*Bài viết hoàn toàn mang tính cá nhân từ người viết, dựa trên quan điểm sống và trải nghiệm riêng.
Nhân dịp 20.11 - Ngày Nhà Giáo Việt Nam, mình muốn thảo luận về một chủ đề khác một chút, là cách dùng từ "Dạy" và từ "Hướng Dẫn".
1. Bối cảnh:
Từ quá trình là một học sinh -> sinh viên -> người đi làm, mình đã có những va chạm, tiếp xúc, đủ để đem cho mình những trải nghiệm và những điều đáng để chiêm nghiệm. Và nó có bao gồm chủ đề mình muốn nói tới hôm nay, và mình sẽ nêu ngắn 2 bối cảnh trái ngược nhau từ trải nghiệm thực tế của mình:
Bối cảnh 1:
Một người giảng viên đại học mình cực kỳ ngưỡng mộ, không chỉ về năng lực, chuyên môn ở độ tuổi trẻ mà còn về thái độ nghiêm túc với nghề và tư duy rất hiện đại. Mình vẫn ấn tượng mãi với câu nói của thầy trong buổi học đầu tiên môn Marketing Principles (mình tóm tắt đại ý nhé):
Đừng gọi tôi là "teacher" hoặc "cher", hãy chỉ gọi tôi bằng tên là Anand. Tôi sẽ là người đồng hành với các bạn trong thời gian học đại học để chia sẻ thêm kiến thức và góc nhìn thực tế, giúp các bạn học hiệu quả và có hiểu biết cơ bản về ngành.
Bối cảnh 2:
Mình từng có một người sếp mình cực kỳ yêu quý và thân thiết, cho đến tận bây giờ nhé. Mình công nhận người sếp này đã chỉ cho mình nhiều điều, từ chuyên môn cơ bản, thái độ với nghề và một tinh thần kiên trì tới cùng với mục tiêu của mình. Chỉ có một cái mình vẫn luôn giữ cho mình, không bao giờ nói ra, đó là người sếp từng nói:
Tao dạy nó những cái này.
2. Vấn đề:
Hai bối cảnh trên đã cho thấy sự đối nghịch, phải không?
Một người là giáo viên được đào tạo chính quy, nhưng lại nói với học sinh là đừng gọi tôi là giáo viên, hãy gọi bằng tên thôi. Một người là sếp, thì lại nói là tao dạy nó, "nó" ở đây là một nhân sự dưới quyền nha.
Dưới đây là định nghĩa của cá nhân mình:
Đối với mình, 2 đối tượng duy nhất có đủ tư cách, kiến thức, chuyên môn và kinh nghiệm để dạy mình là (1) ông bà, bố mẹ; và (2) giáo viên có chuyên môn dạy học đàng hoàng, không tự nhận vơ là thầy cô của ai.
(1) Ông bà, bố mẹ (không bao gồm họ hàng nhé):
Người ta nói người trong gia đình, đặc biệt bố mẹ, sẽ là hình mẫu mà trẻ con học tập và hướng tới khi còn là những viên đá chưa được mài giũa. Hình mẫu tốt, đứa trẻ sẽ trở thành một người tốt, có ích cho xã hội và ngược lại. Thông thường, khi tìm hiểu một người như một người xuất chúng hoặc một tội phạm, người ta sẽ tìm hiểu bối cảnh gia đình hoặc môi trường sống từ nhỏ đã tác động và hình thành nên nhân cách con người khi trưởng thành. Vì vậy, theo mình thì ông bà, bố mẹ sẽ có đủ tư cách để "dạy" mình vì họ là người đã tác động phần lớn đến con người mình bây giờ, ít nhất 50%.
(2) Giáo viên có chuyên môn dạy học đàng hoàng:
Giáo viên là người mang trách nhiệm "trồng người", khi đã đồng hành với đứa trẻ trong thời gian gọt giũa cả về phần kiến thức lẫn con người thì họ cũng không khác người bố, người mẹ thứ hai của mình. Tuy nhiên, vẫn nhấn mạnh người có chuyên môn, do bây giờ nhiều người mới chỉ được cho người khác cái này cái kia đã nhận vơ là thầy, cô của người khác thì những người đó theo mình là không có tư cách rồi.
3. Cách giải quyết:
Vậy dùng từ nào mới phù hợp?
Theo mình, từ phù hợp nhất nếu bạn không phải người thuộc hai phạm trù nêu trên thì nên dùng từ "hướng dẫn". Hướng dẫn là việc bạn dùng kiến thức, chuyên môn và trải nghiệm sống để chia sẻ cho người khác, nó có thể đúng và sai, nhưng ít ra bạn sẵn lòng chia sẻ với tâm thế cởi mở và để tham khảo cho người khác hoàn thiện bản thân họ.
Mình để ý những người sếp ở công ty, tập đoàn lớn cũng chỉ dùng từ "hướng dẫn/ đào tạo" chứ không dùng từ "dạy" với nhân sự dưới quyền mình. Cá nhân mình cũng không bao giờ dám nhận đi dạy người khác, mình có thể hướng dẫn, truyền cảm hứng và động lực cho các bạn, còn chỉ có chính các bạn mới có thể khai phá tiềm năng bản thân và đủ "muốn" để làm bất cứ thứ gì bạn muốn đạt được hoặc con người bạn muốn trở thành.
4. Phản biện:
Trước khi viết bài này, mình có nêu chủ đề này để thảo luận với một người bạn thân thiết. Ý của bạn ấy hơi đối ngược với mình, nhưng cũng đáng cân nhắc:
Một chữ cũng là thầy, mà nửa chữ cũng là thầy.
Quan điểm của bạn ấy là những người nhìn ra được tiềm năng trong bạn ấy, và khai phá được nó, cả về mặt năng lực chuyên môn lẫn trí tuệ cảm xúc, đều được bạn ấy coi là "thầy".
5. Kết luận:
Theo mình, mọi người nên phân biệt rạch ròi cách dùng từ "dạy" và "hướng dẫn" trong giao tiếp cơ bản, vì từ "dạy" không phải là một từ có thể dùng bừa, những người mang trách nhiệm, tầm nhìn "dạy" đều là những người rất cao cả, vĩ đại.
Tuy nhiên, việc bạn coi ai là "thầy" hoặc cách dùng từ như thế nào đều là quyền quyết định của bạn, không có sai và đúng mà chỉ có quan điểm cá nhân ở đây. Nhưng sau khi nêu các tình huống ra, mình thấy những người được coi là "thầy" vẫn là những người có tính tác động đến một con người cả về mặt chuyên môn, kiến thức lẫn thái độ sống, cảm xúc, mang tính bước ngoặt ấy.
*Note:
Có lẽ đoạn trên mình đã dùng nhiều lời khen cho thầy của mình, nhưng cũng không đồng nghĩa mình chỉ trích người sếp cũ của mình. Nếu đặt mình vào vị trí của họ, nhiều khi họ chỉ nghĩ từ "dạy" ở đây là đào tạo hoặc mentor thôi, nhưng cách dùng từ này với họ có sự tương đồng, có thể cho vui chẳng hạn; hoặc trong thế giới ngôn ngữ của họ thì những người xung quanh cũng dùng nên họ có thói quen dùng luôn.
Nếu nói mình có đánh giá không, thẳng thắn mà nói, mình CÓ. Nhưng mình chỉ giữ cho riêng mình, vì đó là quan điểm cá nhân của mình, nó không đánh giá đạo đức của người sếp mình. Người đó vẫn là một người sếp rất tận tâm với nhân viên và nghề, nên mình không cảm thấy cần thiết khi ốp quan điểm sống cá nhân vào họ.
6. Lời cảm ơn:
Cảm ơn bạn đã dành thời gian quý giá của bạn để đọc về suy nghĩ và trải nghiệm của mình. Mình chào đón những chia sẻ và ý kiến phản biện từ phía bạn, để mình có thêm góc nhìn, cũng như có cơ hội được thảo luận xa hơn về chủ đề này!
Cheers,
J