Giới thiệu một nghiên cứu về “tin giả”: “Hỗn loạn thông tin - Hướng đến một khuôn khổ liên ngành cho việc nghiên cứu & xây dựng chính sách” [Kỳ 3]
>> Download bản bài đầy đủ tại ĐÂY . >> Xem các kỳ trước: Kỳ 1 | 2 ⚜ Kỳ 3: Các thách thức từ những bong bóng màng lọc & những...
>> Download bản bài đầy đủ tại ĐÂY.
⚜
Kỳ 3: Các thách thức từ
những bong bóng màng lọc & những buồng vọng âm
Phần 2: Các thách thức từ những bong bóng màng lọc và những buồng vọng âm (tr.49-56)
2.1. Không gian công cộng bị thách thức trong kỷ nguyên Internet
Trong thập niên 1960, nhà xã hội học và triết học và triết học người Đức Jurgen Habermas đã phát triển lý thuyết về “không gian công cộng” [public sphere] – tức những không gian có thật hoặc tưởng tượng, trong đó các vấn đề công cộng được thảo luận và các quan điểm của công luận được hình thành. Harbemas cho rằng nền dân chủ cần có một không gian công cộng lành mạnh – nơi chấp nhận những ý kiến đa dạng đại diện cho các cộng đồng khác nhau, và tôn trọng tranh luận duy lý. Tuy nhiên, không gian công cộng bị thách thức bởi một thực tế rằng chúng ta thích kết nối với những người có cùng quan điểm với mình, và tận hưởng việc nói chuyện trong những “buồng vọng âm” [echo chambers], vì việc đó giúp chúng ta đỡ mất công suy nghĩ hơn.
Dù khuynh hướng hành vi này không mới, và đã được mô tả trong các nghiên cứu từ góc nhìn coi truyền thông như một nghi thức (xem mục 1.4.3.2.b), nó đang được thúc đẩy bởi các công nghệ kỹ thuật số, nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận cho các công ty công nghệ.
2.1.1. Thách thức từ các chat room và mạng xã hội
Năm 1998, trong tiểu luận “Which Technology and Which Democracy?”, Benjamin Barber viết rằng “Sự số hóa tạo ra các tri thức ngách cho thị trường ngách, và tùy chỉnh dữ liệu theo những cách có thể hữu ích cho cá nhân nhưng hầu như chẳng ích gì cho nền tảng chung. Nó cản trở việc tìm kiếm một nền tảng chung cần thiết cho nền dân chủ đại diện và thiết yếu với một nền dân chủ mạnh”.
Năm 2006, Harbemas thừa nhận thách thức mà không gian công cộng gặp phải trong kỷ nguyên Internet, khi viết rằng sự xuất hiện của “hàng triệu chat room phân tán trên khắp thế giới” đang phân tán công chúng vào “một lượng khổng lồ các vấn đề công cộng biệt lập với nhau”.
Những ý tưởng này đi vào chủ lưu từ năm 2011, khi cuốn sách “The Filter Bubble: What The Internet Is Hiding From You” của Eli Pariser được xuất bản. Pariser lý giải cách thức các công ty công nghệ điều chỉnh thuật toán của mạng xã hội, sao cho người dùng gặp càng nhiều thông tin hợp với thói quen và sở thích của mình càng tốt, để làm họ dùng mạng xã hội nhiều hơn, từ đó đem lại nhiều lợi nhuận hơn.
Dù các mạng xã hội đã làm một số động tác chống thông tin sai lệch, chưa có dấu hiệu cho thấy họ có thể bỏ thuật toán kiểu này. Kết quả là mỗi nhóm công chúng chỉ tiêu thụ và chia sẻ thông tin trong những “bong bóng màng lọc” [filter bubbles] và “buồng vọng âm” [echo chambers] an toàn và thoải mái của riêng họ, nơi các ý tưởng của họ không bị ai thách thức. Quá trình này làm gia tăng sự phân cực, và khiến công chúng không đạt được những đồng thuận cần để vận hành nền dân chủ.
