác đứng quây thành vòng tròn quanh cô bán hàng với chõ xôi đầy ắp. Đó còn là nỗi nhớ về cái tay thoăn thoắt đơm xôi, nhớ cái cảm giác  cầm trên tay nắm xôi vàng rụm, thơm mùi hành phi và đậu xanh, thoang thoảng mùi lá sen tươi mới.
Xôi xéo – cái tên nghe lạ mà lại quen 
Quen là vì nhắc đến xôi xéo thì ai là người Hà Nội hay đang sinh sống tại Hà Nội sẽ đều biết đến, nó tồn tại như một điều hiển nhiên trong danh sách những bữa sáng “thanh đạm” của người dân nơi đây.
Còn lạ là vì không ai biết chính xác tại sao món ăn này lại có tên là “xôi xéo”, và từ “xéo” đó được bắt nguồn từ đâu. Nhiều người Hà Nội đùa vui nhau rằng đây là món xôi “đuổi không đi”. Cũng có rất nhiều những giả thiết xung quanh cái tên “độc” này, nhưng vẫn không có ai kiểm chứng, thậm chí cả những người bán xôi lâu đời cũng không rõ. Người ta truyền tai nhau lời giải thích của một người bán xôi trên phố Bát Đàn: “Xôi này ngon là phải nắm tròn đậu xanh đã đồ chín lại. Khách gọi đến đâu thì cắt xéo xéo nắm đâụ xanh rải trên mặt xôi. Chữ xéo bắt nguồn từ đó chăng?”.
Lớp đậu xanh được thát lát xéo phủ lên trên nắm xôi
Xôi xéo – đơn giản mà lại cầu kỳ, tinh tế
Nếu như ở Miền Nam, người ta ăn xôi với dừa và đường, bỏ xôi trong những hộp xốp trắng, bọc ni lông thì nắm xôi của người miền Bắc lại thanh đạm và tinh tế hơn rất nhiều.
Gạo đồ xôi phải là loại gạo nếp cái hoa vàng thơm nức, màu vàng đặc trưng của xôi được các cụ làm bằng dá dành dành, nhưng giờ lá đó kiếm rất khó nên người ta đã thay nước củ nghệ để ngâm gạo.
Đậu xanh  phải được giã nhuyễn rồi nắm chặt lại, mềm mịn, khi thái lát không bị vỡ bởi quy trình lựa chọn hạt đậu rất cầu kỳ. Đậu được cắt xéo phủ trên cùng của nắm xôi cùng hành phi thơm vàng. Hành phi là loại hành ta, thải nhỏ, khi ăn có vị giòn bùi, để lâu không bị ỉu.
Nước mỡ hành hoặc mỡ gà được rưới lên xôi béo ngậy
Nước mỡ hành phi được giữ lại để rưới lên xôi cho xôi mềm và béo ngậy. Xôi được gói trong lớp lá sen xanh mướt, rồi buộc lại bằng sợi chỉ rơm thanh mảnh tạo nên một tổng thể hòa hợp, độc đáo của sắc – vị – hương, hòa quyện hương vị của đất, của trời.
Xôi xéo – món ăn truyền thống cùng thời đại
Chẳng ai biết chính xác nguồn gốc của món xôi xéo có từ bao giờ, chỉ biết rằng xuân hạ thu đông, mùa nào cũng thế, thời tiết nào cũng vậy, cứ từ tờ mờ sáng, người ta đã nghe thấy tiếng rao nhỏ, khe khẽ, xa xa: “Ai xôi xéo đê, xéo đê”.
Xôi xéo của ngày xưa, trong ký ức cũ kỹ mà đẹp đẽ về những năm tháng đất nước cơ cực, xôi xéo không phải là thứ xôi được thêm thắt nào ruốc, nào chả quế, patê như bây giờ.

Xôi xéo không chỉ còn là một thức quà sáng đơn thuần, mà còn là cái hồn, là nỗi nhớ của những người con xa xứ. Nhịp sống hiện đại khiến người ta vội vã và “tham lam” hơn, ăn xôi xéo cũng cầu kỳ, nửa vời hơn. Chẳng hiểu là nhà hàng làm hư thực khách hay cái sở thích “ăn gì cũng phải có thịt” của thực khách bây giờ đã làm hỏng món xôi xéo truyền thống. Có nhà văn già gốc Hà Nội, khi biết xôi xéo đã bị cưỡng bức ăn kèm với giò chả và patê thì hài hước thốt lên rằng: “Thế là người Hà Nội đã thực sự xéo lên xôi xéo”.
Nhưng dù thế nào, xôi xéo đã trở thành một phần không thể thiếu trong trái tim mỗi con người Tràng An. Gói xôi như gói lại cả cái hồn của đất trời Hà Nội, màu xôi xéo như ánh nắng sớm ban mai trong lành mà người Hà Nội ôm vào lòng mình gửi gắm trót yêu, trót thương và trót nhớ.
Như Quỳnh
Nguồn: Barcodemagazine