Gần đây tôi rất quan tâm đến vấn đề chiến sự giữa Nga và Ukraine. Bản thân không làm việc trong ngành chính trị nhưng tôi rất thích theo dõi tin tức thời sự để hiểu hơn về cuộc sống xung quanh.
Vì vậy tôi theo dõi các kênh trong nước và nước ngoài, lắng nghe và tìm đọc bài của các chuyên gia phân tích để hiểu hơn về lý do xảy ra sự kiện này và các vấn đề xung quanh. Tôi tìm hiểu nó với một niềm vui hoàn toàn tự thân vì tò mò và muốn hiểu biết hơn mà thôi.
Nhân dịp sang nhà chị gái cuối tuần, tôi cùng xem thời sự với cả nhà và bàn luận về những gì tôi tìm hiểu được. Tôi đang nói rất hào hứng về những điều tôi thấy quan trọng trong cuộc chiến thì chị gái tôi quay sang hỏi "Sao cái gì mày cũng biết về mấy ông này thế?" Tôi bảo "Em chịu khó theo dõi tin tức thì biết thôi mà". Chị tôi vặc lại "Sao không theo dõi chuyện lấy chồng đi theo dõi chính trị làm gì?"
Tất cả mọi người cười ầm lên. Tôi sững người và không nói gì nữa. Cảm thấy bị dội một gáo nước lạnh, tôi ngồi 1 lúc rồi ra về. Đi xuống nhà xe, tôi nhận ra trong mình dâng lên một nỗi buồn, nhưng không phải kiểu buồn xé lòng đủ khiến tôi bật khóc, mà là một nỗi buồn trống rỗng. Chỉ buồn thôi. Và tôi muốn tránh xa chị tôi, càng xa càng tốt.
Trên đường lái xe về nhà, tôi tự hỏi tại sao chị tôi lại nói câu đó và tại sao nó làm tổn thương tôi đến vậy. Thực ra lúc đó tôi đã cảm nhận rằng chị tôi luôn có một sự ganh tỵ ngầm với tôi, và tôi nói vậy không phải để đổ lỗi cho chị.
Ngay từ nhỏ, có lẽ chị tôi luôn có cảm giác thua kém tôi vì tôi thường xuyên thi học sinh giỏi và giành được nhiều giải thưởng huy chương (nhưng điều đó đi kèm với những hệ luỵ khủng khiếp về tinh thần mà chỉ tôi mới biết), còn chị tôi chỉ học tầm trung bình khá. Một hôm trước khi thi cấp 3, chị khóc ầm lên rằng chị sợ sẽ trượt cấp 3, chị sợ tôi sẽ coi thường chị vì tôi học giỏi hơn, và mẹ phải trấn an chị rằng không có chuyện đó.
Thực ra, tôi chưa bao giờ coi thường chị vì tôi biết chị giỏi hơn tôi rất nhiều thứ khác. Chị tôi học không xuất sắc, nhưng là người giao tiếp tốt và biết cách giữ các mối quan hệ họ hàng bạn bè thân thiết, điều mà tôi không làm được. Chị còn thành thạo và lo toan công việc gia đình, bếp núc, mua sắm đâu ra đấy, trong khi tôi luôn cảm thấy run rẩy mỗi khi phải bước vào một khu chợ vì sợ bị hét giá, bị lừa.
Quan hệ giữa chúng tôi hồi nhỏ không quá tốt. Chị vốn là người chăm sóc tôi khi mẹ bận bán hàng, chị lại rất khó tính và khắt khe nên tôi có phần vừa kính trọng chị vừa sợ chị. Lớn lên vào tuổi dậy thì chúng tôi cũng ít nói chuyện chia sẻ vì tính cách khác nhau và cả hai bận học.
Mãi đến hồi sinh viên ở cùng nhau thì chúng tôi thân thiết và thoải mái hơn. Khi chị sinh đứa đầu tiên, tôi là người đưa chị đi đẻ vì anh rể đi trực. Rồi tôi nhớ mình đã khóc rất nhiều khi nhìn chị ôm bụng bầu ngơ ngác một mình vào phòng sinh mà người nhà không được vào theo.
Chị cũng rất thương tôi. Đồ đạc quần áo của tôi đa phần là chị mua cho hoặc nhượng lại mới nguyên. Chị chưa bao giờ tiếc tôi điều gì và luôn lo nghĩ cho tôi như một đứa em ngờ nghệch chẳng biết gì. Tôi nhớ mãi một buổi tối mùa đông, khi tôi phải từ nhà chị chạy xe máy về đường xa, chị tự tay đeo găng tay và đội mũ cho tôi rồi mới cho tôi đi. Trên đường về tôi cứ lặng lẽ chảy nước mắt.
Mối quan hệ của chúng tôi là vậy. Dù chị tự hào khoe về tôi với nhiều người, nhưng đâu đó chị vẫn chưa hết cảm giác áp lực và ganh tỵ khi tôi có cái gì đó nổi trội hơn. Tôi học tốt tiếng Anh từ nhỏ. Chị tôi dù học khối A và công việc ít liên quan đến Tiếng Anh cũng phải học bằng được tiếng Anh. Tôi khuyên chị học tiếng Anh là cần thiết nhưng cần bám sát với yêu cầu công việc, nhưng chị vẫn đăng ký hết lớp này đến lớp khác, cứ học với tôi rồi sang giáo viên khác rồi nghỉ, rồi lại lặp lại.
Năm 26 tuổi tôi quyết định học piano khi ở nhà quá lâu mùa dịch và bắt đầu chơi tương đối thành thạo. Khi chị thấy tôi chơi, chị bảo nhất định chị cũng phải mua piano và học cho bằng được. Tôi tôn trọng chị và khuyến khích chị cùng học, nhưng được mấy hôm thì chị bỏ lửng. Chị không thực sự thích piano như tôi.
Quay trở lại với câu chuyện gần đây lúc tôi bỏ về sau khi chị nói sao tôi không theo dõi chuyện lấy chồng đi. Tôi thực sự cảm thấy câu nói đó là sự trả đũa trong vô thức của chị khi cảm thấy bị tôi lấn át. Chị cảm thấy rằng tôi luôn hiểu biết hơn chị và nỗi bất an đã khiến chị bật ra câu nói đó mà không hề suy nghĩ. Tôi không trách chị nhưng tôi vẫn buồn.
Về đến nhà, một ngày sau tôi nhắn tin lại cho chị nói rằng tôi cảm thấy tổn thương vì câu nói hôm đó của chị, rằng tôi cần chị biết điều đó nhưng tôi vẫn là em chị và yêu quý chị. Đó là lần đầu tiên tôi nói thẳng như vậy và phải đắn đo suy nghĩ nhiều. Chị tôi nhắn lại rằng chị xin lỗi nhưng chị nghĩ tôi đang quá nhạy cảm.
Nếu là tôi của ngày xưa - một người có low self-esteem - lòng tự tôn thấp, tôi sẽ cảm thấy mình là người có lỗi vì nhạy cảm quá. Nhưng bây giờ tôi nhận thức rất rõ cảm xúc của mình và lý do đằng sau, nên tôi kiên quyết nhắn lại chị rằng tôi không chấp nhận chị đổ lỗi cho tôi và chị cần biết câu nói vô thức của chị làm tôi cảm thấy thế nào.
Tôi không yêu cầu chị thay đổi mà tôi chỉ muốn nói ra cảm xúc thật của mình cho nhẹ lòng, và chị cần biết giới hạn của tôi nằm ở đâu. Đó là cách tôi nhận diện giới hạn của chính mình và học cách giữ quan hệ lâu dài và bền chặt.
Tôi không sợ sẽ mất quan hệ với chị khi nói ra câu đó vì dù sao chúng tôi vẫn là chị em ruột thịt, và tôi hiểu tình cảm của chúng tôi mạnh mẽ thế nào. Nhưng tôi chọn nói ra suy nghĩ của mình để không phải oán giận chị trong im lặng. Với tôi, mối quan hệ càng là ruột thịt thân thiết thì càng phải rõ ràng, đặc biệt là về mặt cảm xúc, để cả hai học cách tôn trọng và không làm tổn thương lẫn nhau dù vô tình hay cố ý.
Tôi biết có thể nhiều khi chính tôi cũng từng nói câu gì đó tổn thương chị tôi hay người khác, và đây cũng là cách tôi nhắc mình tự chú ý hơn, để không bắt người khác trải qua những cảm xúc tệ hại mà tôi đã trải qua. Đó là một phần con đường tôi học cách hiểu và tôn trọng cảm xúc của chính mình cũng như người xung quanh mà tôi cho rằng đáng phải học.