Khi nhắc đến hai từ “giáo dục", chúng ta thường nhầm lẫn và nghĩ đến “dạy học", trường học hay những thứ tương tự như vậy. Thật ra nghĩ như vậy thì cũng không sai, nhưng nó không hoàn toàn đúng vì ý nghĩa và bản chất của “giáo dục" rộng lớn hơn rất nhiều. “Dạy học" chỉ đơn thuần là việc cố gắng dạy, cung cấp kiến thức đã được chuẩn bị sẵn cho một người nào đó. Hay nói cách khác, dạy học xét trong bối cảnh lớp học thì chỉ đơn thuần là việc người thầy dạy cho học sinh một bài giảng nào đó mà thôi. Người học lúc này chỉ là một “vật thể" thụ động đang chờ đợi được giảng giải hơn là một “người" thực sự tham gia và kết nối với đối tượng đang dạy mình. 
Vậy, giáo dục là gì? 
Giáo dục ở đây, nên được hiểu là một quá trình “gửi gắm sự thật và năng lực được vun bồi bởi lòng nhiệt huyết và thời gian cho việc học hỏi và khám phá mọi thứ". Hay như nhà triết thuyết giáo dục John Dewey (1916) cũng từng nói: giáo dục là một quá trình xã hội, bản thân nó là cuộc sống chứ không phải là sự chuẩn bị giả tạo cho một tương lai vốn dĩ không thể minh định được (*). Và theo nghĩa này, giáo dục có nghĩa là những người thầy phải đồng hành, tương tác, có sự kết nối hai chiều và chủ động với học sinh hơn là xem học sinh như một vật thể thụ động.
Vậy, giáo dục gồm những tính chất nào?
  • Có tính mục đích và tràn đầy hi vọng: chúng ta “giáo dục” vì những mục đích cao cả và với niềm tin rằng con người có thể trở nên tốt đẹp hơn
  • Có chủ ý kèm theo sự tôn trọng và trí tuệ: giáo dục là một quá trình gửi gắm sự thật và năng lực
  • Sự khao khát được tiến bộ và chia sẻ trong cuộc sống

Tóm lại: “dạy học” chỉ đơn thuần là việc giảng dạy kiến thức, học sinh chỉ đóng vai trò thụ động lắng nghe. Còn “giáo dục" là một quá trình tác động hai chiều, có mục đích nhằm hoàn thiện nhân cách (không chỉ bao gồm kiến thức mà còn là kĩ năng, niềm tin, đạo đức, thẩm mỹ…) của người học, và người học trong quá trình này đóng vai trò chủ động.