Chi Nguyễn hay The Present Writer có lẽ là cái tên không còn xa lạ gì đối với các bạn yêu thích giáo dục, sáng tạo và phát triển bản thân. Hiện tại chị Chi đang là Tiến sĩ giáo dục tại Mỹ, là chủ nhân của các trang blog, youtube, podcast, tiktok The Present Writer và là tác giả của "Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản".
Đến với số podcast thứ 7 này của The Creator, chị Chi sẽ mang đến những góc nhìn gì về giáo dục, lối sống và con người? Hãy cùng host Linh Vetter khám phá ngay nhé!
Dưới đây chỉ là 3 câu hỏi mà chúng mình cho là thú vị nhất thui, các bạn có thể lắng nghe buổi nói chuyện đầy đủ tại đây.
Host Linh Vetter: Như chị Chi nói, cảnh vật và đường xá ở Việt Nam thay đổi rất nhiều khi chị quay  trở lại, vậy chị có thấy con người Hà Nội thay đổi không? 
Chi Nguyễn: Thực ra, Chi thấy người Hà Nội là thứ duy nhất chị nghĩ không thay đổi. Đó là điều mà khi chị quay lại quê hương, chị không thấy nó thay đổi nhiều lắm. Bà ngoại chị là người Hà Nội gốc và sau 7 năm xa quê về gặp bà, chị vẫn thấy bà như vậy, có nét gì đó cổ kính, hơi bảo thủ nhưng cũng rất đáng yêu, rất Hà Nội. Không chỉ vậy, những người bạn của Chi ở Hà Nội cũng thế, dù có rất nhiều hàng quán mới mọc lên nhưng họ vẫn ăn những quán ăn cũ, những quán ăn tuổi thơ. Điều này giúp Chi thấy rằng, có những cái, có những điều vẫn vẹn nguyên giá trị Hà Nội dù cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, nó cũng gợi Chi suy nghĩ về việc đâu là những thứ thay đổi và đâu là những điều không thay đổi hoặc là mọi thứ, cuộc sống thay đổi hay chính bản thân mình thay đổi và đôi khi cũng có thể do góc nhìn, nội tâm mình thay đổi khiến mình nhìn mọi thứ thay đổi hay mình vẫn còn là một cô gái mang những giá trị Hà Nội ngày xưa.
Host Linh Vetter: Quan điểm của chị Chi về giáo dục? 
Chi Nguyễn: Một đứa trẻ là một tờ giấy trắng, khi mà mình dạy như thế nào thì nó sẽ biết về thế giới của nó như thế, nó không biết gì về thế giới bên ngoài. Một người giáo viên, một người làm giáo dục cần nói cho trẻ biết thực ra thế giới bên ngoài nó như thế này. Đó là tư duy của một dòng giáo dục tên là “critical pedagogy” của Paulo Freire, tức là mình dạy cho trẻ sự phản biện để trẻ biết là đây không phải thực tế duy nhất mà nó có, điều đó có thể bị bóp méo, bị thay đổi, ảnh hưởng bởi những người lớn khác mà bản thân đứa trẻ không biết. Vậy nên mình cần làm sao để cho nền giáo dục phải được bình đẳng. Sự bình đẳng được thể hiện là mình trao cơ hội với các em tương đương với nhau và dạy các em biết thế giới nhiều và đa chiều như thế nào. 
Host Linh Vetter: Trọng tâm của Chủ Nghĩa Tối Giản theo em thấy là “ Be more with less”, vậy nếu như có một bạn trẻ tham vọng muốn đạt được những mục tiêu lớn và nhiều thì hai điều đó có dung hòa được cho nhau không hay nó tương phản và đối lập?
Chi Nguyễn: Chị nghĩ nó hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau. “Be more with less” có nghĩa là mình sẽ có nhiều hơn, trưởng thành nhiều hơn khi mà có ít hơn. Khi mình mong muốn nhiều thì mình lại phải dọn chỗ nhiều. Ví dụ, mình muốn mua sách mới thì mình phải bỏ những cuốn sách không còn phù hợp nữa ra mới có chỗ cho sách mới. Thế nên, mình càng muốn nhiều thì mình càng phải dọn nhiều, phải bỏ đi những thứ thừa thãi, mình phải gọt rửa nhiều và tập trung vào thế mạnh của mình hơn. Trong “Một cuốn sách về Chủ nghĩa tối giản” chị có nói cụ thể hơn về vấn đề chọn lựa và ưu tiên. Mình có thể muốn rất nhiều nhưng đâu là điều mình muốn làm và ưu tiên trong thời điểm này. Nếu mình dùng quy luật 80 - 20 thì 20 phần nào trong dự định của mình đem lại 80% thành quả của mình thì mình sẽ tập trung vào điều đó. Vậy nên chị nghĩ nó không phải đối chọi mà sẽ hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau. 
Lắng nghe đầy đủ cuộc trò chuyện của host Linh Vetter và khách mời Chi Nguyễn (The Present Writer) tại đây: 
Để cập nhật nhanh chóng các số podcast mới nhất của Talk Sâu, bạn có thể theo dõi tại: