>> Download bản bài đầy đủ tại ĐÂY.
>> Xem các kỳ trước: Kỳ 1 | 2 | 3

Kỳ 4: Những nỗ lực tìm kiếm giải pháp


Phần 3: Những nỗ lực tìm kiếm giải pháp (tr.57-74)

Một tuần sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Eli Pariser (tác giả của cuốn “The Filter Bubble”) đã làm một cuộc khảo sát công khai bằng Google Doc, trong đó ông đề nghị mọi người đóng góp giải pháp cho vấn đề thông tin sai lệch. Sau vài tuần, cuộc khảo sát thu được 150 trang bình luận từ hơn 50 người, với lượng ý tưởng đủ để tạo thành bản thiết kế cho một gói giải pháp toàn diện. Tuy nhiên, hầu hết cuộc thảo luận khi đó được tiến hành trên giả định rằng truyền thông chỉ là một quá trình truyền thông tin. Như báo cáo này đã nhiều lần nhấn mạnh, cuộc thảo luận đã không giúp giải thích và giải quyết triệt để vấn đề hỗn loạn thông tin, do không tham khả góc nhìn coi truyền thông như một nghi thức [xem mục 1.4.3.2.b].
Trong suốt năm 2017, một lượng lớn giải pháp tiềm năng đã được đem ra thảo luận không ngơi nghỉ trong các hội thảo và workshop, thu hút các khoản tài trợ lớn hơn trước đây, và bắt đầu được thực hiện. Số này bao gồm lời kêu gọi của Tim Cook (CEO của Apple) về một nỗ lực quy mô lớn để chống thông tin sai lệch, các nhãn [labels] mới để phân loại nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, những chương trình có tính hệ thống để gỡ bỏ các tài khoản bot, việc tích hợp các chương trình giáo dục về truyền thông vào các cấp học, và các chương trình chia sẻ kết quả fact-check.
Facebook và Google đã công bố các phương pháp để ngăn các trang tin sai lệch kiếm tiền quảng cáo trên những nền tảng này. Tuy nhiên, các chủ trang tin đã chuyển sang dùng các nền tảng khác, và đạt được doanh thu như cũ.
Cải tiến lớn duy nhất được ghi nhận gần đây là việc Đức thông qua luật mới; theo đó các mạng xã hội sẽ bị phạt nếu không xóa trong vòng 24h các nội dung bất hợp pháp, bao gồm cả nội dung phỉ báng và kích động hận thù. Vào thời điểm này (2017), Singapore cũng đang thảo luận về một luật tương tự.
Trong các dòng dưới, báo cáo sẽ thảo luận về các giải pháp tiềm năng từ một số góc nhìn khác nhau – bao gồm công nghệ, xã hội, truyền thông, giáo dục, và luật.

3.1. Giải pháp từ phương diện công nghệ (tr.58-64)
Dù hỗn loạn thông tin là một hiện tượng rất phức tạp, xuất phát từ nhiều yếu tố kinh tế - xã hội và văn hoá mà việc thay đổi chúng đòi hỏi nhiều thời gian; sự xuất hiện đột ngột của vấn đề này trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã khiến nhiều người tìm kiếm giải pháp ngắn hạn trong các thuật toán. Những giải pháp công nghệ cũng chiếm tỉ lệ lớn rong các ý kiến thu được từ cuộc khảo sát của Eli Pariser, 

3.1.1. Những điều các mạng xã hội đã làm (tr.58-63)

a. [Xử lý Tác nhân] Ngăn chặn các bot và tài khoản mạo danh
Facebook đã khóa 30.000 tài khoản bot tại Pháp và “hàng chục nghìn” tại Anh trong khoảng thời gian hai nước này tiến hành bầu cử vào năm 2017. Có ý kiến cho rằng Facebook nên có chính sách thường trực để ngăn chặn các tài khoản bot, thay vì chỉ làm việc này trong các kỳ bầu cử.
Trong khi Facebook phải vật lộn với vấn đề này, API mở của Twitter giúp các think-tank và giới học thuật gặp nhiều thuận lợi trong việc phác họa các mạng lưới bot đang hiện diện trên nền tảng của họ. Trong một tuyên bố hồi tháng 06/2017, Twitter đã liệt kê những nỗ lực của họ để ngăn chặn các tài khoản bot – như giảm lượng hiển thị của các Tweet hoặc tài khoản vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng,  khóa các tài khoản có hoạt động trùng lặp hoặc khả nghi, thường xuyên xử lý các App đang lạm dụng API công khai của Twitter để tiến hành các hoạt động được tự động hóa.

b. [Xử lý Tác nhân] Ngăn các trang “tin giả” kiếm lợi nhuận từ quảng cáo
Một trong những động lực chính khiến người ta tạo và phát tán thông tin sai lệch là động lực tài chính. Vì vậy, cả Google lẫn Facebook đã có nhiều động thái để ngăn các trang web mạo danh, lừa đảo hoặc thường xuyên chia sẻ tin tức sai lệch tham gia mạng lưới quảng cáo của họ.

c. [Xử lý Tác nhân] Giúp báo chí tìm hiểu về các tác nhân gây thông tin sai lệch
Báo cáo cho rằng các mạng xã hội cần phát triển những công cụ tự động, để giúp các tòa soạn báo lập tức xác định Tác nhân đã tạo, sản xuất, phát tán từng mẩu thông tin sai lệch. Nếu báo chí xác định rằng Tác nhân đó là có tổ chức và đang dùng công nghệ tự động để phát tán bài, họ sẽ kịp thời cảnh báo khán giả, giúp giảm đáng kể ảnh hưởng của Tác nhân.

d. [Xử lý Thông điệp] Ngăn chặn các “quảng cáo tối” [dark ads]
Tháng 09/2017, Facebook thừa nhận rằng có bằng chứng cho thấy một tổ chức của Nga đã thuê “dark ads” (tức những quảng cáo chỉ hiển thị cho đối tượng khán giả mục tiêu) nhắm vào các công dân Mỹ. Những quảng cáo này dường như nhằm khuếch đại các thông điệp chính trị và xã hội gây chia rẽ dọc theo quang phổ ý thức hệ; bằng cách động chạm vào những chủ đề như LGBT, chủng tộc, nhập cư, quyền sử dụng súng… Vài ngày sau, một cuộc điều tra của tờ Daily Beast cho thấy một số tài khoản giả, dường như đặt ở Nga, đã sử dụng chức năng tạo Sự kiện [Events] của Facebook để tổ chức một cuộc biểu tình chống nhập cư tại Mỹ.                                                                                 

e. [Xử lý Thông điệp] Hỗ trợ các hoạt động fact-check
Năm 2017, Google News đã cho phép các nhà xuất bản dùng Schema.org để đánh dấu các nội dung đã được fact-check, sao cho phần mềm có thể tự động tìm thấy chúng.
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016,  Mark Zuckerberg đã từ chối nhìn nhận rằng “tin giả” là một vấn đề trên mạng xã hội của ông. Tuy nhiên, Facebook đã thay đổi thái độ vào ngày 15/12/2016, khi ra mắt một sáng kiến fact-check có sự tham gia của các bên thứ ba như Mạng lưới Fact-Check Quốc tế [International Fact Checking Network], hãng thông tấn AP, tờ Washington Post, và trang Snopes. Trong sáng kiến này, người dùng sẽ đánh dấu những bài đăng mà họ cho là “tin tức sai lệch”, để tạo thành một danh sách mà các tổ chức fact-check có thể nhìn thấy. Nếu một bài đăng đã bị một tổ chức fact-check phản biện, những người đọc bài sẽ được thấy điều đó, và những người share bài sẽ được nhắc nhở bằng một pop-up.
Nghiên cứu thực nghiệm vào năm 2015 của Leticia Bode đi đến kết luận rằng khi một bài đăng Facebook chứa thông tin gây hiểu lầm lập tức được làm rõ bối cảnh bằng tính năng “Câu chuyện liên quan” [Related stories], lượng hiểu lầm sẽ giảm đáng kể. Tháng 08/2017, Facebook thông báo rằng họ sẽ áp dụng tính năng này một cách rộng hơn để giúp làm rõ bối cảnh của thông tin gây hiểu ầm bằng các bài viết fact-check.

f. [Hỗ trợ Người Diễn dịch] Hỗ trợ các dự án giáo dục về báo chí
Google News Lab (được thành lập để phối hợp với các phóng viên và doanh nghiệp trong việc xây dựng một tương lai cho truyền thông) đã tham gia sáng lập tổ chức First Draft vào tháng 06/2015.
Tại 14 quốc gia, Facebook đã đặt ở đầu Newsfeed của người dùng một thông báo có link đến Top 10 lời khuyên về cách phát hiện tin tức sai lệch. Ngoài ra, họ cũng ra mắt Dự án Nghề Báo Facebook [Facebook Journalism Project] và cam kết tài trợ 14 triệu USD cho Sáng kiến Tin tức Liêm chính [News Integrity Initiative] của Trường Báo chí CUNY, cả hai cung cấp và hỗ trợ các hoạt động giáo dục về báo chí trên toàn thế giới.

g. Những điểm các mạng xã hội chưa làm được, và lý do khiến giải pháp công nghệ của các doanh nghiệp không thể giải quyết toàn bộ vấn đề hỗn loạn thông tin
Theo phản ánh của các bên thứ ba, thì thiếu sót của các doanh nghiệp công nghệ trong việc giải quyết vấn đề hỗn loạn thông tin đang có ít nhất 2 biểu hiện.
Thứ nhất, trong nhiều trường hợp, thay vì đồng ý phối hợp với các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, thư viện, xã hội dân sự và các cộng đồng chính sách để nghiêm túc giải quyết sự phức tạp của vấn đề; các doanh nghiệp công nghệ chỉ đưa ra những giải pháp mang tính đối phó, vì mục đích PR. Vì vậy, nhiều thập kỷ nghiên cứu về thông tin sai lệch, cách mọi người “đọc” và hiểu ý nghĩa của thông tin, những yếu tố làm chậm hoặc làm trầm trọng thêm tin đồn, đã bị lãng phí.
Thứ hai, như Craig Silverman đề cập trong bài viết “Facebook Must Either Innovate or Admit Defeat At The Hands Of Fake News Hoaxsters”, mạng xã hội Facebook đã không đầu tư cho việc phát triển các thuật toán giúp phân tích chất lượng sự thật của các bài đăng, trong khi đó là giải pháp đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề.
Về việc này, Facebook nhiều lần nói rằng họ vừa không muốn trở thành trọng tài của sự thật, vừa không muốn trở thành nguồn cung của những lời nói dối. Tuy nhiên, nói như lời Emily Bell, thì từ lâu báo giới đã biết những điều mà các công ty công nghệ chỉ vừa mới phát hiện ra: những thứ nội dung mà bạn không xuất bản cũng định nghĩa thương hiệu nhiều như những nội dung mà bạn xuất bản.
Trong các bằng chứng trình Ủy ban về Tin Giả của Nghị viện Anh, Martin Moore viết rằng lẽ ra người ta phải dùng công nghệ để ngăn cản sự lan truyền của một số loại tin tức, và để chỉ rõ mỗi tin tức đã bị phản bác ở chỗ nào. Tuy nhiên, các động lực chính trị, xã hội và kinh tế để sản xuất công nghệ khiến công nghệ chỉ có thể cung cấp một phần giải pháp. Các nền tảng công nghệ, mà trên đó tin tức được truyền đi, đang lệ thuộc vào quảng cáo; và quảng cáo ưu tiên những nội dung hấp dẫn có khả năng được Share rộng. Chúng không đánh giá nội dung dựa trên độ tin cậy, thẩm quyền phát ngôn và độ phù hợp với lợi ích công; vì đây không phải là những tiêu chí làm tăng lượng Like và Share. Do đó, không thể lệ thuộc hoàn toàn vào những giải pháp dựa trên việc sửa công nghệ trước sức ép của thị trường.

3.1.2. Lập danh sách đen [blacklisting], dán nhãn [flagging] và chấm điểm tín nhiệm [credibility scores] (tr.63-64)

a. Mục đích chính
Mục đích chính của hầu hết các dự án thuộc nhóm giải pháp này là xây dựng một hệ thống có thể tích hợp với Google và Facebook, có chức năng đánh tụt hạng một số nội dung từ những nguồn “không đáng tin cậy”, sao cho người dùng Internet ít nhìn thấy chúng.

b. Phải công khai các tiêu chí của việc dán nhãn và chấm điểm 
Nếu công khai các tiêu chí của việc dán nhãn và chấm điểm, một mặt, việc ngăn chặn hỗn loạn thông tin sẽ trở thành cái cớ để đàn áp các quan điểm thiểu số hoặc bất đồng. Mặt khác, người dân sẽ không tin tưởng vào các nhãn dán và điểm tín nhiệm, khiến việc phân loại nội dung trở nên phản tác dụng.

c. Một số dự án cụ thể
_ Danh sách của học giả Melissa Zimdars (Mỹ), hiện được lưu trữ tại opensources.co. Một số kỹ thuật viên đã dùng danh sách này để xây dựng các công cụ giúp “dãn nhãn” nội dung có vấn đề, thông qua những tiện ích mở rộng của trình duyệt như Check This.
_ Nhật báo Le Monde cung cấp một công cụ, cho phép độc giả kiểm tra xem một URL có cung cấp thông tin không khả tín hay không. Công cụ này được xay dựng dựa trên cơ sở dữ liệu mà các fact-checkers của Le Monde cung cấp.
_ Storyful (một doanh nghiệp chuyên tư vấn về thông tin trên mạng xã hội) đã phối hợp với công ty phân tích quảng cáo Moat và Trường Báo chí CUNY trong việc xây dựng framework "Open Brand Safety”. Đây là một nỗ lực trong việc lập danh sách những trang “tin giả” mà các mạng lưới quảng cáo cần tránh hợp tác.
_ Dự án Niềm Tin [The Trust Project], do Sally Lehrman của Đại học Santa Clara đứng đầu, đã nghiên cứu một bộ tiêu chí giúp độc giả xác định đâu là nội dung đáng tin cậy. Bộ tiêu chí bao gồm những câu hỏi như liệu tờ báo có quy định về đính chính hay không, liệu phóng viên đã từng viết về chủ đề này trước đó… Dự án hy vọng rằng nếu các tòa soạn thêm những thông tin này vào metadata của các bài báo online, Facebook và Google có thể đọc chúng, và dùng thuật toán để xếp hạng dữ liệu dựa trên chúng.
_ Ở Mỹ, có 2 dự án về độ tín nhiệm, là Lược đồ Kỹ thuật về độ Tín nhiệm [Technical Schema for Credibility], do Meedan & Hacks/Hackers phụ trách; và Dự án Chấm điểm Chất lượng Tin tức [News Quality Score Project], do Frederic Filloux phụ trách. Cả hai đều phát triển các thang điểm đo độ tín nhiệm, mà các mạng xã hội có thể dùng để cải thiện thuật toán xếp hạng.

