Nếu giáo dục trước đây phần lớn được khuôn đóng trong một chương trình học chính thức, phổ thông, thì hiện tại đã trở thành một chủ đề được tất cả mọi người chung tay đóng góp. Cùng với sự giao thoa của các nền giáo dục, việc du học và trao đổi học sinh, chúng ta đón nhận ngày càng nhiều những phương pháp giáo dục mới, những luận thuyết và phương châm giáo dục rất khác nhau.
Những làn sóng mới nổi đó tuy quyết liệt, mạnh mẽ và cho thấy nhiều ưu điểm riêng, nhưng xen cũng lẫn nhau trong những ý kiến trái chiều và hiểu biết phần nhiều còn giới hạn. Giống như một bức tranh đa sắc dễ khiến người ta rối mắt, những nhà giáo, phụ huynh hay học sinh hẳn không khỏi bối rối trước vô số xu hướng của hiện tại.
Trong tình hình đó, rốt cuộc cũng đã có một người ngồi xuống, đưa ra cho chúng ta một cái nhìn tổng quản và bằng quan điểm, hiểu biết, trải nghiệm sâu rộng của mình chỉ ra những vấn đề cốt lõi và đề xuất một con đường sáng rõ. Đó là việc mà Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đã làm trong cuốn sách Giáo dục, tương lai và đổi mới. 

Câu chuyện của một người có tâm với giáo dục

Nguyễn Chí Hiếu từng trải nghiệm rất nhiều mô hình giáo dục khác nhau, thụ hưởng với những nền giáo dục được cho là xuất sắc nhất. Trong gần 10 năm qua, anh trực tiếp tư vấn xây dựng, chuyển đổi và nâng tầm mô hình giáo dục cho hơn 100 trường học phổ thông, đại học, công ty giáo dục và tổ chức phi lợi nhuận, từ những mô hình trường học nhỏ cho đến các hệ thống giáo dục lớn nhất nước.
Với kiến thức và trải nghiệm phong phú đó, khó có người nào thích hợp hơn anh để bàn luận về những vấn đề này. Và điều quan trọng hơn cả vẫn là tâm huyết anh dành cho con đường này, là khát vọng về một nền giáo dục chân chính, thực sự đặt trọng tâm vào việc trồng-người.
Cuốn sách Giáo dục, tương lai và đổi mới là cốt tủy của những gì Nguyễn Chí Hiếu đã, đang và sẽ đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam. Tin rằng, hơn cả một tài liệu công phu, cuốn sách còn là câu chuyện truyền cảm hứng tới tất cả nhà giáo, phụ huynh và bất cứ ai quan tâm tới chủ đề giáo dục.

Phân tích sắc sảo, thông tin cập nhật, câu chuyện cuốn hút

Thật ra, ngay cả người trong ngành, không phải lúc nào cũng sẵn sàng đọc những cuốn sách dài hơi, phân tích chi li tỉ mỉ và bao quát về một vấn đề mang tính chuyên môn. Nhưng đó không phải là trường hợp của “Giáo dục tương lai và đổi mới”. Cuốn sách này được viết với một giọng văn gần gũi, gần như là một chuỗi những câu chuyện được lồng ghép khéo léo những phân tích sắc sảo và thông tin giá trị. Như thế bạn đang nghe một bài giảng từ một diễn giả có lối nói cuốn hút, ngôn từ sinh động. Dù là bài giảng kéo dài suốt 3-4 tiếng thì bạn vẫn đủ sức để tập trung nghe đến phút cuối cùng. Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu quả thực có tài năng đó. Cuốn sách này sẽ thu hút bạn ngay từ trang đầu tiên và bạn cứ thế đọc một lèo cho đến hết.
300 trang sách, không dày không mỏng, nhưng đủ thông tin, đủ tri thức và đủ cảm hứng cho bất cứ ai quan tâm đến giáo dục.
Giáo dục, tương lai và đổi mới được viết bởi một giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy trực tiếp ở tất cả các khối lớp thuộc cấp tiểu học, trung học, đại học và cao học ở nhiều môn khác nhau, góc nhìn và những phân tích của tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu đương nhiên mang tính thực tiễn cao và rất sắc sảo.
Bên cạnh đó, điều làm nên giá trị cuốn sách còn là trải nghiệm phong phú của tác giả về nhiều nền giáo dục, phương pháp giáo dục khác nhau. Trong cuốn sách của mình, tác giả cũng chia sẻ lại những chuyến đi, những con người và cuộc gặp gỡ đã truyền cảm hứng và mang đến cho anh nhiều bài học bổ ích. Xen kẽ trong đó là suy tư, chiêm nghiệm của một nhà giáo có tâm với nghề, một con người sống với niềm đam mê của mình bằng tất cả nhiệt huyết và sức sống.
Tất cả những điều đó đủ làm nên một cuốn sách xứng đáng để bạn dành ra 3 tiếng cuộc đời của mình. Chúc những người yêu sách và đam mê tri thức luôn sống với nhiệt huyết, quyết tâm và tiến xa trên con đường đã chọn!
“Khi được nhìn thấy những gì mình học góp phần thay đổi tích cực con người và thế giới xung quanh, học sinh sẽ nghiêm túc, có động lực và ý thức với việc học hơn. Việc học sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ của điểm số, của những hoang mang lo sợ về các kỳ kiểm tra, về học thuộc lòng, nhồi nhét thông tin. Khi đó, học sinh mới có thể chạm được đến bản chất của việc học: Không phải chỉ chăm chăm đến việc học cái gì, mà còn quan tâm đến việc học như thế nào và vì sao phải học.” (Nguyễn Chí Hiếu)