Ngày 24/2/2025, tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc quản lý tiền kỹ thuật số dưới dạng tài sản ảo, đồng thời đề xuất nghiên cứu cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để thành lập sàn giao dịch tài sản số. Chỉ chưa đầy hai tuần sau, tại họp báo Chính phủ ngày 5/3/2025, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi xác nhận rằng Bộ Tài chính, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đang gấp rút hoàn thiện khung pháp lý để thí điểm một sàn giao dịch crypto chính thức do Nhà nước cấp phép ngay trong tháng 3 này.
img_0
Điều này có nghĩa là gì? Crypto, từ một thị trường hoạt động trong vùng xám pháp lý, nay đang dần được đặt vào khuôn khổ quản lý. Đây không còn là những cuộc thảo luận mang tính lý thuyết mà là những bước đi thực tế để thiết lập một môi trường giao dịch có trật tự, minh bạch và được bảo vệ. Nhưng câu hỏi quan trọng đặt ra là: Tại sao lại là sàn giao dịch tập trung?
Hãy tưởng tượng bạn thức dậy vào một buổi sáng, kiểm tra ví crypto như thói quen hàng ngày, và chợt nhận ra 24 triệu USD đã bốc hơi, tất cả chỉ vì một cú click nhầm. Đó chính xác là những gì đã xảy ra với một cá voi tiền điện tử vào tháng 9/2023. Nhà đầu tư này, vốn sở hữu hàng nghìn ETH được staking, đã trở thành nạn nhân của một cuộc tấn công lừa đảo tinh vi. Một trang web giả mạo, được thiết kế giống hệt giao diện quen thuộc của các giao thức DeFi, đã đánh lừa anh ta nhấn "Increase Allowance", một thao tác tưởng chừng vô hại nhưng thực chất đã cấp quyền cho kẻ tấn công rút toàn bộ số tiền trong ví.
13.785 ETH cùng 1,64 triệu DAI biến mất ngay lập tức. Những kẻ đứng sau vụ tấn công đã nhanh chóng chuyển đổi số tài sản này qua nhiều giao thức khác nhau, xóa sạch dấu vết trước khi nạn nhân kịp nhận ra điều gì đang xảy ra. Đây không phải là lần đầu tiên một nhà đầu tư mất tiền vì một cú approve nhầm. Nhưng điều khiến vụ việc này đặc biệt gây chấn động chính là số tiền bị đánh cắp, 24 triệu USD, một trong những vụ hack ví cá nhân có giá trị lớn nhất trong lịch sử crypto tính theo USD tại thời điểm xảy ra.
Crypto không phải chỉ có cơ hội kiếm tiền, mà nó cũng chứa đầy rủi ro mất tiền, và chính phủ hiểu rất rõ điều này. Không phải ai cũng có thể tự bảo vệ mình trên một thị trường đầy rẫy cạm bẫy như DeFi. Đó là lý do mà CEX, sàn giao dịch tập trung, trở thành tâm điểm của quá trình quản lý. Không giống như DEX, nơi giao dịch diễn ra ẩn danh và không thể kiểm soát, CEX có thể được giám sát, có cơ chế bảo vệ người dùng, và quan trọng nhất là có thể vận hành theo luật pháp. Khi nói về giao dịch an toàn trong crypto, không thể bỏ qua vai trò của CEX, bến cảng an toàn trong một thị trường đầy biến động.
Vậy giữa CEX và DEX, đâu mới là lựa chọn an toàn nhất? Và quan trọng hơn, làm sao để không trở thành người nông dân mất con ngỗng đẻ trứng vàng trong thế giới crypto? Hãy cùng khám phá trong bài viết này. 
Bài viết này là một phần trong series hợp tác giữa Spiderum & Bitget. Bitget là sàn giao dịch đứng top 8 toàn cầu theo Forbes, phục vụ hơn 100 triệu người dùng trên hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 800 loại coin, và quỹ bảo vệ hơn 600 triệu USD. Ở Series này sẽ là nơi chúng mình cùng nhau khám phá thị trường crypto một cách dễ hiểu và thực tế nhất. Nếu bạn là người mới, có thể bạn đã nghe nhiều về những cơ hội đầu tư sinh lời từ tiền điện tử, nhưng cũng đầy rẫy những lo ngại về rủi ro và lừa đảo. Series này sẽ giúp bạn hiểu rõ cách thị trường vận hành, cách giao dịch an toàn, và những yếu tố quan trọng để đầu tư một cách có định hướng. Nào, cùng bắt đầu thôi!

1. Sàn giao dịch phi tập trung (DEX) – Toàn quyền kiểm soát, nhưng không hề dễ dàng

Tháng 11 năm 2022, đế chế FTX sụp đổ chỉ trong vài ngày. Hàng tỷ đô la của người dùng bị đóng băng, những tài sản tưởng chừng an toàn bỗng dưng tan biến. Đó là lúc nhiều người mới thực sự thấm thía câu nói “Not your key, not your coin”, nếu bạn không tự giữ khóa ví của mình, thì tài sản của bạn chưa bao giờ thực sự thuộc về bạn.
Chính vì thế, không có gì lạ khi nhiều người tin rằng DEX mới là nơi đại diện cho tinh thần thực sự của crypto. Nhưng DEX là gì?
Decentralized Exchange (hay viết tắt DEX) là sàn giao dịch phi tập trung, nơi bạn có thể mua bán tài sản crypto trực tiếp với người khác mà không cần trung gian. Nếu như các sàn giao dịch tập trung (CEX) như Binance, hay Bitget đóng vai trò như một ngân hàng giữ tiền hộ bạn, thì DEX giống như một khu chợ tự do, nơi bạn tự quản lý tài sản của mình mà không ai có quyền can thiệp. Các giao dịch trên DEX diễn ra trực tiếp trên blockchain thông qua smart contract, không ai có thể kiểm soát hay dừng giao dịch của bạn.
Ví dụ, một số DEX nổi tiếng mà bạn có thể đã nghe qua là Uniswap (trên Ethereum), PancakeSwap (trên BNB Chain) hay Curve Finance (chuyên giao dịch stablecoin). Trên các nền tảng này, bạn chỉ cần kết nối ví cá nhân như MetaMask, nhập số token muốn trao đổi, và giao dịch sẽ được thực hiện tự động mà không cần đăng ký tài khoản hay xác minh danh tính.
Điểm hấp dẫn khi giao dịch trên DEX chính là bạn có toàn quyền kiểm soát tài sản của mình. Không ai có thể đóng băng ví của bạn, không ai có thể hạn chế giao dịch của bạn, và cũng không có nguy cơ sàn ôm tiền bỏ trốn. Mọi thứ hoàn toàn nằm trong tay bạn.
Tự do tài chính thực sự chính là bạn có toàn quyền kiểm soát tài sản của mình. Không ai có thể đóng băng ví của bạn, không ai có thể quyết định bạn có thể rút tiền hay không. Nếu như sàn CEX giống như một ngân hàng, nơi bạn gửi tiền vào và đặt niềm tin vào họ để giữ hộ, thì DEX lại giống như việc bạn cầm tiền mặt trong tay, tự quyết định mọi thứ mà không phải nhờ ai bảo quản giúp.
img_1
Không chỉ dừng lại ở đó, DEX còn mang lại tính ẩn danh cao. Khi giao dịch trên sàn tập trung, bạn buộc phải thực hiện KYC (xác minh danh tính), cung cấp thông tin cá nhân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Điều này khiến bạn không còn quyền riêng tư tuyệt đối. Nhưng trên DEX, không ai yêu cầu bạn phải khai báo danh tính, không ai biết bạn là ai. Bạn chỉ cần kết nối ví và giao dịch, không có bước trung gian nào làm chậm trễ hay kiểm soát bạn.
Một lợi ích khác không thể không nhắc đến chính là DEX không có nguy cơ sập sàn. Nếu một sàn CEX phá sản, tiền của bạn có thể biến mất cùng với nó, giống như những gì đã xảy ra với FTX. Nhưng với DEX, không có một tổ chức nào đứng ra giữ tiền của bạn cả. Mọi giao dịch được thực hiện thông qua smart contract (hợp đồng thông minh) trên blockchain, và tài sản của bạn luôn nằm trong ví cá nhân của bạn, trừ khi chính bạn quyết định giao dịch. Điều này có nghĩa là bạn không bao giờ phải lo lắng về việc một ngày nào đó mở mắt ra và thấy tài khoản của mình bị khoá.
Thế nhưng, có một lỗi tư duy ở đây. DEX mang lại nhiều lợi ích, nhưng không có nghĩa là nó an toàn tuyệt đối. Nếu sàn CEX có thể sụp đổ vì quản lý yếu kém, thì DEX cũng không thiếu những rủi ro khiến người dùng mất trắng tài sản. Chỉ khác ở chỗ, những rủi ro này không đến từ một tổ chức trung gian, mà đến từ chính những sai lầm cá nhân và cả những lỗ hổng trong hệ sinh thái DeFi. Đáng sợ hơn, chúng thường xảy ra một cách rất lặng lẽ, đến mức khi nhận ra thì đã quá muộn.
Không ít người tin rằng giao dịch trên DEX là an toàn chỉ vì họ đang nắm giữ private key của mình. Nhưng trong thực tế, DeFi space vẫn tiềm ẩn vô số “quả bom chìm”, từ những smart contract có lỗ hổng bảo mật đến những cuộc tấn công tinh vi nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng như các cross-chain bridge. Các nền tảng bridge, vốn đóng vai trò kết nối giữa các blockchain, lại chính là một trong những điểm yếu lớn nhất của DeFi. Chỉ cần một lỗ hổng nhỏ trong mã nguồn, hacker có thể khai thác và đánh cắp hàng trăm triệu USD.
Những vụ hack đình đám như Ronin Bridge của tựa game đình đám Axie Infinity bị tấn công và thất thoát 625 triệu USD, hay BNB Bridge bị hack ước tính thiệt hại 586 triệu USD đều là những minh chứng rõ ràng cho rủi ro bảo mật của DeFi. Nhưng đó chỉ là những vụ việc lớn được báo chí nhắc đến. Thực tế, còn vô số vụ hack nhỏ lẻ xảy ra mỗi ngày mà không có ai thống kê chính xác, một cú click vào nhầm website scam, một lệnh approve vô tình trao quyền kiểm soát toàn bộ ví cho một đồng coin lừa đảo, hay một giao dịch trên smart contract với lỗ hổng mà người dùng không hề hay biết.
DEX có thể là thiên đường cho những người có kinh nghiệm, nơi họ có thể giao dịch tự do mà không lo bị kiểm soát. Nhưng với một người mới, nó giống như đại dương rộng lớn, đầy rẫy dòng chảy ngầm và những cạm bẫy vô hình. Quyền kiểm soát tuyệt đối nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng nó cũng đi kèm với trách nhiệm mà không phải ai cũng sẵn sàng gánh vác. Nếu không trang bị đủ kiến thức, bạn có thể trở thành một trong số những người “tự do nhưng mất sạch” trong thế giới crypto.
Vậy, nếu DEX có quá nhiều rủi ro cho người mới, liệu CEX có phải là một lựa chọn dễ dàng hơn?

2. Sàn giao dịch tập trung (CEX) – Dễ dùng, bảo mật cao hơn nhưng cần tin tưởng bên thứ ba

Nếu DEX là một vùng biển rộng đầy rẫy những dòng chảy ngầm khó đoán, nơi mỗi người phải tự chèo lái con thuyền của chính mình, thì CEX giống như một bến cảng đông đúc nhưng có trật tự, nơi mọi thứ được tổ chức bài bản, có bảng chỉ dẫn rõ ràng và có đội ngũ hỗ trợ luôn sẵn sàng giúp đỡ. Không phải ai cũng đủ tự tin để lao thẳng ra biển lớn với một chiếc thuyền nhỏ và chiếc la bàn mơ hồ. Đó là lý do vì sao hầu hết người mới khi bước vào crypto đều chọn CEX làm nơi khởi đầu, một nơi mà họ có thể giao dịch một cách dễ dàng mà không cần phải quá lo lắng về sóng dữ hay những cạm bẫy ẩn giấu.
Hãy tưởng tượng bạn đang đi du lịch và cần đổi ngoại tệ. Bạn có thể đi lang thang trên phố, tìm một ai đó sẵn sàng trao đổi tiền với bạn và cố gắng thương lượng giá cả. Nếu may mắn, bạn có thể có được một tỷ giá tốt, nhưng cũng không thể loại trừ rủi ro bị lừa, bị ép giá hoặc nhận phải tiền giả. Đây chính là cách mà DEX hoạt động, giao dịch trực tiếp giữa hai bên mà không có một trung gian nào đảm bảo cho bạn. Ngược lại, bạn cũng có thể đến một quầy thu đổi ngoại tệ chính thức, nơi bạn biết chắc chắn mình đang giao dịch với một tổ chức có uy tín, tỷ giá minh bạch, có nhân viên hỗ trợ nếu có vấn đề, và quan trọng nhất là bạn không cần phải lo lắng về việc bị lừa đảo. Đây chính là cách mà CEX vận hành, một sàn giao dịch tập trung, nơi mọi thứ đã được thiết lập sẵn để giúp bạn giao dịch nhanh chóng và an toàn.
CEX là một nền tảng giao dịch do một tổ chức điều hành, đóng vai trò trung gian giúp người dùng mua bán crypto dễ dàng hơn. Nếu như DEX đòi hỏi bạn phải tự quản lý mọi thứ, từ bảo mật ví đến kiểm tra hợp đồng thông minh, thì CEX giúp đơn giản hóa quá trình này. Khi giao dịch trên CEX, bạn chỉ cần tạo tài khoản, nạp tiền và thực hiện giao dịch mà không cần lo lắng về những yếu tố kỹ thuật phức tạp. Các sàn giao dịch lớn như Binance, Bitget, Coinbase hay Kraken đều là những CEX phổ biến nhất thế giới, nơi bạn có thể mua bán Bitcoin, Ethereum và hàng trăm loại crypto khác chỉ với vài cú click chuột.
img_2
Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp một nền tảng giao dịch đơn thuần, các sàn CEX ngày nay đang dần phát triển thành những hệ sinh thái hoàn chỉnh, không chỉ giúp bảo vệ người dùng mà còn cung cấp nhiều phương pháp đầu tư đa dạng. Từ giao dịch giao ngay (spot), giao dịch phái sinh (derivatives), staking, lending, đến copy trading, mọi thứ đều có sẵn trong cùng một nền tảng, giúp người dùng có thể tiếp cận các công cụ tài chính phức tạp mà không cần phải đi quá xa khỏi vùng an toàn.
Đặc biệt, sau sự kiện FTX sụp đổ, nhiều người từng tin rằng đây chính là dấu chấm hết cho các sàn giao dịch tập trung. Nhưng thực tế lại khác. Sự kiện này không chỉ là cú sốc lớn với thị trường, mà còn là bài học để các sàn CEX uy tín thay đổi, thích nghi và phát triển mạnh mẽ hơn. Những yếu điểm trong mô hình CEX đã bị phơi bày, từ việc thiếu minh bạch tài chính, sử dụng tài sản người dùng sai mục đích, cho đến rủi ro khi một cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ quá nhiều quyền lực. Nhưng thay vì sụp đổ theo FTX, các sàn giao dịch lớn đã học hỏi từ sai lầm này và củng cố hệ thống của mình, áp dụng các tiêu chuẩn mới để bảo vệ người dùng tốt hơn.
Ngày nay, các nền tảng lớn như Binance, Coinbase hay Bitget đã triển khai các cơ chế như Proof of Reserves (PoR), đảm bảo rằng họ luôn có đủ tài sản để đáp ứng số dư của khách hàng. 
img_3
Chẳng hạn, Bitget sở hữu một trong những quỹ bảo vệ lớn nhất ngành, đạt 623 triệu USD vào tháng 2/2025, giúp bảo vệ tài sản người dùng trước biến động thị trường. Đồng thời, nền tảng này cam kết minh bạch tài chính với Proof of Reserves (PoR) luôn trên 1.3 lần tổng tài sản người dùng, đảm bảo khả năng thanh toán và tránh rủi ro vỡ nợ như những sàn từng sụp đổ.
Thế nhưng, không có gì là hoàn hảo. CEX an toàn hơn DEX về mặt sử dụng, nhưng lại đặt ra một vấn đề lớn: bạn phải tin tưởng vào bên thứ ba. Điều này có nghĩa là, thay vì trực tiếp kiểm soát tài sản của mình, bạn đang giao nó cho một tổ chức vận hành sàn giao dịch. Nếu sàn hoạt động minh bạch, bảo mật tốt và có trách nhiệm, bạn sẽ không gặp vấn đề gì. Nhưng nếu sàn có dấu hiệu lừa đảo, quản lý kém, hoặc tệ hơn, phá sản như FTX, thì rủi ro mất tiền là rất lớn.
Bên cạnh đó, giao dịch trên CEX cũng đồng nghĩa với việc bạn phải tuân thủ các quy định KYC (Know Your Customer), tức là cung cấp thông tin cá nhân để xác minh danh tính. Điều này đi ngược lại với tinh thần ẩn danh và phi tập trung của crypto, khiến một số người lo ngại về quyền riêng tư.
Vậy, CEX có phải là lựa chọn hoàn hảo không? Không hẳn. Nhưng nó là lựa chọn hợp lý cho người mới, giúp họ làm quen với giao dịch crypto một cách dễ dàng và an toàn hơn. Và quan trọng hơn, nếu biết chọn một sàn giao dịch đáng tin cậy, bạn vẫn có thể tận hưởng những lợi ích của CEX mà không phải lo lắng quá nhiều về rủi ro mất tài sản.
Nhưng đừng quên, dù là CEX hay DEX, bảo vệ tài sản của mình vẫn là điều quan trọng nhất. Hãy sử dụng CEX một cách thông minh, biết cách đánh giá rủi ro, và đừng để sự tiện lợi khiến bạn chủ quan. Và nếu một ngày nào đó bạn muốn khám phá DEX, hãy đảm bảo rằng bạn đã chuẩn bị đủ kiến thức để bước vào thế giới phi tập trung mà không bị nhấn chìm.

3. Người mới nên chọn hướng đi nào?

Vậy, giữa CEX và DEX, đâu là lựa chọn tốt nhất cho một người mới bước vào thị trường crypto? Câu trả lời không phải là chọn một trong hai, mà là biết cách sử dụng cả hai đúng thời điểm.
Nếu bạn là người mới, CEX là lựa chọn hợp lý để bắt đầu. Đơn giản, dễ sử dụng, không cần quá nhiều kiến thức kỹ thuật, lại có đội ngũ hỗ trợ khách hàng khi gặp vấn đề. Việc giao dịch trên CEX giúp bạn làm quen với thị trường một cách an toàn, tránh những sai lầm phổ biến như mất private key, gửi nhầm địa chỉ ví hay bị lừa đảo bởi các smart contract độc hại. Thêm vào đó, các sàn lớn như Bitget, Binance hay Coinbase có cơ chế bảo vệ tài sản người dùng, quỹ bảo vệ, Proof of Reserves minh bạch, giúp giảm thiểu rủi ro tối đa so với việc tự mình kiểm soát tài sản trên DEX.
Nhưng đừng dừng lại ở đó. Học cách sử dụng DEX là một bước tiến quan trọng trong hành trình crypto của bạn. Không ai ép bạn phải gắn bó với CEX mãi mãi. Khi đã quen với thị trường, hãy tìm hiểu về cách sử dụng ví non-custodial, bảo mật private key, và cách tương tác với các giao thức DeFi. DEX có thể phức tạp hơn, nhưng nó giúp bạn thực sự làm chủ tài sản của mình, không phụ thuộc vào bất kỳ bên thứ ba nào.
Hơn thế nữa, DEX là nơi những xu hướng và câu chuyện mới trong crypto thường xuất hiện đầu tiên. Những cơ hội đầu tư tiềm năng, các dự án đột phá trong DeFi, hay những innovation về yield farming, staking, liquid staking đều bắt nguồn từ không gian phi tập trung trước khi được áp dụng rộng rãi trên CEX. Nếu bạn có đủ kiến thức và khả năng đánh giá dự án, việc bước chân vào DEX sẽ giúp bạn tiếp cận sớm với những cơ hội mà phần lớn người dùng CEX chưa kịp nhận ra. Nhưng đi cùng với đó là rủi ro cao hơn, đòi hỏi bạn phải luôn thận trọng và trang bị đầy đủ kỹ năng tự bảo vệ tài sản của mình.
Vậy, quay trở lại câu hỏi đầu bài: Làm sao để giao dịch an toàn trên CEX và DEX?
Với CEX, đây là canh bạc niềm tin, nơi bạn giao phó tài sản của mình cho một bên thứ ba quản lý. Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên là chọn một sàn giao dịch an toàn, minh bạch và có cơ chế bảo vệ người dùng rõ ràng. Không phải sàn CEX nào cũng đáng tin cậy, và những bài học từ FTX đã cho thấy rằng ngay cả những nền tảng tưởng chừng vững chắc cũng có thể sụp đổ nếu thiếu quản lý minh bạch.
Để bảo vệ tài sản, bạn nên lựa chọn những sàn giao dịch lớn có Proof of Reserves (PoR), quỹ bảo vệ người dùng, và lịch sử hoạt động tốt.
Bên cạnh việc chọn một sàn uy tín, bạn cũng cần tuân thủ các nguyên tắc bảo mật cơ bản:
Bật bảo mật 2 lớp (2FA) để ngăn chặn truy cập trái phép.
Không lưu trữ toàn bộ tài sản trên sàn, chỉ để số tiền cần giao dịch, phần còn lại nên rút về ví riêng.
Cảnh giác với phishing & email giả mạo, không đăng nhập tài khoản qua các đường link lạ.
Không chia sẻ thông tin tài khoản, API key hoặc mật khẩu với bất kỳ ai.
Xem xét phí giao dịch & thanh khoản để tối ưu hóa lợi nhuận.
Với DEX, quyền kiểm soát tài sản nằm hoàn toàn trong tay bạn, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn phải tự bảo vệ mình. Không ai có thể giúp bạn nếu bạn mắc sai lầm, vì vậy bảo mật cá nhân là ưu tiên hàng đầu. Hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng ví non-custodial đáng tin cậy như Metamask hoặc Bitget wallet, lưu trữ private key & seed phrase cẩn thận, và cảnh giác với website giả mạo. Khi giao dịch trên DEX, hãy kiểm tra hợp đồng thông minh trước khi swap hoặc staking, hạn chế approve vô thời hạn (Unlimited Approval), và sử dụng ví cứng nếu nắm giữ tài sản lớn.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất không phải là CEX hay DEX, mà là bạn có đủ kiến thức để bảo vệ tài sản của mình hay chưa. Dù giao dịch ở đâu, hãy luôn kiểm tra đường link trước khi kết nối ví, cẩn trọng với những giao dịch approve, không click vào các đường link lạ, và sử dụng ví cứng nếu nắm giữ tài sản lớn.
Trong crypto, không có lựa chọn nào an toàn tuyệt đối, chỉ có những người biết cách bảo vệ mình mới có thể tồn tại lâu dài. Và nếu bạn đã đọc đến đây, có lẽ bạn đã đi trước rất nhiều người chỉ lao vào thị trường mà không chuẩn bị gì cả.