Giáo dục và Ý nghĩa cuộc sống
Trích dẫn từ bản dịch của Đinh Hồng Phúc từ bản gốc Education and The Significance of Life viết bởi J.Krishnamurti. ...
Trích dẫn từ bản dịch của Đinh Hồng Phúc từ bản gốc Education and The Significance of Life viết bởi J.Krishnamurti.
Muốn tạo dựng một nền giáo dục đúng đắn ta phải hiểu rõ ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ khi nào ta can đảm đối diện với một trải nghiệm khi nó xảy đến với mình và không tìm cách tránh né sự xáo trộn thì ta mới thành công trong việc duy trì sự tỉnh giác cao độ về mặt trí tụê; và sự tỉnh giác cao độ ấy chính là trực giác - người dẫn đường chân chính duy nhất của ta trong cuộc sống.
Chúng ta có thể được giáo dục rất tốt nhưng nếu không tạo ra sự hợp nhất sâu sắc giữa tư tưởng và tình cảm thì cuộc sống của chúng ta không thể trọn vẹn, nó sẽ bị sâu xé và mâu thuẫn bởi đủ kiểu lo sợ.
Ta cần phân biệt cá nhân và cá thể. Cá nhân là thứ mang tính ngẫu nhiên, từ hoàn cảnh chào đời, môi trường sống, … Cá nhân mang tính nhất thời, nền tảng giáo dục nếu đặt trên tính cá nhân sẽ dẫn đến sự lệch lạc trong suy nghĩ và khắc sâu nỗi sợ mang tính phòng vệ bản thân.
Mục đích của giáo dục là tạo ra những con người toàn diện được giải thoát khỏi nỗi sợ, chỉ với sự thấu hiểu sâu sắc về chính mình thì nỗi lo sợ mới chấm dứt. Người dốt nát không phải là người không có học thức mà là người không hiểu biết về chính mình. Sự hiểu biết sẽ đến với những ai nhận biết được toàn bộ diễn trình tâm lý của chính mình.
Không có một lý tưởng hay bản thiết kế nào cho Utopia, các lý tưởng không đủ làm thay đổi các giá trị hiện thời. Khi chúng ta dốc sức cho lý tưởng, chúng ta không quan tâm đến con người mà chỉ quan tâm đến ý tưởng Họ nên là gì. Cái nên là trở nên quan trọng nhiều hơn Cái đang tồn tại. Các lý tưởng không có chỗ trong nền giáo dục đúng đắn vì nó cản trở sự hiểu biết về thực tại.
Nhà giáo dục dành toàn bộ trí lực và tình cảm của mình cho việc tạo ra môi trường phù hợp cho việc phát triển sự thông hiểu, sao cho đứa trẻ đến tuổi trưởng thành đều có thể giải quyết thông mình các vấn đề mà em gặp phải. Để làm được điều này, nhà giáo dục trước tiên phải hiểu biết chính bản thân mình thay vì cậy vào ý thức hệ, hệ thống hay đức tin.
Chúng ta hãy ngưng ngay lối suy nghĩ dựa theo các nguyên tắc và lý tưởng mà hãy nhìn nhận sự việc như chúng đang là; vì chính lối xem xét cái đang tồn tại mới làm thức tỉnh trí tuệ; và trí tuệ của nhà giáo dục còn quan trọng hơn kiến thức của anh ta về một phương pháp giáo dục tân tiến nào đó.
Loại hình giáo dục đúng đắn là loại giáo dục thực sự hiểu trẻ em mà không áp đặt lên chúng một hình ảnh mà ta nghĩ các em nên trở thành như thế. Bậc phụ huynh thực sự yêu thương đứa trẻ sẽ quan sát em, tìm hiểu các khuynh hướng của em, tâm trạng của em, nét cá tính của em; chỉ khi không có tình yêu thương ta mới áp đặt lý tưởng lên một đứa trẻ.
Chừng nào sự thành công còn là mục tiêu của chúng ta thì chừng ấy chúng ta vẫn chưa thể vượt qua nỗi sợ hãi, vì sự ham muốn thành công tất yếu dẫn đến trạng thái sợ thất bại.
Trong khi cung cấp thông tin và chương trình đào tạo kỹ thuật, nền giáo dục trước hết khuyến khích học sinh: (1) có cái nhìn toàn diện về cuộc sống, (2) nhận ra và tháo dỡ trong em sự phân biệt và thành kiến xã hội, (3) không chạy theo quyền lực và sự hám lợi, (4) quan sát bản thân đúng đắn & trải nghiệm cuộc sống.
Để hiểu chính mình ta phải ý thức về mối tương quan giữa ta, không chỉ với người khác, mà còn với của cải, với những tư tưởng và với thế giới tự nhiên. Nếu ta muốn tạo nên cuộc cách mạng thực sự trong các mối tương quan của con người, cái vốn là nền tảng của mọi xã hội, cần phải có sự thay đổi căn cơ trong các giá trị và tầm nhìn của chính ta. Các mối tương quan dựa trên cảm xúc không bao giờ là phương tiện để giải thoát khỏi cái tôi; thế nhưng phần lớn các mối tương quan của chúng ta lại dựa trên cảm xúc, vốn là kết quả của ham muốn vị lợi, sự an nhàn, cảm giác an toàn tâm lý.
Việc bắt chước những gì chúng ta nghĩ mình nên là sản sinh ra nỗi sợ hãi, và sợ hãi giết chết tư duy sáng tạo, chúng ta trở nên vô cảm trước nỗi đau của chính mình, với hoàn cảnh khốn cùng của người khác. Nỗi sợ hãi không thể bị xóa bỏ bằng kỷ luật, sự thăng hoa hay bất cứ hành vi nào của ý chí, các nguyên nhân của nó phải được truy tìm và thấu hiểu, và điều đó cần sự kiên nhẫn và thông tuệ.
Hiểu và xóa bỏ những nỗi sợ ý thức thì tương đối dễ, nhưng với những nỗi sợ vô thức vì ta vội vàng dồn nén lại và trốn tránh. Một trong những hệ quả của sợ hãi là chúng ta chấp nhận uy quyền trong các vấn đề của con người, chúng ta muốn được an toàn, không muốn xáo trộn; cho dù đó là sự tôn kính hay tuân phục kẻ được coi là nhà hiền triết.
Có kiến thức không sánh bằng trí tuệ. Sự khôn ngoan song hành với việc từ bỏ cái tôi. Có đầu óc cởi mở hơn học hành; đầu óc cởi mở không phải nhét thêm thông tin mà: (1) bằng các ý thức về những tư tưởng và tình cảm của chính mình, (2) bằng cách quan sát bản thân và những ảnh hưởng đến mình một cách cẩn trọng, (3) bằng cách lắng nghe người khác, (4) bằng cách quan sát người giàu và người nghèo, kẻ quyền thế và hèn mọn.
Chỉ có tình yêu thương và tư duy đúng đắn mới làm nên cuộc cách mạng thực sự, cuộc cách mạng bên trong chính mình. Nhưng làm thế nào chúng ta có được tình yêu thương? Không phải bằng sự theo đuổi một tình yêu lý tưởng, mà chỉ khi nào không còn thù hận, không còn tham lam, không còn cảm thức về cái tôi. Người nào mưu cầu trục lợi, chạy theo thói tham lam, ganh tị, kẻ ấy không bao giờ có tình yêu thương.
Nếu mối tương quan cúa chúng ta với người khác dựa trên sự đề cao bản thân, giữa ta và của cải dựa trên sự hám lợi, thì cấu trúc xã hội là một thứ cấu trúc cạnh tranh và cô lập. trong tương quan giữa ta và tư tưởng, khi chúng ta biện minh cho một ý thức hệ đối lập với một ý thức hệ khác, sự ác ý và sự không tin cậy lẫn nhau là kết quả.
Giáo dục trở thành phương tiện của chính phủ để dạy cho cá nhân nghĩ đến CÁI GÌ chứ không phải nghĩ NHƯ THẾ NÀO.
Tin rằng hòa bình có thể đạt được bằng bạo lực chẳng khác nào hy sinh hiện tại cho một lý tưởng trong tương lai; việc tìm kiếm muc đích đúng đắn bằng những phương tiện sai lầm là nguyên nhân gây ra thảm họa hiện nay.
Chừng nào chúng ta còn mong muốn con cái mình là người có quyền lực, có địa vị quan trọng hơn và cao hơn, ngày một thành công hơn, thì chừng ấy chúng ta vẫn chưa có tình yêu thương trong trái tim mình.
Điều đầu tiên mà người thầy phải tự hỏi khi quyết định dấn thân vào sự nghiệp đưa đò, đó là anh ta hiểu chính xác ý nghĩa của việc dạy học là gì. Anh ta sẽ dạy các bộ môn thông thường theo nếp cũ? Anh ta muốn định hình đứa trẻ trở thành một bánh răng trong cỗ máy xã hội, hay giúp em trở thành một con người toàn diện và sáng tạo, tức là trở thành một mối đe dọa, thách thức đối với các giá trị sai lầm. Và nếu nhà giáo dục muốn giúp học trò của mình biết khảo sát và hiểu các giá trị, nhũng ảnh hưởng đang tồn tại xung quanh em và em là một phần của những điều đó, thì liệu bản thân anh ta không cần phải ý thức về chúng hay sao? Nếu bản thân mình mù lòa thì làm sao có thể giúp người khác qua sông được? Người thầy lúc nào cũng phải tỉnh táo, ý thức sâu sắc về những tư tưởng và tình cảm của mình, ý thức về những cách mình đã bị quy định, ý thức về hành động và phản ứng của mình; vì chính sự quan sát thận trọng này làm cho trí tuệ nảy sinh, và cùng với trí tuệ là sự thay đổi triệt để trong mối tương quan giữa anh ta với người khác, sự vật, sự việc khác.
Nhà giáo dục chân chính là người không có uy quyền, không có quyền lực trong xã hội, anh ta vượt ra khỏi sự thưởng phạt của xã hội.
Sau cùng, nhà giáo dục và học trò của anh ta đang giúp đỡ lẫn nhau để giáo dục chính họ.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất