Vì sinh ra trong một gia đình nhiều người làm trong ngành Giáo dục, nên tôi luôn dành cho nghề giáo một tình yêu mãnh liệt.

Cuộc đời của mẹ tôi gắn liền với nghề dạy học. Bà là một nhà giáo tốt, luôn chăm lo và quan tâm đến những học sinh của mình. Bà luôn cố tạo những điều kiện tốt nhất cho lũ trẻ. Trong cuốn sổ tay của bà, hay đơn giản là cuốn giáo án cũ thôi, luôn đầy chi chít dòng chữ "Tất cả vì học sinh thân yêu.". 
Nhưng điều đáng chú ý rằng, không phải tất cả những nhà giáo mà tôi biết, đều như vậy. Và buồn hơn rằng, đa số họ không phải vậy. Thậm chí, một số "giáo viên" không đáng được gọi như vậy. Tôi cảm nhận rằng, họ đến trường không phải để dạy học mà là để trông trẻ. 
Một lần đi chơi cùng tập thể giáo viên của trường mẹ, và sau đó, tôi luôn hỏi mẹ rằng, rốt cuộc thì lũ trẻ sẽ học được gì từ những người "nhà giáo" như vậy? Tôi không dám bàn cãi đến học thức, trình độ của họ, nhưng về tư cách, thẳng thắn nói rằng họ không xứng đáng được đứng trong ngành. 
'Bạn sẽ học được gì khi cô giáo của bạn chửi bậy trong lớp, khi ngồi trong lớp bạn đang chăm chỉ làm bài lại thấy cô giáo của bạn ngồi lướt Facebook, và cười ha hả?' Tôi không nghĩ đó là ý hay. 

Lạ lùng thay, không hề lạ khi thấy một đứa trẻ "sắp lên lớp một" không phải đang chơi thả diều ngoài cánh đồng vừa gặt mà ngồi trong một lớp học thêm nào đó để lật giở cuốn "Tiếng việt lớp 1". Và đương nhiên là không chỉ lớp một. Tôi không biết điều đó có phổ biến hay không, nhưng nó đáng báo động. Một lớp học hè ở quê tôi, khoảng 20 bé, đầy đủ một cấp học từ lớp 1 đến lớp 5. Và điều chúng học là những gì chúng sẽ được học vào năm học tới. Vậy, chúng sẽ học gì khi đến lớp vào năm sau? Và tôi tự hỏi, những người đứng dạy chúng có bao giờ hỏi câu hỏi đó hay chưa? Và .. hình như chưa.
Tôi cũng gặp nhiều những nhà giáo thực thụ, họ dành hết tâm huyết của mình cho lũ học sinh bướng bỉnh. Chúng tôi đã từng khiến cô giáo của mình buồn, thất vọng, cô không nói, nhưng tôi chắc vậy. Nhưng cho đến bây giờ, đã ra trường, cô vẫn luôn chào đón chúng tôi, yêu thương và quan tâm chúng tôi như những ngày hè nắng như đổ lửa ấy. 

Kỳ thi THPT năm ngoái, có một tin khiến tôi luôn lo lắng rằng ngành Sư phạm sẽ đi về đâu khi có một trường Cao đẳng Sư phạm tuyển sinh với 3 môn 9 điểm? Dù lý giải như thế nào thì nó vẫn cho thấy rằng ngành Sư phạm của chúng ta đang thực sự "rớt giá". 

Thật sự thấy buồn khi chị họ của tôi vật lộn với tấm bằng giỏi của trường đại học Sư phạm chính quy để đi xin việc từ Bắc vào Nam. Và buồn khi những giáo viên mà tôi biết, rất ít người thực sự dành tình cảm cho nghề này. Lúc thi đại học, mẹ luôn mong muốn tôi đi theo nghề này. Tôi tự tin khi nói kiến thức của mình ổn, cơ hội việc làm có khả năng, nhưng không theo con đường ấy. Bởi vì bản thân không đủ dũng khí, không đủ can đảm và không đủ kiên nhẫn để đảm bảo một tương lai cho những đứa trẻ. Vậy nên nhận thấy không đủ tư cách để trở thành một giáo viên. 
Tôi mong rằng trước khi bạn bước vào kì thi đại học và chọn lấy một ngành để theo học, thì Sư phạm là lựa chọn khi bạn cảm thấy mình đủ tốt về kiến thức lẫn nhân cách. Chứ không phải là lựa chọn cuối cùng.

Những đứa trẻ cần được chăm sóc và nuôi nấng theo cách mà chúng muốn chứ không phải người lớn. Người lớn phải học cách lắng nghe. Đặc biệt là những nhà giáo. Xã hội cần những người có đủ nhân cách và trình độ để phát triển lũ trẻ, và đó chẳng phải là cách mạng giải phóng con người hay sao?
Cải cách giáo dục, phải bắt đầu từ việc thay đổi bộ máy Sư phạm, thiết nghĩ. 
....
Những ý kiến có vẻ bảo thủ và cố chấp. Cảm ơn bạn đã đọc, và luôn muốn lắng nghe những góp ý về vấn đề cũng như cách viết từ bạn.
Thanks <3