3.2. Giải pháp từ phương diện báo chí (tr.64-67)
Giáo sư Jeff Jarvis của Trường Báo chí CUNY đã nói rằng “vấn đề của chúng ta không phải là tin giả, vấn đề của chúng ta là niềm tin”. Như nhiều tài liệu đã chỉ ra, cả niềm tin vào báo chí chủ lưu lẫn niềm tin vào các tổ chức công cộng khác đã liên tục suy giảm trong suốt nhiều thập kỷ. Như Ethan Zuckerman đã viết trong một tiểu luận vào năm 2017, nguyên nhân sâu xa của sự giảm sút niềm tin không nằm ở công nghệ, mà nằm ở sự thay đổi trong thái độ của công chúng đối với nền dân chủ.
Dù việc phục hồi niềm tin của công chúng vào truyền thông chủ lưu không thể được thực hiện trong một sớm một chiều, các sáng kiến thúc đẩy quá trình này vẫn cần được thực hiện song song với các sáng kiến để chống thông tin sai lệch.

3.2.1. Im lặng chiến lược [Stragic Silence]
Như tổ chức Data&Society đã chỉ ra trong báo cáo “Media Manipulation and Dis-information Online” (2017), những kẻ tung tin đồn không quan tâm đến việc báo chí đăng tin đồn của họ để phản bác hay để làm gì. Điều họ quan tâm là tin đồn của họ được xuất hiện trên mặt báo. Nếu không được lên báo, tin đồn của họ có thể sẽ kẹt lại trong các cộng đồng ngách trên mạng. Trong khi báo giới hiện nay có xu hướng tường thuật lại mọi tin đồn, ngành báo chí nên tổ chức một số cuộc gặp giữa các biên tập viên cấp cao, để thảo luận xem họ có hay không cần thỏa thuận về một điểm giới hạn, mà tại đó tin đồn sẽ lan từ các cộng đồng ngách trên mạng ra một tập khán giả rộng hơn.

3.2.2. Xác định nguồn gốc của thông tin xuyên tạc
Sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, fact-check đã trở thành mốt, và số lượng sáng kiến fact-check tăng vọt. Nhưng như Brooke Borel viết hồi năm 2017, trong trường hợp “tin giả” xoay quanh vấn đề quyền lực thay vì vấn đề sự thật, thì hoạt động fact-check sẽ không đủ để giải quyết vấn đề, nhất là khi độc giả vốn đã không tin tưởng vào tổ chức đảm nhận fact-check.
Vì vậy, trong báo cáo về các hoạt động tuyên truyền của Nga mà Paul & Matthews gửi RAND Corporation vào năm 2016, họ đã viết rằng nên “tiêm chủng” trước cho khán giả bằng sự thật, hoặc bằng năng lực nhận biết thông tin sai lệch, thay vì chỉ tập trung phản bác các thông tin sai.
Về việc này, Jeff Jarvis đề nghị thử nghiệm một số kỹ thuật mà hiện nay chưa được xem là một phần thông thường của nghiệp vụ báo chí. Chẳng hạn, “nhà báo nên viết về các phương pháp của những kẻ thao túng thông tin, thay vì viết về các thông điệp của họ”.
Saper Vedere, một start-up ở Bỉ, đã đưa ra kết luận tương tự dựa trên phân tích của họ về hiệu quả của fact-check trong cuộc bầu cử ở Pháp năm 2017. Đồ thị mà họ xây dựng cho thấy trong dư luận xoay quanh tin đồn rằng Macron được Arab Saudi tài trợ, tập khán giả tiêu thụ tin đồn (màu đỏ, bên phải) và tập khán giả phản bác tin đồn (màu xanh, bên trái) gần như không giao nhau:

Saper Vedere cho rằng báo giới cần những công cụ tốt hơn để làm công việc source-checking, tức kiểm tra nguồn phát tán thông tin sai lệch. Báo chí sẽ dễ dàng khơi dậy sự hoài nghi của độc giả hơn, nếu thay vì chỉ phản bác tin đồn, nó nhanh chóng chỉ ra rằng tin đồn xuất phát từ các tài khoản bot đặt tại một nước khác với nước mà tin đồn đề cập.

3.3. Giải pháp từ phương diện giáo dục (tr.68-70)

3.3.1. Nhu cầu xây dựng chương trình dạy đọc hiểu tin tức
Sau khi tiến hành một cuộc khảo sát quy mô lớn để kiểm tra khả năng của sinh viên trong việc đánh giá các nguồn tin online, các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford đã ngạc nhiên trước lượng sinh viên không thể phân biệt một quảng cáo với một nội dung báo chí, hoặc không biết đặt dấu hỏi về tính đảng phái của các dữ kiện mà bài viết đã trình bày. Gần đây, ngày càng có nhiều người đồng ý rằng cần có thêm các chương trình dạy đọc hiểu tin tức.
Nhu cầu xây dựng chương trình dạy đọc hiểu tin tức còn xuất phát từ điểm yếu của các chương trình đang được áp dụng hiện nay. Trong một bài viết khiêu khích mang tên “Liệu các khóa học về truyền thông có phản tác dụng không” (01/2017), Danah Boyd cho rằng dù các khóa học về truyền thông đã dạy sinh viên không tin vào Wikipedia, chúng lại không cung cấp cho họ đủ kỹ năng nghiên cứu để biết cách xác định độ tin cậy của bất cứ mẩu thông tin nào. Boyd đã chỉ ra một vấn đề quan trọng: học vấn về tin tức đã bị hiểu sai thành sự mất niềm tin vào truyền thông.

3.3.2. Những nội dung nên có trong chương trình giáo dục về tin tức
Có ý kiến cho rằng bên cạnh những kiến thức mang tính truyền thống, như cách phân biệt fact với bình luận; chương trình dạy đọc hiểu tin tức cần bao gồm những nội dung mới – như cách đánh giá các phát biểu mang tính thống kê và định lượng trên truyền thông, cách hoạt động của các thuật toán và AI trên mạng xã hội, cách hoài nghi các nội dung kích động cảm xúc.
Cũng cần giáo dục mọi người về sức mạnh của hình ảnh trong việc thao túng và thuyết phục. Như đã đề cập ở phần trên, não chúng ta tiếp nhận thông tin dưới dạng hình ảnh và dạng chữ theo hai cách khác nhau hoàn toàn; và trong một số môi trường thông tin, thông tin sai lệch thường xuất hiện dưới dạng hình ảnh hơn là dạng chữ.
Tiếp theo, cần trang bị cho mọi người một thói quen đọc tạo thuận lợi cho việc kiểm chứng thông tin. Trong một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Stanford vào năm 2017, người ta đã quan sát 10 nhà sử học, 10 fact-checker chuyên nghiệp và 25 sinh viên trong lúc họ thử đánh giá các website và search thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội. Nghiên cứu cho thấy khác với các fact-checker, các nhà sử học và sinh viên dễ dàng bị đánh lừa bởi một số yếu tố trên website, như những logo và tên miền trông có vẻ chính thống. Các fact-checker cũng đưa ra kết luận chính xác hơn các nhà sử học và sinh viên khi đọc trong cùng một đơn vị thời gian. Khác biệt giữa họ nằm ở thói quen đọc. Các nhà sử học và sinh viên đánh giá một website bằng cách liên tục đọc nó theo chiều dọc. Ngược lại, sau khi đọc lướt qua website cần đánh giá, các fact-checker mở một loạt các bài viết khác trong các tab nằm theo chiều ngang, và đọc chúng song song để xác định độ tin cậy của website gốc.
Sau cùng, có một sự đồng thuận rằng chương trình giảng dạy nên kích thích sinh viên thực hành thay vì chỉ giảng bài cho sinh viên. Bảo sinh viên rằng họ sai sẽ không giúp giải quyết vấn đề, và thậm chí còn phản tác dụng. Như InformAll và CILIP Information Literacy Group đã trình bày khi điều trần trước Nghị viện Anh, “bản chất của mọi giải pháp nằm ở việc kích thích sự tò mò và tinh thần tìm tòi điều tra”, trong cả giáo dục lẫn những lĩnh vực khác.
Tóm lại, mọi chương trình dạy đọc hiểu tin tức đều nên có những nội dung sau: (i) các kỹ năng truyền thống để đọc hiểu tin tức; (ii) các kỹ năng pháp y để xác minh thông tin trên truyền thông mạng xã hội; (iii) thông tin về cách các thuật toán định hình những nội dung được hiển thị cho chúng ta; (iv) thông tin về các năng lực và hàm ý đạo đức của trí tuệ nhân tạo; (v) các kỹ thuật để vượt qua khuynh hướng tự nhiên của bộ não người, theo đó nó dễ dàng tin vào những nội dung kích động cảm xúc; và (vi) số học thống kê.

3.3.3. Những dự án giáo dục về tin tức thành công gần đây
Một trong những dự án đáng chú ý nhất là Sáng kiến Phân cực Kỹ thuật số [The Digital Polarization Initiative - DigiPo], được đưa ra bởi Hiệp hội các Đại học Công lập Hoa Kỳ [AASCU], và do Mike Caulfield phụ trách. Trong dự án này, sinh viên sẽ tham gia kiểm chứng, chú thích và cung cấp ngữ cảnh cho các mẩu tin tức xuất hiện trên Facebook và Twitter của họ. Caulfield giải thích: “Điều quan trọng là giúp sinh viên hiểu các cơ chế và sự thiên vị trên Facebook và Twitter theo những cách mà chưa chương trình giáo dục kỹ thuật số nào từng chạm vào. Điều quan trọng không nằm ở việc đơn thuần giải mã những thứ ngoài kia, mà nằm ở việc phân tích xem môi trường thông tin hiện tại của chúng ta đang thiếu cái gì, và cung cấp nó nếu có thể”. 
Một số dự án thành công khác bao gồm News Literacy Project, vốn tập trung phục vụ đối tượng học sinh trung học; Trung tâm Stonybrook về Giáo dục Báo chí [Stonybrook Center for News Literacy], vốn cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng cho sinh viên đại học; và một khóa học online vừa được Đại học Hong Kong cung cấp.

3.4. Giải pháp từ phương diện pháp luật (tr.70-74)

3.4.1. Vấn đề quyền tự do biểu đạt
Mọi nỗ lực để xây dựng một khung pháp lý cho vấn đề hỗn loạn thông tin đều có khả năng mở đường cho sự xâm phạm quyền tự do biểu đạt. Để ngăn chặn nguy cơ này, khung pháp lý phải bao gồm những định nghĩa rõ ràng về hỗn loạn thông tin. Các hoạt động lập pháp liên quan chỉ nên được tiến hành khi chúng ta đã hiểu nội hàm của các khái niệm này theo cùng một cách.
Cho đến gần đây, các nước phương Tây chưa có nhiều can thiệp bằng pháp luật để giải quyết vấn đề hỗn loạn thông tin. Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ đồng nghĩa với việc họ có rất ít cơ hội để can thiệp bằng luật. Một cuộc khảo sát của BBC World Service cũng cho thấy chỉ ở 2/18 quốc gia được khảo sát, là Trung Quốc và Anh, đa số người được hỏi muốn chính phủ của họ can thiệp vào Internet.

3.4.2. Một số ví dụ về việc ngăn chặn hỗn loạn thông tin bằng pháp luật

a. Giải pháp của Ủy ban Châu Âu – buộc các mạng xã hội tự quản:
Ở Châu Âu, cuộc thảo luận về việc lập pháp để ngăn chặn hỗn loạn thông tin bắt đầu rộ lên từ tháng 12/2016. Tháng 01/2017, Andrus Ansip, Phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) về Thị trường Kỹ thuật Số, đã cảnh báo rằng nếu Facebook và các công ty công nghệ khác đã không đưa ra quan điểm cứng rắn hơn về vấn đề tin giả, EC sẽ phải can thiệp. Ủy ban Châu Âu đã thúc đẩy Facebook, Twitter, YouTube và Microsoft cùng ký vào một bộ quy tắc ứng xử nhằm giải quyết ngôn ngữ thù địch [hate speech] trên Internet, và gỡ bỏ hầu hết nội dung bất hợp pháp trong vòng 24h.

b. Giải pháp của Đức – buộc mạng xã hội tự quản, nếu không sẽ phải nộp phạt:
Tháng 06/2017, Đức đã thông qua Đạo luật Thi hành Mạng [Network Enforcement Act]. Theo đó, các mạng xã hội sẽ phải nộp phạt nếu họ không gỡ bỏ trong vòng 24h các nội dung bất hợp pháp – bao gồm nội dung không phù hợp về đạo đức, mang tính chất bôi nhọ và kích động bạo lực

c. Giải pháp của Anh – mở cuộc điều tra trong đợt bầu cử:
Tại Vương quốc Anh, Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao đã tiến hành một cuộc điều tra về tin giả [Fake News Inquiry], với các bằng chứng được gửi đến từ 79 chuyên gia và tổ chức. Cuộc điều tra đã kết thúc sau kỳ bầu cử, và hiện chưa rõ nó có được thực hiện lại trong những kỳ bầu cử sau hay không.

d. Giải pháp của Czech – lập đơn vị giám sát và đính chính các tin giả ảnh hưởng đến nội chính:
Ở Cộng hòa Czech, các nhân viên công vụ trực tiếp giám sát “tin giả”. Trước cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 10/2017, Chính phủ Czech đã thành lập một “đơn vị phân tích và truyền thông đặc biệt” trực thuộc Bộ Nội vụ, nhằm ứng phỏ với các “chiến dịch xuyên tạc thông tin” tạo nguy cơ an ninh nội bộ. Trong trường hợp phát hiện thông tin xuyên tạc [dis-information] ảnh hưởng đến an ninh nội bộ, đơn vị này sẽ công khai các dữ kiện sẵn có để bác bỏ thông tin sai lệch, thay vì “kiểm duyệt nội dung” hoặc “áp đặt sự thật lên người khác”.

3.4.3. Giải pháp dự kiến: các nền dân chủ và vấn đề quảng cáo chính trị
Trong hầu hết các nền dân chủ đa đảng, chi tiêu cho các hoạt động truyền thông liên quan đến bầu cử phải tuân theo những tiêu chuẩn nhất định. Vì vậy, sau khi Facebook thừa nhận rằng Nga đã mua một số “quảng cáo tối” [dark ads] nhắm vào cử tri Mỹ trong đợt bầu cử Tổng thống năm 2016, dư luận đã tăng áp lực đòi bạch hóa thông tin về những loại quảng cáo này, để có thể giám sát việc Ai đang xuất bản Cái gì để nhắm vào Ai trong các sinh hoạt chính trị.
Ngày 21/09/2017, Mark Zuckerberg thông báo rằng mọi quảng cáo trên Facebook sẽ đi kèm thông tin về page đã trả tiền cho nó, và sẽ được hiển thị cho mọi người dùng Facebook [thay vì chỉ cho đối tượng mà quảng cáo nhắm vào]. Trong khi đây dường như là một bước tích cực, một nhóm học giả nổi tiếng đã hồi âm Facebook bằng bức thư ngỏ có đoạn sau:
“Minh bạch là bước đi đúng hướng đầu tiên. Quảng cáo chính trị hoạt động trong một trạng thái căng thẳng cao độ giữa dữ liệu và những con người, giữa thương mại và chính trị, giữa quyền lực và sự tham gia. Vài căng thẳng trong số này có thể được giải quyết bằng sự minh bạch, số khác thì không. Con đường phía trước đòi hỏi [Facebook] phối hợp với các chính phủ, các cơ quan quản lý, các cơ quan giám sát bầu cử, xã hội dân sự và các học giả; trong việc phát triển các chính sách và hướng dẫn công cộng; nhằm đảm bảo các chiến dịch chính trị kỹ thuật số có tính công bằng, bình đẳng, và được giám sát một cách dân chủ.

(Còn tiếp. Download bản đầy đủ của bài tại ĐÂY.
Download báo cáo được giới thiệu tại ĐÂY.)