2.1.2. Thách thức từ các Tác nhân tạo thông tin sai lệch
Các Tác nhân tạo thông tin sai lệch hiểu rõ hiện tượng này. Để tận dụng nó, họ thường chọn khán giả mục tiêu là những nhóm người có khuynh hướng chấp nhận Thông điệp – tức những nhóm diễn dịch Thông điệp theo hướng Tuân theo [Hegemonic] thay vì Thương lượng [Negotiated] hoặc Chống lại [Oppositional] (xem mục 1.4.3.1). Nếu họ thành công, những người tiếp nhận Thông điệp sẽ liên tục chia sẻ nó trong “buồng vọng âm”. Thông tin sai lệch được truyền trong mạng lưới những người ngang hàng tin tưởng nhau, đó là lý do khiến nó lan nhanh như vậy.
2.1.3. Thách thức từ sự suy yếu của báo chí địa phương
Các mạng xã hội mới nổi lên đã chiếm doanh thu từ quảng cáo từ báo chí, và ngày càng lấn át báo chí trong vai trò cung cấp tin tức. Hiện tượng này đã diễn ra song song với sự suy yếu của báo chí địa phương trong những nền dân chủ lớn nhất trên thế giới, khi nhiều phòng tin tức địa phương bị buộc phải cắt giảm nhân sự, sáp nhập hoặc đóng cửa. Chẳng hạn, ở Anh, số đầu báo địa phương suy giảm trong giai đoạn 2005-2017 là khoảng 200. Một nghiên cứu đoán rằng nếu không có sự can thiệp, một nửa số đài truyền hình thương mại cỡ vừa và nhỏ của Canada vào năm 2017 sẽ không còn tồn tại vào năm 2020. Một bài báo trên tạp chí Columbia Journalism Review cho thấy nhiều thành phố ở Mỹ chỉ còn một tờ báo địa phương, hoặc thậm chí không có tờ nào. Sự suy giảm này tác động xấu đến nền dân chủ.
Năm 2009, “Ủy ban Knight về Nhu cầu Thông tin của các Cộng đồng trong nền Dân chủ” [Knight Commission on the Information Needs of Communities in a Democracy], đặt trụ sở ở Mỹ, đã kết luận rằng thông tin “cũng quan trọng với sinh hoạt lành mạnh của các cộng đồng, tương tự như không khí sạch, an toàn giao thông, giáo dục chất lượng, và y tế công cộng. Khi báo chí địa phương không tồn tại, những nguồn thông tin khác sẽ lấp khoảng trống.
Năm 2017, Nina Jankowicz viết trên New York Times rằng: “Khi không có những tin tức kết nối người dân với chính quyền địa phương của họ, hoặc các bài viết phân tích cách các chính sách liên bang ảnh hưởng đến việc kinh doanh tại địa phương, người dân bị bỏ lại giữa những tin tức về chính trị bẩn ở Washington hoặc các ngân hàng lớn ở New York… Người đọc so sánh phạm vi này với số dư ngân hàng đang suy giảm và cơ sở hạ tầng xuống cấp của họ, cảm thấy bị mất kết nối và tước quyền, để rồi bám víu vào thứ gì đó, bất cứ thứ gì nói chuyện với họ. Đó có thể là các tweet của Tổng thống Trump; các “tin tức” mập mờ từ các trang web cực hữu hoặc cực tả; hoặc các thông tin xuyên tạc từ Nga, nơi đang khai thác khoảng trống niềm tin này”.
Các đại lý tin tức địa phương cung cấp một trải nghiệm chung cho một cộng đồng. Khi các cộng đồng lệ thuộc vào khẩu phần tin tức mang tính cá nhân từ các mạng lưới xã hội của họ, trải nghiệm chung này sẽ biến mất.
Phòng Thí nghiệm về các Máy móc Xã hội [The Laboratory for Social Machines] tại MIT đã nghiên cứu các bong bóng màng lọc, về cách chúng hình thành và cách mọi người cố thoát khỏi chúng. Trong một nghiên cứu được xuất bản vào tháng 12/2016 của họ, mô hình trực quan mô tả các mạng lưới chia sẻ tweet trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ đã cho thấy mạng lưới của những người ủng hộ Trump và những người ủng hộ Clinton hầu như không giao nhau. Những người ủng hộ Trump tạo thành một nhóm biệt lập khi nói về chính trị trong suốt kỳ bầu cử, và nhóm này có rất ít kết nối với những người ủng hộ Clinton hoặc truyền thông chủ lưu:
Cũng có một số nghiên cứu thách thức ý tưởng về sự nguy hiểm của các buồng vọng âm. Một cuộc khảo sát trên 1400 người tại 7 quốc gia hồi năm 2017 đã kết luận rằng những người tham gia chính trị online thường có ý thức hơn trong việc kiểm tra các thông tin khả nghi, bao gồm việc tìm kiếm thông tin từ những nguồn bổ sung, theo những cách giúp họ chọc vỡ các bong bóng màng lọc và thoát khỏi các buồng vọng âm. Báo cáo năm 2017 của Viện Reuters về Nghiên cứu Báo chí [Reuters Institute for the Study of Journalism] cũng kết luận rằng dù các bong bóng màng lọc và buồng vọng âm là có thật, những người sử dụng mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đã trải nghiệm nhiều thông tin đa dạng hơn so với những người không sử dụng.
2.2. Một số đổi mới đã được thực hiện để duy trì không gian công cộng trong kỷ nguyên Internet
Lo ngại gia tăng sau vụ Brexit và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 đã thúc đẩy các nền tảng mạng xã hội, các tổ chức học thuật và các tổ chức của bên thứ ba [third-party organizations] tiến hành một số đổi mới để giúp mọi người chọc nổ bong bóng màng lọc của họ.
2.2.1. Những đổi mới đã được thực hiện bởi các mạng xã hội
a. Facebook, với các tính năng “Related Articles” và “Perspectives”
Facebook đã cho ra mắt một tính năng [Feature] mới mang tên Bài viết Liên quan [Related Articles], được thiết kế để hiển thị nhiều khía cạnh của một tin tức.
Trong cuộc bầu cử ở Anh và Pháp năm 2017, Facebook đã cho ra mắt tính năng Perspectives [Quan điểm], cho phép người dân so sánh thái độ của các ứng viên hoặc các chính đảng mỗi khi click vào một bài viết liên quan đến bầu cử.
2.2.2. Những đổi mới đã được thực hiện bởi các tổ chức của bên thứ ba
a. PolitEcho
Là một phần mở rộng của Google Chrome, PolitEcho thống kê các trang tin tức mà bạn bè trên Facebook của người dùng đã Like, để vẽ biểu đồ thể hiện khuynh hướng chính trị của Friendlist người dùng, từ đó chỉ ra liệu Newsfeed của họ có phải là một bong bóng màng lọc.
b. Flipfeed
Là một phần mở rộng của Chrome, Flipfeed cho phép người dùng xem một cách ngẫu nhiên Twitter feed của người có quan điểm chính trị hoàn toàn trái ngược với mình.
c. Rbutr
Là một phần mở rộng của Chrome, Rbutr giúp liên kết các webpage với nhau trên cơ sở page này phản bác [rebutt] page nọ. [Chẳng hạn, nếu thấy bài viết A cung cấp thông tin phản bác bài viết B, bạn có thể liên kết A và B trên Rbutr. Khi những người dùng khác đọc bài viết B, họ sẽ được thông báo rằng bài B đã được bài A phản bác. Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu cộng đồng Rbutr tìm bài phản bác cho một bài viết khả nghi.]
2.2.3. Những đổi mới đã được thực hiện bởi báo chí
a. Tờ Wall Street Journal và tính năng “Blue Feed, Red Feed”
Wall Street Journal đã cung cấp tính năng “Blue Feed, Red Feed” [Feed Xanh, Feed Đỏ], cho thấy người dùng Facebook thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau đang chia sẻ thông tin khác nhau như thế nào trong các chủ đề như Trump, súng, y tế công cộng và nhập cư. Nếu đa số các bài viết của một nguồn tin được một nghiên cứu vào năm 2015 xếp hạng là “rất có khuynh hướng bảo thủ”, nguồn tin đó sẽ được hiển thị trong Feed Đỏ; và ngược lại với Feed Xanh. Chẳng hạn, đây là ảnh chụp trang “Blue Feed, Red Feed” về vấn đề nhập cư (http://graphics.wsj.com/blue-feed-red-feed/#/immigration):
b. Tờ Buzzfeed và tính năng “Outside Your Bubble”
Buzzfeed đã cung cấp tính năng “Outside Your Bubble” [Bên Ngoài Bong Bóng Của Bạn], giúp đặt các ý kiến chủ quan trên các website vào một nền tảng [platform] mang tính trung lập. Các comment của cộng đồng, thường là phần giàu cảm xúc và tính chiến đấu nhất trong các bài viết online, sẽ được tính năng này viết lại thành các gạch đầu dòng không nặng về cảm tính.
c. Chuyên mục “Burst Your Bubble” của tờ The Guardian, và bản tin “Right Richter” của tờ Washington Post
The Guardian có chuyên mục hằng tuần mang tên “Burst Your Bubble” [Chọc Nổ Bong Bóng Của Bạn], cung cấp “5 bài viết bảo thủ đáng đọc” cho các độc giả theo khuynh hướng tự do. Tương tự, Washington Post có bản tin “Right Richter” của ký giả Will Sommer, trong đó tổng hợp các quan điểm cánh hữu cho độc giả cánh tả.
d. AllSides.com
Trang AllSides.com tuyên bố rằng nó có sứ mệnh phơi bày sự thiên vị và cung cấp “nhiều góc nhìn về cùng một câu chuyện, để giúp độc giả nhanh chóng nắm được bức tranh toàn cảnh, thay vì chỉ có một góc liếc xéo. Mục “Tin tức” trên website này được trình bày thành 3 cột, là “Cánh Tả”, “Cánh Hữu”, Trung Lập”:
2.2.4. Đề xuất của báo cáo
Thách thức sau cùng mà bong bóng màng lọc đặt ra là chúng ta phải đào tạo lại bộ não của mình, sao cho nó biết tìm kiếm các góc nhìn khác. Nhiều người cho rằng nếu chúng ta đã được dạy về sự cần thiết của một thực đơn dinh dưỡng có đầy đủ hoa quả và rau xanh, thì chúng ta cũng cần được dạy về sự cần thiết của một thực đơn truyền thông chứa nhiều quan điểm chính trị đa dạng. Trong khi chúng ta có thể gây sức ép để buộc các mạng xã hội đa dạng hóa thực đơn của mình, chúng ta không thể buộc mọi người click hay đọc các nội dung trái chiều. Facebook cũng thừa nhận rằng khi họ cố mang những thông tin trái chiều đến cho người dùng, người dùng có khuynh hướng không click vào chúng.
Vì vậy, báo cáo nhấn mạnh rằng hoạt động tiêu thụ thông tin cần được xem xét qua cả góc nhìn coi truyền thông như một nghi thức lẫn góc nhìn coi truyền thông như một quá trình truyền thông tin. Nếu chúng ta công nhận rằng con người tìm kiếm và tiêu thụ thông tin vì những lý do khác ngoài nhu cầu thông tin – như nhu cầu cảm thấy được kết nối với những người giống mình, hoặc với một căn cước cụ thể – thì chúng ta cũng cần công nhận rằng để chọc nổ các bong bóng màng lọc, cần nhiều điều hơn ngoài cung cấp thông tin đa dạng.
⚜
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất